Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa Đàm 202)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Trong phần trang trí phòng hộ niệm, hôm qua chúng ta có gặp câu: “Không treo nhiều hình tượng Phật, Bồ-Tát”, thì hôm nay chúng ta giải quyết vấn đề này. Xin mở trang 82, câu 14:
Tại sao không nên treo hình Phật, Bồ-Tát khác trong phòng hộ niệm.
Câu 14(a): Tại vì ban hộ niệm có tâm phân biệt chấp trước mà ngăn cấm, chứ thực sự ra không có quy định này.
Đúng hay sai? – (Sai). Trong Pháp Hộ-Niệm chư Tổ đều dạy rõ ràng rằng trong phòng hộ niệm không nên treo nhiều hình tượng Phật, Bồ-Tát khác nhau. Như vậy, treo nhiều hình tượng Phật, Bồ-Tát khác nhau không đúng với Pháp Hộ-Niệm, chứ không phải ban hộ niệm chấp trước hay những người hộ niệm tự ý ngăn cấm. Quy định này chắc chắn phải có lý do.
Ví dụ, như hôm qua chúng ta có nói, bên cạnh tôn ảnh Phật mà treo một tranh cảnh, một hình bông hoa, một hình vẽ gì khác đều sai với Pháp Hộ-Niệm. Treo bất cứ một hình ảnh gì khác bên cạnh tôn ảnh A-Di-Đà Phật, thì hình ảnh đó có thể lấn át hình tượng Phật, khiến cho người bệnh có thể nhận lầm. Vị trí treo hình tượng Phật cũng phải cẩn thận, cần treo nơi sáng sủa, không nên treo nơi tăm tối, thiếu ánh sáng. Không nên treo khuất sau cánh cửa. Không treo quá thấp mà hình Phật bị che chắn bởi người đứng hộ niệm.
Cho nên, ban hộ niệm cần phải cẩn thận, nhạy bén để tránh điều sơ suất. Ở đây chúng ta chỉ nói về cách trang trí, một vấn đề khá cụ thể đơn giản, nhưng nếu ỷ lại hoặc bất cẩn có thể thiếu sự thành kính, vừa vướng phải những sơ suất cạn cợt đáng trách gây trở ngại cho cuộc hộ niệm, và nói rộng hơn, có thể ảnh hưởng đến chánh pháp. Thật khôngtốt!
Thành tất linh. Những Ban hộ niệm có lòng thành kính thường hộ niệm có xác suất thành công cao hơn. Đây là những ban hộ niệm tuyệt vời, tạo được công đức vô lượng. Những người thiếu thành kính thường có tâm khinh mạn, dễvướng nhiều sơ suất, thường làm sai lệch quy tắc hộ niệm, đưa đến kết quả không mấy tốt đẹp, và thường sự phát tâm cũng không được bền, rất dễ thoái chuyển.
Tất cả đều có giới luật. Pháp Hộ-Niệm được chư Tổ đưa ra quy tắc đều dựa vào chánh pháp. Chúng ta phát tâm đi hộ niệm phải theo đúng quy tắc mà làm mới tốt.Y giáo phụng hành là sự chứng tỏ đứng đắn nhất về cái tâm thành kính.Một phần chí thành một phần lợi ích, hai phần chí thành hai phần lợi ích. Người thực sự có tâm chí thành chí kính tạo được công đức vô lượng, lợi ích cho chúng sanh vô biên. Xin chư vị chú ý gìn giữ cho được cái tâm thành kính để làm đạo. Cụ thể ở đây chúng ta hộ niệm, mong sao cho sự phát tâm của chúng ta có sự thành công tốt đẹp, tiễn đưa nhiều người hữu duyên vãng sanh bất thoái thành Phật. Có công đức nào lớn hơn.
Câu 14(b): Vì có nhiều hình tượng khác nhau dễ làm cho người bệnh phân tâm, mất chánh niệm, không nhiếp tâm vào câu Phật hiệu được.
Đúng không chư vị? – [Đúng]. Rõ ràng đấy, nhiều hình tượng khác nhau dễ làm cho người bệnh phân tâm, mất chánh niệm. Có nhiều người không hiểu con đường “Nhất-Tâm Bất-Loạn” của Pháp Niệm Phật Vãng Sanh, nên thấy hình tượng Phật nào cũng thỉnh về thờ, vì hình tượng nào cũng có vẻ đẹp riêng. Hẳn nhiên thờ hình tượng Phật thì tốt, kết được duyên lành với Phật pháp.Nhưng người niệm Phật quyết lòng trong một đời này được vãng sanh thì duyên nào nên chọn một duyên, đường nào đi một đường, hình tượng Phật để thờ cũng nên chọn một thôi là tốt nhất, để tương ưng với đạo lý “Nhất-Tâm”trong Pháp Niệm-Phật. Hãy chọn lấy một tôn ảnh nào mình thích nhất, có cảm ứng mạnh nhất, treo chung quanh, trước sau… để đi hướng nào cũng nhìn thấy một mẫu hình Phật đó thôi. Hãy nhìn hình tượng đó mà niệm Phật,dần dần hình tượng đó sẽ nhập vào trong tâm mình. Đây là cách cụ thể để thực hiện pháp “Quán Tượng Niệm Phật”. Cuối đời nếu dùng ngay hình tượng Phật này để hộ niệm cho ta thì tuyệt vời vô cùng.
Nếu sơ ý, treo quá nhiều mẫu hình Phật, phía trước thì hình Phật màu vàng, bên trái thì hình Phật màu đỏ, bên phải thì xanh, phía sau thì trắng, nghĩa là rất nhiều mẫu hình Phật… Mới nhìn vào thì khá đẹp, nhưng chính sự không chuyên nhất này dễ làm cho hàng phàm phu như chúng ta bị hoang mang, nhất là trong những thời điểm cuối cùng sắp lìa bỏ báo thân này. “Ủa!… Mình đi theo vị Phật nào đây? Theo Phật đỏ thì bỏ Phật vàng sao? Theo Phật vàng thì sợ bị tội với Phật xanh?…”.
Nên nhớ, hàng phàm phu tội chướng sâu nặng, cuối đời thường thường bị nghiệp chướng ứng lên không cho phép người phàm phu tỉnh táo, sáng suốt, thoải mái, mà thường rơi vào trạng tháihỗn loạn. Chỉ cần một tâm ý mờ mịt như vậy là chúng ta theo nghiệp thọ nạn liền… Phàm phu lại có nhiều chấp trước sai lầm, tinh thần biến chuyển vô thường, không có chủ định vững vàng, tâm chao đảo nhất định bị oán thân trái chủ trá hình cài bẫyhãm hại. Còn chư vị thượng căn thượng trí tâm đã khai mở thì khỏi lo đến vấn đề này,các Ngài không thể vướng mắc những chuyện thô thiển này đâu.
Hiểu được như vậy thì không nên treo nhiều mẫu hình tượng Phật Bồ-Tát khác nhau trong nhà, để ứng dụng triệt để đạo lý “Nhất-Tâm Bất-Loạn” của Pháp Niệm-Phật.“Nhất Tâm” thì cái gì cũng cần chuyên nhất, tâm hướng về điểm nào cứ một hướng mà đi, cứ một đường mà thẳng tiến. Pháp Niệm-Phật vãng sanh được gọi là Pháp “Hoành Siêu Tam Giới”, hay còn gọi là “Hoành Triệt Ngũ Thú”, đi ngang vượt qua nghiệp chướng. Khác với Pháp “ThụXuất”, đi theo hàng dọc, dành cho người tu tự lực, từng cấp tiến lên. “Hoành Triệt” dành cho người tu nhị lực, nhờ Phật lực gia trì tiếp độ mà hành giả vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.
Như vậy, người tu theo pháp Nhị-Lực là từ bất cứ cảnh giới nào đều có thể được Phật tiếp dẫn thẳng về nước Cực-Lạc một đời thành tựu đạo quả. Cho nên người tu Tịnh-Độ cần chuyên nhất, cứ một đường niệm Phật cầu vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc là đúng với tông chỉ của pháp môn. Một vị Tiên niệm Phật cầu vãng sanh, vị tiênvãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc.Một vị Thiên Nhân niệm Phật cầu vãng sanh, vị Thiên Nhân vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Một người nghèo nàn niệm Phật cầu vãng sanh, người nghèo nàn vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Một con chó, một con mèo nếu biết niệm Phật cầu vãng sanh, con chó con mèo từ cảnh giới súc sanh cũng có thể vãng sanh thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. “Hoành Siêu Tam Giới”, hoặc “Hoành Triệt Ngũ Thú” là pháp vượt qua lục đạo luân hồi, tiến thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc, một đời thành đạo. Xin chư vị nhớ cho điểm đặc biệt này.
Cho nên,người niệm Phật sự thờ phụng tôn ảnhPhật cần nên chuyên nhất. Khi tâm của mình định vào đó, chấp nhận đó là ảnh của Ngài thì không có một Pháp giới chúng sanh nào có quyền xen vào trá hình gạt chúng ta được. Còn thờ thiếu chuyên nhất thì tâm dễ phân vân, chao đảo, mất chánh niệm ở giờ phút cuối cùng, tạo cơ hội cho oán thân trái chủ trá hình gạt ta đi sai đường. Có lần Ngài Tịnh-Không giảng nói,đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật tới tiếp dẫn cũng không được theo, đức Dược-Sư Lưu-Ly-Quang Phật đến tiếp dẫn cũng không được theo, nhất định chỉ chờ A-Di-Đà Phật hiện thân mới theo Ngài vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Vững như vậy mới khỏi bị lạc đường.
Chư vị nên nhớ cho, chư Phật trên mười phương luôn luôn hộ trì cho nhau, không bao giờ tranh giành tiếp độ chúng sanh đâu. Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật đại diện cho mười phương chư Phật Như-Lai tuyên dương đại nguyện của Đức Phật A-Di-Đà, đã dặn chúng ta niệm A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Trong kinh A-Di-Đà,Phật dạy người niệm Phật khi xả bỏ báo thânA-Di-Đà Phật và chư Thánh Chúng hiện ra trước mặt tiếp độ người đó vãng sanh. Vậy thì, chư Phật luôn luôn giữ đúng quy luật pháp giới độ sanh, chứ không bao giờ làm sai lệch để chúng sanh phải hoang mang đâu.Chư Phật đều trụ ở cảnh Thường-Tịch-Quang Tịnh-Độ. Về Tây-Phương Cực-Lạc chúng ta sẽ gặp chư Phật trên 10 phương pháp giới vậy.
Câu 14(c):Tránh cho người bệnh khỏi bị những cạm bẫy tế vi của oán thân trái chủ giả dạng.
Đúng không chư vị? – [Đúng]. Rõ ràng từng điểm từng điểm được nêu ra cho chúng ta cùng học hỏi. Tất cả đều là những lời dạy bảo của chư Tổ Tịnh-Độ Tông, dựa theo các tài liệu về Pháp Hộ-Niệm, xin chư vị vững tâm ứng dụng.
Phải treo một mẫu hình Phật duy nhất chứ không nên treo nhiều hình Phật, Bồ-Tát khác nhau trong phòng. Quy luật này có mục đích: một là để giữ được chánh niệm cho người bệnh, hai là tránh cho người bệnh khỏi bị những cạm bẫy tế vi của oán thân trái chủ.
Xin hỏi, cạm bẫy gì đây? Đối với những người không biết tu hành, thường thường oán thân trái chủ ứng hiện ra ông nội, bà nội, những người thân thuộc đã chết trong giòng tộc đến chăm sóc bảo vệ, người bệnh liền vui vẻ đi theo. Lúc còn sống thương yêu nhau, lúc chết rồi nghĩ nhớ đến nhau… Những ngày giỗ kỵ con cháu cầu nguyện Ông-Bà về gia trì sức khỏe, giúp đỡ mua may bán đắt, con cháu học hành tiến bộ… Cầu xin Tổ-Phụlinh hiển, cuối đời về đây tiếp dẫn chúng con về với Tổ-Tiên để chung sống một nhà, v.v…
Xin thưa với chư vị, người thế gian thường thường cầu xin như vậy, nhưng không ngờ đây chính là tạo cơ hội thuận lợi cho oán thân trái chủ giả dạng, trá hình đến báo thù đòi nợ, giúp cho chư vị ác thần lợi dụng cái duyên này mà cài bẫy kéo mình vào tam ác đạo để hãm hại. Người biết tu hành theo chánh pháp hãy nhớ cho rõ, khi mình chết không có ông bà nào được phép về tiếp dẫn mình đâu, không có thân bằng quyến thuộc nào có cái quyền năng về cứu mình cả. Vì thế, thành kính, tưởng nhớ Tổ-Tiên mà thiếu trí huệ, cầu xin sai lầm thì tự mình dẫn độ mình vào chốn đọa lạc, nguy hiểm lắm vậy!…
Nhiều người cómộng ước sau khi chết muốn theo Ông-Bà, Tổ-Tiên.Vì không biết đạo, vô tình đã tự nguyện theo oán thân trái chủ đi vào những đường hiểm nạn. Hiểu được chỗ này mới thấy Pháp Hộ-Niệm quá quan trọng. Chính Pháp Hộ-Niệm đã cứu chúng ta thoát nạn, đã vạch ra những cạm bẫy hiểm nghèo để tránh, đã chỉ rõ con đường về Tây-Phương Cực-Lạc để vãng sanh thành đạo. Nếu không có Pháp Hộ-Niệm trực tiếp gần gũi nhắc nhở những sơ suất này, thì hàng phàm phu như chúng ta liệu có ai được thoát nạn đây?
Phật dạy, thời mạt pháp ức triệu người tu hành khó tìm ra được một người thành tựu, chỉ có những người nương theo Pháp Niệm-Phật thì mới có thể thoát ly sanh tử luân hồi. Nhưng nương theo Pháp Niệm-Phật rồi vẫn chưa hẳn sẽ được vãng sanh lưu lại tướng lành đâu, tại vì là phàm phu mê muội thường vướng phải quá nhiều sơ suất. Đến khi gặp được Pháp Hộ-Niệm vạch ra điều nào sai, điều nào đúng một cách cụ thể ta mới chính mắt nhìn thấy được nhiều người vãng sanh, mới hiểu được sâu sắc lời nói của chư Tổ Sư: “Vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh, muôn người niệm Phật muôn người vãng sanh”.
Sự vi diệu của Pháp Hộ-Niệm ở tại chỗ nào? Chính Pháp Hộ-Niệm đã hướng dẫn, nhắc nhở, hỗ trợ cho người trước lúc xả bỏ báo thân này, thực hiện trọn vẹn được tông chỉ của Pháp Niệm-Phật. Có nhiều người một đời mình niệm Phật, nhưng đến sau cùng vì không được hộ niệm mà mê mê hồ hồ, không biết đường nào để đi,hoặc mê man bất tỉnh,hoặc bị oán thân trái chủ chặn đường lấp ngõ, làm cho nẻo về Tịnh-Độ bị bít lối, cửa vào tam ác đạo mở rộng thênh thang!…
Chính vì thế, có người hộ niệm ở bên cạnh dẫn dắt, giúp đỡ, khai giải cho mình.Nếu mình đi lạc đường họ kéo mình lại, nếu mình hoang mang họnhắc nhở mình giữ chánh niệm, nếu mình bị vướng nạn oán thân trái chủ họ điều giải gỡ nạn cho mình… Sự điều giải của Pháp Hộ-Niệm còn giúp cho chư vị oán thân trái chủ ngộ ra đường đạo, cùng nhau niệm Phật hộ niệm cho nhau, cùng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, cùng thành Phật đạo.
Chí thành cảm thông. Lòng chí thành chí kính của ban hộ niệm, của gia đình, của người bệnh cảm ứng đến đại nguyện của Phật, được 25 vị Bồ-Tát phóng quang gia trì, được Thiên-Long Hộ-Pháp ẩn thân bảo vệ… nhờ thế mà người phàm phubệnh hoạn này mới vượt thoát ách nạn, đón nhận được quang minh tiếp độ của A-Di-Đà Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Rõ ràng nhờ hộ niệm mà hàng phàm phu được vãng sanh một đời thành tựu đạo quả. Pháp Hộ-Niệm quả thật tuyệt vời, vi diệu bất khả tư nghì, đúng là đại cứu tinh.Đây là cơ hội duy nhất cho chúng ta trong thời mạt pháp này được siêu thoát vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật