HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ
(Tọa Đàm 13)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Pháp hộ niệm vãng sanh bao trùm tất cả những chi tiết căn bản, những ứng dụng cần thiết trong pháp môn niệm Phật, có thể giúp cho một người trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời thực hiện đầy đủ ba tư lương “Tín-Hạnh-Nguyện” để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Muốn cho nhiều người được hưởng phước phần vãng sanh, xin chư vị hãy phát tâm vận động, truyền bá phương pháp hộ niệm cho nhiều người biết. Thường thường những nơi ít người vãng sanh là do phương pháp hộ niệm chưa được phổ biến tại nơi đó.
Rất nhiều người hiểu lầm hộ niệm giống như cầu siêu, giống như cầu an, giống như chuyện hậu sự, chứ thật ra người ta không biết rõ đích thật hộ niệm là như thế nào! Thậm chí có những người chê bai, phỉ báng, cho rằng pháp hộ niệm là tà pháp. Thật là một ý niệm lạ lùng, sai lầm!…
– Khi đi hộ niệm, mình ngồi cạnh người bệnh, niệm câu “Nam Mô A-Di-Đà Phật”. Chẳng lẽ niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” là tà pháp sao?…
Trong kinh Phật dạy mình niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật… Có người lại nói niệm A-Di-Đà Phật là tà pháp?!…
– Mình hướng dẫn cho người bệnh nguyện vãng sanh về Tây Phương. Lời nguyện cụ thể, xác đáng. Chẳng lẽ nguyệnvãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là tà pháp sao?…
Thế mà có những người nghĩ sai lời Phật dạy, nói ngược với kinh Phật! Ấy thế mà người ta cũng làm được?!…
– Mình củng cố cho người bệnh có niềm tin vững vàng, chắc chắn vào pháp niệm Phật để họ được phước phần vãng sanh. Chẳng lẽ củng cố niềm tin cho người bệnh được vãng sanh là tà pháp sao?!…
Thế mà có những người tung tin lên rằng hộ niệm là tà pháp!?…
Chúng ta cần phải sáng suốt nhận định. Không những vậy, mà còn phải phổ biến cho thật sâu rộng phương pháp hộ niệm để cho những người chưa biết hộ niệm bây giờ biết đến. Cần giúp cho người ta vững tâm để may ra trong thời mạt pháp này cứu độ được người nào hay người đó. Nhất là hàng phàm phu tục tử như Phật tử chúng ta trong thời mạt pháp này, với căn cơ hạ liệt, phước đức thì mỏng, trí huệ thì cạn, không cách nào có thể phá được vòng vây của nghiệp chướng!
Muốn được nơi này có nhiều người vãng sanh thì bắt đầu từ hôm nay xin chư vị cố gắng vận động. Ví dụ như ở Việt Nam người ta tung rất nhiều những băng đĩa hộ niệm, tung nhiều tài liệu hộ niệm, hàng ngàn, hàng ngàn đĩa như vậy. Trong khi Niệm Phật Đường chúng ta kêu gọi vận động hộ niệm, nhiều người đến lấy có một đĩa à!… Đưa thêm một đĩa nữa thì nói: “Chi nhiều dữ vậy? Tôi lấy một đĩa đủ rồi!”… Bây giờ phải làm sao? Có ai ép buộc được đâu? Muốn giao lưu rộng rãi thì mỗi người đã cầm năm đĩa, tại sao không lấy thêm mười đĩa nữa để đi phát cho người ta. Nhiều khi trong mười đĩa đó sẽ có một người ngộ được, rồi người đó lại tiếp tục phát ra. Nhờ vậy mà có nhiều người biết hộ niệm. Tạo duyên rộng như vậy thì chúng ta mới dễ hộ niệm được.
Trong pháp hộ niệm có sự “Khai Thị – Hướng Dẫn”. Hôm trước thì ta nói về hướng dẫn cho người bệnh, muốn vãng sanh thì đừng nên sợ chết. Hôm nay chúng ta nói thêm một chút xíu nữa, là hướng dẫn cho người bệnh buông xả tất cả những cái gì liên quan tới cõi đời này. Khuyến cáo họ tập buông ra. Ví dụ như vấn đề tiền bạc, già rồi thì nên giao tiền bạc lại cho con cái, giao tài sản lại cho con cái. Mạnh dạn mà giao đi. Những người muốn vãng sanh mà trên cổ cứ đeo sợi dây chuyền, ngày nào cũng đeo, coi chừng sợi dây chuyền làm mình mất vãng sanh đó…
Hồi ông già của Diệu Âm còn sống, mấy anh chị em mua một sợi dây chuyền rồi chờ đến ngày sinh nhật đến đeo cho ông. Tôi nói đến nỗi anh chị em phải rơi nước mắt! Tôi nói rằng, tại sao lại mua sợi dây chuyền cho ông già đeo? Ông già đeo được sợi dây chuyền trong ngày sinh nhật mà cảm động đến rơi nước mắt! Tôi hỏi anh chị em rằng, khi ông già ông chết, mình chôn sợi dây chuyền theo ông hay là mình lột ra? Nếu lột ra thì tại sao bây giờ không lột trước đi? Mà lại bắt ông già phải đeo cái còng đó để ông tham đắm vào đó mà mất phần vãng sanh!
Khi mình đã biết được đường vãng sanh thì phải tập buông xả. Buông xả đầu tiên là tiền bạc…
Có nhiều người thích ở cái nhà này, không chịu ở cái nhà nọ. Người con thì lại thích mẹ ở cái nhà nọ, chứ không muốn người mẹ ở nhà này. Cũng chỉ vì một sự cố chấp như vậy mà có thể đưa mẹ mình đến cảnh ngộ mất phần vãng sanh!…
Hiểu được chỗ này rồi thì chúng ta hãy tập coi nhẹ đối với tất cả mọi vấn đề. Coi nhẹ là chấp nhận hiện tượng đó một cách tự nhiên. Được vậy thì khi mình ra đi sẽ nhẹ nhàng lắm, thư thả lắm. Ví dụ như con cái, mình thương nhớ con cái, mình tưởng rằng đến lúc lâm chung mình có thể buông con cái được sao? Không đâu! Lạ lắm chư vị. Có những người trong cuộc đời của họ có một kỷ niệm sâu sắc nào đó, họ nhớ mãi cái kỷ niệm đó, đến lúc nằm xuống thì tự nhiên họ cứ nhắc mãi tới kỷ niệm đó, không quên được!…
Nhớ tới chuyện vãng sanh của bà Triệu Vinh Phương, có người đã kể lại rằng, bà có một sợi dây chuyền, sợi dây chuyền đó là một vật truyền đời trong gia đình bà. Tức là người mẹ truyền lại cho một người con, rồi người con phải đeo mãi sợi dây chuyền đó như vật bất ly thân, rồi trước khi chết lại truyền lại cho một người con của mình. Cứ truyền như vậy. Khi bà cụ đã ngộ ra đạo rồi, chín mươi tuổi mới ngộ đạo, bà biết rồi, bà cởi sợi dây chuyền ra… Sợi dây chuyền đó có ngọc hình Phật, đế Phật ngồi làm bằng loại cát ở sông Hằng-Hà bên Ấn Độ, quý lắm. Bà dặn mấy người con nhất định đừng bao giờ để cho bà thấy lại sợi dây chuyền một lần nữa. Đó gọi là buông xả.
Nếu chúng ta không có thực hiện sự buông xả ngay từ bây giờ, thì tới lúc mình nằm xuống rồi những cái chấp đó nó sẽ trói chặt tâm của mình lại!
Xin thưa rằng, buông xả không phải là liệng sợi dây chuyền ra ngoài cửa sổ đâu, mà hãy cho đứa con. Không phải là liệng tiền ra cửa sổ đâu, mà mình đừng có giữ tiền. Không phải là tất cả những cái gì mình có đều liệng hết đâu… Nhưng buông xả là giữ tâm thoải mái, không còn chấp nữa thì tự nhiên mình buông xả được.
Khi khai thị trước người bệnh, ta có thể nói: “Bác ơi! Bác cố gắng buông xả hết nghen, vạn duyên buông hết nghen”.Thường thường là ta nói những câu đại ý như vậy, để giúp người bệnh quyết tâm niệm Phật. Nhưng bây giờ, trong lúc còn tỉnh táo này mà chúng ta không lo buông xả trước, đến lúc đó dù nói gì thì nói, không dễ gì ta buông được đâu! Lạ lắm!
Ví dụ như trong đời này mình ghét một người nào. Xin thưa với chư vị, khi đã biết đường vãng sanh về Tây Phương, thì nhất định phải buông liền sự ganh ghét này đi…
Hôm trước có một vị ở bên Thụy Sĩ nói một câu hay vô cùng, vị đó nói:
– Trời ơi! Hồi nào tới giờ tôi ghét người này không thể tưởng tượng được. Tôi thề không bao giờ nhìn tới mặt. Nhưng sau này tôi biết được đường vãng sanh Tịnh-Độ cần phải buông xả, tôi đã tới gặp và chào người đó. Tôi quỳ xuống ôm tay bà ta, tôi hôn tay bà ta và tôi xin lỗi. Từ trước tới giờ tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ làm được như vậy… Nhưng khi làm được rồi, bắt đầu từ đó tự nhiên tâm hồn tôi mở rộng ra và tôi cảm thấy thoải mái không thể nào tả được…
Đó là buông xả. Nếu không buông xả, thì những vấn đề này nó trói mình lại, nó trói chặt cứng! Dễ sợ lắm chư vị ơi!… Khi đi hộ niệm, mình mới thấy vấn đề này.
Cũng có chuyện mắc cười lắm! Tôi gặp có nhiều người, tu thì cũng có tu, tu siêng lắm, mà hễ thấy một người nào làm một cái gì đó hơi nổi một chút thì bắt đầu tìm cách gièm pha. Thấy một người nào làm việc gì hay hay một chút thì nói xấu liền. Thực tế, không biết người đó là xấu hay tốt, nhưng hễ thấy người ta làm được cái gì cũng nổi tâm cạnh tranhganh tỵ!… Thì đây chính là tật đố! Nếu không xả tập khí này ra, nhất định đến lúc nằm xuống thì người này sẽ bị trở ngại! Nếu giả sử như mình tới hộ niệm cho người đó, chúng ta sẽ thấy… Lạ lắm?!… Mình thì khuyên: “Bác ơi! Bác niệm đi”. Nhưng người đó cứ thầm thầm chửi bới, giận dữ… Hình như đang cự lộn với người nào đó. Mà thật sự đối tượng đó không có mặt tại đó. Hoàn toàn không có! Phải chăng, oan gia trái chủ đã ứng hiện để phá đám, mà hoàn toàn người đó không hay!
Chính vì vậy mà hôm trước Diệu Âm có nói rằng, người niệm Phật thì:
– Nếu sợ ánh sáng! Nay không được sợ nữa.
– Sợ bóng tối! Nay không được sợ nữa.
– Ghét một người! Nay không được ghét nữa.
– Chửi một người khác! Nay không được chửi nữa.
Nhất định phải buông hết. Mình buông như vậy thì tự nhiên lúc nằm xuống, oan gia trái chủ có muốn trá hình ra để màgạt gẫm mình, muốn trá hình ra để hãm hại mình, nhiều khi các ngài đó cũng đành chịu thua, khó có cách nào hại mình được.
Ví dụ như những người sợ “Ma”! Một khi sợ “Ma” thì nhất định oan gia trái chủ sẽ tìm cách ứng hiện thành “Ma”, thành “Quỷ”, họ dọa mình sợ chết luôn! Ấy thế, những người đang bị ứng hiện những cảnh “Ma”, đang bị ma chướng vây hãm, nhưng nếu khi họ phát tâm vững mạnh, buông hết, không còn e sợ nữa, niệm câu A-Di-Đà Phật một ngày, hai ngày, ba ngày có thể giải tỏa ách nạn một cách trọn vẹn.
Tất cả những cảnh giới đều ứng hiện từ tâm mình, chứ không phải ở ngoài.
Muốn vãng sanh về Tây Phương mong chư vị cố gắng phân phát những tài liệu về hộ niệm, truyền bá những tài liệu hộ niệm cho người thân của mình, cho người bạn của mình… Cứ phát ra đi, đừng sợ tốn kém. Cố gắng phân phát ra đi thì nơi chốn đó sẽ có nhiều người biết hộ niệm, nhờ vậy mà ta đi hộ niệm cho người cũng dễ thành công. Thời gianvận động này phải cần ít ra một năm, hai năm sau nó mới có thành quả. Chứ đâu có phải mới phát ra bữa trước thì bữa sau có người vãng sanh liền. Không phải như vậy đâu!…
Phải cần có thời gian dài như vậy thì tự nhiên chúng ta mới cứu người được, mà cứu người được thì ta cũng được cứu luôn. Cứu người chính là cứu ta đó.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.