Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 36

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 36)

 

Nam Mô A Di Đà Phật

Ở tại Úc Châu Diệu-Âm có quen một vị, nếu nói về sự hiểu rộng Phật pháp thì Diệu-Âm này chẳng đáng làm đệ tử của anh. Pháp nào anh cũng tìm hiểu hết. Đến khi nghe pháp của ngài Tịnh- Không rồi mới thấm và quyết lòng niệm Phật. Anh mở một Niệm Phật Đường cho người ta niệm Phật. Ấy thế mà có một lần gặp Diệu-Âm, anh nói:

  • Đến bây giờ, không biết sao tự nhiên tôi cảm thấy hoang mang quá!.. Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng quang minh của A- Di-Đà Phật thì nhu nhuyễn, làm cho mình an tâm, không lo sợ. Trong khi đó có kinh sách thì nói rằng ánh sáng của Ma Vương êm dịu, nhu nhuyễn, làm cho mình dễ ưa thích, ngược lại ánh sáng của Phật Bồ-Tát thì chói chang. Tại sao kỳ lạ vậy!?…

Diệu-Âm mới nói:

  • Anh tu pháp nào phải tu một pháp. Nếu quyết định một pháp mà tu thì làm gì mà anh gặp phải cái tâm trạng hoang mang lo sợ này?… Nếu niệm Phật mà cái tâm anh hoang mang, thì nhất định anh sẽ bị trở ngại lúc lâm chung. Còn tôi thì không nghiên cứu gì khác nên tôi không biết chuyện nghịch lý đó. Tôi cứ an tâm niệm Phật. Cái tâm này được an, nó giúp cho mình vãng sanh. Thôi đừng suy nghĩ nữa nhé…
  • Nhưng rõ ràng kinh sách của Phật nói mà? (Vị đó lại hỏi.) Lúc đó tôi mới nói:

Nghiên cứu nhiều về Phật pháp mà anh không hiểu rằng “Nhất thiết duy tâm tạo” hay sao mà còn đưa vấn đề này ra?…

Anh ta nhìn tôi hơi ngỡ ngàng và hỏi tiếp:

  • Nghĩa là sao?…
  • Có nghĩa là, anh chọn con đường nào thì cứ lo thẳng đường đó mà đi. Khi tâm anh cứ chuyên nhất vào con đường đó thì anh dễ được thuận buồm xuôi gió tới đích. Anh đang tu pháp môn niệm Phật, mà lại nghiên cứu các pháp khác thì làm sao tránh khỏi

 

hoang mang?… Pháp môn khác có những chướng ngại khác. Anh thấy các chướng ngại của con đường khác lại cho là chướng ngại của con đường niệm Phật. Anh tưởng rằng pháp môn niệm Phật cũng phải trải qua tất cả những chướng ngại đó sao?… Không  đúng đâu. Mỗi đường có chướng ngại riêng. Vậy thì, đi đường nào phải đi một đường mới mong ngày tới đích vậy.

Pháp môn Tịnh-Độ lấy thanh tịnh thân tâm làm chính.

Tôi đưa ra ví dụ, sở dĩ chúng ta nhìn thấy đức Quán-Thế-Âm Bồ-Tát nhu hòa như một người hiền mẫu là tại vì con người ở đây thành tâm quy ngưỡng Ngài. Nhưng cũng có những người thấy ngài Quán-Thế-Âm Bồ-Tát là một vị quỷ Tiêu-Diện, hình tướng dữ dằn, con mắt lộ ra, cái lưỡi thè dài… Tại sao Bồ-Tát lại có tướng dữ tợn vậy?… Là tại vì tâm địa của chúng sanh ở địa ngục quá ư cay nghiệt. Chúng sanh cay nghiệt thì Ngài phải dùng đến hình tướng cay nghiệt như vậy mới cứu độ họ được. Chúng ta cần phải hiểu đạo lý này.

Như vậy, mình hãy nhìn ngài Quán-Thế-Âm, ngài A-Di-Đà an tịnh hiền hòa mà tu hành không phải sướng hơn sao? Đi tìm chi những cảnh giới khác để phải thấy ngài Quán-Thế-Âm, ngài Liên- Hoa Hóa-Sanh… dữ tợn quá, mà đâm ra sợ sệt?…

Khi hiểu được điều này rồi mong chư vị nhớ cho, tu hành cần nên chọn một đường thích hợp với căn tánh của mình, rồi cứ một đường mà đi mới tốt. Niệm Phật rất cần sự thanh tịnh, đừng nên sơ ý chạy theo đường kiến giải mà coi chừng sai lầm. (Kiến giải là muốn học nhiều, hiểu rộng, lý hay, luận giỏi…). Sai lầm lớn lắm!… Chạy theo đường sai lầm đến khi mất phần vãng sanh thì lúc đó ai cứu mình được đây?… Điều sơ suất này thật sự có nhiều người thường vướng phải đấy.

Trở về vấn đề hộ-niệm một chút nữa. Có nhiều người thường nghĩ rằng: “Một người kia tu hành suốt đời, công phu khó khăn mà sau cùng cũng bị mê man bất tỉnh ra đi. Chúng ta là phàm phu, Phật tử tại gia, vợ con đùm đề, cãi nhau lung tung… thì làm gì trong một đời mà lại có phước phần vãng-sanh?… Không thể nào được!”.

 

Xin thưa chư vị, vạn pháp đều có nhân duyên, vạn sự đều gồm đủ lý đạo. Pháp tu để vãng-sanh về Tây-Phương thì A-Di-Đà Phật không đòi hỏi chúng ta phải có một công năng, phải có một đặc dị, phải có một trí huệ thông minh sáng suốt nào hết. Nếu có công phu giỏi thì tốt, mình được lên phẩm cao. Không có công phu tốt, thì Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ vẫn được phần vãng-sanh. Lời nguyện của Ngài là dù những vị nào đã tạo tội ngũ nghịch, thập ác mà khi nghe đến danh hiệu của Ngài, phát tâm tin tưởng, kiệt thành sám hối, niệm danh hiệu Ngài cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu cho 10 niệm mà không được vãng-sanh về Tây-Phương, thì Ngài thề không thành Phật…

Bây giờ đừng nói chi cao siêu quá, hãy lấy cái hạng tệ nhất để đi vãng-sanh, thì khi nghe được lời nguyện này tự nhiên mình cảm thấy an tâm, vững vàng, chắc chắn… Xin thưa chư vị, tại sao mình an tâm vậy? Tại vì tất cả chư vị đang ngồi tại đây, chưa có một người nào đã từng tạo ra cái nhân ngũ nghịch thập ác đâu. Vì sao?… Vì nếu đã tạo cái nhân xấu ác cực độ này, thì giờ này chư vị không thể nào ngồi trong đạo tràng này được, đời này nhất định chư vị không thể nào làm người được đâu, mà chắc chắn đã ở dưới địa ngục hoặc trong tam ác đạo rồi… Những người tạo cái nhân ngũ nghịch thập ác, thì không còn cầu siêu được, không còn cơ hội để tha thứ, không thể cầu may được, khi chết thì họ đi thẳng xuống địa ngục luôn rồi. Người gây tội đại ác này không trải qua cơ hội cách ấm, không có thân trung ấm để có dịp cầu siêu. Chết xong thì họ đi thẳng xuống địa ngục liền…

Như vậy, nếu đời trước chúng ta có tạo nhân ngũ nghịch thập ác thì lúc chết chắc chúng ta đã xuống thẳng địa ngục rồi, còn cơ hội đâu nữa mà ở đây làm người. Ấy thế mà nay ta đang được làm người, thì nhất định trong quá khứ chúng ta chưa làm nên tội này. Nếu như trong đời này chúng ta có làm hư hại, có lỗ mãng, có sai lầm gì đi nữa thì cũng là tội trong sáu đường sanh tử, nhưng chắc chắn không phải là cái tội địa ngục A-tỳ như ngũ nghịch thập ác đâu. Tệ hơn nữa, giả sử như đời này chúng ta lỡ làm cái tội đại ác này, thì có xuống địa ngục cũng phải đợi đến ngày hết báo thân

 

này mới bị. May mắn là hiện giờ chúng ta còn đang sống. Đang sống tức là chưa chết. Chưa chết thì vẫn còn cơ hội cho chúng ta giải quyết cái vấn nạn này. Được không? Được chứ… Chính A-Di- Đà Phật đã phát thệ: Dẫu cho một chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác mà biết sám hối, biết niệm danh hiệu Ngài cầu vãng-sanh, thì mười niệm vẫn được vãng-sanh…”.

Như vậy thì tất cả chúng ta đang ở đây đều có khả năng được vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc hết. Hiểu được như vậy, chúng ta thấy vui mừng biết dường nào. Nhất định…

Bây giờ giả sử như có người phạm vào tội đó, thì phải làm sao đây?…

  • Thành tâm sám hối đi…
  • Quyết lòng sám hối đi…
  • Kiệt lòng sám hối đi…
  • Xả thân sám hối đi…

Quyết niệm một câu A-Di-Đà Phật mà sám hối để vãng-sanh.

Những người này đôi khi vãng-sanh phẩm vị còn cao nữa đó.

Trong kinh nói, một người phạm tội ngũ nghịch đã bị đọa vào địa ngục A-Tỳ rồi, mà niệm Phật cầu vãng-sanh vẫn được vãng- sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn chúng ta ở đây dù sao vẫn là người. Người làm sai thì có cái nhân chủng xuống địa ngục, nhưng cái “Nhân” này chưa gặp cái “Duyên”, nên chưa thành “Quả Báo”. Lợi dụng cơ hội này ta quyết lòng kiệt thành sám hối, ngày đêm niệm Phật cầu vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nhân chủng nào gặp duyên trước sẽ thành quả báo trước. Nhân chủng A-Di-Đà Phật gặp duyên thì nhân chủng A-Di-Đà Phật sẽ xuất hiện trước. Ta cầu vãng-sanh thì chính cái nhân chủng này cho chúng ta cái quả báo vãng-sanh Cực-Lạc thành đạo…

Quả báo đi về Tây-Phương nhờ có nhân duyên đầy đủ nên thành tựu trước, còn những nhân chủng khác hoặc nghiệp chướng khác để tương lai ta sẽ trả sau. Về tới Tây-Phương Cực-Lạc rồi, gặp A-Di-Đà Phật Ngài cắt tất cả những cái đó cho ta rồi. Yên chí đi chư vị, đi về Tây-Phương thì tất cả những nhân duyên của lục đạo được Ngài cắt hết, lúc đó mình muốn trả nghiệp, cũng trả

 

không được. Như vậy luật Nhân-Quả mình trả bằng cách nào đây?… Vì chúng sanh chịu khổ, Bồ-Tát ứng hiện xuống dưới địa ngục để cứu độ chúng sanh. Trả nghiệp bằng cách đi độ chúng sanh giống như Địa-Tạng Bồ-Tát, Quán-Thế-Âm Bồ-Tát. Những người dưới địa ngục tội ác nặng quá, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm cũng xuống địa ngục, nhưng Ngài phải dùng hình tướng quỷ dữ để răn đe, cứu độ họ.

Có một lần ngài Tịnh-Không nói thế này: “Khi chư vị lỡ bị lọt xuống địa ngục mà muốn cho Địa-Tạng-Vương Bồ-Tát cứu được chư vị, thì chư vị phải có nhân chủng A-Di-Đà Phật trong tâm trước. Nghĩa là những người có niệm Phật trước, thì khi bị xuống đó Ngài mới có thể cứu đươc”.

Nhưng xin thưa với chư vị, xuống đó làm chi?… (Hì hì!…). Hãy đi về Tây-Phương Cực-Lạc không thuận lợi hơn sao? Xin chư vị hãy vững tâm vững chí, tất cả chúng ta đều được đi về Tây Phương hết…

Khi ra ngoài, nếu nghe người ta lý luận này, lý luận nọ… xin đừng chao đảo nhé. Khi gặp mình, họ có thể nói rằng, “Chị tu có một đời này ít quá. Nên nhớ trước đây chị buôn bán gạt người nhiều quá. Chị bắt cá, giết chim nhiều quá. Như vậy đi xuống địa ngục thì có, chứ lên Tây-Phương không được đâu. Thôi đừng có cao kỳ cầu về Cực-Lạc nữa, hãy tu tìm chút phước cầu cho đời sau trở lại làm người tu tiếp thì thực tế hơn”…

Họ nói sai pháp rồi. Họ đi lạc đường rồi. Họ dẫn dắt chúng sanh đi theo lục đạo luân hồi để chịu nạn rồi…

Chư vị phải vững tâm niệm Phật cầu vãng-sanh Tịnh-Độ. Đừng nghe người ta nói nữa. Tập đóng lỗ tai lại. Nhất định phải đóng lỗ tai lại, đừng hỏi nữa. Muốn hỏi, cứ mở kinh A-Di-Đà ra mà hỏi, cứ mở kinh Vô-Lượng-Thọ ra mà hỏi thì chắc nhất. Còn không thì trở về đây hỏi anh Tâm-Nhật-Thuyết. Nhất định nên hỏi những vị đồng tu biết niệm Phật mới được. Nhất định không được hiếu kỳ chạy hỏi người ngoài nữa mới được.

Tu hành chúng ta phải y theo kinh, nhất định không y theo người. Mà y theo kinh nào đây?… Phải y theo kinh nào hợp với

 

pháp môn mình đang tu tập, hợp với con đường mình đi. Dù là kinh Phật cũng phải biết tuyển chọn, đó gọi là “Trạch Pháp”. Nên nhớ kinh Phật thuyết ra có tầng có lớp, để đối trị với nghiệp chướng phiền não của từng lớp chúng sanh có duyên, chứ không phải kinh Phật nào cũng hợp với căn tánh của chúng ta đâu… Hoàn toàn không phải.

Chư vị nên nhớ rằng đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật không có một định thuyết nào để nói. Ngài chỉ tùy bệnh cho thuốc, tùy cơ ứng pháp. Đối với người có tội chướng như vậy Ngài thuyết ra cứu người như vậy. Tương tự như chư vị muốn đi giúp người, nếu gặp người này mình nói thế nầy, gặp người kia mình cũng nói như vậy nữa, thì đôi khi trở thành vô nghĩa. Ví dụ, gặp một bà có tánh hay sợ sệt, mình nói: “Thôi đừng có sợ nữa!… Đừng có sợ nữa!… Đừng sợ làm chi!… Đừng sợ làm chi!…”. Nhưng câu nói: “Đừng sợ làm chi, đừng sợ làm chi…” nó sẽ vô nghĩa đối với người có tâm vững như tường đồng, không sợ sệt. Đúng không? Như vậy, đối với người tâm đã vững như tường đồng rồi, thì không có lý do gì mình lại khuyên: “Đừng có sợ nữa, đừng có sợ nữa”. Pháp cũng giống như vậy.

Nếu hiểu được điều này, thì tâm hồn sẽ an định, không còn lo lắng nữa. Bắt đầu từ đây hãy an dạ niệm Phật.

Biết mình nghiệp chướng nặng thì nhất định cần phải cẩn thận tích cực hộ-niệm cho nhau.

Trước khi đi tới giai đoạn lâm chung xả bỏ báo thân, Diệu-Âm xin phục nguyện chư vị hãy tập buông xả cho nhiều. “Phục” là quỳ xuống, “Nguyện” là cầu xin. Chư vị tới chùa thường nghe qua hai tiếng “Phục Nguyện”… thì giờ đây Diệu-Âm cũng muốn quỳ xuống mà khẩn nguyện với chư vị, cầu xin chư vị tập buông, tập buông. Vui cũng buông bớt đi. Buồn cũng buông bớt đi.

Có nhiều vị thấy người bạn của mình đã làm chuyện hư hại, muốn cứu mà cứu không được, cảm thấy tội nghiệp quá mà sanh ra buồn khổ. Bây giờ hãy buông đi!… Buông đi!… Buông đi!…Cứu không được thì hãy cười hè hè đi, đừng nên lo bao đồng quá. Cánh tay của mình dang ra dài chưa tới một thước rưỡi mà muốn

 

ôm cả cái vũ trụ thì không được đâu. Càng muốn ôm càng thêm hư hại!…

Có người thấy Mẹ mình không tu, khuyên hoài mà không khuyên được, bây giờ làm sao đây?… Buông đi, buông đi, vui vẻ đi, thoải mái đi… Bà mẹ thấy mình vui vẻ thì có thể bà vui vẻ theo. Khi bà vui vẻ rồi, thì mình mua bánh hỏi về mời bà ăn. Bà ăn trong không khí vui vẻ thì bà thương mình nhiều hơn. Tự nhiên, có thể một ngày nào đó bà hỏi:

– Bây giờ con thích làm gì đây?…

– Dạ, con thích niệm Phật…

Câu nói này làm bà giựt mình… Mình đâu có khuyên bà niệm Phật, nhưng nhờ tình cảm mà cảm hóa được bà mẹ, bà bắt đầu niệm Phật theo… Tất cả đều phải chờ cái duyên. Hãy kiên nhẫn. Phải thoải mái, đây là một phương pháp hay. Nếu mình cứ thường xuyên nhắc nhở: “Mẹ ơi!… Mẹ không niệm Phật thì làm sao con có thể an tâm được?”… Mình nói mà cái mặt mình buồn xo, thì càng nói càng tiêm thêm phiền não cho người mẹ của mình… Không tốt đâu!…

Chư vị ơi!… Hãy tập buông xả, buông cho rốt ráo, để khi nằm xuống, tất cả những thứ đó nó rơi ra, chỉ còn trong tâm một câu A- Di-Đà Phật mà niệm để vãng-sanh. Hòa Thượng Tịnh-Không nói: “Bây giờ quý vị có làm thiện làm lành, có muốn giúp chúng sanh gì đi nữa, thì ít ra hạ phẩm mình phải nắm cho chắc trước đã mới được làm. Còn hạ phẩm mà không chắc thì phải lo niệm Phật đi”.

Có nhiều người lý luận lạ lùng rằng, thế gian này có nhiều người khổ lắm, tại sao không chịu ở đây cứu độ họ, mà đi về Tây- Phương trốn trên đó để làm gì?… (Hì hì!…). Nếu chúng ta nói lời này với một người bạn, thì mình gây họa cho người bạn rồi, mình làm cho người bạn không thèm nguyện vãng-sanh nữa. Một lời nói đã đoạn mất đường giải thoát huệ mạng của người bạn. Mình tạo nghiệp nặng rồi!…

Nếu trước một đại chúng đông như thế này, mình nói: “Chư vị ơi!… Suy nghĩ thử, điều gì cũng có tình có lý một chút chứ. Ta làm người chưa xong mà đòi lên Tây-Phương làm Phật. Tây-Phương ở

 

đâu mà dễ vậy. Thôi cứ tu phước, tu thiện cho nhiều, nhờ phước thiện đó đời này mình tu, đời sau tu nữa. Tu đời-đời kiếp-kiếp thì cũng có ngày thành Phật, chứ có gì đâu mà lo sớm vậy.”. Một câu nói làm lung lay chí nguyện vãng-sanh của đại chúng. Thay vì người đó ngày đêm niệm “A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương”, thì giờ đây, nghe mình nói hay quá, người đó thay đổi tâm nguyện: “À, đúng đó. Làm người gần gũi hơn. Thôi cầu xin đời sau được làm người, gặp chùa to, gặp Minh Sư để tu tiếp…”.

Đường tu thật mơ hồ! Mãi lòng vòng trong ngõ cụt!…

Mình nói sai pháp, đoạn mất con đường vãng-sanh của chúng sanh, tội này mình mang hết. Người nghe mình bị đọa lạc thì chắc chắn họ phải chịu khổ, nhưng coi chừng mình còn bị đọa lạc nặng hơn, chịu khổ nhiều hơn.

Mong chư vị hãy nắm vững vàng điểm này: Phật dạy mình niệm Phật cầu vãng-sanh thì mình cứ việc niệm Phật cầu vãng-sanh. Nếu muốn mở một lời nói chuyện về Phật pháp, thì bắt đầu từ đây nên phát tâm khuyên người niệm Phật đi…

Câu thứ nhất:

Bác niệm Phật bác nhé…

Câu thứ hai:

– Niệm Phật cầu vãng-sanh Cực-Lạc bác nhé…

Nếu có duyên thì nên nói liền đi. Thời gian gặp nhau biết đâu chỉ có một phút, sau đó người ta đã mất rồi. Mau mau hướng dẫn đường vãng-sanh liền đi:

Tin tưởng lời Phật dạy nhé bác. Hãy quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật đi…

Hễ có duyên gặp 1 phút thì mình nói ít ra cũng được 3 tiếng Phật hiệu, cầu cho họ tin tưởng mà niệm Phật vãng-sanh. Nếu gặp 5 phút thì mình nói thêm vài lần nữa. Còn không có thời gian thì đừng nói nhiều thứ, hãy nói thẳng một đường về Tây-Phương Cực-Lạc cho họ biết trước đã, còn họ đi hay không là việc của họ, chứ mình không biết cách nào khác hơn. Tâm nguyện của Diệu- Âm là như vậy, nên đi đâu Diệu-Âm cũng nói thẳng một đường đi về Tây-Phương trước đã, không lo ngại việc người khác có nghe

 

theo hay không. Ví dụ như bà bác nói ở trên, không chịu nghe mà cứ biện luận, đưa lý do này lý do nọ để thoái thác, gặp trường hợp này nếu mình có thời gian thì giải thích, không có thời gian thì thôi. Phải tùy duyên… Mình niệm thêm một câu A-Di-Đà Phật gieo thêm một một chủng tử A-Di-Đà Phật nữa, rồi từ giã ra đi. Nên áp dụng thẳng thắn như vậy, không nên vòng vo nữa, thì may ra chúng ta mới cứu được một người vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc…

Xin thưa với tất cả đồng tu, nói qua nói lại thì lời đầu tiên Diệu- Âm cũng chỉ nhắn nhủ rằng, cầu xin chư vị tin tưởng, nguyện vãng- sanh và thường niệm Phật. Rồi lời cuối cùng Diệu-Âm cũng nói lại một lần nữa là:

  • Hãy tin tưởng cho vững vàng nhé, đừng xao xuyến, một lần xao xuyến thì vạn kiếp sau còn ân hận, có ân hận cũng đã muộn màng.
  • Hãy tha thiết việc vãng-sanh đi nhé, nhớ rằng đời này sanh ra là vì theo nghiệp để thọ báo, nó báo cho mình 77 năm rưỡi thì 77 năm rưỡi mình mới chết. Vì thế đừng sợ chết nghen. Nó báo mạng mình có 13 năm rồi đi, thì mình mong chờ đến năm thứ 14 cũng không được đâu. Muốn thêm một năm nữa để trả nghiệp, cũng không được phép đâu. Đừng sợ nữa. Biết vậy, nhất định phải nguyện vãng-sanh. Khi bị bệnh xuống phải nguyện vãng sanh nhé chư vị. Diệu-Âm đã nhắc đi nhắc lại hoài lời nguyện vãng-sanh. Có nhiều người nguyện như thế này: “Nam Mô A-Di-Đà Phật nếu mà cái thọ mạng con hết thì con đi về Tây-Phương cũng được. (Hì hì!…). Nếu mạng chưa hết, thì xin Phật cho con được khỏe mạnh để con tiếp tục tu hành”. Nói nghe hay quá, nhưng lời nguyện đã sai rồi. Mà phải nguyện như vầy mới tốt: “Nam mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây-Phương. Nam mô A-Di-Đà Phật con muốn về Tây-Phương. Phật đến hôm nào con đi hôm đó”.

Lời nguyện vững mạnh thì hay vô cùng, nhất định đừng nói đưa đò nữa, đừng nói kéo cưa nữa, đừng che giấu cái tâm sợ chết mà nói lời ưỡm ờ không tốt đâu. Nguyện không vững thì nhất định chúng ta sẽ mất phần vãng-sanh. Chư Tổ dạy rằng phải tha thiết nguyện vãng-sanh đi, nếu cái thọ mạng này chưa mãn nhất định

 

nhờ cái tâm nguyện này mà ứng hợp với đại nguyện của đức A-Di- Đà Phật, mình được Ngài gia trì, chư đại Bồ-Tát gia trì, ta có cơ hội thoát khỏi cái nghiệp bệnh này mà dễ dàng hết bệnh. Trường hợp này đã có nhiều lắm rồi. Chính Diệu-Âm đã nghe, thấy, biết nhiều lắm, chứ không phải nguyện ưỡm ờ mà được.

Một ví dụ khác, khi có bệnh nhiều người thường tụng chú để cầu giải nghiệp. Bây giờ hãy niệm Phật, quyết lòng cầu về Tây- Phương đi, thì tự nhiên nếu cái bệnh nghiệp của mình đúng ra chưa hết, nhưng vì thọ mạng chưa mãn, nhờ được sự gia trì mà hết bệnh. Trường hợp này cũng nhiều lắm. Nghĩa là thành tâm niệm Phật cũng giải nghiệp. Xin đừng phân vân nữa…

Những lời hết sức là cụ thể, mộc mạc, mong chư vị hiểu thấu được đạo vãng-sanh, cứ chăm bẳm như vậy mà đi, lầm lũi mà đi… Một đoàn người đông đảo kia không đi, thì mình lặng lẽ một mình mà đi về Tây-Phương, nhất định không được quay lại. Dù cha, dù mẹ, dù anh, dù em, dù vợ, dù chồng, dù con, dù cháu… không đi thì mình cũng phải đi, không được đứng lại chờ nhau.

  • Mình quay lại chờ nhau coi chừng xe mình hết xăng.
  • Mình quay lại chờ nhau coi chừng mình bị trễ.

Mình bị trễ rồi, thì không cứu được cha, không cứu được mẹ, không cứu được con… Không những thế, mà sau này coi chừng còn báo hại đến con mình nữa. Oan nghiệt hơn, coi chừng còn biến thành oan gia trái chủ cho con cháu của mình đó. Tại vì sao?… Tại vì thương đứa con quá nên khi chết dễ đầu thai thành con gà trong nhà của đứa con. Đến khi nó thèm thịt, nó xẻo cổ mình làm món nhậu, cha mẹ tức khắc biến thành oan gia trái chủ. Trong lời hồi hướng của mình có câu: “Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho tất cả thân bằng quyến thuộc trong vô lượng kiếp…” là hàm nghĩa này. Thông thường những nạn nhập thân phá hoại, nếu tìm hiểu kỹ thì hầu hết là bà con, quyến thuộc không à.

Rõ ràng khi chết mà thương nhớ đứa con dễ trở thành oan gia trái chủ của đứa con.

Khi chết mà lưu luyến cái nhà dễ biến thành “Con Ma” trong nhà đó. Căn nhà đúng ra trị giá cả triệu đô-la, mà bây giờ con cháu

 

kêu bán chỉ vài chục ngàn không ai dám mua. Vì dại khờ mình phá tan sự nghiệp của con cháu mà mình không hay.

Mong chư vị hiểu thấu được chỗ này, chúng ta quyết tâm đi về Tây-Phương. Hãy hỗ trợ tích cực cho nhau, nhất định chúng ta sẽ được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –