Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 26)

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 26)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong chương trình nói về “Khai Thị – Hướng Dẫn” cho bệnh nhân, chúng ta đã đi được một nửa đoạn đường. Mỗi lầnchúng ta nghe được một tin vãng sanh, tự nhiên mình thấy có một nguồn an vui, sung sướng! Hơn nữa chuyện vãng sanh này chúng ta có đóng góp công sức vào đó, dù nhỏ hay lớn cũng làm cho mình thấy vui và niềm tin vãng sanhcàng được vun bồi…

Có một điều đáng nói trong cuộc vãng sanh ngày hôm kia là một điều hơi bất cẩn của Diệu Âm! Biết rõ rằng người bệnh đó hồi nào tới giờ chưa biết tu, gia đình lại là Thiên-Chúa giáo, ấy thế mà dám tuyên bố trước rằng xác suất của vị này được vãng sanh lên tới chín mươi lăm phần trăm.

Rõ ràng đây là một điều hơi bất cẩn! Nhưng cũng rất may mắn là sau cùng kết quả vị này đã vãng sanh thật, để lại những thoại tướng bất khả tư nghì! Như vậy mình đoán mò nhưng vẫn đúng, kết quả nằm trong số chín mươi lăm phần trăm đó, còn chừa lại năm phần trăm là dành cho những gì sơ suất!…

Tại sao Diệu Âm lại dám mạnh miệng nói người này có xác suất chín mươi lăm phần trăm vãng sanh?

Xin thưa, vì “Tín-Nguyện-Hạnh”.

Thường thường thì người ta chú ý nhiều về thời gian tu tập lâu, về công phu hành trì tốt, về kiến thức Phật học cao… Trong khi đó thì người vừa mới vãng sanh cách đây hai ngày lại hoàn toàn không có những chuyện đó!

Một người đi theo học Phật chỉ đâu khoảng ba tháng. Suốt cả một cuộc đời sống trong một gia đình Thiên-Chúa giáo, ấy thế mà cuối đời lại gặp được cơ may, đã phát tâm niệm Phật cầu về Tây Phương, và Diệu Âm dám mạnh miệng đoán rằng người này có thể chín mươi lăm phần trăm sẽ được vãng sanh…

Tại sao vậy?… Xin thưa thật, tại vì người này đã có đủ “Tín”, đủ “Nguyện”, đủ “Hạnh”. Dù rằng trước đó người này sống như thế nào mình không biết, nhưng cuối đời có cơ duyên gặp được người khuyên nhủ, họ tự nhiên đã phát tâmniệm Phật với “Tín-Nguyện-Hạnh” một cách đầy đủ, vững vàng.

Như vậy, muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì một người phải bảo đảm ba điểm “Tín-Nguyện-Hạnh” đầy đủ. Đây là yếu tố được vãng sanh, chứ không thể khoe công phu giỏi như thế này, kiến thức tốt như thế kia… mà dành phần chắc chắn vãng sanh được đâu! Không phải! Có nhiều người tu rất giỏi, tu rất lâu… Nhưng hỏi rằng, có đượcvãng sanh hay không? Nhiều khi thật sự không dám trả lời! Vì sao vậy? Vì xét kỹ, người này không có đủ Tín, không có đủ Nguyện, không có đủ Hạnh!

Ví dụ, chúng ta đang niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Tôn chỉ của Pháp môn niệm Phật là Tin tưởng, Nguyện vãng sanh và Niệm câu A-Di-Đà Phật. Nếu mình thấy rằng, pháp môn niệm Phật này quá đơn giản, không xứng đáng với cái trí tuệ thông minh của mình, thì xin tùy duyên!… Có người ở đây thì giả vờ niệm Phật, về nhà thì thêm cái này một chút, thêm cái kia một chút… Tại sao thêm vậy? Tại vì lòng tin vào câu A-Di-Đà Phật quá yếu!

Khi biết một người không dám mạnh mẽ tin tưởng vào câu A-Di-Đà Phật! Nếu hỏi rằng, người này xác suất vãng sanhđược bao nhiêu? Xin thưa rằng, không dám đoán!…

Phải chuyên mới mạnh. Đi đường nào phải chuyên một đường thì mới dễ thành đạo được.

Đi hộ niệm, “Hướng Dẫn – Khai Thị” chính là phải:

– Làm sao cho người bệnh đó phát khởi niềm tin vững vàng.

– Làm sao cho người bệnh quyết lòng tha thiết vãng sanh.

– Làm sao cho người bệnh chuyên nhất niệm một câu A-Di-Đà Phật.

Mình muốn cho người bệnh có niềm tin vững vàng mà chính mình không có niềm tin vững vàng, xin nói thẳng rằng, dù chư vị tới khai thị, diễn nói một tháng đi nữa cũng không dễ gì có cảm ứng đâu! Nhất định! Người hộ niệm có niềm tinkhông vững, thì làm cho người bệnh cũng khó phát khởi niềm tin được! Tại sao? Tại vì chính niềm tin của mình không vững, thì tư thái của mình cũng không vững! Sắc mặt của mình cũng không vững! Lời nói của mình cũng không vững!…

Đã không vững, dù có nói gì đi nữa thì từ trường của sự hồ nghi vẫn tủa ra và ảnh hưởng không tốt đến người bệnh, làm cho người bệnh hồ nghi luôn! Đã hồ nghi rồi thì thôi chịu thua, không có thể nào phát khởi tín tâm được! Phát khởitín tâm không được, thì không có cái nhân để hội tụ được thiện căn phước đức… Chính vì thế, mình nói về khai thị hướng dẫn cho người bệnh, chứ thật ra là để củng cố cho chính mình vậy.

Thế thì, nếu chư vị có “Tin” thì phải tin cho vững. Tin rằng lời Phật dạy không bao giờ sai.

– Chỉ có là chúng ta nghĩ sai!

– Chúng ta hiểu sai!

– Chúng ta thực hành sai!

– Mình có cái sai trong đó mà không thấy đó thôi!

Ví dụ như hôm trước, chúng ta nói rằng, một người đi theo con đường “Tự Lực”, thì nhu cầu tiên quyết của họ là phải phá nghiệp, phải đoạn cho hết nghiệp, phải diệt cho sạch nghiệp gọi là “Đoạn Hoặc, Chứng Chơn”. Nếu mà người đó không đoạn nghiệp hoặc, tức là nghiệp mà không sạch, tình mà không trụi lủi, thì nhất định họ phải vướng lại trong lục đạo luân hồi. Vì thế, đối với họ cái nhu cầu đầu tiên là phải diệt cho hết nghiệp. Chắc chắn phải tận diệt nghiệpchướng!…

Còn chúng ta đi con đường “Nhị Lực”, (Tức là niệm Phật, cầu Phật tiếp độ vãng sanh Cực Lạc), nếu vừa nghe những vị đó đưa ra vấn đề phải tận diệt nghiệp chướng, ta thấy lý luận đó quá đúng, ta cũng bắt chước theo để tìm cáchquyết diệt cho hết nghiệp chướng, thì chúng ta đi lệch đường rồi! Tại sao vậy? Vì nhu cầu chính của người niệm Phậtlà “Tín-Nguyện-Hạnh” chứ không phải đoạn nghiệp.

Ví dụ cho dễ hiểu, muốn đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, có người nói rằng phải bước đi từng bước, từng bước,… Có nhưvậy thì đoạn đường sẽ ngắn lại, và sau cùng ta mới có thể tới đích. Đúng không? Đúng!…

Bước đi như vậy, ta phải tránh hố này, dọn đường nọ… Phải phá tất cả những hầm hố chông gai. Ta phải san bằng hết những chướng ngại trên đường đi. Đúng không? Đúng!…

Còn đối với tôi, tôi nói, tôi không bước một bước nào theo con đường đó hết, mà tôi sẽ mua một chiếc vé máy bay. Tôi ngồi trên máy bay, tôi ngã ngửa ra trên chiếc ghế nệm để nghỉ. Anh trải qua nào là núi này sông nọ, hầm này hố nọ, anh phải tự san bằng hết tất cả những thứ đó, còn tôi thì không cần. Tôi đang đằng mây, lướt gió, tôi không gặp phải những chướng ngại như anh. Anh tự bước đi thì anh phải giải quyết tất cả những hầm hố, chông gai đó. Còn ở đây tôi đã leo lên chiếc máy bay rồi, tôi không cần san bằng những thứ đó làm chi. Tất cả đều sẽ đi đến Sài Gòn, là một điểm, nhưng rõ ràng phương tiện khác nhau.

Cái phước báo của người tự lực đi bộ chính là trí huệ sắc bén, đầu óc thông minh, ý chí kiên cường. Cái phước báocủa người đi trên máy bay, chính là có chút tiền bạc. Có tiền bạc, đó là phước báo của tôi. Anh muốn đi bộ là do sức khỏe của anh tốt, đó là phước báo của anh. Anh khỏe mạnh, anh mới đi được như vậy. Anh có thể tới đích đó, nhưng anh cũng nên coi chừng!… Đường đi quá dài, nhiều khi anh đành phải ngã quỵ trong một lùm cây nào đó ở đèo Hải Vân!… Anh ngã quỵ khi chưa tới đích!

Còn tôi thì sao?… Dù sức khỏe tôi yếu, nhưng tôi mua một chiếc vé máy bay. Tôi lên máy bay, tôi ngồi đàng hoàng… Chiếc máy bay sẽ chở tôi tới đó.

Người nào muốn đi máy bay thì hãy mua vé máy bay. Chúng ta chỉ cần bỏ tiền ra là đủ, không cớ gì phải lo san bằngnhững hầm này hố nọ làm chi! Rõ ràng chúng ta bay qua trên những hầm hố đó. Còn người nào muốn đi bộ, thì bắt buộc họ phải toan tính cẩn thận để san bằng tất cả những chướng ngại trên đường đi!…

Như vậy, xin hỏi rằng một người ở dưới đất đang đi từng bước, từng bước thì làm sao họ thấy được những cảnh thù thắng ở trên mây. Còn một người bay trên mây thì tại sao bắt họ phải xóa tan những thứ gai góc ở dưới đất làm chi?Rõ ràng là như vậy. Đúng là như vậy.

Xin thưa với chư vị, “Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên” tất cả ai cũng có cả, tiền bạc chúng ta cũng đều có cả, nhưng người nào khôn khéo biết dùng niềm tin sâu sắc để gom hết tất cả những thiện căn, phước đức trong nhiều đời nhiều kiếp lại mà mua một chiếc vé máy bay. Có chiếc vé máy bay thì hãy lên máy bay mà đi. Còn nếu niềm tin cạn cợt thì không gom tụ được thiện căn, phước đức đâu. Nhiều khi tiền bạc vẫn có nhiều quá rồi, nhưng nó đang nằm rải rác khắp nơi. Oan uổng hơn nữa, nhiều khi đã gom đủ tiền, nhưng lại lý luận rằng, một vật bằng sắt làm sao có thể bay lên không được? Sự suy tư này nghe qua có vẻ vững chắc quá, nên quyết định dùng số tiền đó mua sắm lương thựcdự trữ để tự lực bước đi… Thôi! Cũng đành chịu khổ vậy!…

Hôm qua mình nói chuyện “Vạn Pháp Nhân Duyên Sanh” có liên quan đến vấn đề này. Nhất định chúng ta phải sáng suốt biết lựa con đường nào dễ thành tựu mà đi!…

Trở lại chuyện tại sao một vị đó hồi giờ chưa biết tu hành gì nhiều, nhưng khi gặp lời khuyên, người đó quyết lòng đi,nhất định đi, họ không còn tha thiết gì hơn nữa cả, mình dám đoán trước sự vãng sanh lên đến chín mươi lăm phần trăm?

Dễ hiểu thôi! Vì họ có Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ. Trong đó niềm tin là khởi đầu tất cả.

Như vậy, chúng ta có tu hành, tu nhiều hơn họ, ngày nào cũng có đi tu… Nhưng có chắc chắn được vãng sanh không? Xin tự mình hỏi lại rằng, niềm tin đã vững vàng chưa?

Nếu niềm tin đã vững vàng, thì một câu A-Di-Đà Phật hoàn thành tâm nguyện đi về Tây Phương Cực Lạc.

Nếu tin không vững, thì thường phải thêm cái này một chút, thêm cái kia một chút… Có nghĩa là chúng ta tự tạo thêm chướng ngại cho chính mình, làm cho đường về Tây Phương Cực Lạc sẽ còn xa vời vợi!…

Vì niềm tin không đủ, nên phát khởi thiện căn phước đức không được. Từ đó tâm hồn cứ chập chờn, chập chờn nửa ở nửa đi, làm cho đường đạo tự nhiên bị nhiều trở ngại! Trở ngại chính vì tại tâm này đã thiếu hẳn niềm tin!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/ho-niem-huong-dan-khai-thi-toa-dam-26-277.html#ixzz7R0dvFlKL

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –