Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 34)

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 34)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Về “Khai Thị – Hộ Niệm” hôm nay có một câu hỏi liên quan đến vấn đề Hộ Niệm. Câu hỏi như thế này:

– Khi thăm hơi ấm thì làm như thế nào?

Muốn thăm hơi ấm của một người ra đi thì phải thực hiện ít ra là tám giờ đồng hồ sau khi tắt thở. Sau mười hai tiếng đồng hồ thì càng hay. Trước thời gian này không được thăm.

Có nhiều người nói rằng hộ niệm không cần thăm cũng được. Nhưng mà trải qua nhiều kinh nghiệm rồi thì thấy rằng nên thăm, nhưng mà chỉ cấm là không được quyền đụng chạm vào thân thể của người chết trong vòng tám tiếng đồng hồ từ khi tắt thở.

Nếu vạn bất đắc dĩ mà phải đụng chạm thì xin chư vị phải khai thị trước và phải làm rất nhẹ nhàng, vì trong khoảngthời gian này có thể thần thức chưa xuất ra khỏi thân xác. Lỡ khi gặp trường hợp thần thức chưa xuất ra mà chúng tađụng chạm tới làm cho họ giật mình, và họ bị những cảm giác rất là đau đớn, từ sự đau đớn đó họ đâm ra hoảng kinh, khiếp đảm, rồi biến qua giận dữ. Từ chỗ đó mà họ có thể bị đọa vào cảnh giới rất là kinh khủng trong ba đường ác!

Xưa nay vì nhiều người không biết hộ niệm cứ thấy một người vừa chết xong thì nhào tới ôm nắm, tắm rửa, cột tay cột chân, thay áo thay quần, v.v… Thì đây thật sự chẳng khác gì là một hình thức tra tấn người chết để cho họ bị đọa lạc vào những cảnh rất là đau đớn!… Mong chư vị hiểu thấu chỗ này.

Chỉ được đụng chạm vào thân thể của người chết ít ra là sau tám tiếng, sau mười hai tiếng thì càng hay.

Trước khi thăm nếu mà đang hộ niệm thì chúng ta hồi hướng công đức cho hương linh, hồi hướng công đức cho chư vị trong pháp giới hữu duyên nhứt là chư vị oan gia trái chủ. Xong rồi thì ta cũng phải có một vài lời với người ra đi đàng hoàng, tức là khai thị đó, và thường thường chúng ta chắp tay lại nói:

– Bác Trần Thị X ơi!… (Hoặc là hương linh cũng được, lúc đó mình kêu hương linh cũng được). Đến giờ phút này đã tám giờ sau khi xả bỏ báo thân, trong thời gian qua hương linh đã được niệm Phật hộ niệm thì chắc giờ này đã theo A-Di-Đà Phật vãng sanh Tây Phương. Nếu mà giờ phút này còn ở tại đây thì thật sự đã bị trở ngại rồi đó, mau mau tỉnh ngộ. Giờ này chúng tôi xin sắp xếp lại thân thể của Bác cho được trang nghiêm và trong dịp này nếu Bác có gì chướng ngại thì chúng con sẽ cố gắng hỗ trợ thêm, hộ niệm thêm cho hương linh vãng sanh. Điều tốt nhứt là hương linh mau mau niệm Phật đi về Tây Phương.

Thông báo cho người ta biết trước. Rồi chúng ta mới bắt đầu nhẹ nhàng từng bước từng bước, kéo cái mền quang minh xuống, xếp tấm mền đắp trên thân thể từ trên xuống dưới, xếp làm hai, làm tư… Xếp nhè nhẹ đừng bao giờ làm mạnh. Đem cái mền ra rồi, thì cũng chớ vội thăm liền, mà lợi dụng trong khoảng thời gian đó mình nói thêm vài lời hoặc niệm Phật thêm để kéo dài thời gian ra khoảng chừng ba phút, năm phút rồi mình mới thăm, chứ đừng kéo mền ra xong thì thăm liền.

Thì thường có một câu thơ giống như câu “Thiệu” của chư Tổ để lại nói đến cảnh giới cảm ứng của người ra đi. Thì câu thơ nói như thế này:

Đảnh Thánh, Nhãn sanh Thiên.

Tâm Nhơn, Phúc Ngạ-Quỷ.

Bàng-Sanh Túc hạ hành.

Địa-Ngục Cước để xuất.

Có nghĩa là, nếu người ra đi sau tám tiếng mà chỉ nóng một điểm nhỏ ở trên đỉnh đầu thì người này sẽ đi về cảnh Thánh. Rất tốt. Nếu là người này niệm Phật mà có hộ niệm nữa thì người này đi về Tây Phương Cực Lạc. Rất là tốt.

Nhãn là những vùng mắt, vùng lông mày, vùng trán mà ấm thì sanh về các cảnh Trời.

Tâm là quả tim, tức là vùng ngực mà ấm thì tái sanh về cõi Người.

Phúc là cái bụng, nóng ở vùng bụng sanh về hàng Ngạ-Quỷ.

Vùng đầu gối trở xuống, là thuộc về bàng sanh. (Nói chung là xuống dưới thì càng xấu đi).

Và đặc biệt là ở dưới lòng bàn chân mà ấm thì người này thật sự đã bị đại nạn rồi! Đọa Địa-Ngục!

Biết câu này, nhưng chúng ta không nên giảng giải ra trong lúc hộ niệm. Chúng ta chỉ biết được như vậy để khi thăm nếu có bề gì trở ngại thì chúng ta tiếp tục hỗ trợ, khai thị. Tại vì thứ nhứt là nếu người đó ra đi mà có được thoại tướng tốt, nóng trên đỉnh đầu thì không sao hết. Chứ nếu bị nóng những chỗ khác mà mình giảng giải ra thì kẹt cho gia đình lắm! Hơn nữa cái điểm nóng đó chẳng qua là sự chiêu cảm với cảnh giới đó. Thí dụ như đang nóng tại đỉnh đầu thì có thể họ vãng sanh rồi, cũng có thể họ mới đang cảm ứng thôi, chúng ta cũng chưa có thể vội vàng tuyên bố.

Với một điểm nữa, là ba cảnh giới địa ngục, sanh thiên và vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì trong một nháy mắt họ đã đi rồi, họ không còn ở đó nữa. Còn ngoài ra trong tất cả những cảnh giới khác như là người, ngạ quỷ, và bàng sanhđều phải qua thân trung ấm. Qua cái thân trung ấm thì chúng ta còn có thể điều giải, còn có thể cứu được…

Ví dụ như một người mà họ bị cái ách nạn phải đi xuống địa ngục, thì thôi chịu thua!… Không còn điều giải được nữa, vì họ đã đi tuốt xuống dưới đó rồi. Những người xuống địa ngục thì chết xong là đi liền, mình hộ niệm gì hộ niệm họ cũng đi, không còn cách nào cứu giải được.

Một trong những lý do bị đi xuống địa ngục chính là sự “Sân Giận”. Cho nên trong những lần trước Diệu Âm thường hay nhắc nhở chư vị là đừng có sân giận. Sự sân giận là cái hậu đề của những cái tánh ganh tỵ, ghen ghét, kình chống lẫn nhau. Những cái chấp này thường đưa tới sự sân giận…

Thông thường những người vừa mới chết mà bị đụng chạm vào xác thân mạnh quá. Ở trong bệnh viện, một người vừa chết xong bị đưa xác vào trong phòng lạnh… Những trường hợp này thường thường dễ bị đọa xuống địa ngục.

Về vấn đề sanh Thiên, nếu thật sự một người có phước báo quá lớn, ví dụ những người niệm Phật như chúng taphước báo quá lớn mà không chịu nguyện vãng sanh, nhiều khi chết xong họ đi lên trời liền, chư Thiên tới đón liền. Cho nên thường thường khi hộ niệm chúng ta thường khai thị rằng:

– “Bác ơi! Khi có gặp ông Trời tới cũng đừng có đi. Gặp những người đem tràng phan bảo cái tới đón, cũng đừng có đi”.

Tại vì mình muốn về Tây phương mà… Các Ngài đó đem tràng phan đến đón vì cái phước mình lớn quá. Đừng thấyvậy mà đi theo nhé. Đi theo cảnh trời thì cũng sướng đó, nhưng sau cùng thì cũng bị đọa lạc mà thôi. Cho nên mình nhắc nhở đừng theo cảnh đó, để chi?… Để mình dùng cái phước này hồi hướng về Tây Phương, để vãng sanh về Tây Phương là như vậy.

Ngoài ra còn có những vấn đề khác nữa, ví dụ như nhiều khi những vị khác trong pháp giới giả dạng ra dụ hoặc… thì việc này chúng ta sẽ nói sau.

Còn thật sự một người niệm Phật, quyết lòng nguyện vãng sanh tha thiết, trì giữ câu A-Di-Đà Phật tới kỳ cùng, thìthường thường là họ đi vãng sanh trước khi tắt thở, chứ không phải là sau khi tắt thở mới đi. Hôm qua tôi kể chuyện ông Trịnh Văn Hải là sau khi tắt thở chỉ có bảy tiếng đồng hồ mà thân thể của ông ta vẫn mềm mại. Đây là một hiện tượng rất lạ, chứng tỏ rằng là từ khi ông đó chết cho đến bảy tiếng đồng hồ sau mà thân xác không bị cứng. Không bị cứng nên trải qua bảy tiếng đồng hồ vẫn còn mềm, đây là vì ông không bị vướng nạn gì cả, có thể vậy, chớ nếu đã trải qua ách nạn thì thân xác đã bị cứng rồi. Nhưng người ta báo rằng xác ông không cứng, dù rằng trước đó không có người nào hộ niệm cho ông ta đúng mức. Dựa vào tinh thần kiên cường của một người quyết lòng niệm Phật, và kèm theo cái hiện tượng là trong ngày hôm đó ông tự bảo cho y tá rút hết tất cả kim ra, không cần thở với bình oxy nữa để cho ông ta ra đi. Có hiện tượng lạ lùng như vậy, nên tôi cảm thấy là có một ấn tượng rất là hay đối với ông đó. Nhưng mà vì không ai rành về hộ niệm, không có ai kiểm chứng nên không dám nói gì hơn.

Như vậy ba cái cảnh giới này nếu thật sự họ ra đi, thì đã đi trước rồi.

Còn lại những sự chiêu cảm tới cảnh giới bàng sanh, ngạ quỷ và cảnh giới người thì chúng ta còn có thể điều giải được. Cụ thể nhứt như chuyện ở trên Perth, mới vừa đây thôi, đã chứng minh rõ ràng. Bà đó quyết lòng vãng sanh,quyết lòng buông xả để niệm Phật, mà niệm Phật còn ngon, còn mạnh hơn mình dù rằng bị đau. Mình niệm Phật suốt hai tiếng đồng hồ đã muốn hết hơi, mình đề nghị nghỉ một chút, nhưng chị ấy thì nói, hãy nghỉ mười lăm phút thôi, rồivô niệm Phật nữa… Điều này nói lên sự kiên cường của người bệnh.

Nhưng sau cùng, trước ngày ra đi, vì một việc làm sai lầm của người trong gia đình đã tạo cho chị một sự bức xúc quá lớn, nên sau khi tắt hơi tám giờ, người ta báo cáo là bị nóng tại bụng làm cho Diệu Âm giật mình! Trong khi trước đó tôi dám đoán sự thành công của ca hộ niệm này tới chín mươi lăm phần trăm. Đã đoán như vậy mà bây giờ đành phải giật mình! Nhưng cũng may, ban hộ niệm báo tin liền nên chúng tôi kịp thời điều giải. Trước khi điều giải, thật sự tôi đã lớn tiếng chỉ trích đến mấy người đã làm ẩu. Khi khai thị điều giải xong, ban hộ niệm niệm Phật thêm bốn tiếng nữa, tự nhiên thân tướng mềm lại, điểm ấm chuyển lên trên đỉnh đầu liền. Đó là những kinh nghiệm mà chỉ khi đi hộ niệm mình mới biết được. Không đi hộ niệm không biết được đâu.

Trở lại câu hỏi “Thăm như thế nào?” Chúng ta nên thăm hết sức là nhẹ nhàng, và thăm từ dưới lòng bàn chân nhẹ nhàng thăm lên cho đến đỉnh đầu.

Ví dụ như sờ tới bàn chân thấy bàn chân lạnh toát là mình mừng rồi đó. Còn khéo hơn nữa, người thăm lấy ngón tay khều nhẹ ngón chân, nếu thấy nó mềm mềm, quẹo qua quẹo lại là bắt đầu mừng rồi đó. Người thăm chưa vội nói đâu, nhưng trong lòng đã mừng rồi đó nghe! Chứ người chết bình thường thì lúc đó những ngón chân nó cứng như que củi vậy. Sau đó bắt đầu thăm lên trên, nhẹ nhẹ một chút. Nếu thấy đã lạnh là mừng nữa rồi đó. Từ từ thăm lên. Thăm như vậy là để đảm bảo rằng toàn thân xác phải lạnh toát hết. Khi thăm lên như vậy, đến một chỗ còn ấm thì tự nhiên ta biết liền.

Toàn thân lạnh toát mà đỉnh đầu còn hơi ấm thì tốt. Có nhiều người nói rằng đầu nóng như cái máy sấy tóc. Không phải vậy đâu! Nó ấm như một người bình thường, cũng không thể ấm nhiều chỗ đâu à, chỉ ấm một điểm nhỏ nhỏ thôi. Nếu thật sự vùng ấm lớn quá, nhiều quá, thì cũng có được cảm giác tốt đó, nhưng mà mình phải cẩn thận, phải hết sứcbảo vệ, tại vì đó là đang trong tình trạng cảm ứng.

Nhiều người mới mở cái mền ra thì thò tay sờ liền. Thường thường làm gấp quá cũng có thể làm cho mình bị lầm, vì nhiều khi cái mền dày quá, nó có thể ủ hơi nóng lại, chưa thoát ra được. Cũng giống như lạnh, mình đắp mền để nó ủ hơi nóng lại. Phải mở cái mền ra, chờ một chút rồi từ từ mình thăm lần lên mới tốt.

Giả sử, khi khởi sự thăm bàn chân, nếu thấy bàn chân còn ấm, chưa phải sợ đâu!… Mình thăm lên trên này, nếu thấy nóng nữa, nghĩa là thân xác còn nhiều chỗ nóng quá, thì lúc đó mình nói với gia đình hãy phát tâm niệm Phật thêm đừng nên tẩm liệm sớm. Tại vì nguyên tắc là khi còn nóng nhiều chỗ, thì nên hiểu rằng thần thức người đó chưa xuất ra khỏi thân xác.

Bây giờ thời gian đã hết rồi, xin để ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục…

A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –