Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 188) – Gia Đình Người Bệnh Không Tin Phật Pháp Thì Ban Hộ Niệm Nên Làm Như Thế Nào?

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 188)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin chư vị mở trang 76. Hôm hay chúng ta bàn đến một việc khá phổ thông, đó là:

Vấn đề gia đình người bệnh không tin tưởng Phật pháp.

Gặp trường hợp này ban hộ niệm sẽ làm gì? Đây là một vấn đề rất thường gặp khi đi hộ niệm làm cho cuộc hộ niệm bị thất bại. Vậy thì, khi gia đình người bệnh không tin tưởng Phật pháp, ban hộ niệm sẽ làm sao đây?

(a): Ban hộ niệm nên thường xuyên đến thăm hỏi và khai thị cho họ tin tưởng.

Đúng hay sai? – (Sai). Nếu ban hộ niệm phải đến từng nhà để thăm hỏi và khai thị cho từng gia đình, thì ban hộ niệm đang bỏ tu để đi làm chuyện phan duyên. Thực ra, muốn được hộ niệm, gia đình phải tin tưởng và trực tiếp mời ban hộ niệm, thì ban hộ niệm mới đến hộ niệm được. Có tin tưởng, có mong muốn được hộ niệm, có mời và biết tôn trọng quy luật hộ niệm thì mới có duyên. Nếu một gia đình có người tin có người không tin, thì những người tin tưởng tới gặp và mời ban hộ niệm. Ban hộ niệm dựa vào cái duyên của những người đồng thuận mà đến trình bày với gia đình, khuyến tấn, dẫn giải, hy vọng rằng gia đình sẽ hiểu ra sự quý hóa của sự hộ niệm để trợ duyên cho người thân của họ, còn đòi hỏi ban hộ niệm phải đi tới từng nhà gõ cửa giảng nói thì không đúng, không đúng với luật tự nhiên, không đúng với nguyên tắc làm đạo. Hộ niệm là cứu người bệnh, người thân trong gia đình họ, chứ không phải là quyền lợi của ban hộ niệm. Làm đạo phải thuận duyên mới có kết quả tốt, phan duyên sinh ra nhiều phiền não.

Nếu thấy Pháp Hộ-Niệm cứu người vãng sanh quá vi diệu, chúng ta có thể tìm cách lưu thông Pháp Hộ-Niệm đến khắp nơi, thì điều này đáng được tán thán. Ví dụ như vừa rồi nhiều vị ở Âu Châu phát tâm phổ biến Pháp Hộ-Niệm rộng đến khắp nơi, Diệu Âm vô cùng hoan hỷ và xin thành tâm tán thán. Đây là tâm bố thí pháp, chúng ta vì lợi ích chung cho chúng sanh mà cố gắng làm, chứ không nên nhắm đến từng cá nhân mà làm điều miễn cưỡng.

Tại Việt Nam, đồng bào thân thuộc của chúng ta có hơn 90 triệu người thì việc phát triển Pháp Hộ-Niệm lại càng nên đặc biệt chú ý. Một người vận động không bằng 10 người vận động. 10 người vận động không bằng 100 người, 1.000 người cùng nhau xiển dương. Vài chục năm qua chúng ta đã cố gắng nói về hộ niệm rất nhiều, nhưng thực tại đến nay số người biết về hộ niệm so ra cũng còn quá ít. Có hộ niệm mới có hy vọng vãng sanh thành đạo. Không hộ niệm không có hy vọng thoát nạn, chỉ thấy bị chết chịu đọa lạc mà thôi. Quá thương hại vậy!…

Con người trong thời này quá thiếu căn lành, không biết đường thoát nạn, không tin vãng sanh, ngăn cản sự hộ niệm… là điều vô cùng thường tình đầy tệ hại. Chướng ngại này lớn lắm, mong chư vị chú ý lo hóa giải trước.

(b): Ban hộ niệm không được tự ý đến hộ niệm cho người bệnh.

Đúng không? – (Đúng). Hộ niệm phải thuận duyên. Gia đình phải đồng thuận mời ban hộ niệm thì ban hộ niệm mới đến hộ niệm cho người bệnh được, chứ không thể cứ nghe có người bệnh thì ban hộ niệm đến đề nghị hộ niệm mà được. Một người không tin, không muốn vãng sanh thì ban hộ niệm có quyền năng gì mà ép buộc người ta đi vãng sanh?!… Trước đây có vài ban hộ niệm cứ nghe nhà nào có người bệnh thì tới gõ cửa: “Cốc-Cốc… Cốc-Cốc… cho chúng tôi hộ niệm”. Vô tình, không những không hộ niệm được gì, mà còn bị người dân cho là dị đoan mê tín. Rõ ràng, vì quá nhiệt tình mà đã nhận lấy nhiều phiền não một cách vô ích.

Chính vì thế, trong mấy chương trước chúng ta có nói qua, muốn được hộ niệm, đầu tiên phải có người đại diện cho gia đình chính thức tới gặp ban hộ niệm hoặc điện thoại mời, chứ không thể nhờ một người bên ngoài tới gặp mà ban hộ niệm có thể tiến hành hộ niệm được. Một người bạn bên ngoài chỉ có thể làm người giới thiệu, tiến dẫn chứ không thể làm người đại diện cho gia đình người bệnh được.

Hơn nữa, khi được gia đình mời rồi, ban hộ niệm cần yêu cầu tất cả thành viên trong gia đình phải họp lại trong ngày đầu tiên để nghe qua về quy luật hộ niệm. Gia đình phải chấp nhận quy luật này mới có thể được hộ niệm. Quy luật phải vững, niềm tin phải chân thực, cộng với tinh thần trách nhiệm cao mới giúp cho cuộc hộ niệm có hy vọng được thành tựu vậy.

Và hơn nữa, để cho cuộc hộ niệm giảm bớt chướng ngại bất ngờ xảy ra, sau khi gia đình chấp nhận tôn trọng quy luật rồi, ban hộ niệm cũng nên hỏi lại người trong gia đình hãy thành thực cho biết, có mục nào cảm thấy khó khăn không thể thực hiện trọn vẹn hay chăng? Nếu có, ban hộ niệm hãy tìm cách hóa giải giúp đỡ cho họ an tâm không còn lo lắng nữa. Nên nhớ cho, thực sự quy luật hộ niệm không có điều gì đụng chạm đến quyền lợi của gia đình hay gây khó khăn trong sinh hoạt, mà đó chỉ là những tiêu chuẩn căn bản giúp cho mọi người làm theo đúng chánh pháp, ngăn chận những thói quen sai lầm nguy hại mà thôi.

Pháp Phật không xa rới pháp thế gian đâu, nhưng chúng ta phải cẩn thận vì có nhiều tập tục của thế gian làm ngược lại chánh pháp. Chính vì thế, ban hộ niệm không thể vị nể quá đáng mà làm sai lệch quy luật của Pháp Hộ-Niệm được. Thành thực mà nói rằng, có nhiều lúc chính người thân thuộc trong gia đình của mình ngang ngạnh, lỗ mãn thì mình cũng không dám hộ niệm, huống chi là người ngoài. Đây là sự thực. Vì sao vậy? Đối với một người quyết không tin, khinh thường pháp Phật, thì hộ niệm cho họ không những không có lợi mà còn có thể gây đại họa cho họ, vì dễ tạo cơ duyên cho họ buông lời phỉ báng pháp Phật mà kết thành tội cực trọng. Một gia đình không thích hộ niệm, người bệnh không hoan hỷ sự vãng sanh, thì hộ niệm sẽ không giúp ích được gì, mà dễ tạo duyên cho họ gây nên tội chướng, lại còn sinh ra phiền não. Hơn nữa, luật lệ xã hội không cho phép một ai được quyền xâm nhập vào nhà của người khác mà không có sự đồng ý của chủ nhà.

Xin thưa thực chư vị, khi một người đã phỉ báng pháp Phật thì đành chịu thua. Người không tin thì vô duyên, nhưng họ chưa thốt lên lời bất kính với pháp Phật thì chưa kết thành tội chướng. Nếu người hộ niệm quá nhiệt tâm, cứ dựa vào tâm từ bi mà phan duyên hộ niệm, thì dễ dàng tạo ra cơ hội cho người ta buông lời thất lễ, bất kính liên quan đến tội phỉ báng pháp Phật, vô tình vì hộ niệm mà làm cho họ tạo nghiệp tội vô cùng nặng nề. Xin phải cẩn thận.

Có một lần Đại Lão Hòa Thượng Tịnh-Không giảng rằng, giữa hai tội: ngũ nghịch và phỉ báng pháp Phật, thì tội phỉ báng pháp Phật nặng hơn rất nhiều.

Ngũ nghịch là những tội ác rất nặng, đối với thế gian khó thoát khỏi tử hình, đối với nhân-quả báo ứng của nhà Phật thì bị đọa đến địa ngục A-tỳ vô gián. Tội ngũ nghịch gồm có: giết cha, hại mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu. Riêng tội phỉ báng pháp Phật thì luật lệ thế gian không nhắc tới, nhưng tại sao đối với pháp Phật thì quả báo lại nặng nề như vậy?

Thưa chư vị, Ngũ nghịch là tội ác rất lớn, giết cha hại mẹ… không ai có thể tha thứ được. Nhưng những người tạo nên tội ác này thường khi chỉ làm ra trong lúc có sự bức xúc cực điểm nào đó, hoặc do tâm hồn mê mờ điên loạn nhất thời mà làm nên. Những người này nếu gặp được thiện tri thức khuyên giải, chỉ điểm, họ có thể giựt mình tỉnh giác về tội ác của mình, thành tâm ăn năn sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Do lòng chí thành chí thiết niệm Phật quyết lòng cầu vãng sanh thành đạo để cứu độ lại những người họ đã giết hại, họ vẫn có thể chuyển đại tội thành đại phước, họ được vãng sanh theo diện sám nghiệp vãng sanh. Do lòng kiệt thành sám hối mà họ chuyển thân phàm này thành thân Phật. Còn những người không có lòng tin, thường rất khó thay tâm đổi tánh, có nói gì nói họ vẫn không tin. Không tin thì không niệm Phật, không nguyện vãng sanh, nên nhất định họ không được vãng sanh. Ngược lại, với cái tâm bất tín, ngang ngạnh, thô tháo họ dễ dàng buông lời chống đối, phỉ báng pháp Phật, phá mất tâm đạo của người khác. Họ chịu cái tội của chính họ rồi, mà còn rước luôn cái tội đoạn mất đường giải thoát của chúng sanh, nên tội chướng vô cùng nặng nề, quả báo vô cùng tệ hại! Chính vì lý do này, Hòa Thượng Tịnh Không nói, giữa hai tội ngũ nghịch và không tin pháp Phật, thì tội bất tín khó được cứu độ hơn.

Trong kinh Phật, có kể câu chuyện về ông vua A-Xà-Thế, giết vua cha cướp ngôi, giam mẫu hậu trong lãnh cung, kết bè với Đề-Bà-Đạt-Đa tìm cách hại Phật, v.v… Ông đã làm nên nhiều điều đại tội thuộc về ngũ nghịch thập ác, quả báo nhất định sẽ là địa ngục A-tỳ. Nhưng cuối đời, được quần thần giảng giải nói ra những sai lầm. Ngài liền tỉnh ngộ, quyết tâm sám hối, quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Ngài được vãng sanh tới Thượng Phẩm Trung Sanh. Đây chính là một cuộc hộ niệm đặc biệt, đã được chính Đức Thế-Tôn nói ra trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, trong kinh Vua A-Xà-Thế. Trường hợp vãng sanh này là nhờ ông vua A-Xà-Thế đã tu được căn lành rất lớn từ trong tiền kiếp. Nhờ có căn lành mới khởi phát tín tâm. Có tín tâm nên niệm Phật cầu vãng sanh mới được vãng sanh.

Vậy thì, nếu gặp một gia đình không tin tưởng, nhất là người bệnh không có một chút niềm tin nào về Phật pháp, thì xin chư vị hộ niệm cần phải cẩn thận, đừng nên quá sốt sắn tới hộ niệm mà có thể vô tình gây hại cho họ vậy.

(c): Ban hộ niệm nên mời chư Tăng-Ni tới giảng giải cho gia đình họ hiểu rồi mới hộ niệm.

Đúng hay sai? – (Sai). Tại sao sai vậy? Vì nếu Phật Tử cứ réo gọi quý Thầy: “Thầy ơi!… Tới giảng cho người này người kia biết Pháp Hộ-Niệm…”, thì quý Thầy có lẽ phải từ chức làm Thầy luôn. Chư vị cần nhớ cho, quý Tăng-Ni có nhiệm vụ của Tăng-Ni, nào là: lo chùa chiền, lo việc tu tập, sắp xếp công việc chung cho chúng đệ tử tu hành… chứ đâu có thể phải lo đến từng nhà, gặp từng người để giải thích. Mỗi người có mỗi nhiệm vụ riêng, chúng ta không được quyền dẫm chân lên nhau mà gây xáo trộn làm mất thanh tịnh cửa chùa, không tốt.

Chúng ta phát tâm hộ niệm, thì phận sự của chúng ta là chỉ hộ niệm cho người có đủ duyên, còn những vấn đề khó khăn thì nên để cho chính mỗi người phải lo giải quyết lấy, chứ cớ chi lại giao đến cho quý Thầy. Chư Tăng-Ni có việc làm của Tăng-Ni, chùa chiền có việc làm của chùa chiền, Phật Tử có công việc của Phật Tử, người bệnh có việc làm của người bệnh, gia đình có việc làm của gia đình, tất cả đều phải thuận duyên với nhau mới hộ niệm được. Mong chư vị hãy sốt sắn phát tâm đi hộ niệm. Hãy nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm cho thật kỹ để chúng ta có dịp cứu giúp nhau. Hộ niệm để thành tựu cho một người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc công đức vô lượng.

Hiện tình hộ niệm ở nước ngoài còn yếu kém lắm, lâu lâu mới nghe một tin có người Việt Nam chết. Nhưng đợi chết rồi mới tìm đến ban hộ niệm thì cũng quá muộn rồi. Khả năng hộ niệm vốn đã yếu kém rồi, nay lại nhận thêm một ca hộ niệm để nhìn thấy thất bại mới. Thật đáng chua xót vậy! Vấn đề rõ ràng chính là Pháp Hộ-Niệm bên ngoài ít người biết qua. Ít hộ niệm thì ít kinh nghiệm, khi đối diện với sự thực rồi thì mới thấy chính mình còn quá yếu. Chính vì vậy, xin vỗ tay tán thán những vị ở Âu Châu phát tâm phổ biến Pháp Hộ-Niệm đến khắp nơi. Vỗ tay tán thán những vị ở Bắc Mỹ phát tâm lập lên trang Zoom trực tuyến qua Internet để học hỏi về hộ niệm. Những phát tâm này vô cùng lợi lạc. Cầu mong cho nhà nhà, người người đều biết đến Pháp Hộ-Niệm, để có thêm thật nhiều người được phước phần vãng sanh Tịnh-Độ.

Tu tập cần phải kiên trì, nhẫn nại. Phát tâm làm đạo cần cố gắng hoàn thành. Hộ niệm cần phải nghiên cứu rút tỉa kinh nghiệm. Có những kinh nghiệm vô cùng quý báu, nhất là kinh nghiệm từ Việt Nam, mà người hộ niệm cần nên học tập. Chúng mình ở đây nói thì hay, chứ chưa chắc gì thực sự hay bằng những người đã từng trải nghiệm qua nhiều lần hộ niệm đâu nhé.

Tu hành đừng bao giờ nói đủ nhé chư vị. Một khi nói đủ thì lộ ra tâm thượng mạn. Vướng phải tâm thượng mạn là vướng vào một đại thất bại trên đường tu học. Xin thưa với chư vị, khi đối diện với sự thực rồi dù có tỉnh ngộ thì cũng quá muộn màng. Một cuộc hộ niệm bị thất bại thường được đổ thừa cho đủ thứ lý do, nhưng có một lý do cũng cần nên đổ thừa mà ít khi được nêu ra, đó chính là kinh nghiệm quá yếu của người hộ niệm.

Nhận lãnh một pháp cứu người vãng sanh thành đạo không thể xem thường được. Tất cả chúng ta không ai dám nói rằng mình đã đủ khả năng đâu nhé. Đây chính là tinh thần tu học kiên cố bất thoái, tiến mãi tiến mãi đến chỗ hoàn thiện đường giải thoát vậy.

Mong chư vị cố gắng phát tâm vững mạnh, chúng ta cùng phát tâm hộ niệm giúp nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 4: Gia Đình Và Người Bệnh

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –