HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ
(Tọa Đàm 14)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
“Hướng Dẫn – Khai Thị”, điểm đầu tiên là làm sao cho một người phát khởi “Tín Tâm”. Muốn phát khởi tín tâm này không thể nào đợi cho tới lúc mê man bất tỉnh, hay nằm thoi thóp chờ từng giờ ra đi mà có thể phát khởi tín tâmđược.
Cho nên tất cả đều phải lo trước. Muốn cho một người vãng sanh thì nhất định làm sao giúp cho người ta biết đượcphương pháp hộ niệm càng sớm càng tốt. Tại vì khi biết trước như vậy, nếu họ chưa phát khởi tín tâm thì ta mới tìm cách, gọi là thiện xảo phương tiện, để dẫn dụ, khuyên bảo họ phát tín tâm. Rồi từ tín tâm này họ mới niệm câu A-Di-Đà Phật và sau cùng ta hộ niệm mới được.
Nói về “Tín Tâm”, có một lần Hòa Thượng Tịnh-Không nói như thế này, lúc đó Ngài đã đi xuất gia rồi, nhưng khi đến gặp ngài Lý-Bỉnh-Nam, ngài Lý-Bỉnh-Nam nói với Ngài: “Thầy phải tin Phật nghe”.
Một người cư sĩ mà nhắc nhở người xuất gia: “Thầy phải tin Phật nghe”. Hòa Thượng cảm thấy ngạc nhiên! Nhưng sau cùng Ngài mới hiểu ra điều chí lý. Không dễ gì có người tin được kinh Phật đâu! Có nhiều người tu hành nhưng không tin lời Phật nói. Như chuyện niệm Phật vãng sanh, có nhiều người không tin. Một người không tu thì thôi không nói làm chi, ta tìm thiện xảo phương tiện để dẫn dắt họ. Có những người có tu hành nhưng mà không tin!…
Ví dụ như Hòa Thượng Tịnh-Không, Ngài luôn luôn nhấn mạnh đến phương pháp hộ niệm. Ngài long trọng tuyên bốrằng hộ niệm công đức vô lượng, vô biên, bất khả tư nghì. Ấy thế mà có nhiều người thường nghe pháp của Hòa Thượng, cũng lấy pháp Hòa Thượng để tu tập mà lại không tin chuyện hộ niệm, lại đi ra tuyên truyền rằng, không có cái chuyện hộ niệm vãng sanh, mà còn dám nói hộ niệm là tà pháp nữa. Cho nên, chữ “Tín” khó lắm, không dễ đâu!
Tại sao như vậy?… Hòa Thượng nói:
– Một người, đến giờ phút cuối cùng mà gặp được những người hộ niệm, gặp được ban hộ niệm, có một số người vây quanh mình hộ niệm là do cái phước đức của họ lớn lắm mới có, chứ không dễ đâu!
Đừng nghĩ rằng ta tu như thế này rồi sau cùng ta sẽ được người hộ niệm đâu. Nếu lòng tin của mình không có. Nếu mình có cái tâm chống đối việc hộ niệm, tức là mình không chấp nhận sự hộ niệm, thì lúc mình nằm xuống những người đến “Hộ Niệm” cho mình chính là những vị oan gia trái chủ tới đưa ta xuống tam ác đạo đó! Tại vì ta đã có ý tưởng bài trừ chuyện hộ niệm, thì những người tới niệm Phật sẽ làm cho ta nhức đầu, khó chịu, phiền não. Còn oan gia trái chủ đến thì họ không niệm Phật, mà dựa theo cái tâm nghi ngờ của mình để gạt mình. Chịu bị gạt dễ hơn là tin vào chánh pháp!
Niềm tin vĩ đại lắm! Không dễ gì mà đủ được niềm tin đâu!
Cho nên có người không hiểu vì lý do gì mà lại không tin? Trong khi Sư Phụ thì tuyên dương pháp hộ niệm, còn mình thì lại nói: “Làm gì có chuyện hộ niệm vãng sanh!”. Tuyên bố như vậy lỡ một mai Sư Phụ nghe được, rồi khi mình đối diện với Sư Phụ, biết nói làm sao đây? Khó lắm đó chư vị ạ!
“Y Giáo Phụng Hành” là điều cần thiết. Ta là người phàm phu tục tử, tự mình nghĩ ra cách tu hành, nghĩ ra phương pháp tu riêng chưa chắc gì mình làm đúng! Tốt nhất là chúng ta giữ cái tâm “Chí Thành – Chí Kính” vâng lời. Học kinh Phật thì y giáo kinh Phật, học Sư Phụ thì y giáo Sư Phụ. Ngài Ấn-Quang nói: “Một phần thành kính thì một phần lợi ích, hai phần thành kính thì hai phần lợi ích”. Người thành kính thường thường là người y giáo phụng hành. Thật sự, chuyện vâng lời, chuyện y giáo phụng hành không phải dễ! Tin tưởng vào Phật pháp không phải dễ! Nhất địnhkhông phải dễ đâu! Người đã tin tưởng thì không bao giờ làm sai. Mà đã làm sai thì:
– Một là mê muội!
– Hai là phước báo quá tệ!
– Ba là vì cống cao ngã mạn, vì đố kỵ hay sao đó mà tự mình không chịu làm theo kinh Phật, không chịu y theo giáo pháp của chư Tổ Sư mà thực hành.
Muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc với pháp môn niệm Phật, đức Bổn Sư Thích-Ca luôn nhắc nhở người niệm Phật phải lấy một môn mà đi, phải lấy sự chuyên tu mà hành, giữ một câu A-Di-Đà Phật mà trì, thì đường vãng sanhvững vàng.
Ấy thế mà nhiều người không chịu thực hành. Sư Phụ dặn phải buông xả, mình không chịu buông xả. Sư Phụ dạy đừng có ganh tỵ, mình không chịu vâng lời, cứ để cái tâm đố kỵ càng ngày càng phát triển! Như vậy rõ ràng học thì nhiều mà làm chẳng có bao nhiêu. Thật là không tốt!…
Có nhiều người thường đưa ra vấn đề:
– Tại sao người này tu cả bảy tám chục năm mà không được vãng sanh?
– Tại sao người kia tu suốt đời mà không được vãng sanh?
– Tại sao người này giỏi quá mà không được vãng sanh?
Xin trả lời rằng:
– Tại vì thật sự họ không chịu y giáo phụng hành!
– Tại vì thật sự bên ngoài thì tưởng là y giáo phụng hành, nhưng bên trong họ lại đi lạc đường!
Ví dụ như một người nói, tôi quyết tâm tha thiết đi về Tây Phương, Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ… Ấy thế, tại Niệm PhậtĐường thì niệm Phật, ra khỏi Niệm Phật Đường không còn niệm Phật mà niệm cái gì khác. Ở đây thì niệm Phật, về nhà không chịu niệm Phật. Thấy cái này hay quá cũng tu, thấy cái kia hay quá cũng tu. Tưởng vậy là hay, nhưng quên rằng:
– “Di-Đà giáo ngã niệm Di-Đà”. Đức Di-Đà dạy ta niệm Di-Đà. Sáng cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, trưa cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, chiều cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, tối cũng phải niệm A-Di-Đà Phật, gọi là nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật.
– “Khẩu niệm Di-Đà, thính Di-Đà”. Miệng mình niệm Di-Đà, tai mình lắng nghe tiếng Di-Đà để tâm mình nhập vào trongchủng tử A-Di-Đà Phật thì mình mới có thể vãng sanh được. Thế mà mình không chịu nghe lời! Mình không chịu vâng lời tức là: Một là mình cống cao ngã mạn, nghĩ rằng là mình giỏi hơn thầy! Nghĩ rằng là mình giỏi hơn Phật!… Thật ra trong khi đó thì bao nhiêu chướng ngại trùng trùng đang chờ trước mắt. Phật dành cho chúng ta con đường đi thẳngbưng để thoát nạn mà không chịu thực hành.
– “Di-Đà Di-Đà trực niệm khứ”, nghĩa là cứ câu A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật… thẳng bưng như vậy mà niệm đi, gọi là“Trực niệm khứ”. Cứ thẳng bưng như vậy mà niệm đi. Sáng cũng Di-Đà, trưa cũng Di-Đà, chiều cũng Di-Đà, tối cũng Di-Đà. “Di-Đà Di-Đà trực niệm khứ”. Trực là thẳng bưng, nghĩa là cứ một câu Di-Đà thẳng bưng như vậy mà niệm tới.
– “Nguyên lai Di-Đà niệm Di-Đà”. Lúc đó mới thấy thế nào gọi là Niệm Phật Là Nhân – Thành Phật Là Quả – Niệm Phật Thành Phật. Chứ nếu không chịu “Trực niệm khứ”, một đường như vậy mà đi, thì nhất định tâm này là tâm xen tạp! Pháp môn niệm Phật rất tối kỵ về xen tạp!
Chính vì vậy, để trả lời tại sao người này tu ba bốn chục năm mà không được vãng sanh?…
– Là tại vì anh không chịu y giáo phụng hành.
– Tại vì anh chưa có trí huệ mà không chịu nghe lời Phật dạy.
– Tại vì anh không thấy được những cạm bẫy trên đường tu hành, mà cứ tự lấy tâm ý của mình nghĩ sao làm vậy.
Xin thưa với chư vị, ở đây là Niệm Phật Đường tha thiết muốn đưa người vãng sanh về Tây Phương. Nhưng chư vị phải nhớ cho thật kỹ là phải y giáo phụng hành, đúng mực mà đi. Nếu không đúng mực thì đừng bao giờ trách rằng tại sao tôi tu ba bốn chục năm mà không được vãng sanh?…
Câu trả lời chung quy chính là vì anh đã xen tạp rồi! Vì anh đã mất niềm tin rồi! Ngài Mộng-Đông nói:
– Tại sao xen tạp?… Niềm tin dở quá đi Cụ ơi!…
– Tại sao bị gián đoạn?… Niềm tin dở quá đi Cụ ơi!…
– Tại sao tôi tu nhiều thứ?… Tại vì niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật không có!…
Khi chúng ta đi hộ niệm, thấy một bà Cụ quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật, ta đoán thẳng bà Cụ được chín mươi phần trăm vãng sanh. Nếu bà Cụ nói: “Chú ơi! Tôi muốn tụng bài này, tôi cần tụng bài nọ…”, thì ta đoán rằng bà Cụ đã mất tới bảy mươi phần trăm rồi. Tại vì vạn pháp đều ở trong câu A-Di-Đà Phật hết mà người ta không hay!…
Muốn báo hiếu cho cha mẹ, phải niệm câu A-Di-Đà Phật. Niệm câu A-Di-Đà Phật hồi hướng cho cha mẹ, thì cha mẹmình được siêu sanh Tịnh-Độ. Cha mẹ còn sống thì mình biết hướng dẫn cha mẹ niệm câu A-Di-Đà Phật, để một câu A-Di-Đà Phật ứng hiện trong tâm.
– “Nguyên Lai Di-Đà niệm Di-Đà”. Niệm Phật là nhân thành Phật là quả. Nếu lúc mẹ mình nằm xuống mà mẹ mình không biết câu A-Di-Đà Phật để niệm thì “Phật Tánh Lực” đâu có nữa! Dù có làm lành, làm phước thì lúc đó cái “Phước Lực” thì có, cái “Thiện Lực” thì có, cái “Tam Thiện Đạo Lực” thì có, chứ còn cái “Phật Tánh Lực” làm sao xuất hiện được. Nghĩa là tự tánh A-Di-Đà không ứng hiện được. Không ứng hiện được thì yếu tố gì để mình được tiếp độ về Tây Phương?!…
Ngài Lý-Bỉnh-Nam nói, “Mình nói A-Di-Đà Phật tiếp độ mình về Tây Phương, chứ thật ra là chủng tử A-Di-Đà Phật trong tâm của mình ứng hiện ra mà tiếp dẫn mình đi về Tây Phương”. Lý đạo là như vậy. Hôm trước mình có nói, lực nhiếp thọ của A-Di-Đà Phật ví như một cục nam châm. Cục nam châm dù mạnh tới đâu đi nữa cũng chỉ hút được chủng loại nam châm mà thôi. Cùng chủng loại mới hút được, khác chủng loại không hút được. Lúc lâm chung mình cứ nghĩ đến làm thiện ư? Nghĩ đến làm thiện thì trong thiện đạo đó muốn đi sao đi, chứ làm sao trở về Tây Phươngđược? Chỉ có một chút lý đạo thế này mà nhiều người không hiểu! Muốn về Tây Phương thành đạo mà cứ chập chờn, chao đảo! Giảng nói tới cạn lời mà không chịu nghe!
Càng tạp loạn càng dễ bị mất phần vãng sanh! Càng tạp loạn càng dễ bị mất phần vãng sanh!…
Ví dụ như người thích tu pháp Sám Hối. Sám Hối có Lương-Hoàng-Sám Hối, có Từ-Bi-Thủy-Sám Hối, có Di-Đà Sám Hối, v.v… Mình tu Di-Đà tại sao không niệm Di-Đà để sám hối, mà lại đi sám hối những đường khác để bị lạc mất câu:“Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh bỉ quốc”! Đang đi đường hướng Tây, lại lo lắng chuyện trở ngại của đường hướng Bắc… Sai lầm vô cùng!
Vấn đề hộ niệm, khai thị nó còn rất nhiều. Mong chư vị nên nhớ. Xin nhắc lại, nhất định một đường đi thẳng, đó gọi là đi tắt, đó gọi là đi chánh.
“Trụ Chánh-Định Tụ nhất định chứng ư A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề. Nhược Tà-Định Tụ cập Bất-Định Tụ bất năng liễu tri kiến lập bỉ nhân cố”. Chánh-Định-Tụ là niệm câu A-Di-Đà Phật sẽ được chứng đắc Vô-Thượng Bồ-Đề. Nếu không niệm Phật hoặc tu xen tạp thì nhất định khó có khả năng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đây làlời Phật dạy trong kinh Vô-Lượng-Thọ.
“Tà-Định Tụ” là không chịu niệm câu A-Di-Đà Phật, đi xéo xéo. “Bất-Định Tụ” là cứ thấy cái gì hay hay cũng tụng hết, thấy cái nào hay hay cũng tu hết, tức là tu tạp.
Mong chư vị chộp lấy cơ hội này mà đi thẳng về Tây Phương Cực Lạc gặp A-Di-Đà Phật để thành đạo trong một báo thân này.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.