Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 28)

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 28)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cái điểm tối quan trọng mà chúng ta cần lưu ý về “Khai Thị” trong pháp hộ niệm là làm sao gây được “Tín Tâm” vững vàng cho bệnh nhân. Gây được cái tín tâm vững vàng cho họ thì coi như tất cả những gút mắt sau đó sẽ được hóa giải dễ dàng.

Ngày hôm qua, trên Internet có một vị hỏi như thế này:

– “Cha tôi đã già rồi, bây giờ tụng kinh nào để cho một người già được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc?”…

Diệu Âm trả lời rằng, không có tụng kinh nào để cho một người được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc hết, chỉ có niệm câu A-Di-Đà, với Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ thì được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Cách đây gần bốn tháng, khi Diệu Âm đi qua tây Úc, thì có duyên gặp một vị bị ung thư, chính là Phật tử Đặng Hồng Khanh. Nhờ chư vị giới thiệu, Diệu Âm tới thăm, gặp chị này đang ngồi trên cái ghế bành, ôm chiếc gối, mặt thì xanh mét, nói không ra lời, và đang trong cơn đau đớn! Chị bị ung thư! Chị đó cũng có hỏi:

– Bây giờ tôi phải trì tụng kinh nào để được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc?

Thì Diệu Âm cũng nói là:

– Chỉ có một câu A-Di-Đà Phật niệm ngay từ bây giờ, cho đến ngày chị tắt hơi ra đi, thì chị có hy vọng vãng sanh vềTây Phương Cực Lạc, chứ không có kinh nào giúp cho chị vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc hết.

Chị đó, như mình đã biết qua, là một gia đình Thiên-Chúa giáo, nhưng chính chị còn giữ được niềm tin Phật giáo. Nhờ vậy nên có cơ may gặp người khuyên nhủ, chị phát khởi lòng tin vững vàng và quyết thề niệm một câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh. Xin thưa thật, nếu lúc đó mà chị đó còn đòi hỏi tụng cái này, tụng cái nọ, niệm cái này, niệm cái nọ… thì chắc rằng sau đó Diệu Âm không dám can đảm bỏ năm ngày công phu ở đây đi qua bên đó, cách xa bốn ngàn cây số để hộ niệm cho chị ta đâu.

Khi đi hộ niệm cho chị, mình mới thấy cái lòng tin của chị vững như tường đồng, vách sắt. Mình thì nói qua đó khai thị cho chị, nhưng thật ra chính chị đó đã khai thị cho mình. Nhờ niềm tin vững vàng nên chị ta chuyên nhất… Hồi giờ chưa biết tu, bây giờ gặp phải một câu A-Di-Đà Phật, chị cứ vậy mà niệm, quyết lòng đi. Chính chị đã đạt được mộtthành quả bất khả tư nghì! Đây chính là một lời khai thị sắc bén cho chúng ta.

Không biết là khi nghe đến những chuyện này, trong đồng tu chúng ta có vị nào phát khởi niềm tin vững vàng vào câu A-Di-Đà Phật hay không? Vì đây là cái mấu chốt để cho chúng ta san bằng tất cả những ách nạn mà mình có thể gặp phải.

Thường thường cái tâm của chúng ta nó nhảy lăng xăng giống như một con khỉ! Cái ý của chúng ta nó chạy khắp nơi giống như con ngựa! Phật gọi là “Tâm Viên Ý Mã”. Sở dĩ tâm viên ý mã là vì ta thiếu một niềm tin! Thiếu niềm tin thì cái tâm của chúng ta không có chỗ định, cái ý của chúng ta không có chỗ dựa, tâm ý thường phân vân, chao đảo!

Ngài Liên-Trì Đại Sư khi ngộ ra được đường đạo, Ngài nói như vầy: “Tam tạng thập nhị bộ, ai muốn ngộ cứ ngộ. Tám vạn tứ thiên hạnh, ai muốn hành cứ hành. Còn ta thì một câu A-Di-Đà Phật”. Ngài đã nói như vậy. Ba tạng kinh điển, mười hai phần giáo, ai muốn ngộ thì cứ nghiên cứu mà ngộ đi. Tám mươi bốn ngàn pháp môn tu, ai muốn tu thì cứ tu đi. Còn Ngài thì một câu A-Di-Đà Phật, bốn chữ, Ngài thành đại Tổ Sư.

Không biết rằng khi nghe lời khẳng định của Ngài, chư vị có ngộ ra đường vãng sanh Tây Phương Cực Lạc chưa?

Có nhiều người tu…

– Thấy người ta niệm Phật, mình cũng tới niệm Phật.

– Thấy vị kia tu Thiền, thì mình cũng lo kiếm một câu thoại đầu để trì giữ.

– Thấy vị nọ trì Chú, thì mình cũng nhào vô trì Chú.

– Thấy người nọ tu Khổ Hạnh, thì mình cũng bắt chước ôm bình bát…

Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói: “Việc việc không xong, sự sự không thành. Đây là điều đáng thương nhất của người học Phật!” Nhất là thời mạt pháp này.

Ngài nói một câu A-Di-Đà Phật…

– Bao gồm ba tạng kinh điển trong đó.

– Bao nhiêu tế hạnh cũng bao gồm trong đó.

– Hàng ngàn công án cũng bao gồm trong đó.

– Tất cả tông phái cũng bao gồm trong đó luôn.

Một vị đại Tôn Sư nói như vậy đó. Khi nghe Ngài nói vậy, không biết mình giữ vững niềm tin vào câu Phật hiệu A-Di-Đà hay chưa?…

Ngài Tịnh-Không nói: Có nhiều người ưa lý luận, có nhiều người ưa nói cao siêu, có nhiều người thích nghiên cứu đủ các pháp. Diễn giảng thì hay lắm! Nhưng chúng ta biết rằng nhất định người đó không phá được nghiệp hoặc. Mà không phá được nghiệp hoặc, thì nhất định phải theo nghiệp thọ báo. Bây giờ đây thì nói hay lắm, được nhiều người khen, nhưng coi chừng sẽ thua một bà già lão lão thật thật niệm Phật. Bà già đó một đời vãng sanh về Tây Phương thành đạo. Khi thành đạo rồi thì bà đó mới trở về đây, cứu độ những người ưa nghiên cứu, tâm ý mông lung, đi không có đường. Ngài nói như vậy!…

Khi chúng ta nghe như vậy, không biết là ngộ được chưa? Nếu còn chưa ngộ, thì hãy lấy cái gương của chị Đặng Hồng Khanh ở bên Perth mới vừa vãng sanh đây. Chị đó thật sự là một người hoàn toàn không biết gì cả, chỉ biết rằng mình bị ung thư, đã đến con đường cùng rồi, chỉ cần khi nghe một câu A-Di-Đà Phật, không còn tha thiết cái gì khác nữa, lão lão thật thật niệm câu A-Di-Đà Phật. Nhất định như vậy. Sau cùng chị vãng sanh bất khả tư nghì!

Tất cả những chuyện này là bài pháp tuyệt vời, là một sự khai thị tuyệt vời để cho chúng ta khẳng định đường đi, để cho chúng ta nhất định được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Một là tất cả. Tất cả là một.

Nhiều người ưa nghiên cứu khắp nơi, muốn tìm hiểu đủ thứ, muốn tất cả những thuật ngữ nào cũng đều hiểu cho thấu đáo… Nhưng tại sao không hiểu được một câu hết sức đơn giản mà Phật đã nói cho chúng ta: “Một là tất cả. Tất cả là một”.

Tại sao không chịu hiểu câu này? Nếu muốn ngộ, hãy ngộ ngay câu này đi, thì tự nhiên ta thấy đường thành tựu đang ở ngay trước mắt. Không xa!…

“Một” là sao?… Là chuyên nhất một đường mà đi. Một câu danh hiệu A-Di-Đà Phật mà niệm thì sau cùng chư vị sẽ có “Tất Cả”. Còn nếu sơ ý đi theo đường “Tất Cả” để trở về “Một”, thì xin thưa thẳng rằng, nhiều khi mình tu suốt đời, tu đến vô lượng kiếp nữa cũng chưa chắc gì đạt được một phần ngàn của cái “Tất Cả” mà Phật đã nói đâu!… Xin hỏi, muốn được tất cả, mà không đạt được tất cả, thì mình sẽ đạt được cái gì?… Chắc chắn sẽ tiếp tục trong vô lượng kiếp nữa để tu hành! Mà phải tinh tấn tu hành nhé, chứ không phải tiến-lùi, tiến-lùi… mà đạt được đâu!…

Tất cả đều có đạo lý của nó. Nếu chúng ta quyết định một câu A-Di-Đà Phật mà đi, tức là chúng ta đi con đường “Một” để được “Tất Cả”. Làm sao để được?… Niệm một câu A-Di-Đà Phật thì ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì ta thành đạo. Thành đạo thì ta có tất cả. Nếu bây giờ ta muốn có “Tất Cả”, thì ở tạicõi ta bà này nhất định cái tất cả mà chúng ta tìm được đó, xin thưa thẳng rằng: Huyễn Mộng! Vô Thường! Không có gì là thật cả! Vậy xin hỏi rằng, làm sao chúng ta có thể trở về được cái “Một” để thành tựu?…

Cho nên, “Một” chính là một câu “A-Di-Đà Phật”. Thành tựu tại cõi Tây Phương là trở về cái Chân Tâm Tự Tánh của mình. “Hà kỳ tự tánh, bổn lai cụ túc”. Đúng là trở về được cái Chân Tâm thì ta có “Tất Cả”.

Một câu A-Di-Đà Phật mà đi. Thành tựu Vãng Sanh thì sẽ có tất cả vậy.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –