Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 04)

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 04)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

“Hộ Niệm”, cái vai trò “Khai Thị – Hướng Dẫn” rất là quan trọng. Một người để cho đến lúc mê man, bất tỉnh trong bệnh viện rồi mới kêu ban hộ niệm thì quá trễ! Vì lúc đó ban hộ niệm đến không biết cách nào để mà hướng dẫn cho người bệnh được vãng sanh?…

Ví dụ như ngày hôm nay có một người điện thoại tới nói:

– Anh Diệu Âm ơi! Cha của tôi bây giờ đang mê man bất tỉnh sắp chết trong bệnh viện, mời anh tới hộ niệm.

Tôi hỏi:

– Hồi giờ ông cụ có niệm Phật không?

– Dạ tôi được người bạn giới thiệu để mời anh tới hộ niệm, chứ hồi giờ chưa có niệm Phật.

Tôi nói:

– Thật ra hộ niệm không phải là như vậy đâu… Đã đến giờ phút này thì không còn cách nào cứu được!

Có hướng dẫn khai giải để cho người bệnh phát khởi niềm tin, phát lòng niệm Phật, rồi phát nguyện vãng sanh thì may ra mới nương theo ba món “Tư Lương” này mà giúp cho người bệnh vãng sanh, chứ còn nói rằng, đến hộ niệm, niệm Phật hồi hướng công đức để được vãng sanh… Thật sự không phải dễ dàng như vậy đâu!…

Ngày hôm kia mình có đưa ra một trường hợp về tâm lý khai thị, tức là khai thị không phải tới đó nói ào ào rằng, “Bác tin đi, Bác niệm Phật đi, Bác nguyện đi…” là người ta có thể thực hiện được đâu!

Một người con biết hộ niệm, đã từng hộ niệm, khi giữ phần hướng dẫn hộ niệm cho người Cha, nhưng sau cùng thì người Cha mất phần vãng sanh. Trong đó lỗi lầm một phần vì thiếu yếu tố “Tâm lý”. Nghĩa là người trong nhà nói với nhau đã quen rồi, nhiều khi người Mẹ của mình, người Cha của mình đã nhàm chán với lời nói của con cái. Chính vì vậy, đôi khi người con vừa mới mở lời nói thì ông già liền phiền não! Cho nên cần đến những người lạ, người trong ban hộ niệm, phải nhờ người ta tới nói… Đây là vấn đề tâm lý hết sức quan trọng.

Cụ thể, trong những ngày đi hộ niệm cho bác Cam Muội, mình thấy con của Bác là một vị Thượng Tọa mà ngài dặn tất cả người trong gia đình đều phải nhất mực tuân theo ban hộ niệm, gia đình không có nói gì hết. Đây là vấn đề tâm lýrất hay. Nhờ biết tâm lý như vậy nên mới giải tỏa được những phiền não của người bệnh.

Khai thị là gỡ những cái “Gút mắt”, gỡ những cái “Phiền não” của người bệnh để cho người bệnh:

– Phát khởi niềm tin.

– Phát lòng niệm Phật.

– Phát nguyện vãng sanh.

Chứ không phải:

– Khai thị là nói Pháp.

– Khai thị không phải là nói lý đạo.

Mà khai thị là làm cho người đó:

– Bớt đi phiền não.

– Bớt đi những gút mắt.

– Bớt đi những cái khó khăn mà chính người đó đang bị.

Có nghĩa là sao?…

– Một người bệnh có một cái gút mắt riêng.

– Một người bệnh có một cái phiền não riêng, và một cái kẹt riêng.

Diệu Âm xin kể ra một câu chuyện có thật để mình thấy. Đầu tiên là mình biết được phương pháp để dụ dỗ cho được người bệnh.

Có một vị đồng tu biết niệm Phật. Khi đó cũng nhờ Diệu Âm đến nói chuyện với người Mẹ của mình. Khi Diệu Âm đến nói chuyện, thì nghe bà Cụ cũng hứa niệm Phật, bà Cụ cũng muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nhưng có một điều như thế này… Khi phát hiện ra, Diệu Âm có nói với người con là hãy làm như vậy… như vậy… Dù đã biết hộ niệm, muốn Mẹ mình vãng sanh, nhưng hình như người con không chịu làm theo…

Chuyện là người Mẹ không muốn ở cái nhà đó, mà người con lại bắt buộc Mẹ mình phải tới cái nhà đó để ở. Lý do vì cái nhà này có thờ Phật, có trang trí hình Phật, còn căn nhà người Mẹ đang ở thì nơi đó không ai biết tu. Vì thế người con muốn người Mẹ phải về căn nhà thích hợp này. Diệu Âm cũng thấy sự thích hợp đó, nên khuyên bà Cụ hãy về cái nhà này để được thuận lợi hơn. Nhưng có một lần bà Cụ nói như thế này:

– Tôi nói thiệt với chú, thà tôi xuống địa ngục chứ tôi không chịu về cái nhà này đâu…

Khi nghe bà Cụ nói như vầy, thì tôi mới nói với người con hãy mau mau đem bà Cụ trở về căn nhà bà Cụ thích, có như vậy may ra bà Cụ mới có thể được vãng sanh.

Thì người con nói:

– Không được đâu!… Về bên đó thì nhất định Mẹ tôi không được vãng sanh, tại vì ở bên đó người ta không biết tu.

Tôi nói với người con:

– Muốn cho người Mẹ mình an tâm niệm Phật, thì phải chiều người Mẹ của mình hết mức. Người Mẹ của mình tới đó mà bà thấy an tâm, bà thấy vui vẻ… thì chính chỗ đó là chỗ bà Cụ mới có thể được vãng sanh. Trở về đây, dù không khí này rất thuận lợi để tu hành, nhưng khi trở về đây bà Cụ lại thấy nóng nảy, khó chịu, phiền não… thì nhất địnhkhông thể nào mình có thể hộ niệm hay giúp gì cho bà Cụ vãng sanh được! Rõ ràng, bà Cụ đã quyết thề: “Thà tôi xuống địa ngục chứ không chịu ở cái nhà này”, như vậy mà chị còn bắt bà Cụ về nhà này thì chắc chắn không cách nào bà Cụ có thể an tâm niệm Phật được hết.

Ấy thế mà người con cũng quyết lòng tìm mọi cách bắt buộc bà Cụ phải về ở tại căn nhà bà không thích đó. Thấy như vậy tôi đành lặng lẽ ra về, và trong tâm của tôi nghĩ rằng bà Cụ này không có cách nào có thể được vãng sanh, dù rằng bà Cụ cũng có niệm Phật, bà Cụ cũng có nguyện vãng sanh…

Xin thưa với chư vị: Khai thị là gỡ những điều gút mắt của người bệnh. Khai thị là xóa đi những cái phiền nãocủa người bệnh, chứ không phải khai thị là xóa đi những phiền não của người hộ niệm.

Người con muốn người mẹ được vãng sanh, thì người con phải làm sao giúp cho người mẹ không phiền não, chứ đừng bắt người mẹ phải làm sao cho người con không phiền não. Nếu sơ ý, vô tình chúng ta không cách nào có thể giúp một người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được.

Đây chính là sự khai thị, chứ không phải cứ ngồi trước bà mẹ của mình rồi nói oang oang, hết lý này đến lý nọ, ngày nào cũng nói, cũng bắt bà mẹ mình… “Phải niệm Phật nghe, phải lánh xa những người đó nghe, phải làm này, phải làm nọ, đủ thứ hết!…”, mà bên cạnh thì không chịu để tâm đến ý muốn, sở thích của người mẹ mình là gì.

Đây là một việc làm phản ngược, hay gọi là: “Phản khai thị! Phản hướng dẫn!”. Vì thế, thường thường khi hộ niệm, mình cần nên hỏi người nhà để biết người bệnh đó ghét cái gì, hầu tìm cách giúp cho bà Cụ đừng gặp phải nguyên nhân sinh ra phiền não. Ví dụ như có nhiều bà Cụ tính tình lạ lắm! Bà không muốn treo tượng Phật trong phòng của bà, mà trong pháp hộ niệm thì nói rằng có thể treo được. Nhưng khi để hình Phật trong phòng, thì bà Cụ cho rằng như vậy là bất kính quá! Hiểu được điều này, trước đó mình có thể khai giải: “Không sao đâu Mẹ… Không sao đâu Bác, có thể để được”. Nhưng bà Cụ nhất định cũng không chịu. Khi bà Cụ nhất mực không chịu, thì mình phải chiều bà Cụ. Nghĩa là mình phải để hình Phật ở phòng ngoài, đặt chỗ nào trang trọng, khi hộ niệm thì mời bà Cụ ra. Như vậy là đúng.

Không thể nào áp dụng nguyên tắc một cách cứng ngắc. Đừng nghĩ rằng, hộ niệm có thể để được hình Phật trong phòng, thì mình cứ việc để, (Vì phòng của bà Cụ mà), trong khi bà Cụ không chịu. Nếu mình vẫn nhất mực làm vậy, áp dụng nguyên tắc cứng rắn như vậy thì người đó sẽ mất phần vãng sanh. Thật là oan uổng!…

Cho nên, thường khi khai thị chúng ta nên nhớ: Khai thị có “Lời Khai Thị”, có “Tư Cách Khai Thị”, có “Tâm Lý để Khai Thị” nữa. Luôn luôn phải nhớ rằng, mục đích của chúng ta là làm sao giúp người đó buông xả, buông xả. Buông xả cho nhiều ra mới tốt…

Nói vậy, thì bắt đầu chúng ta nên buông xả trước đi để ngày ra đi của chúng ta khỏi bị nạn. Ví dụ như mình nói, trong lúc đi hộ niệm phải cần một mẫu hình Phật, mẫu hình Phật nào một mẫu thôi, đừng nên treo nhiều thứ quá. Nghĩa là, đừng treo bên đây hình đỏ, bên kia hình xanh, bên nọ hình vàng… Đây là yếu tố giúp cho người bệnh khỏi phân tâm. Vì căn cơ yếu quá có thể người bệnh dễ dàng sinh ra hồ nghi, không biết phải đi theo Phật nào…

Khi mình nói với người ta như vậy, thì đối với cá nhân của chính mình khi gặp một tượng Phật nào mình cũng hoan hỷhết. Ví dụ như ở đây mình áp dụng phương thức chuyên nhất, thấy hình Phật chuyên nhất, nhưng giả sử đi đến mộttự viện hay đến một nhà nào đó, người ta treo ở đây đỏ, ở kia xanh, ở nọ vàng thì mình cũng chấp nhận luôn, để khi mình nằm xuống gặp trường hợp người ta treo ba-bốn mẫu hình Phật, cũng không trở ngại gì cho mình cả. Luôn luôn phải tập buông xả, tự mình phải tập trước, tự mình phải buông xả trước, thì khi mình nằm xuống, người ta hộ niệmcho mình rất dễ dàng.

Mỗi ngày nói một chút, tiến sâu hơn. Rồi lần lần ta sẽ nói đến chỗ điều giải oan gia trái chủ nữa. Cầu xin cho chúng tacó được cái hướng khai thị vững vàng hầu cứu người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà-Phật.

 

 

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –