Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 38)

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 38)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong những lần trước chúng ta có nói là khi đi hộ niệm, chúng ta cần củng cố Tín-Nguyện-Hạnh cho người bệnh một cách rốt ráo, để cho họ có Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Một người có Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng thì Hòa Thượng Tịnh-Không có dạy rằng, khi mình niệm Phật thành tâm chí thành thì A-Di-Đà Phật cũng niệm mình. Ngài niệm mình bằng cách gởi hai mươi lăm vị Bồ-Tát tới gia trì cho mình. Hai mươi lăm vị Bồ-Tát tới gia trì thì có vô số những Thiên-Long Hộ-Pháp cũng theo những vị Bồ-Tát đó bảo vệ cho mình.

Chính vì vậy mà khi người bệnh ra đi, ta dặn dò người bệnh chỉ được quyền theo A-Di-Đà Phật, đây là cái quy luật củapháp giới để vãng sanh, không ai được quyền vi phạm.

Tuy nhiên, có nhiều người cũng niệm Phật tu hành, họ nói họ thấy A-Di-Đà Phật nhưng sau cùng phát hiện ra là Phật giả. Đây là do Tín-Nguyện-Hạnh của người đó không đúng. Nói cho rõ hơn họ là người tu thử, có tâm nghi ngờ, tu lấy lệ!… Khi tu thử thì cầu không thành, cầu không thành thì ứng không linh. Ứng không linh có nghĩa là ứng vọng! Đây là do tại mình đã tạo ra những cảnh giới đó. Bao nhiêu người niệm Phật được vãng sanh, còn mình niệm Phật mà không được vãng sanh chính vì yếu tố này!

Tiến thêm một chút nữa, hôm nay chúng ta giải quyết đến vấn đề của Hòa Thượng Tịnh-Không nói:

Khi tắt hơi ra đi mà thấy Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật hiện ra cũng không được theo, thấy Dược-Sư-Lưu-Ly-Quang Phật hiện ra cũng không được theo, nếu theo thì lạc đường…

Ngài giải thích, đây là do nhân quả của chính mình. Trong đời mình gạt chúng sanh để hãm hại họ, thì khi mình chếtchúng sanh cũng có quyền gạt mình để tìm cách hại mình. Đó là nhân quả của chính mình. Vấn đề này thuộc về Nhân-Quả. Nhân mình tạo ra thì Quả mình phải chịu, chứ chư Thiên-Long Hộ-Pháp không thể nhúng tay vào.

Mình gặp A-Di-Đà Phật là thật hay giả là do nhân duyên của chính mình. Nhân mình thành thì Duyên mình linh. Thông thường những người thích thấy này thấy nọ, cầu cảm ứng quá mạnh thường gặp phải chuyện này. Hai tuần trước, chúng ta có đi thăm một người bị như vậy, hiện tượng này là một chứng minh cụ thể. Thì hôm nay liên quan tới chuyện này, có một câu hỏi từ trong email, Diệu Âm xin đọc ra để chư vị nghiệm lấy thử coi:

“Thời gian vừa qua, con luôn nhìn thấy linh ảnh của đức Phật Tổ Như-Lai, đức Phật Thích-Ca, Phật Bà Quán-Âm, đức Đại-Hạnh-Phổ-Hiền Bồ-Tát, các vị Tăng Tổ, cổng Trời, đức Chúa Jésu, đức mẹ Maria, Cha Trời và rất nhiều hiện tượng kỳ lạ khác…”.

Xin thưa với chư vị, những loại câu hỏi này tôi gặp rất nhiều, thường thường gặp xong tôi chỉ nhắc nhở vài câu, rồixóa bỏ đi. Nhưng khi đang tọa đàm về vấn đề này, tôi mới tiếc và in ra đây để chúng ta cùng mổ xẻ. Câu hỏi này có viết:

“… Khi con người chết hoặc thiền sâu thì linh hồn thoát khỏi thân xác, di chuyển rất nhanh và có ánh sáng. Linh hồnchính là những bậc Minh Sư đắc đạo, họ đã từng sống tại trần gian này, nay có thể liên lạc với con người, với thân xácchúng ta, thông qua các “Đang Giác” (tư tưởng). Vậy linh hồn được cấu tạo nên từ cái gì?”…

Câu hỏi là như thế đó. Xin thưa với tất cả chư vị, Phật dạy, tất cả đều do chính tâm mình ứng hiện ra. Những người mà có hiện tượng này, mới đọc sơ qua, tôi cũng biết chắc chắn đây là những người tham nghiên cứu, những người rất hiếu kỳ, những người muốn có những cái gì kỳ lạ… Nếu là người học Phật, thì chính là những người tham cầucảm ứng, tham cầu chứng đắc, tham cầu thấy Phật…

Chính vì vậy mà trong những lần trước Diệu Âm luôn luôn nhắc nhở rằng,

– Ta cầu là cầu vãng sanh…

– Nhất định không được cầu chứng đắc.

– Nhất định không được cầu cảm ứng.

– Nhất định không được cầu thấy Phật. (Còn chuyện lúc vãng sanh thấy A-Di-Đà Phật tiếp dẫn là vấn đề khác).

Chính Diệu Âm này đã gặp rất nhiều người đã thấy Phật, đi khoe ra ngoài, diễn tả rõ ràng lắm. Nhưng từ trước tới giờ những người có hiện tượng này đến sau cùng đều có kết quả trái ngược, không sớm thì muộn nhất định ít khi có con đường an lành để đi! Đây là những chuyện nêu lên để chúng ta hiểu qua.

Chính vì vậy mà khi đối trước một người bệnh sắp chết, ta không được quyền nói:

– Bác ơi! Bác thấy Phật chưa? Bác thấy như thế nào? Thấy cho con biết với. Ráng cố gắng sớm thấy Phật nhé…

Có những người đi hộ niệm đã nhắc nhở người bệnh như vậy. Nghe được những lời khai thị này, Diệu Âm cứng rắncảnh cáo:

– Chị không được khai thị như vậy. Anh không được nói như vậy. Nói như vậy đưa người ta đến chỗ vọng tưởng, vọng tưởng thì nhất định cảm ứng đến vọng. Những hiện tượng thấy đó sẽ không bao giờ là thật cả! Tại vì đã vọng rồi không còn chơn nữa đâu!…

Trở lại câu hỏi bên trên, Diệu Âm không trả lời trực tiếp vào câu đó, mà Diệu Âm viết rất nhanh để trả lời như thế này:

– Mau mau nhiếp tâm niệm Phật, phải chấm dứt tất cả vọng tưởng liền đi, ngày ngày thành tâm sám hối lỗi lầm, phải cầu Tam Bảo gia bị ngay thì mới tránh khỏi lạc đường!…

Trả lời liền không cần suy nghĩ,

– Mau mau thay đổi tâm tánh, ăn ở hiền lành, vui vẻ, khiêm nhường, nhã nhặn với tất cả mọi người. Không được giận hờn, đố kỵ hay khó chịu với bất cứ ai. Không được buồn phiền, khổ sở, lo sợ… Phải giữ tâm thanh thản trước tất cả mọi chuyện. Không được tự cho mình đã chứng đắc nữa nhé! Tất cả những hiện tượng thấy được là hão huyền! Mau mau giác ngộ để được an lành. Phải giữ tâm hiền lành, khiêm hạ, phải thành thật nhận mình còn non kém, phải sám hốicho nhiều mới được. Không thể khinh suất!

Xin thưa với chư vị, mình chưa biết người đó là như thế nào? Nhưng mà nghe cái hiện tượng này mình có thể đoán được hậu quả có thể xảy ra như thế nào!… Khi tu hành mong chư vị hãy nhớ lấy hai chữ “Khiêm Nhường” mới được.Nhất định phải khiêm nhường. Nếu trong quá khứ mình sơ ý cầu cảm ứng này, cầu cảm ứng nọ, thì hôm nay tha thiết xin chư vị, Phật dạy chúng ta nguyện vãng sanh, trong kinh A-Di-Đà, Phật dạy nguyện vãng sanh, ta phải nguyện vãng sanh. Ngài Ấn-Quang luôn luôn nói rằng: “Hãy coi ta là còn phàm phu tục tử, tội chướng sâu nặng”. Cứ lấy yếu tố này mà tu thì A-Di-Đà Phật sẽ thương tình tiếp độ. Có nghĩa là tâm thành cao thì ta có được sự linh ứng tốt, hay gọi làcảm ứng tốt. Nếu chúng ta sơ ý nghĩ rằng ta đắc này đắc nọ, ta được cảm này cảm nọ thì thường thường vọng tâmđã ứng hiện rồi, nhất định vọng cảnh sẽ đáp ứng ngay lập tức! Sự trở ngại khó bề nào trốn thoát được!…

Tôi trả lời tiếp:

– Khi gặp những cảnh giới tương tự, hãy chắp tay thành khẩn điều giải như vầy, nói ngắn gọn:

“Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Con không biết duyên giữa con và chư vị như thế nào, vì nhiều đời kiếp đến nay con đã mê muội làm nên những nhân xấu ác, nay con cúi đầu xin sám hối, cầu xin chư vị tha thứ. Con sẽ làm thiện lành, tạo công đức để hồi hướng cho chư vị, nguyện chư vị tha thứ cho con.

Nam Mô A-Di-Đà Phật”.

Người ta hỏi về linh hồn cấu tạo như thế nào? Mà tôi không nói gì tới linh hồn hết trơn. Giống như người ta hỏi “A”, mình lại trả lời “B”. Chứ bây giờ nói về linh hồn, tôi cũng không biết nói gì về linh hồn cả. Tại vì mê muội rồi nó mớibiến thành “Linh Hồn”, chứ không mê thì đây chính là “Chơn Tâm Tự Tánh” của chúng ta vậy.

Cho nên Phật – Ma, Ma – Phật chính ở tại tâm này. Nếu cái tâm cứ ham thích những điều lạ lùng, để sau cùng đem cáichơn tâm này vùi dập trong những cảnh giới đọa lạc, không thể đi về Tây Phương. Nếu là người thành tâm, thì nên nghĩ: À!… Mình gặp như vậy mà không hiểu! Không hiểu lại hỏi ông Diệu Âm, không ngờ ông Diệu Âm này thật sự cũng chỉ là phàm phu tục tử, vẫn còn mê mờ! Vậy thì hỏi ổng làm chi? Ông đó mê mờ, mà mình lại hỏi ổng, thì mớibiết mình còn mê hơn ổng nữa!…

Biết mình mê mờ rồi, thôi thì, thành tâm sám hối đi, thành tâm nhận lỗi đi, thì tự nhiên A-Di-Đà Phật phóng quang nhiếp thọ liền, chứ có gì đâu…

Xin thưa với tất cả chư vị, mình đi về được Tây Phương:

– Là do lòng chí thành chí thiết.

– Là do lòng khiêm nhường.

– Là do lòng niệm Phật cầu Ngài tiếp độ.

Chứ không phải niệm Phật để chứng đắc, để nhất tâm bất loạn rồi an nhiên tự tại vãng sanh. Từ trước tới nay những vị thật sự chứng đắc thì không bao giờ các Ngài thố lộ ra. Còn những vị mà thố lộ ra, thì nhất định không phải là chứng đắc thật!

Ngài Tịnh-không nói:

– Nếu chư vị đắc được điều gì, mà ra tuyên bố bên ngoài thì định lực của chư vị đã tiêu hết trơn rồi!…

Đây là sự thật.

Diệu Âm chợt nhớ đến, trong thời của ngài Ấn-Quang thì có ông tên là Ngô Quang Chiêu niệm Phật mà cảm ứng đến nỗi quang minh sáng cả cái phòng ông ta nằm. Khi ông quỳ lạy trong niệm Phật đường, đức Quán Âm hiện ra trước mặt… Nhưng khi gặp ngài Ấn Tổ, Ngài nghiêm sắc mặt nói:

– Ông phải lo chí thành, khiêm nhường mà niệm Phật, đừng có thấy một mà nói cho đến trăm ngàn, coi chừng đến khi quá trễ, mười phương chư Phật xuống cứu ông không được.

Tại sao chư Tổ lại la rầy như vậy?… Cảnh tỉnh người quá vọng tưởng. Tất cả đều do tâm tạo. Tâm quá vọng, cái vọng đó nó ứng đối với những người tu khác với những người không tu. Cần phải cẩn thận!…

Trong cuối đời nhà Minh có người tên là Ngu Thuần Hy(?)… Đúng rồi, là Ngu Thuần Hy. Người này tu giỏi đến nỗi nhìn một người nào thì liền biết được quá khứ của người đó như thế nào. Nhìn một người biết người đó mấy ngày nữa bị nạn. Đoán trước được trời mưa hay nắng, biết được quá khứ vị lai, có nhiều người quá kính phục phải quỳ xuống bái phục tôn làm sư phụ. Tin này khi đến tai ngài Liên Trì, Ngài nghiêm sắc mặt, viết những lời rất là cứng rắn:

– Ông phải mau mau lo thành tâm sám hối đi, tu hành đi, đem tất cả công đức hồi hướng cho oan gia trái chủ. Thành tâm niệm Phật cầu giải nạn đi. Nếu ông đứng đó mà tự cho là được chứng đắc, thì đến một lúc nào đó, bị nhập đã quá sâu rồi, dẫu mười phương chư Phật xuống cứu cũng không được! Ông đừng ở đó mà nói chứng đắc.

Ông Ngu Thuần Hy này nghe vậy giật mình tỉnh ngộ. Khi giật mình tỉnh ngộ thì tất cả những thần thông gì mà ông ta có được tự nhiên đều biến mất hết. Quý vị thấy không? Tất cả đây là những chuyện Tổ Sư để lại, không bao giờ là sai được. Chính trong hiện đời này chúng ta cũng đã thấy được, chứ đâu cần gì phải nói đến những chuyện xa xôi trongquá khứ.

Cho nên, mình tu hành phải giữ một tâm hạnh hết sức khiêm nhường, quyết lòng cầu A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ. Tâm của mình thiện lành, Ý của mình khiêm nhường. Lòng thành này sẽ có Cảm, thì A-Di-Đà Phật sẽ có Ứng… Nhất định chúng ta được quang minh của Ngài bảo vệ để vãng sanh về Tây Phương thành đạo Vô Thượng.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/ho-niem-huong-dan-khai-thi-toa-dam-38-289.html#ixzz7R0q0jNzH

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –