Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 20)

Share on facebook
Share on twitter

 

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 20)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Kính bạch Sư Cô cùng đại chúng. Điều giải oan gia trái chủ tức là ta hòa giải những chướng ngại vướng mắc giữa ta và pháp giới chúng sanh. Đi hộ niệm, sự điều giải oan gia trái chủ là hóa gỡ những mối thù hiềm, những sự trở ngại giữa chư vị trong pháp giới với người bệnh.

Vấn đề điều giải oan gia trái chủ có liên quan rất nhiều đến những sự nhập thân, những vị chúng sanh đến gây trở ngại cho mình. Đầu tiên mình phải nói rằng tất cả đều do chính cái tâm của mình tạo ra. Phật dạy là tất cả đều do tâm mình tạo ra hết.

– Khi tu hành, mình thật thà thì được chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì.

– Khi mình hung dữ thì bị Quỷ nhập.

– Khi mình khiêm nhường thì được chư Bồ-Tát gia trì.

– Khi mình cống cao ngã mạn thì bị Ma dựa.

– Mình tu hành nếu biết buông xả thì lục đạo luân hồi không vướng mắc.

– Nếu mình cố chấp hẹp hòi, cạnh tranh, ganh tỵ… thì tất cả những nghiệp tam đồ lục đạo sẽ bám sát theo mình… Bây giờ đây chưa thành Ma, thì khi chết đi mình cũng lang thang trong cảnh giới Ngạ Quỷ!

Điều tốt nhất, muốn điều giải oan gia trái chủ, trước tiên mình nên điều cái tâm của mình trước, tức là trị cái nguyên nhân trước. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đó mới là điều hay! Chứ còn khi nằm xuống rồi, oan gia trái chủ trùng trùng,tam ác đạo trùng trùng bao vây mình thì nhiều khi điều giải cũng không thành công!

Chính vì vậy mà chúng ta nên “Khiêm Nhường”, nên “Thật Thà”, nên “Chí Thành – Chí Kính” để tu hành, thì tự nhiênđường ta đi êm xuôi phẳng lặng.

Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy: “Chí Thành – Chí Kính”. Ngài nói, mình về được Tây Phương là do lòng chí thành chí kính này mà cảm thông với chư Phật, với A-Di-Đà Phật tiếp độ về Tây Phương, chứ không phải ta được chứng đắc.

Ngài Tịnh Không dạy: Tu hành cần phải giữ tâm thanh tịnh mà tu, đừng nên khởi tâm ngạo mạn, cống cao. Ngài nói: Tu hành không lo gìn giữ cái tâm thanh tịnh của mình, mà cứ nghĩ tới chuyện chứng đắc. Khi đã nghĩ đến chứng đắc thì không thể nào thanh tịnh cái tâm được… Khi mà quý vị thấy mình chứng đắc một cái gì, thì lúc đó quý vị đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi!…

Nghe pháp của Ngài, mình phải cố gắng nắm bắt cho được những điểm quan trọng. Những cái điểm này chính các Ngài nói cho hàng căn cơ hạ liệt của mình. Thường thường Diệu Âm hay nói, khi nghe pháp chúng ta phải có tinh thầntuyển trạch. Nghĩa là không phải pháp nào cũng nghe. Nhiều khi chúng ta cứ muốn tiếp thu tất cả mọi pháp, nhưng những lời Ngài nhắc nhở cho chính hàng phàm phu thì mình lại không bắt giữ, mà cứ chạy bắt những lời mà các Ngài giảng cho hàng căn cơ cao thượng, thì coi chừng mình bị hỏng chân!… Không hỏng chân đi nữa, thì coi chừng cái tâm cao ngạo cũng dễ ứng lên. Một khi cái tâm cao ngạo ứng lên thì rất dễ tạo cơ hội cho “Ma” nhập vào, làm cho phát cuồng, thần kinh tê liệt! Hôm nay chúng ta đi điều giải một ách nạn nhập thân, đây là một sự chứng minh hết sức cụ thể.

Ngài Hạ-Liên-Cư thường dặn dò rằng: “Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn”. Cầu nhất tâm bất loạn tức làcầu chứng đắc. Nếu ta sơ ý niệm Phật mà móng tâm cầu chứng đắc, thì nhất định cái tâm này không thể nào thuộc vào hàng thanh tịnh được. Tâm không thanh tịnh thì những vọng tưởng hão huyền mỗi ngày mỗi thâm nhập một chút,thâm nhập một chút… Đến một lúc nào đó nó vượt qua cái giới hạn kiểm soát của một phàm phu tục tử!… Nghĩa là hình như ta thấy chứng đắc thật… Nhưng mà “Thật trong Giả”!!!…

Theo ngài Tịnh-Không nói: Khi mà chư vị thấy mình chứng đắc điều gì, thì đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi! Nhưng thật sự, nhiều khi đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi mà không hay!…

Nếu tình trạng như vậy đưa vào trong bệnh viện thì tiêu đời rồi! Làm sao còn có cơ hội trở lại làm người bình thườngnữa?!…

Cho nên, muốn điều giải oan gia trái chủ, thì bây giờ chúng ta hãy điều giải chính cái tâm của mình trước đi. Thường thường Diệu Âm hay nhắc lại lời nói của Hòa Thượng Tịnh-Không, “Tu hành cần phải giữ tâm thanh tịnh”.

– Nếu mà mình thường hay nổi giận, khi mình nổi giận tức là “Địa Ngục” đã nhập vào tâm của mình. Nếu hàng ngày ta thường nổi giận, thì “Địa Ngục” trong tâm của ta càng ngày càng lớn. Địa ngục trưởng dưỡng thì cái tâm Phật củachúng ta sẽ bị dìm xuống dưới ách nạn đó! Ta sẽ hưởng cảnh địa ngục trước!…

– Tu hành mà tâm tham lam, cứ tiếp tục tham lam… thì cảnh giới của “Ngạ Quỷ” cứ tiếp tục thâm nhập vào tâm chúng ta. Ta tưởng rằng đang tỉnh táo, nhưng “Ngạ Quỷ” đã nhập sâu vào tâm rồi mà không hay! Đến một lúc nào đó thân thì sống trong cảnh nhân gian, nhưng chính cái tâm của mình đang sống trong hàng Ngạ Quỷ! Thần kinh bị phân liệt là như vậy…

– Mình tu hành mà cứ cầu chứng đắc này, chứng đắc nọ, cầu những cái gì thần kỳ, diệu lý… Tự nhiên cái tâm hiếu kỳnày sẽ mở cửa cho những thứ thế lực gọi là “Oán Thân Trái Chủ” dựa vào. Họ dựa vào phá những người tu hành khác với cách dựa phá đối với những người không tu hành. Những người không tu hành dù có phá cũng uổng công! Tại vìsao?… Vì nhất định những người không tu hành thì “Thiết Sàng tinh Đồng Trụ” đã chuẩn bị sẵn rồi, đâu cần chi phải phá? Khi họ chết đi, họ tự nguyện chui vào đó rồi! Chỉ có những người tu hành mới có cái cơ duyên được thoát nạn. Muốn phá những người tu thì đâu phải dùng những đòn thế đơn giản có tính chất thô kệch như những người không tu được…

Khi chúng ta tu hành mà khởi cái tâm rằng mình đã chứng đắc, nghĩ rằng mình sẽ có một công năng hay thần thông gì đó… thì người ta sẽ đến giúp mình thỏa mãn những cái thứ đó. Đây chính là cách phá hại người tu!…

Ngài Tịnh-Không thường nhắc nhở rằng, trong thời mạt pháp này đừng nên đóng cửa tự kiết thất tu hành tinh tấn. Ngài thường nhắc nhở, mà nhiều người không chịu nghe nên đã bị nạn. Thì hôm nay chính chúng ta đã đến chứng kiến một cảnh trở ngại có liên quan đến vấn đề này. Thật sự đây là một bài pháp rất hay, là một bài khai thị rất tuyệt vời để chochúng ta rút kinh nghiệm để tránh những ách nạn đó.

Có nhiều người Diệu Âm gặp qua, có quen biết, thấy họ có móng cái tâm đó mà khuyên không được! Thành thật nhiều khi mình tha thiết muốn cứu họ. Nhưng khổ một nỗi, “Nói nhiều sanh sự”! Hòa Thượng nói, sửa sai một người nào không được sửa quá ba lần. Còn các hàng đệ tử của Ngài nói rằng, không được sửa sai người ta quá hai lần. Nghĩa là nhiều lắm sửa tới hai lần thì ngừng, không được sửa nữa. Nếu sửa nữa, hướng dẫn nữa, thì chính mình tự gây ra nhiều khó khăn cho mình!…

Trên bước đường đi đây đi đó, Diệu Âm đã gặp quá nhiều, quá nhiều chuyện này. Quý vị có thể nghe lại những cuộc tọa đàm “Khế Cơ – Khế Lý”, “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”, hoặc là những lời tọa đàm khác, cứ hai-ba buổi tọa đàm thìDiệu Âm lại nhắc tới điểm này. Luôn luôn nhắc như vậy. Sở dĩ nhắc nhiều lần vì thấy sự trở ngại này đã xảy ra nhiều quá, muốn lợi dụng cơ hội tọa đàm này nhắc nhở người hữu duyên, chứ không có gì khác hơn!

Trong tuần qua vừa điều giải ở đây, mà phải vừa điều giải chỗ khác nữa, cũng trường hợp nhập thân tương tự như vậy. Thành thật xin thưa rằng, tại vì người ta bắt mình, nhờ mình điều giải những chuyện này, chứ lực của mình khôngđủ khả năng điều giải. Nhiều lúc Diệu Âm đành phải nói rằng, chư vị hãy nghe cho nhiều những lời giảng của Hòa Thượng Tịnh-Không đi, cũng có thể nghe những lúc Diệu Âm nhắc lại những lời giảng của các Ngài đi. Hãy tự ngộ ra, đừng tham đắm nữa, đừng hiếu kỳ nữa. Còn không nghe thì nhiều lúc đành chịu thua!…

– Thường thường những người tự tu “Tinh Tấn”.

– Thường thường những người chê bai sự sinh hoạt của các đạo tràng.

– Thường thường những người không chịu nổi những cảnh cộng tu quá đơn giản của các nhóm cộng tu Niệm Phật…mới tách rời ra về nhà đóng cửa tự lập công phu tu tập riêng.

Những ngày tháng đầu tiên thấy họ tu hành, mình cũng rất kính phục ý chí của họ. Nhưng thường thường cỡ chừng sáu tháng trở về sau, hãy đến thăm họ một lần nữa, mình thấy hình như sắc tướng của họ đã biến rồi! Xin thưa rằng, khoảng chừng nửa năm sau mới đến thăm họ, thì lúc đó nhiều khi chúng ta cũng không còn cách nào có thể khuyên giải gì được nữa rồi! Khổ nạn bắt đầu chính vì chỗ khó khăn này đây!…

Thưa với chư vị, Phật dạy, “Nhất Thiết Duy Tâm Tạo”. Tất cả đều do chính cái tâm của chúng ta tạo ra. Ma cũng tại tâm ta, Phật cũng tại tâm ta! Không phải ở ngoài.

– Khi ta chí thành niệm câu A-Di-Đà Phật, ta sẽ về Tây Phương thành Phật. A-Di-Đà Phật tiếp độ ta về đó để thành tựu.

– Khi ta cống cao ngã mạn niệm câu A-Di-Đà Phật. Câu A-Di-Đà Phật là Chánh Pháp, nhưng tâm ta là Tà, tâm Tà niệm câu A-Di-Đà Phật, thì niệm câu A-Di-Đà Phật cũng biến thành Tà Pháp luôn!

Chính vì vậy, Tà hay Chánh không phải là ở ngoài, mà chính là ở tại Tâm này. Hiểu được vậy, chúng ta phải nhớ tự tu sửa lấy. Ví dụ, nếu bây giờ chúng ta còn ghét một người nào, thì hãy mau mau bỏ cái ghét đi. Tại vì đố kỵ là Tà.Thương yêu mới là Chánh. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, còn đố kỵ một người nào thì mình không thể trở về Tây Phương được.

Mình bây giờ không nghĩ đến “Chí Thành – Chí Kính” để hội nhập với chư Thượng Thiện Nhân trên cõi Tây Phương, mà nghĩ rằng mình có khả năng chứng đắc, vô tình mình rời khỏi cái đại nguyện của đức A-Di-Đà. Niệm Phật là nhị lực, mình đã dùng câu Phật hiệu giống như một thứ “Thoại Đầu”. Đây là cách tự lực mà đi, bỏ đại nguyện của Ngài. Bỏđại nguyện của Ngài thì không ở trong quang minh tiếp độ của Ngài.

Như hôm trước mình nói, chính cái tâm của mình là một cái tấm ngăn, cái tấm vách, cái tấm chắn… Mình không tinđại nguyện của Ngài thì tự nhiên cái tâm của mình đã chắn, đã ngăn tất cả quang minh của Phật. Mà ngăn cản quang minh của Phật thì quang minh của chư vị Ma Vương tự do phổ trùm kéo mình về con đường tà đó.

Phật dạy “Tất cả do tâm tạo”. Tà hay Chánh ở tại tâm mình. Mong chư vị hiểu chỗ này để chúng ta an nhiên thành tựu đạo quả…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/ho-niem-huong-dan-khai-thi-toa-dam-20-271.html#ixzz7R0YSZ300

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –