Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 35)

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 35)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin thưa là chương trình chỉ còn hai tuần nữa là chúng ta kết thúc đề tài này. Trong khoảng thời gian này nếu chư vị nào có câu hỏi gì xin viết ra giấy để chúng ta cùng mổ xẻ cho thật rõ ràng về “Phương Pháp Hộ Niệm”.

Trong ngày hôm qua chúng ta nói tới chuyện thăm thân thể của người ra đi. Thì xin nhắc lại, là chỉ được quyền thăm ít ra là sau tám tiếng đồng hồ, nếu để đến mười hai tiếng càng hay. Có nhiều nơi người ta cứ để nguyên như vậy niệm Phật luôn cho đến hai bốn tiếng đồng hồ thì càng tốt.

Cũng theo kinh nghiệm của những ban hộ niệm, người ta nói rằng, nếu có niệm luôn hai mươi bốn tiếng đi nữa thì sau tám tiếng hoặc là mười hai tiếng mình cũng nên âm thầm thăm trước để ngừa rằng có chuyện gì trở ngại hay không?…

Cái kinh nghiệm này cũng hay. Tức là sau mười hai tiếng rồi thì mình có thể được thăm thử, bằng cách người trưởng ban tới khai thị một chút để nhắc nhở người vãng sanh, rồi nhẹ nhàng ta nâng một ngón tay thử coi. Nếu mà ta nâng nâng ngón tay, thấy ngón tay mềm mại, chứng tỏ cái thân xác người ta mềm, không bị cứng. Được vậy là mừng rồi đó. Kinh nghiệm này khá hay, có thể thực hiện được. Đây không phải là sự xoi mói, mà chính để coi thử là người ra đi đó có bị trở ngại gì hay không? Việc thăm thử này khi Diệu Âm nghe qua, thì tỏ ý đồng tình và nói rằng có thể thực hiện được.

Nên nhớ mình không được quyền đụng tới thân thể trước tám tiếng, nhưng sau tám tiếng rồi mình có thể làm như vậy để biết được là người này có bị trở ngại gì hay không? Nếu sờ nhẹ vào bàn tay thấy lạnh rồi, nhưng đụng nhẹ đến ngón tay thấy ngón tay người ta cứng, tức là có trở ngại chuyện gì đây?… Biết vậy, người trưởng ban hộ niệm mới ra phía sau kêu thân nhân lại hỏi thăm, hầu biết thêm về người bệnh trong lúc đang sanh tiền còn có những điều gì khác bị vướng mà chưa gỡ được hay không?… Mình cũng nên để ý đến con, cháu, vợ, chồng… ở phía sau có đang làm chuyện gì sai lầm hay không?

Thường thường trước mặt mình thì người ta nói có vẻ vững vàng lắm: “Tôi sẵn sàng yểm trợ cho cha tôi, cho mẹ tôi, cho anh tôi vãng sanh”. Nhưng chưa chắc gì họ đã hiểu đạo, trong tâm họ có thể còn nhiều ưu tư! Vì thế, nhiều khi cả nhà người ta dồn vô trong buồng đóng lại cửa để khóc trong đó! Chồng thì khóc vợ! Vợ thì khóc chồng! Con cái cùng khóc!… Nhiều khi chính những cảnh tượng này đã kéo thần thức của người ra đi lại, làm cho họ quyến luyến mà không vãng sanh được.

Hoặc là giống như chuyện hôm qua chúng ta nói, một người mẹ đang thương nhớ một đứa con đi xa chưa về, dù rằng là trước khi họ chết mình cũng dặn dò chuyện này rồi. Nhưng thật ra mình dặn chưa tới nơi tới chốn, còn họ thì hứa ỡm ờ qua loa, nhưng trong tâm của họ vẫn nhớ đứa con. Vì đứa con chưa về, nên họ cứ mong mỏi chờ đợi. Chính vì vậy mà lúc xả bỏ báo thân rồi, thân trung ấm của họ vẫn cứ lảng vảng lảng vảng để nhìn cho được đứa con.

Những người hộ niệm kinh nghiệm, khi thấy sự chuyển biến yếu, thì họ liền nghĩ: “Ủa! Tại sao kỳ vậy?”, rồi họ mới âm thầm đi ra ngoài gặp người trong gia đình hỏi thêm, để coi thử trong lúc khai thị, hướng dẫn, hóa gỡ gút mắt như vậy có còn sơ suất, quên sót điều gì hay không? Đây là một điều hay, nên làm.

Xin thưa rằng, lúc thăm thân là giai đoạn run nhất, hồi hộp nhất đối với người hộ niệm! Nếu là người chưa có kinh nghiệm về hộ niệm, thì những lúc này thường bị mất bình tĩnh lắm, vì lo lắng không biết tình trạng sẽ như thế nào? Khi gặp phải những trường hợp trở ngại, có nhiều khi cả ban hộ niệm tái mặt liền, không còn biết đường nào để xử lý nữa hết. Ví dụ, đem thẳng câu chuyện vãng sanh vừa mới cách đây không lâu, khoảng chừng chưa tới hai tuần làm chứng minh. Thì trước khi ra về tôi đã dặn dò rất là kỹ, dặn từng chút, từng chút để ban hộ niệm tiếp tục làm. Nhưng khi người đó tắt hơi xong, sau tám tiếng ban hộ niệm thăm và mới thấy có điều trở ngại, làm người trưởng ban tái mặt, và cả nhóm hộ niệm coi như cũng mất hết bình tĩnh luôn! Họ không biết phải làm sao nữa hết! Thật không phải dễ!

Bây giờ mình ở đây nói dóc, nhưng tới khi gặp sự rồi mình mới thấy hiện tượng này. Lúc đó vững hay không biết liền!…

Hiểu được chỗ này, mong chư vị nên cố gắng tham gia hộ niệm. Để chi vậy?… Để chính mình trải qua những kinh nghiệm đó, gọi là “Thân Chứng”. Có kinh nghiệm thì trái tim của mình nó bớt đập lên đập xuống, bớt phập phồng đi, vàtinh thần của mình cũng vững thêm một chút xíu nữa!… Chứ bây giờ đây, xin thưa thật là, nói dóc thì hay lắm! Diễn tảnào là đạo lý này, đạo lý nọ… Nhưng khi đối trước một người bệnh đang bị một chướng nạn nào đó… Xin nói thẳngrằng, nếu không trải qua kinh nghiệm thì không biết ngõ nào mà khai thị, không biết cách nào mà dẫn giải! Luýnh quýnh! Rối lên!… Đành làm lấy lệ vài điều rồi bỏ đi! Sau đó, thường thường là hay đổ thừa!… Chắc chắn là đổ thừa,Tại vì thế này!… Tại vì thế nọ!…

Vì thế, những người không tin phương pháp hộ niệm, bây giờ dù người ta có dự bao nhiêu cuộc hộ niệm đi nữa thìthường thường đó cũng chỉ là những cuộc hộ niệm thất bại!… Tại vì sao vậy? Tại vì hễ không tin thì không thành tâmniệm Phật, không chú ý đến lời khai thị, không có thành tâm hướng dẫn người bệnh. Người không tin thì tới niệm Phậtlấy lệ, niệm thử vài tiếng Phật hiệu xong rồi thì ra ngoài tụm năm tụm bảy bên tách cà phê nói chuyện tào lao!…

Vì thế, những người không tin thì khó có cơ hội thấy được hiện tượng vãng sanh xảy ra trước mắt họ!… Chính vìniềm tin không đủ, nên nhiều khi suốt cả cuộc đời của họ không bao giờ thấy được một hiện tượng vãng sanh đâu!…

Chúng ta ở đây vừa tu niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, mà vừa học hỏi kinh nghiệm giúp cho người vãng sanh nữa. Xin thưa thật rằng, tất cả những kinh nghiệm này đều dồn về để làm lợi lạc cho chính mình trước, vì mình biết cách hướng dẫn cho người ta vãng sanh thì chính những lời đó là lời hướng dẫn cho chính mình biết khi nằm xuống mình phải làm như thế nào?…

Khi thăm thì chúng ta thăm từ dưới thăm lên. Không nên thăm từ trên thăm xuống.

Lời này ở trong sách nói về Hộ Niệm – Khai Thị của Tịnh-Độ Tông. Chư Tổ có nói rằng, nếu mà mình sơ ý, thăm trên đầu trước thì có nhiều trường hợp người bệnh đang có cảm ứng trên đầu, nghĩa thần thức đang xuất ra trên đầu đó, nếu mình đụng chạm tới thì người ta dễ giật mình lắm. Hơn nữa, thăm từ trên thăm xuống nhiều khi mới sờ trên đỉnh đầu thấy ấm, thì mình vội vã nói rằng người này đã vãng sanh rồi, nhưng thật ra nhiều khi toàn cái thân lúc đó chưa phải là lạnh hết.

Cái yêu cầu chính là toàn thân lạnh hết, chứ không phải là có điểm nóng.

Mình phải biết là điểm nóng này chính là nơi cuối cùng mà thần thức của người đó xuất ra khỏi thân xác. Trên nguyên tắc là cứ xuất ra càng về phía trên cao thì càng đi về cảnh giới tốt, càng xuống thấp thì càng xấu. Hễ cái thần thức mà còn nằm tại chỗ nào thì độ ấm còn lưu tại chỗ đó. Cho nên khi mà một thần thức xuất ra cuối cùng tại đỉnh đầu, thì ngay tại đỉnh đầu sẽ là nơi lưu lại độ ấm lâu hơn những chỗ khác.

Vì vậy, nhiều khi đi hộ niệm cho một người, dù rằng người ta đang còn sống mà mình sờ dưới bàn chân thì lạnh toát, mình bóp bóp thử nhưng họ không có cảm giác nữa, phải chăng ở khoảng đó hình như đã “Chết rồi” mà họ không hay! Còn phần trên này thì còn ấm, là tại vì thần thức còn ngự trị ở phía trên.

Những người tham tiếc cái thân, sợ chết, nhiều khi chết xong sau tám tiếng đồng hồ rồi mà cái thân họ vẫn còn ấm. Đây là vì họ thương cái thân quá, họ tiếc cái thân quá, họ chấp cái thân quá, thần thức nó mới bám trụ vào từng khúc xương, bám trụ vào từng mạch máu không ra được. Mà một lần xuất ra một chút thì họ có cảm giác đau đớn không tưởng tượng được!

Chính vì vậy mà thường thường chúng ta phải khai thị cho họ:

– Hễ khi mà thấy mệt mệt là biết mình sắp sửa buông báo thân đi về Tây Phương, thì hãy vui vẻ lên nhé, mạnh dạn lên nhé, sung sướng lên nhé, mừng vui lên nhé… Để chi vậy? Vừa tắt hơi ta đi về Tây Phương liền.

Chỉ cần một niệm thành tâm niệm A-Di-Đà Phật. A-Di-Đà Phật phóng quang tới tiếp độ, người ta chưa tắt hơi đã đi vềTây Phương rồi.

Chứ nếu lúc đó người ta cứ vẫn chần chừ do dự:

– Bây giờ làm sao đây?…

– Đi như thế nào đây?…

– Chết rồi mình sẽ ra sao đây?…

Vì sợ chết nên người ta cứ dập dềnh dập dềnh như vậy. Chính vì sợ chết, cho nên những người đó khi tắt hơi xong con mắt thường hay mở trao tráo ra, đây là vì họ muốn níu kéo lại sự sống. Hầu hết là như vậy!… Cái miệng họ mở to ra, vì họ ráng cố gắng thở, ngộp quá nên họ ráng thở. Họ vận công lên, mở con mắt ra để cố gắng kéo lại sự sống… Càng muốn kéo lại sự sống chừng nào, thì thần thức càng bám vào cái thân xác, lâu lắm mới ra được. Đó gọi là những người nghiệp chướng nặng!

Cho nên khi chúng ta thăm từ trên thăm xuống nhiều khi bị trở ngại, vì thật ra không phải chỉ có đỉnh đầu ấm mà cái bụng cũng ấm, cái chân cũng ấm luôn… Thì đây cũng là điều cần để ý.

Về vấn đề đi vãng sanh, những lời khai thị của chư Tổ nói về hộ niệm luôn luôn nhắc nhở rằng, người ra đi chỉ được quyền đi theo A-Di-Đà Phật.

Hỏi rằng, A-Di-Đà Phật như thế nào?… Thì dặn dò họ hãy nhìn tấm hình A-Di-Đà Phật đang treo trước mặt. A-Di-Đà Phật sẽ hiện ra giống như tấm hình Phật mà người hộ niệm đã treo trước mặt họ.

Về hình Phật thì chỉ được quyền treo một kiểu hình Phật đồng nhất. Nghĩa là, bên trái, bên phải, bên trên, bên dưới… bên nào cũng chỉ treo một kiểu hình đồng nhất. Đừng nên có tấm này thì xanh, tấm kia thì đỏ. Rồi hãy dặn người bệnh nhìn cho kỹ tấm hình này. A-Di-Đà Phật sẽ hóa hiện ra, Ngài dựa theo cái tâm của mình mà ứng hóa ra, gọi là hóa thâncủa Ngài giống như tấm hình đó mà tiếp độ ta về Tây Phương Cực Lạc. Ngoài ra đừng theo bất cứ một người nào khác hết.

Hòa Thượng Tịnh Không còn dặn rất kỹ:

Nếu thấy đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật hiện ra mà theo sẽ bị lạc! Thấy đức Dược-Sư Lưu-Ly-Quang Phật hiện ra mà theo cũng bị lạc luôn!

Đây là lời Ngài dặn, rất kỹ! Thật ra tất cả pháp giới đều ở trong tâm của mình. Xin nhớ cho kỹ điểm này.

Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục đề tài này. Để chúng ta vững vàng và rõ ràng minh bạch khi ngồi trước bệnh nhân khai thị. Nhất định đừng bao giờ để cho người bệnh lầm lạc mà đi theo những cảnh giới khác… Đi đường khác thì lạc đường về Tây Phương. Đây là một điều rất oan uổng! Mong chư vị chú ý để hướng dẫn cho người lâm chung đi thẳngvề Tây Phương thành đạo…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –