Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị -Tọa đàm 30

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 30)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hồi sáng này, Diệu Âm có được một người ở bên Đức điện thoại qua, Diệu Âm có hỏi thử bên đó mấy giờ rồi? Vị đó nói bây giờ là mười hai giờ khuya. Diệu Âm mới hỏi, tại sao anh thức khuya vậy? Thì anh đó nói rằng, hằng đêm, tôi phải thức đến một giờ sáng để chờ nghe những bài nói chuyện về hộ niệm của anh gửi lên Internet.

Nghe nói như vậy làm cho Diệu Âm rất là cảm động! Vị đó là một người phát tâm hộ niệm khắp Âu Châu. Anh ta đã có những thành tựu rất đáng kể trong những năm qua. Tinh thần của anh khá khiêm nhường và đã học hỏi về hộ niệm rấtcặn kẽ. Diệu Âm nghĩ rằng vị này chắc chắn sẽ là một người hộ niệm lừng danh trong tương lai. Tất cả những ngườihộ niệm giỏi ở Việt Nam nổi tiếng hiện giờ, hầu hết đều có cái đức hạnh này. Thật sự là đáng quý.

Hộ niệm để cứu huệ mạng của một người, không phải là đơn giản. Nhiều người sơ ý tưởng là dễ nên vô tình cứ vấp phải những lỗi hết sức là đơn giản nhưng đối với phương pháp hộ niệm lại là tối quan trọng, vì cứ một lần sơ suất như vậy là một người mất phần vãng sanh. Nếu không thay đổi mà tiếp tục như vậy thì chắc rằng sẽ còn có người bị nạnvì sự sơ suất của mình.

Cho nên khi hộ niệm, xin chư vị cố gắng chú tâm vì đây là pháp cứu cả huệ mạng của một người chứ không phải chỉ cứu một người hết bệnh. Cứu huệ mạng rất là quan trọng!…

Trở lại chuyện khai thị cho những người trong những lúc hấp hối, tắt hơi. Khi mà mình thấy một người đang trong cơn hấp hối, tức là họ có thể ra đi bất cứ giây phút nào, thì người trưởng ban hộ niệm cũng cần phải chú ý nhạy bén đến điểm này, là coi thử người thân trong gia đình, có người nào dễ rơi nước mắt hay không? Có người nào dễ cảm động hay không?

Trong lúc hộ niệm, nếu thấy có người ưa khóc, ưa mủi lòng thì chúng ta phải chú ý, trong những giây phút đó phải cố gắng tìm cách kéo người đó ra khỏi hiện trường. Nên nhớ cho, ban đầu thì người ta hứa với mình là họ vững lắm, nhưng khi thấy người thân vừa tắt hơi, nhiều khi họ cầm lòng không được. Vì quá đau khổ, có thể họ nhào vô ôm lấy cái thân, hoặc là kêu khóc lên… Đây là điều tối kỵ trong pháp hộ niệm.

Mình đã biết rằng trong những giây phút hấp hối, tắt hơi, điều tối kỵ cho người ra đi là bị đụng chạm vào thân thể, bị con cái khóc la kêu réo, làm cho tâm thần của người ra đi bị dao động. Nếu một người chưa biết tu, chưa từng được hướng dẫn qua hộ niệm, gặp phải những cảnh ngộ này thì chắc chắn rất khó có thể cứu được họ.

Một ví dụ như ở bên Perth, người đó đã được khai thị, được hướng dẫn rất cụ thể, rất vững, dù rằng người đó hồi giờ chưa biết tu. Thật ra là Diệu Âm đã gặp trước vị này trong những ngày qua bên Perth, có nói chuyện qua và cũng giải tỏa rất nhiều, tinh thần chị đó cũng rất vững. Nhưng trước những giờ phút ra đi, chỉ cần một sự phiền não xảy ra, như mình đã thấy, một chút nữa là chị có thể phải chịu cảnh đọa lạc! Khi đọa lạc rồi… Chỉ nghĩ tới thôi mà cũng muốn rợn tóc gáy!… Vì thế, khi hộ niệm, chúng ta phải hết sức sáng suốt và nhạy bén trong vấn đề này.

Những người hộ niệm mà có tâm từ bi quá cao, quá lớn, nhiều khi cũng không tốt! Ví dụ như có người hộ niệm cho bệnh nhân, khi thấy bệnh nhân có những chướng ngại, mất vãng sanh, thì chính người hộ niệm lại khóc, lại than, lại có những động tác tỏ ra vô cùng bức xúc, đau khổ!… Xin thưa thẳng rằng, hiện tượng này cũng không tốt! Tại vì tâm trạng này có thể ảnh hưởng đến người ra đi, mà sau cùng cũng có thể ảnh hưởng đến chính mình nữa. Đây là điều không tốt!

Khi đi hộ niệm, một người được vãng sanh là do phước phần của họ, mà không được vãng sanh cũng là do phước phần của họ. Riêng nhiệm vụ của mình là nghiên cứu cho thật kỹ, áp dụng cho thật đúng, đừng có để xảy ra sự sơ suất, đó là tròn nhiệm vụ của mình rồi, chứ không phải là hộ niệm cho bất cứ một người nào thì người đó cũng đượcvãng sanh hết.

Nên nhớ, chỉ khi người bệnh có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì mới được vãng sanh. Những người bệnh mà không có “Tín”, không có “Nguyện”, không có “Hạnh” đầy đủ thì đó là do phước phần của họ. Thiện căn phước đức của họ không đủ đó là duyên phần của họ, chứ không phải mình. Mong chư vị chú ý chỗ này để tránh những chuyện không tốt xảy ra cho người bệnh và làm cho tâm hồn của mình bị phiền não, âu sầu. Đây là điều cũng không hay.

Trở về vấn đề khai thị, hướng dẫn cho người bệnh trong những giây phút buông xả báo thân. Hôm qua thì mình nói tới chỗ là trong ba mươi phút sau khi người bệnh buông bỏ báo thân, tức là lúc đó mình nói tất cả mọi người ngưng lại để mình khai thị cho người bệnh một chút. Thì thường thường Diệu Âm hay nói như thế này:

– Phật tử Trần văn X…, pháp danh Y… bây giờ đã ba mươi phút xả bỏ báo thân. Trong giờ phút này thật sự là một bài pháp rất là thấm thía cho Phật tử. Rõ ràng là mình đã bỏ cái báo thân, là mình đã bỏ cái cục thịt nhơ bẩn vô thườngcủa thế gian, nhưng chính Phật tử còn đang sống, còn đang nghe… Như vậy rõ ràng Phật tử không có chết. Trong giờ phút này mà còn ở tại đây tức là bị trở ngại! Hãy mau mau nhiếp tâm lại, một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, quyết lòngtheo A-Di-Đà Phật…

Khi nói tới đó, mình thường chỉ tay về hướng ảnh tượng đức A-Di-Đà.

– Phật tử phải nhiếp tâm lại niệm Phật để theo A-Di-Đà về Tây Phương Cực Lạc. Nhất định đừng chao đảo, đừng luyến lưu, đừng phân tâm, đừng để bất cứ một điều gì chi phối mà quên lãng con đường về Tây Phương.

Nói cho rõ ràng, sau đó thì mình mời:

– Bây giờ xin Phật tử nhiếp tâm lại, niệm Phật đi theo A-Di-Đà Phật.

Nói đại khái như vậy…

Từ lúc tắt hơi đến giờ phút này mình niệm “A.. Di.. Đà.. Phật” khá mạnh. Thường thường cách niệm này dễ làm cho người hộ niệm bị khan cổ lắm nên niệm lâu không được. Cho nên mình trở lại cách niệm bình thường, ví dụ như cách niệm bốn chữ năm câu, (cách niệm với địa chung), cách này rất là hay, nó có cái lực mà tất cả mọi người đều niệm nhanh và niệm mạnh được. Vậy thì mình có thể bắt lại cách niệm này: “A-Dỉ-Đà Phật,… A-Di-Đà Phật…”, bắt mạnh lên, chậm một chút nhưng mạnh lên, thì tất cả mọi người đều hùa nhau cùng niệm theo rất là mạnh.

Thường thường trong vòng khoảng chừng hai tiếng đầu từ khi tắt hơi, nếu là những người mà trước đó đã được khai thị vững vàng rồi thì chúng ta không cần phải khai thị nhiều nữa, cỡ chừng ba mươi phút mình nhắc một chút là được. Nhưng với một người hồi giờ chưa biết hộ niệm, ít được khai thị, thì có thể là từ mười lăm hay hai mươi phút, người trưởng ban nên hướng dẫn một lần. Trong lúc hướng dẫn như vậy thì mình mời các vị đồng tu cứ niệm Phật đều đều, còn mình thì chấp tay lại khai giải với bệnh nhân.

Ví dụ như Diệu Âm đưa ra những cách khai thị mẫu:

– Nam Mô A-Di-Đà Phật, hương linh Trần văn X… Đời này vô thường, sống tạm, ta lìa báo thân thì về Tây Phươngthành đạo. Phật dạy: Chân tâm tự tánh của ta là Phật, là Phật thì mau mau giác ngộ, bỏ hết tất cả những cái gì vô thường, theo A-Di-Đà Phật để thành đạo. Nếu ngay từ bây giờ mà không ngộ ra, còn luyến lưu chuyện này, luyến lưu chuyện nọ, thì vô lượng kiếp phải chịu trầm luân. Đây là một cơ hội vô cùng quý giá quyết định vạn kiếp trong tương lai, nhất định phải sáng suốt, nhất định phải buông vạn duyên xuống để niệm câu A-Di-Đà Phật đi về Tây Phương. Trong những giây phút này, tuyệt đối không để ý gì đến những cảnh giới chung quanh. Nhiếp tâm lại, đừng có ngại, cóchúng tôi bảo vệ đây, có chúng tôi niệm Phật, có quang minh của Phật ở tại đây, niệm A-Di-Đà Phật, tất cả đều đượcan toàn theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương.

Cứ nhắc nhở đại khái như vậy. Cỡ chừng hai mươi phút, mình phải nhắc lại nữa. Người khai thị là người trưởng ban luôn luôn theo dõi từng chút từng chút sự chuyển biến trên khuôn mặt người ra đi. Nếu một người đang vướng cái gì đó mà khai thị đúng chỗ, thì có thể mình thấy ngay hiện tượng là nét mặt của họ chuyển liền, chuyển lạ lắm. Có nhiềutrường hợp chuyển rất nhanh.

Khi thấy những trường hợp chuyển nhanh như vậy thì mình mừng, an tâm hơn, vì mình đã khai đúng chỗ. Còn khi thấy hiện tượng xấu, mình khai giải mà không chuyển biến nhiều lắm, thì có thể cứ để mọi người hộ niệm tiếp tụcniệm Phật, còn mình lặng lẽ gọi người thân nhân ra chỗ xa xa để hỏi thêm, nhiều khi có thể phát hiện thêm nhữngchướng ngại khác.

Thôi thời gian cũng đã hết rồi. Ngày mai, chúng ta sẽ tiếp tục nói về giai đoạn này, rất là quan trọng để cứu người. Mong chư vị cố gắng lắng nghe để khi đối diện với thực tế, chúng ta sáng suốt cứu người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/ho-niem-huong-dan-khai-thi-toa-dam-30-281.html#ixzz7R0h5NAy3

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –