Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 16)

Share on facebook
Share on twitter

HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

(Tọa Đàm 16)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong mấy ngày hôm nay, chúng ta nói về “Khai Thị – Hướng Dẫn” cho người vãng sanh trong phép hộ niệm, thì mai này Diệu Âm phải đi qua bên tây Úc, để làm công việc này. Thật ra thì vị này đã có duyên, cách đây hai tháng trong lúc đi qua bên tây Úc đã gặp được chị. Chị bị bệnh ung thư đang nằm chờ chết, thì duyên may gặp được những người hộ niệm hướng dẫn, khai thị và chị đã phát lòng tin tưởng để đi về Tây Phương. Bản thân là tu học Phật, nhưng gia đìnhthì Thiên Chúa giáo. Điều này cũng có một chút ít chướng ngại! Nhưng mấy ngày qua Diệu Âm có điện thoại tới khuyên bảo, thì tất cả gia đình đều đồng ý giúp cho chị này được vãng sanh.

Như vậy “Hướng Dẫn – Khai Thị” hộ niệm chúng ta đã làm. Khi một người còn tỉnh táo thì mới thực hiện được sự khuyên bảo này, chứ đến lúc hấp hối, lâm chung thì không còn cách nào hướng dẫn được nữa. Chính vì vậy, xin nhắc lại là nếu trong đồng tu chúng ta có bà con, thân nhân, anh em… muốn được hộ niệm thì phải thông báo trước, phảicho biết trước. Gia đình phải khuyên nhủ trước để cho người bệnh chấp nhận sự hộ niệm. Gia đình cũng phải thông hiểu việc hộ niệm và hỗ trợ tích cực vào việc này thì ban hộ niệm mới có thể hộ niệm được.

Ví dụ như cách đây hơn một tuần, có một người bệnh ở gần đây, nhưng chúng ta không cách nào nhận đến hộ niệmđược! Tại vì trong lúc còn tỉnh táo thì không chịu kêu, khuyên tu thì người đó không chịu tu, đến lúc đã mê man bất tỉnh trong bệnh viện rồi người thân mới kêu. Đã quá trễ! Chúng ta có đến cũng như không!…

Hôm nay chúng ta tiến thêm một bước nữa, là đang hộ niệm mà người bệnh hấp hối thì khai thị làm sao? Ví dụ khi tôi đi qua bên tây Úc, nếu vị đó ra đi trong dịp này thì chắc chắn rằng Diệu Âm phải làm công chuyện đó. Tương tự như coi trong các cuộn phim, các video hộ niệm vãng sanh, quý vị thường thường thấy người trưởng ban hộ niệm đứng bên cạnh người hắt hơi sắp sửa ra đi, họ nói rất lớn lời này:

– Bác Trần văn X ơi! Giờ phút này Bác đã sắp sửa buông báo thân rồi. Mau mau nhiếp tâm lại niệm câu A-Di-Đà Phật để theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Đây là cái giây phút hết sức quan trọng, đừng phân tâm, đừng chao đảo, cố gắng niệm theo chúng tôi, chờ A-Di-Đà Phật đến, theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Thường thường nói câu đó. Xin nhắc lại, hãy nhắc nhở cho người bệnh biết rằng giờ phút xả bỏ báo thân đã đến.

– Bác Trần văn X ơi! Bao nhiêu năm qua Bác chờ đợi cái giờ phút này để theo A-Di-Đà Phật vãng sanh về Tây Phươngthành đạo. Thì giờ phút này sắp đến rồi. Hãy vui vẻ lên! Nhiếp tâm lại niệm A-Di-Đà Phật để cơ hội này mình đượcvãng sanh thành đạo. Nhất định đừng có phân tâm nhé.

Nói chậm rãi, rõ ràng…

– Trong giờ phút này tất cả mọi cảnh giới chỉ là huyễn mộng!… Là giả!… Xin bác Trần văn X cứ việc nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật. Tuyệt đối không theo một vị nào khác…

Quý vị hãy nghe thật kỹ những lời nói này. Mình phải nhắc hai-ba lần, chứ không phải chỉ nhắc một lần. Mỗi lần nhắc một chút thôi.

– Bác Trần văn X ơi! Một đời mình tu hành là chờ đến cái giây phút này để xả bỏ báo thân, xả bỏ những thứ vô thườngcủa cuộc đời, đi về Tây Phương thành đạo. Thì đây là cơ hội thù thắng, Bác phải vui mừng lên, vững vàng, theo A-Di-Đà Phật. Nhớ niệm theo chúng con nhé…

Rồi bắt đầu niệm: “A-Di-Đà-Phật… A-Di-Đà Phật…”. Rõ ràng từng tiếng, từng tiếng. Lúc hấp hối có thể mình sẽ thấy người bệnh thở từng hơi một rất là khó khăn. Chúng ta có thể nương theo hơi thở của họ mà niệm: “A… Di… Đà… Phật…”. (Niệm theo hơi thở: Thở một hơi niệm A, thở một hơi nữa niệm Di, v.v…).

Sở dĩ những người sắp sửa xả bỏ báo thân thường hay há cái miệng ra thở và thở hắt hơi lên, vì lúc đó các cơ bắt đầu muốn ngừng rồi. Các cơ ngừng thì máu cũng theo đó mà chạy chậm lại, người bệnh cảm thấy ngộp, khó thở, cho nên phản ứng tự nhiên của họ là cố mở miệng cho thông cổ ra, mở cho thông đường khí quản ra, và họ chỉ còn thở được từng hơi thở một. Nếu họ thở từng hơi khá chậm, chúng ta cũng có thể nương theo từng hơi thở đó mà niệm: “A-Di-Đà Phật”. Thở một hơi nữa: “A-Di-Đà Phật”… Trong lúc người ta xả bỏ báo thân thì niệm một trong hai cách này là tốt nhất. Niệm như vậy để giúp cho người bệnh nghe tiếng niệm của mình mà niệm theo. Một lần người ta hít hơi vôthở ra một cái, thì nương theo tiếng của mình họ niệm một tiếng… Phải niệm thật rõ ràng.

Trong giờ phút này rất cần người trong gia đình, con cháu quỳ xuống trước bàn thờ Phật, lạy Phật, cầu Phật tiếp độ. Nếu gia đình thành tâm thì trong những lúc này hãy cố gắng lạy Phật, lạy đến đổ mồ hôi mới hay! Có lạy như vậy mớichứng tỏ sự thành tâm cầu Phật gia trì, thành tâm cầu viện chư vị pháp giới chúng sanh hộ niệm cho người đó, thì tự nhiên sẽ có cảm ứng rất là mạnh.

Trong những giây phút này rất là căng thẳng, không được để một người nào lạ không biết pháp hộ niệm đi vào trong phòng hộ niệm.

Tại vì nếu mà người ta sơ ý, nhất là những người bà con thân thuộc ở xa, nghe nói người bệnh sắp chết thì thường cứ điện thoại, nhắn tin trở về là điều không tốt! Tốt nhất mình cứ im lặng hộ niệm khi nào viên mãn xong rồi, tức là từ tám giờ đồng hồ mới bắt đầu điện thoại kêu. Nhờ vậy người ta muốn đi tới thăm thì ít nhất cũng hai hoặc ba tiếng đồng hồ nữa. Thời gian này đủ cho mình hộ niệm viên mãn…

Có nhiều người không biết hộ niệm, gần những lúc người bệnh sắp chết thì cứ kêu thân nhân về cho nhiều. Những người đang ở bên cạnh người bệnh thì đã biết về hộ niệm, đã từng học hỏi qua khai thị hướng dẫn, thì họ có thể giúp ích người bệnh niệm Phật. Còn những người thân khác ở từ xa bay về, thường người ta nhào vô quậy rối lên. Người ta ôm, nắm, níu, khóc… sẽ làm cho người bệnh bị trở ngại, không thể định tâm niệm Phật, nhất định khó được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Chính vì vậy, ở giây phút này ta phải hết sức chú trọng. Tất cả con cái nếu có thể mặc áo tràng để ngồi hộ niệm thì rất tốt. Nếu không có áo tràng cũng không sao. Cố gắng nhiếp tâm niệm đều đều câu A-Di-Đà Phật. Hãy phát tâm quỳ lạy Phật cho nhiều. Người trưởng ban hộ niệm lúc này luôn luôn phải ở tại hiện trường, lâu lâu thì nhắc nhở một lần:

– Bác Trần văn X ơi! Vững vàng, vui vẻ niệm A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật. Nhất định trong cơ hội này vãng sanh vềTây Phương Cực Lạc.

Nói ngắn gọn. Lúc hấp hối, có người khai thị cũng hơi giống như vậy, nhưng nói như thế này:

– Bác Trần văn X ơi! Niệm Phật đi theo Phật… Theo Phật nghe Bác.

Xin hỏi chư vị, câu này có gì sai không?…

– Ráng niệm Phật nghe Bác! Niệm Phật để đi về với Phật nghe Bác! Đừng đi theo ai hết.

Quý vị nghe thử câu này có gì sai không?…

– Có!… Phải nói là: “Đi theo A-Di-Đà Phật”. Không được nói “Đi theo Phật”. Không được nói “Đi theo Phật” một cách trổng trổng! “Một đời mình tu, bây giờ phải theo Phật, về với Phật nghe”! Nói trổng trổng như vậy rất dễ hướng dẫn người ta đi sai đường! Mà phải nói rõ ràng:

– Đi theo A-Di-Đà Phật, niệm A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật để về Tây Phương với A-Di-Đà Phật.

Nhắc đi nhắc lại, nhắc lên nhắc xuống câu “A-Di-Đà Phật”, để tâm người bệnh xác định là chỉ được quyền đi theo “A-Di-Đà Phật”.

Có nhiều người hộ niệm, nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm, thường nói: “Đi theo Phật, không được đi theo ai hết”. Đây là những lời hướng dẫn vô cùng sơ ý, dễ làm cho người bệnh bị mất phần vãng sanh! Vì xin thưa rằng, trong pháp giớinày có nhiều cảnh giới mà mình không thể lường trước được. Trong vấn đề nhân quả của chính mình, mình phải chịu lấy. Mình giết hại chúng sanh, mình gạt, mình đốt, mình bắt, mình làm gì đó,… tạo ra không biết bao nhiêu nghiệp sát. Nghiệp sát thì tạo ra oán thân trái chủ. Oán thân trái chủ thường thường họ theo sát bên cạnh mình để chờ đến giờ phút gọi là buông xả báo thân, sẽ tìm mọi cách để trả thù. Người hộ niệm có điều giải, nhưng chưa chắc gì đã điều giải hết được.

Ví dụ như có một ngàn người, mình điều giải được bảy trăm người, nhưng còn đến ba trăm, người ta không chịu tha thứ… Bên cạnh đó cũng có thể có những chúng sanh khác, họ không muốn người bệnh này đi về Tây Phương. Nếusơ ý mình nói: “Đi về với Phật, đi về với Phật”. Nghe nói vậy, họ có thể ứng ra hình tướng một vị Phật liền, họ giả dạngra liền, cũng đỏ đỏ, xanh xanh, trắng trắng, hồng hồng… bay phất phới. Người bệnh thích quá, tưởng là Phật đi theoliền!…

Thành ra, vì sơ ý một chút như vậy mà làm cho người bệnh bị lạc đường. Xin nhắc lại, mình phải nói:

– Bác Trần văn X ơi! Phật tử Y… gì đó ơi! Niệm A-Di-Đà Phật với chúng con, đi theo A-Di-Đà Phật, nhất định không được đi theo một người nào hết. Có chúng con đang niệm Phật tại đây, quang minh của Phật đang phổ chiếu ở tại đây.Hãy nhiếp tâm lại niệm A-Di-Đà Phật, chờ A-Di-Đà Phật đến, đi theo Ngài vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.Nhất định không thể lạc đường.

Nói rõ ràng!

Nói vậy thì người bệnh đó dễ xác định, còn mình phải nhắc nhở, luôn luôn phải nhắc nhở đến tiếng “A-Di-Đà Phật” để cho người bệnh vững tâm.

– Bác Trần văn X ơi! Tất cả mọi cảnh giới đều là huyễn! Là giả! Dù có thấy gì cũng không sao hết. Có chư vị Phật tửđang ở sát bên cạnh hộ niệm cho Bác đây. Có quang minh của Phật đang che chở cho Bác đây. Bác hãy yên chí, không sợ gì cả!

Nói rõ ràng! Nhất định ngoài những câu nói này không được làm gì khác hết. Không được tụng một câu Chú, không được tụng một câu Kinh, không được tụng một cái gì khác. Hãy nhắc nhở, rồi cứ niệm A.. Di.. Đà.. Phật đồng thanhniệm đều, niệm mạnh, niệm từng tiếng A.. Di.. Đà.. Phật, A.. Di.. Đà.. Phật. Có nhiều người thiếu kinh nghiệm hộ niệm, trong lúc này lại đọc Chú này, đọc Chú nọ, có thể làm họ mất phần vãng sanh!

Mong chư vị khi biết được những chuyện này, ví dụ sau này người nhà của mình ra đi, thì áp dụng vững vàng như vậy. Chắc chắn rồi sau khi đi bên tây Úc về chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề “Điều Giải – Khai Thị” oan gia trái chủ. Đây là những điểm hết sức quan trọng. Sau khi đã hướng dẫn người bệnh, chúng ta cần nói về oan gia trái chủ. Xin chư vị nên cố gắng lắng nghe, để chúng ta có thêm chút ít năng khiếu hướng dẫn một người biết đường đi thẳng về Tây Phương khỏi bị lạc…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/ho-niem-huong-dan-khai-thi-toa-dam-16-267.html#ixzz7R0XpVZvz

HỘ NIỆM HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –