Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 36)

Share on facebook
Share on twitter

 

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 36)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua chúng ta nói đến chỗ khi ra đi phải dặn người bệnh phải theo A-Di-Đà Phật, không được theo bất cứ một vị nào khác. Tại vì trên pháp giới chúng sanh tất cả đều có giới luật, có nghĩa là nếu ta theo một vị nào khác dù là một vị “Phật” thì coi chừng cũng là Phật giả. Chuyện này rất là lớn, ta chỉ biết là Hòa Thượng Tịnh-Không dặn như vậy ta nói như vậy, rồi sau này có dịp ta sẽ mổ xẻ thêm.

Đi theo A-Di-Đà Phật là dặn người bệnh nhìn cho kỹ ảnh tượng A-Di-Đà Phật do ban hộ niệm treo trước mặt người đó và dặn người bệnh cứ nhiếp tâm nhìn vào hình Phật đó gọi là “Quán Tượng”, A-Di-Đà Phật nương theo cái tâm chúng ta hóa hiện ra mà tiếp dẫn ta về Tây Phương, thì Hòa Thượng Tịnh-Không nói không thể nào lạc được. Có người hỏi rằng:

– Nếu A-Di-Đà Phật cũng bị giả nữa thì làm sao?…

Trong cuốn sách “Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh Vấn-Đáp”, có một vị đã nêu lên câu hỏi như vầy, có một vị khi nhập vào thiền định đã thấy được đức A-Di-Đà Phật nhưng mà sau cùng quán xét lại thì phát hiện ra bị giả… Cho nên Ngài đó mới tuyên bố rằng tất cả vị Phật nào cũng có thể bị giả hết.

Diệu Âm có trả lời rằng, có thể vị đó không phải là người tu Tịnh-Độ. Nếu mà người đó có tu Tịnh-Độ thì cũng là tu thử chứ không phải là tu thật. Nói chung là vị đó dù có niệm Phật đi nữa thì Tín-Nguyện-Hạnh cũng không có. Vì tu thử cho nên pháp giới chúng sanh mặc sức thử thách cho tu thử, mà đã thử thách thì chắc chắn không thể nào là thật được!… Chính vì thế vị đó đã thấy A-Di-Đà Phật giả!

Trên thực tế thì chính Diệu Âm cũng đã từng gặp, trực tiếp gặp luôn, những vị niệm Phật đã thấy A-Di-Đà Phật, nhưng sau cùng có kết quả không như ý muốn!… Nghĩa là chính các vị đó nói rằng A-Di-Đà Phật đã nói như vậy… như vậy… Nhưng sau đó thì kết quả hoàn toàn sai!…

Xét cho cùng ra đều có lý do của nó. Những vị này tu niệm Phật, dù hình thức có hay tới đâu đi nữa, nhưng chắc chắnba cái điểm Tín-Nguyện-Hạnh đã bị sơ suất rồi!…

Nếu niềm tin có vững thì “Nguyện” cũng bị sơ suất, thay vì nguyện vãng sanh coi chừng vị đó đã nguyện cầu cảm ứng, cầu thấy Phật trong đó!… Nhiều khi người đó có lúc thành tâm niệm Phật, nhưng bên cạnh đó cái tâm ngã mạnđã nổi lên rồi!… Một khi cái tâm ngã mạn nổi lên thì thường khởi tâm cầu chứng đắc, cầu cảm ứng. Đã mong cầu chứng đắc thì nhất định Tín-Nguyện-Hạnh bị sơ suất!… Nương vào đó, pháp giới chúng sanh mặc sức mà thử tháchcho chứng đắc!…

Chính vì vậy, khi mình biết được pháp hộ niệm rồi, đem cái pháp hộ niệm chiếu vào những trường hợp này thì có thể thấy rõ ràng cụ thể. Cho nên khi mình đứng trước một người bệnh, dù người ta mới biết tu hay là tu lâu, nhất định ta cũng phải cố gắng “Khai Thị – Hướng Dẫn”, dẫn dắt người bệnh thực hiện những điểm chính sau:

– Nhất định phải TIN cho vững.

– Nhất định NGUYỆN là nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Không được NGUYỆN chứng đắc. Không được NGUYỆN cầu cảm ứng.

– Không được khởi một cái tâm nào khác ngoài ba cái điểm TÍN-NGUYỆN-HẠNH này.

Tại vì nên nhớ cho, một người bệnh đã cần đến ta hộ niệm tức là căn cơ của họ hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng, oán thân trái chủ trùng trùng điệp điệp… Khi đứng trước người bệnh ta phải có cái lời khai thị vững vàng, sắc bén để:

– Phải phá tan tất cả những mối nghi ngờ của người bệnh.

– Phải phá tan tất cả những sự mập mờ của người bệnh.

– Phải phá tan tất cả những điểm nguyện cầu sai lầm.

Nếu trước một cơn đau mà người bệnh có tâm hồn chao đảo sợ bệnh, sợ chết thì ta phải tìm cách phá cái ý niệm đó liền lập tức. Nếu không phá được tâm trạng này, thì dù có niệm Phật leo lẻo đi nữa sau cùng người đó vẫn bị trở ngại!

Một người dù quyết tâm niệm Phật tinh tấn vô cùng, nhưng mà khởi một ý niệm cầu cảm ứng sai lầm nào đó thì thường sau cùng cũng rất dễ bị trở ngại! Vì sao vậy?… Tại vì Phật dạy là dạy chúng ta nguyện vãng sanh. Ấn Tổ đã dạy: “Chí Thành – Chí Kính mà được cảm thông, nhờ Phật thương tình đưa ta về Tây Phương Cực Lạc”… Người cầu xin cảm ứng đã bị giảm sút cái điểm “Chí Thành” này. Người cầu được “Nhất Tâm Bất Loạn” hay cầu cho chứng đắcsẽ giảm mất cái điểm “Chí Thành” này. Sự vô ý này đã khiến cho một người phàm phu lại đi thực hiện cái pháp của hàng đại Bồ-Tát. Lệch lạc là ngay tại chỗ này đây.

Cho nên, nhiều khi mình thấy có những người tu hành có vẻ rất là tinh tấn, thời khóa tu tập có thể lên tới mười sáu mười bảy giờ một ngày. Họ tu một thời gian thì ra tuyên bố ngày giờ vãng sanh, tuyên bố rằng đã thấy Phật A-Di-Đàthọ ký rồi… nhưng mà sau cùng bị trở ngại. Tại vì sao?… Tại vì có thể tâm nguyện vãng sanh của họ đã bị sơ suất!

Phải cẩn thận về tâm nguyện, điểm này vô cùng quan trọng. Ngài Triệt-Ngộ là một vị đã “Minh Tâm – Kiến Tánh” mà Ngài luôn luôn nói rằng, ta niệm Phật để sau cùng nhờ Phật thương tình phóng quang tiếp độ.

Ngài Tịnh-Không nói, “Dù tôi có gì đi nữa thì tôi cũng lo niệm Phật để cầu A-Di-Đà Phật tiếp dẫn tôi về Tây Phương”.

Chư Tổ không bao giờ nói rằng, ta sẽ niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn” để tự tại vãng sanh. Các Ngài không nói như vậy… Nghĩa là dù thế nào đi nữa thì các Ngài cũng nương theo đại nguyện của đức A-Di-Đà để mà vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Cho nên, xin thưa với chư vị, nếu tu hành mà cho rằng, ta tu như thế này thì nhất định phải ngon hơn một người khác… Nếu có một ý niệm thượng mạn này khởi lên, nó đã đánh lạc hướng chữ “Nguyện” của người niệm Phật rồi. Nếu ta xác định ta ngon hơn người khác, thì cái lời xác định này có thể chỉ dành cho những vị đại Bồ-Tát thì được(!). Chứ còn ta là hàng phàm phu tục tử thì xin chư vị phải nhớ Tín-Nguyện-Hạnh để được Phật thương tình phóng quangtiếp độ cho ta đới nghiệp vãng sanh.

Tương tự, trong những ngày trước tôi có nói rằng, nếu một người niệm Phật mà chăm chăm diệt nghiệp thì cái “Hạnh” của họ đã bị lạc rồi! Hạnh của người niệm Phật là niệm câu A-Di-Đà Phật. “Nguyện” của người niệm Phật là nguyện được “Đới Nghiệp Vãng Sanh”, nhờ A-Di-Đà Phật tiếp độ, chứ không phải “Nguyện” của người niệm Phật là “NguyệnDiệt Nghiệp”. Tại vì chí thành niệm một câu A-Di-Đà Phật thì phá tan tám mươi ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Từ cái lòng chí thành mà nó sinh ra cảm ứng này, chứ không phải là ta quyết lòng diệt nghiệp mà được như vậy.

Nếu ta quyết lòng dùng câu A-Di-Đà Phật để diệt nghiệp, thì ngài Ấn Tổ nói ta đã dùng câu A-Di-Đà Phật giống như một câu thoại đầu, có nghĩa là ta đã tu theo con đường tự lực chứng đắc. Mà đã tự lực chứng đắc rồi thì tự mình phải tìmcon đường phá nghiệp để mà đi. Muốn tự phá nghiệp thì nên nhớ một điều, chúng sanh trong pháp giới hữu duyên với ta, duyên lành thì sao chưa biết, chứ còn duyên ác thì coi chừng mạnh hơn, họ sẽ tận dụng tất cả mọi năng lực để đối đầu làm cho chúng ta sau cùng bị trở ngại!…

Chúng ta nói về “Hướng Dẫn – Khai Thị”, thật ra là trong những lúc ngồi trước bệnh nhân, mình cố gắng làm sao chotâm hồn người bệnh vững như bàn thạch. Một người có được tâm hồn vững như bàn thạch rồi, thì mình hỏi:

– Chị sợ chết không?…

– Tôi không sợ chết!

– Chị có quyết lòng đi về Tây Phương không?…

– Tôi quyết lòng đi về Tây Phương!

– Còn có điều gì mà phải phân tâm nữa không?…

– Không!

Chỉ cần họ hứa với mình như vậy là được rồi.

– Bây giờ tất cả những chuyện thế gian bỏ hết nghe chưa?

– Bỏ hết!…

Nếu biết rằng người đó đủ tín rồi, người đó quyết lòng đi về Tây Phương rồi, người đó quyết trì giữ từng câu A-Di-Đà Phật, tranh thủ từng giờ từng phút mà niệm câu A-Di-Đà Phật, thì dù người đó mới biết tu, dù người đó hồi giờ chưa phải hạng người công phu ngon lành lắm, nhưng ta vẫn có thể đoán được rằng người này có xác suất vãng sanh rất cao. Lời đoán này không phải là tự Diệu Âm nghĩ ra như vậy đâu, mà đây là do cả một quá trình kinh nghiệm đã thấy được rõ rệt như vậy.

Còn những người tu nhiều nhưng coi chừng vẫn có thể bị trở ngại! Tại sao? Để giải thích vấn đề này, hôm nay từ trên Internet tôi vừa in ra một bài của Hòa Thượng Tịnh-Không dạy tại sao như vậy? Lời của ngài Tịnh-Không nói như thế này:

“Thế gian tu hành sợ nhất là xen tạp! Quyển Tây Phương Xác Chỉ, Giác-Minh-Diệu-Hạnh Bồ-Tát dạy rằng, ngườitu hành kiêng kỵ nhất là xen tạp! Tụng kinh xen tạp! Niệm chú xen tạp!… Nếu tu Tịnh-Độ khóa tụng mỗi ngàyđọc kinh Vô Lượng Thọ nè, đọc kinh A-Di-Đà nè, rồi đọc kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ nữa… Như vậy là xen tạp rồi!”.

Quý vị nghe lời Hòa Thượng nói từng chút, từng chút. Ngài dạy cho chúng ta đó.

“Thực tế chỉ cần một loại kinh là đủ. Kinh điển của Tịnh-Độ còn không nên xen tạp, huống hồ là những kinh điển khác. Càng đọc tụng nhiều thứ càng thêm hư việc! Người tụng kinh Kim-Cang, lại còn muốn tụng thêm kinh Địa-Tạng, Phổ-Môn, Phẩm Phổ-Hiền-Hạnh-Nguyện, đọc chú Lăng-Nghiêm, niệm Đại-Bi tiểu chú… Xen tạp nhiều như vậy phòng đến khi nào mới được thành tựu đây?”…

Đây là lời của ngài Tịnh-Không nói. Tại sao Ngài nói nhấn mạnh đến chỗ này?… Là tại vì những người mà tu như thế này chứng tỏ cái niềm tin của họ vào câu A-Di-Đà Phật đã bị lung lay rồi! Vì lung lay cho nên không được cảm ứng! Tu hành như vậy tưởng là giỏi, nhưng sau cùng thường bị trở ngại! Còn một người hồi giờ không biết gì cả, khi mà tới đường cùng, bị bệnh ung thư, gặp mình, mình bày cho họ con đường vãng sanh, nhờ lời hướng dẫn của mình quá vững, quá chắc… làm cho họ khởi phát niềm tin. Một khi họ khởi phát được một niềm tin vững như tường đồng vách sắt, vô tình bao nhiêu thiện căn phước đức trồng được trong nhiều đời nhiều kiếp nhờ cái duyên này mà tựu lại. Họ lấy cái nhân trồng được trong quá khứ để thành tựu trong đời này.

Còn đời này mình tu mà không tin, cho nên thiện căn của mình bị tản lạc khắp nơi. Một chút thiện căn phước đức nho nhỏ tu được trong đời này chưa đủ sức để thành tựu cái quả vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đâu…

Mong chư vị nhớ quyết lòng đi thẳng một đường để đời này ta được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –