Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 15

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 15)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta tu hành hôm nay là để dồn lại cho giây phút xả bỏ báo thân tâm mình không còn do dự, không còn đong đưa, không còn chao đảo, và khi xả bỏ báo thân này chúng ta có cái điểm về nhất định. Nếu trước những giờ phút lâm chung, sắp sửa xả bỏ báo thân mà ta còn do dự, đong đưa, thì nhất định những đời kiếp trong tương lai sẽ chịu khổ nạn. Nếu tâm của chúng ta không có chỗ dựa chắc chắn thì nghiệp chướng nhất định sẽ dẫn ta theo nghiệp thọ báo trong sáu đường luân hồi, không cách nào giải thoát được.

Chính vì thế, nếu chúng ta nghĩ rằng đi con đường nào cũng được thì khỏi cần lo lắng, chừng đó nghiệp sẽ dẫn chúng ta đi. Còn như nhất định không muốn theo nghiệp thọ báo, thì chúng ta phải quyết định ngay từ bây giờ mới được. Muốn xác lập điểm về trong tương lai, xin chư vị đừng nên sơ ý đợi cho đến giây phút chót rồi mới chọn lựa, sợ rằng không còn kịp nữa đâu. Chúng ta đang niệm Phật, ngày ngày đều niệm Phật là để cái tâm chúng ta xác định đường đi, nước bước: Cách tu hành là niệm Phật, đường về là Tây-Phương Cực-Lạc, để đời-đời kiếp-kiếp trong tương lai ta không còn là phàm phu trong sáu đường sanh-tử luân-hồi nữa.

Chính vì thế xin chư vị cố gắng xác định cho thật kỹ, đừng để bị vướng. Ví dụ như ngày hôm nay, có nhiều vị tới hỏi những câu hỏi rất hay. Trong cuộc đời tu hành mà tâm chúng ta vướng những chỗ nào, thì coi chừng tương lai 99.9 % trước những giờ phút ra đi tâm chúng ta sẽ vướng vào chỗ đó. Trong kinh Phật gọi là “Dẫn- Nghiệp”. Dẫn-Nghiệp sẽ đưa chúng ta đến chỗ gọi là “Mãn- Nghiệp”. Mãn-Nghiệp chính là quả báo trong tương lai. Ví dụ như một người có một tâm hạnh rất cao, lập một đạo-tràng cho Phật tử về tu hành rồi ngày đêm lo lắng cho cái đạo-tràng đó. Không biết là sau này đạo-tràng đó sẽ như thế nào, nhưng nếu tâm dính vào đó thì cái đạo-tràng này là một chướng ngại cho con đường vãng- sanh của mình. Chính sự lo lắng sẽ cột cái tâm vào đạo-tràng đó, vô tình cái đạo-tràng mình lập ra tưởng là có lợi, mà coi chừng có hại cho chính mình.

Chính vì vậy, phải biết buông xả. Buông xả là như thế nào đây?… Lập đạo-tràng nếu có duyên thì ta cứ lập, còn đường vãng- sanh vẫn phải là điểm chính. Đừng nên lập đạo-tràng rồi ngày đêm lo lắng: Làm sao phát triển đây? Tương lai ai chăm sóc đây? Làm sao cho có người tới tu đây? V.v… Nếu tâm dính vào đó, thì đành phải bỏ con đường vãng-sanh, để ở lại trong cõi Ta-bà mà lo cho đạo-tràng vậy. Lo bằng cách nào?… Bằng cách… coi chừng thành con vật gì đó lẳng quẳng chung quanh để giữ đạo-tràng đấy! Đau khổ lắm đó chư vị ơi!… Hiểu được điều này, xin hãy mau mau buông xả. Buông xả từ trong tâm buông xả ra…

Tu tập ngày hôm nay là để trước giờ phút ra đi ta quyết niệm cho được câu A-Di-Đà Phật để vãng-sanh. Xin đừng nghĩ rằng để 3 năm hay 10 năm sau ta mới bắt đầu niệm Phật. Không phải dễ vậy đâu. Nếu còn tham chấp, nếu còn lang thang… thì tất cả những thứ tham chấp, thứ lang thang đó sẽ là những chủng tử nhập vào tâm chúng ta, nhất định nó sẽ trở thành dẫn-nghiệp mạnh nhất, hay nói cho gọn là “Duyên” mạnh nhất, kéo chúng ta vào con đường đọa lạc.

Nói rõ hơn, ví dụ: Bây giờ mình muốn cuối cuộc đời mình niệm câu A-Di-Đà Phật, thì mong chư vị hãy mau mau buông ra càng sớm càng tốt những gì ngoài câu A-Di-Đà Phật, để cho:

  • Trong tâm của mình luôn luôn nhớ câu A-Di-Đà Phật…
  • Trong ý của mình luôn luôn tưởng đến câu A-Di-Đà Phật…
  • Trong đường đi của mình luôn luôn có câu A-Di-Đà Phật…

Nhờ vậy, khi mình nằm xuống dù mỏi mệt tới đâu, dù đau đớn tới đâu, dù nghiệp chướng báo đời tới đâu ta vẫn còn nhớ câu A- Di-Đà Phật. Nhớ câu A-Di-Đà Phật có nghĩa là nhớ Tín-Nguyện- Hạnh để vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nếu biết rằng nghiệp chướng chúng ta nhiều quá, lớn quá, oan gia trái chủ mạnh quá, mà ta không chịu chuyên lòng niệm câu A- Di-Đà Phật thì:

  • Những điều phước báu nó trói cái tâm chúng ta…

 

  • Những điều muốn được hết nghiệp nó trói cái tâm chúng ta…
  • Những điều muốn cứu độ chúng sanh gì đó nó trói cái tâm chúng ta…

Đến lúc nằm xuống những điều đó sẽv ứng hiện ra. Chư vị nên nhớ, điều kiện được về Tây-Phương là làm sao trước những giờ phút lâm chung ta phải niệm cho được câu A-Di-Đà Phật cầu vãng- sanh, còn bất cứ một thứ nào khác ứng hiện ra, nếu theo đó thì ta bị lạc đường. Ví dụ như:

  • Nếu trong tâm muốn làm phước thiện ứng hiện ra, thì có thể ta đi theo con đường phước thiện. Tức là nhiều lắm trở lại trong ba con đường thiện trong cảnh sanh-tử luân-hồi…
  • Nếu nghĩ đến việc xiển dương Phật pháp, thì con đường xiển dương Phật pháp sẽ ứng hiện ra trong tâm, ta có thể trở lại trong luân hồi để đi xuất gia, lập đạo-tràng, hướng dẫn người ta tu hành, v.v… chứ không thể vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được.
  • Nếu thương con nhớ cháu, thì sự lo lắng cho con cháu sẽ ứng hiện ra, khi chết ta dễ đi theo con cháu để tìm cách giúp đỡ cho chúng...

Tất cả những cảnh đó là mầm mống của sanh tử, nó sẽ kéo ta về con đường đọa lạc. Tương lai ta có khả năng niệm được câu A- Di-Đà Phật hay không thì xin chư vị tự nghĩ lấy?

Chính vì thế, chư Tổ trong Tịnh-Độ-Tông thường khuyên người niệm Phật phải chuyên nhất. Tất cả chư Tổ, tất cả các vị Sư chuyên về niệm Phật vãng-sanh, không một vị nào không nhắc nhở đến điều này. Mong chư vị cố gắng thực hành cho đúng, đừng nên sơ suất, một sự sơ suất ngày hôm nay kéo đến vạn kiếp về sau phải chịu đọa lạc đấy.

Khi nói về những chuyện này, Diệu-Âm có cái ấn tượng rất là sâu sắc. Tại đạo-tràng này, (Praha – Tiệp), đã tiễn đưa một vị vãng- sanh về Tây-Phương để trở thành Bồ-Tát. Trong đời kiếp trước Ngài tu hành tích phước làm sao mà hay quá, đến đời này trước giờ phút vãng-sanh lại được chư vị đồng tu tới Hộ-Niệm, khuyên nhắc niệm câu A-Di-Đà Phật. Nhờ Ngài niệm một câu A-Di-Đà Phật mà được vãng-sanh. Chứ giả sử lúc đó Ngài nói:

 

  • Ta còn muốn cứu độ chúng sanh. Thì thôi trật đường rồi!…
  • Ta muốn lập đạo-tràng. Thì trật đường rồi!…
  • Ta muốn làm thiện làm phước. Thì trật đường rồi!…

Nếu nghĩ đến những chuyện đó, thì những đường nào khác có thể đi, chứ đường vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc chắc chắn  phải trật rồi!…

Mong chư vị hiểu được điểm này mà mau mau tự mình kiểm điểm lại thử có sơ suất hay không?…

Về kinh điển: chư Tổ trong Tịnh-Độ-Tông dạy chúng ta rằng, kinh nào một kinh trì tụng cho tới cùng là hay nhất. Kinh nào đồng bộ với con đường Tây-Phương Cực-Lạc thì ta nên chọn lấy. Tu niệm Phật, thì xin chư vị hãy đem 5 kinh Tịnh-Độ ra mà chọn lựa: Kinh A-Di-Đà, kinh Vô-Lượng-Thọ, kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, Đại- Thế-Chí Niệm-Phật Viên-Thông Chương và Thập Đại-Nguyện- Vương của Phổ-Hiền Bồ-Tát.

Mười Đại-Nguyện-Vương Của Phổ-Hiền Bồ-Tát là dành cho các Pháp-Thân Đại-Sĩ trì tụng, đối với mình cũng hơi khó. Niệm-Phật Viên-Thông Chương của Đại-Thế-Chí rất là tuyệt vời, rất là ngắn gọn, có đâu 244 chữ rất là ngắn. Nhưng nhiều khi ngắn quá liệu mình có hiểu được tất cả những đạo lý nhiệm mầu bên trong hay không?… Nhưng mà có thể tụng được. Kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ thì Phật nói cảnh giới của những vị đại Bồ-Tát quán tưởng, nhiều khi cũng khó cho chúng ta hành trì. Vậy thì xin chư vị hãy chọn lựa 1 trong 2 kinh: Kinh A-Di-Đà và kinh Vô-Lượng-Thọ. Chọn 1 trong 2 kinh đó mà trì tụng suốt đời, quyết không thể nào lìa ra. Tụng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng đều được. Một kinh cho thông suốt thì tất cả kinh sẽ thông, đó gọi là “Nhất kinh thông, nhất thiết kinh thông”. Chắc chắn như vậy.

Bên cạnh đó niệm câu A-Di-Đà Phật. Ngài Ấn Quang nói từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng không bao giờ rời khỏi câu A- Di-Đà Phật. Chỗ trang nghiêm niệm thành tiếng, chỗ không trang nghiêm hãy cố gắng niệm thầm. Còn nói như ngài Liên-Trì, thì 3 tạng kinh điển, 12 phần giáo ai muốn tụng cứ tụng. 84 ngàn pháp môn ai muốn hành trì cứ hành trì, còn Ngài thì niệm một câu A-Di- Đà Phật.

Nói chung, xin chư vị hãy cố gắng y giáo phụng hành theo lời Tổ, thì một đời này ta có nhiều hy vọng, tràn trề hy vọng vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu ta không chịu y vào lời Tổ, ta y vào thế gian pháp, ta nghe theo những lời thế gian bàn luận, thì nhất định ta sẽ theo cảnh chết sống của thế gian, đời-đời kiếp-kiếp sau này khó có cơ hội về được Tây-Phương thành đạo.

Nguyện mong chư vị bắt đầu từ đây hãy hạ quyết tâm, cố gắng lo cho huệ mạng của mình, đừng nên sơ ý, đừng nên chần chờ nữa. Vô thường tấn tốc!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –