Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 129)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin tiếp tục bàn về vấn đề khác nhau giữa: “Đới Nghiệp Vãng Sanh” và “Tự Lực Tu Chứng”. Chúng ta thường nghe nói câu: “Đới nghiệp vãng sanh, một đời thành Phật”, thì hôm nay ở đây có một giải đáp:
(w): Phải tu vô lượng kiếp mới thành Phật, làm gì có chuyện tu một đời mà thành Phật.
Đúng hay sai chư vị? – (Sai). Thực ra nói rằng, tu vô lượng kiếp mới thành Phật có chánh lý, mà tu một đời thành Phật cũng có cái chánh lý của nó. Nếu một người tu tại cõi Ta-Bà này để một đời thành Phật thì rất khó, rất khó. Phật dạy rằng phải tinh tấn tu hành vô lượng kiếp mới có thể thành tựu Phật quả. Như vậy, ở đây mà nghĩ rằng tu một đời thành Phật là vọng tưởng, hoang tưởng, không ai dám tin tưởng. Nhưng nếu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì ai ai cũng chỉ tu hành một đời liền được thành Phật. Đây là sự thật. Do đó, vấn đề thành tựu Phật quả cần tu vô lượng kiếp hoặc tu một đời đều có chánh lý của nó.
Tây-Phương Cực-Lạc là thế giới bình đẳng. Hàng phàm phu tội chướng sâu nặng vãng sanh hạ phẩm hạ sanh cũng một đời thành Phật. Chư Đẳng Giác Bồ-Tát trở về cõi Tây-Phương Cực-Lạc cũng một đời thành Phật. Chư Tổ thường dạy, hễ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu cho hạ phẩm hạ sanh cũng viên mãn tam bất thoái, nghĩa là hoàn thành ba bậc bất thoái chuyển: Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, Niệm Bất Thoái để thành tựu đạo quả. Trong kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Đức Thế-Tôn dạy, vãng sanh thì một đời thành Phật, và Phật nói thẳng rằng, vãng sanh tức là thành Phật. Như vậy, thực sự có nơi phải tu vô lượng kiếp mới có hy vọng thành tựu, có nơi chỉ tu một đời thì thành Phật.
Một điểm nữa chúng ta cần nên lưu ý, Phật dạy, muốn thành Phật một chúng sanh phải tu vô lượng kiếp, chứ Phật không nói rằng bắt đầu từ đây phải tu tới vô lượng kiếp nữa mới được. Xin hãy nhớ rằng, mỗi chúng sanh đã chết đi rồi sinh lại trải qua từ vô lượng kiếp về trước cho đến bây giờ và tiếp tục chuỗi sanh tử tử sanh cho đến vô chung trong tương lai. Quá khứ còn có đời quá khứ nữa, gọi là quá khứ vô thỉ. Tương lai đời sau còn có đời sau nữa, nên tương lai vô chung. Huệ mạng của chúng ta trải dài từ vô thỉ đến vô chung, trải qua vô vàn cảnh giới và tiếp tục một hành trình bất tận. Như vậy, tu vô lượng kiếp không có nghĩa là bắt đầu từ đây tu tới vô lượng kiếp nữa, mà có thể trong vô lượng kiếp trước chúng ta đã có tu hành rồi. Trong kinh Vô Lượng Thọ có câu:
Vãn tích nhược bất tu phước huệ,
Ư thử chánh pháp bất năng văn.
Nghĩa là từ trong vô lượng kiếp qua, nếu một người không tu tích đủ phước đủ huệ, dù đời này có gặp chánh pháp này, thì họ cũng không thể tin, không thể nghe, không thể nào tu theo được. Nói cách khác, người nào trong đời này chí thành tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, là do cái nhân trong vô lượng kiếp về trước họ đã từng tu hành tích tạo nhiều phước đức và trí huệ rồi mới được đấy.
Hiểu được đạo lý này, mong rằng chư vị nào đã tin thì phải tin cho vững vàng, đã niệm Phật thì phải niệm Phật cho chuyên tinh, đã nguyện vãng sanh thì phải nguyện cho tha thiết. Hãy đóng sáu căn lại mà quyết chí niệm Phật vãng sanh cho kỳ được trong một đời này. Đừng nghe người này nói ra, người kia nói vào mà lung lay ý chí. Chỉ cần một niệm chập chờn, thì lại tiếp tục vô lượng kiếp nữa chịu trầm luân sanh tử khổ nạn vậy.
Vậy thì, phải tu vô lượng kiếp nữa cũng vì niềm tin không đủ, chỉ tu một đời này thành Phật cũng do niềm tin đã vững vàng mà được. Xin thưa với chư vị, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, chúng ta trước sau gì cũng chỉ có một đời, chứ không có đời thứ hai. Thành ra nói rằng, một đời thành Phật là đúng nghĩa vậy.
(x): Nghiệp lực không có “Tự Tánh” nên không thể chủ động, còn tâm lực có “Tự Tánh” nên chủ động đi vãng sanh thành Phật.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đấy!… Bây giờ lý đạo mới bắt đầu rõ ràng và cao hơn đây. Nghiệp lực không có tự tánh nên không thể chủ động. Nghiệp lực dữ dằn lắm, hung hiểm lắm đấy nhé, chúng ta không thể khinh thường nghiệp chướng được đâu. Tác hại của nó chẳng khác gì một quả bom, nếu nổ ra thì sức tàn hại của nó kinh khủng lắm. Chư vị có biết ai sẽ là nạn nhân trước tiên không? Chính người đang ôm quả bom đó.
Cái nghiệp lực nó luôn luôn đeo chặt trên vai của người tạo ra chúng, nó là những quả bom ở sát bên mình. Nếu quả bom nổ ra, chính ta là người chịu chết trước. Còn môi trường chung quanh chắc chắn sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng theo. Một quả bom nguyên tử nổ ra làm cho thế giới phải kinh hoàng, hoảng hốt, vạn vật phải chịu một ách nạn vô cùng thảm khốc. Nghiệp lực dữ dằn như vậy đó, nhưng nó có một điểm rất yếu, đó là tự nó hoàn toàn không thể chủ động được. Hay nói cách khác, nghiệp lực không có tự tánh, nó không thể tự động phát tác được, mà nghiệp lực thuộc về duyên khởi, nghĩa là, hễ gặp duyên nó khởi tác dụng, không gặp duyên nó đành phải nằm im lìm. Một quả bom phải được cài thuốc nổ vào, rồi bấm nút nó mới có thể nổ, còn không thì quả bom sẽ nằm im như một cục sắt, chúng ta có thể đạp lên cục sắt mà đi một cách tự nhiên. Ví dụ này có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ cái tính thụ động, thiếu tự tánh của nghiệp chướng vậy.
Hiểu được nhược điểm của nghiệp lực rồi, chúng ta có thể khai thác điểm mạnh của tâm lực để vượt qua nghiệp lực. Điểm mạnh của tâm lực là gì? Tâm lực có tự tánh. Nghĩa là sao? Tâm mình có thể chủ động làm một việc. Mình muốn ở thì ở, mình muốn đi thì đi, mình muốn vô Niệm Phật Đường niệm Phật thì vào niệm Phật, mình muốn đi xi-nê thì đi xi-nê, v.v… Mình có thể chủ động làm những gì mình muốn làm, gọi là tâm lực có tự tánh.
Tâm lực có tự tánh nên ta có thể không thèm theo nghiệp, mà chủ động theo nguyện lực trở về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là điểm chính yếu và vô cùng quan trọng của Pháp Môn Niệm Phật – Tùng Nguyện Vãng Sanh – Chứ không phải tùng nghiệp thọ báo. Chúng ta hãy khai thác triệt để lý đạo này, để vững vàng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo vậy.
Nói theo cách của các pháp tu tự lực, có nghiệp thì phải trả, thì người tu hành phải dốc hết tâm lực ra dấn thân vào con đường đấu tranh với nghiệp chướng để tận trừ nghiệp hoặc, đến khi nào nghiệp sạch tình không thì được thành tựu. Nếu nghiệp chưa sạch, thì vẫn phải tiếp tục cuộc đấu tranh, từ đời này qua đời khác cho đến ngày chiến thắng viên mãn. Đường tu hành này khó khăn lắm chứ không đơn giản đâu. Pháp môn tu có vô lượng, tu pháp nào đều do tự mình chọn lựa. Nếu quyết lòng diệt nghiệp, hay quyết lòng tìm nợ nần để trả cho tròn nhân quả… đều là do tự mình chủ động chọn lấy.
Với Pháp Môn Niệm Phật, Phật dạy, đừng nên chọn con đường quyết liệt đấu tranh với nghiệp chướng, mà bắt đầu từ đây hãy bám chặt lấy câu Phật hiệu, dùng câu Phật hiệu để bao phủ nghiệp chướng lại, rồi tha thiết nguyện vãng sanh để theo cái nguyện lực này mà đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo.
Còn đấu tranh với nghiệp chướng là cách đi ngược lại thời gian, cố chui vào trong rừng nghiệp để sát tặc. Hàng phàm phu nghiệp chướng sâu, không mấy ai được thành tựu với cách này. Vậy thì, tốt nhất đừng tạo thêm nghiệp mới, còn nghiệp cũ thì cứ để im nó đi. Nên nhớ cho, nghiệp chướng thuộc về pháp duyên khởi. Nghĩa là, gặp duyên thì nghiệp chướng mới khởi phát thành quả báo, không có duyên nó chỉ nằm im đó chờ đợi, chứ tự nó không thể chủ động rục rịch được đâu. Khối nghiệp chướng nằm im bất động, thì chẳng khác gì một cái nền, ta có thể bước trên cái nền đó để đi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Trong kinh gọi là hoành siêu tam giới. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật dạy tu Pháp Niệm Phật là pháp “Hoành triệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc, vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân”. “Ngũ Thú” hay còn gọi là “Ngũ Đạo” là chỉ cho các đường luân hồi, vì trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật không nói đến cảnh giới A-tu-la, nên chỉ có năm đường luân hồi. “Ác đạo tự bế tắc” nghĩa là nghiệp chướng, sanh tử luân hồi tự nó bế tắc, không còn báo hại chúng ta được nữa. “Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân”, đây là pháp vi diệu vô cực tối thắng, vãng sanh thành tựu đạo quả dễ dàng, nhưng chỉ vì chúng sanh thiếu căn lành nên không tin, không hành theo nên đành mất vãng sanh thành đạo. Quá đáng tiếc vậy!
Nay gặp được lời Phật dạy rồi, mong chư vị vững tâm vững chí đi vãng sanh, đừng nên sơ ý mà cứ nấn ná ở lại đây lo đánh phá nghiệp chướng. Đánh phá nó thì dễ dàng tạo duyên cho nó nổ ra. Nó nổ ra thì chính mình chết trước. Vậy thì đánh phá nó làm chi, đúng không? Thôi thì hãy bỏ quên nó đi. Nó nằm dưới đất cũng được, nó núp trong rừng cũng kệ… Mình hãy chí thành niệm Phật đi vãng sanh. Vãng sanh xong thì nghiệp chướng không bám theo mình phá hoại nữa, mà nằm đó chờ mình đến hóa giải.
(y): Về Tây-Phương Cực-Lạc sống trong cảnh giới của Pháp-Tánh nên một đời thành đạo. Còn kẹt lại đây ta sống trong thế giới ô trược mà đời đời chịu nạn.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Các vị A-La-Hán có túc mạng thông, khi nghĩ tới trong quá khứ bị đọa lạc nhiều đời nhiều kiếp trong địa ngục mà sợ quá, trong kinh nói, nhiều khi các Ngài sợ đến toát ra mồ hôi, trong mồ hôi có pha trộn cả máu. A-La-Hán phá được Kiến-Tư-Hoặc vượt qua tam giới rồi, nhưng còn phải phá đến Trần-Sa-Hoặc và Vô-Minh-Hoặc mới viên mãn đạo quả. Thật không phải là chuyện dễ làm. Trần-Sa-Hoặc là những chướng ngại từ bên ngoài đưa đến, Vô-Minh-Hoặc là phần phải đoạn của chư vị Pháp-Thân Bồ-Tát, còn Kiến-Tư-Hoặc là những nghiệp chướng gần gũi hơn do chính mình tạo ra. Diệt được Kiến-Tư-Hoặc chứng quả A-La-Hán, còn các nghiệp khác các vị A-La-Hán cũng phải truân chuyên trải qua hàng vô lượng kiếp nữa mới mong phá được, chứ đâu phải đơn giản. Vấn đề này lớn quá, chúng ta không nên khai thác tới.
Như vậy, khi còn kẹt ở lại đây, phải sống trong cái thế giới Ta-Bà khổ nạn này, chúng ta phải chịu vô lượng nghiệp chướng chi phối nặng nề. Nghiệp chướng bên trong, hoàn cảnh bên ngoài… đủ mọi thứ chi phối. Trong kinh Lăng-Nghiêm Phật nói về ngũ-ấm ma. Thân này thuộc về thân ngũ-ấm, bị 5 loại ma ấm chi phối. Dễ sợ lắm! Sơ suất một chút liền bị chướng nạn ngay.
Ngũ ấm là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc ấm là loài ma chi phối về vật chất. Thọ, Tưởng, Hành, Thức là 4 loại ma khác chi phối cái tâm này. Chính 5 loại ma này xui khiến chúng ta tạo tác sai lầm. Chúng ác hiểm lắm, kinh khủng lắm, sẵn sàng kéo chúng ta vào chốn đọa lạc. Phật dạy quán tâm vô thường, cái tâm hồn này đang bị 5 loại ma quậy phá làm cho ta thường bị mê loạn, không định được. Hàng phàm phu như chúng ta không dễ gì yên tâm với những loài ma quái này đâu. Tu hành mà sơ ý hiếu kỳ mơ tưởng một chút liền bị Tưởng-Ấm ra tay liền, muốn chứng đắc ngon lành liền bị Thọ-Ấm ban cho sự chứng đắc để hưởng, v.v… Tất cả đều là những thứ cạm bẫy vô cùng hiểm nghèo đang chờ chúng ta… Dễ sợ lắm đấy!…
Cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc là cõi Pháp Tánh, là cảnh giới của Chơn-Tâm Tự-Tánh ngự trị. Người ở cõi Tây-Phương toàn là Đại Bồ-Tát Bất-Thoái, đã minh tâm kiến tánh. Vãng sanh về đó chư vị sẽ là bạn lữ của chư Bồ-Tát Bất-Thoái, như vậy nhất định chư vị đương nhiên cũng là Bồ-Tát, đạo nghiệp tự nhiên sẽ thành tựu. Pháp tu niệm Phật vi diệu chính ở điểm này. Đây là pháp tu cầu vãng sanh chứ không phải cầu chứng đắc, nhưng cuối cùng đều chứng đắc tất cả. Có dịp chúng ta sẽ nói thêm về lý đạo này.
(z): Về Tây-Phương Cực-Lạc ta tu với chư Đại Bồ-Tát Bất-Thoái-Chuyển nên một đời thành đạo. Tại cõi Ta-Bà ta tu với phàm phu nên khó thoát cảnh phàm phu.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Quá đúng rồi. Một đạo tràng ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc có chư Bồ-Tát tu chung với chúng ta, chư Phật gia trì cho chúng ta, nhờ thế nên tâm chúng ta không thể thoái chuyển, tất cả môi trường xung quanh đều hỗ trợ tích cực cho chúng ta thành đạo. Sống chung với Bồ-Tát thì chúng ta cũng làm Bồ-Tát, nếu chúng ta muốn làm phàm phu cũng làm không được. Làm phàm phu thì phải ở chung với phàm phu, ở đó đâu có phàm phu để kết bạn. Còn ở thế giới này chung quanh toàn là phàm phu. Sống với phàm phu, chúng ta có muốn làm Thánh Nhân cũng không làm nổi. Nếu cố gắng lắm, làm Thánh Nhân được một bữa, thì bữa thứ hai bắt đầu có người tới cạnh tranh, ganh tỵ, đố kỵ lung tung. Nếu không hòa đồng làm phàm phu với nhau thì họ sẽ quậy, sẽ phá tới cùng. Ở cõi này thật sự chướng ngại chập chùng. Mình muốn tu mà ma chướng cứ bao vây não loạn. Mình muốn thoát mà bị nhiều người kéo lại. Ví như đang ở trong căn hầm tối tăm, mình muốn qua cửa ngõ đó để thoát nạn, nhưng có hàng ngàn người đứng chận tại cửa, làm sao có thể vượt qua đây?
Chính vì thế, ở thế giới này bị quá nhiều chướng nạn, có quá nhiều sự ràng buộc, chúng trói mình lại, chúng kéo mình lại, không cho phép mình vượt qua một cách dễ dàng đâu. Còn ở cõi Cực-Lạc không có cảnh khổ thì làm sao chịu khổ? Không có phàm phu thì làm sao làm được phàm phu? Ở với Thánh Nhân thì chúng ta thành Thánh Nhân. Vì ta sẽ thành Thánh Nhân nên mới ở chung với Thánh Nhân. Tây-Phương Cực-Lạc là quốc độ của Pháp Tánh, nơi đó Chơn-Tâm Tự-Tánh hiển hiện, trí huệ càng ngày càng khai mở, phước báu càng ngày càng phát sinh ra. “Phước Huệ Viên Mãn” chính là quả vị Phật. Cho nên vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì tu một đời thành Phật, còn tu ở đây dẫu có tinh tấn tới đâu, thời gian cũng phải trải qua vô lượng kiếp là chuyện đương nhiên vậy.
Vậy thì, khi nói tu vô lượng kiếp mới thành Phật là chỉ cho người muốn ở lại đây tu hành. Còn nói tu một đời thành Phật là chỉ cho người muốn về Tây-Phương Cực-Lạc để tu. Một đời bất thoái chuyển thành Phật chắc chắn phải thoải mái hơn, vững vàng hơn, dễ dàng hơn, vi diệu hơn phải không chư vị? Vãng sanh xong thì chắc chắn thành Phật. Xin chư vị vững lòng mà đi cho tới Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo nhé.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.