Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 03

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 03)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Nghe giới thiệu là Diệu-Âm “Thuyết giảng” làm cho Diệu-Âm rùng mình. Một phàm phu tục tử mà bắt phải thuyết giảng thì khổ. Bị khổ rồi!…

Chúng ta là phàm phu mang cái thân nghiệp chướng nặng nề, nên chắc chắn cuộc đời chúng ta muốn Vãng-Sanh về Tây- Phương Cực-Lạc không phải là êm xuôi, không phải lúc nào cũng thoải mái như lời thuyết giảng này đâu, mà thật sự là chúng ta phải lo toan tính cho vững vàng để trong một báo thân này được cái cơ duyên gặp A-Di-Đà Phật phóng quang tới tiếp độ về Tây-Phương Cực-Lạc.

A-Di-Đà Phật phát ra đại nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, thì chắc chắn Ngài cứu chúng ta rồi, nhưng chư vị cũng phải nhớ rằng tất cả mọi sự đều có cái quy luật nhất định của nó, chúng ta phải cố gắng thực hiện cho đúng cái quy luật đó thì mới được thành tựu.

Người niệm Phật, tha thiết được về Tây-Phương Cực-Lạc thì điểm quan trọng là những chuyện của thế gian này phải coi nhẹ nhàng, hễ còn duyên ta còn liên hệ chút chút, hết duyên thì ta được cái phần rảnh rang đi về Tây-Phương thành đạo.

Đặc biệt, đối trước những chuyện bệnh hoạn, sanh tử… người niệm Phật phải biết coi nhẹ, coi vô cùng nhẹ đi… Nói cho cụ thể hơn là:

–    Người niệm Phật không được sợ chết.

  • Người niệm Phật không được sợ bệnh.
  • Người niệm Phật không nên bỏ tâm huyết ra mà lo lắng cho cái thân này quá đáng.

Nếu không làm được vậy thì ta nguyện Vãng-Sanh đây chỉ là cái “Tiếng nguyện Vãng-Sanh” chứ không có cái “Tâm nguyện Vãng-Sanh”.

Một người muốn đi về Tây-Phương mà khi vừa gặp một cơn bệnh thì tinh thần khủng hoảng, ngày đêm van vái cầu nguyện cho

 

hết bệnh tức là lạc đường rồi!… Tức là sai đường rồi!… Người biết tu đường Vãng-Sanh thành đạo, thì nghiệp chướng hiển hiện ra ta sẵn sàng đón nhận, mà đã sẵn sàng đón nhận thì không sợ bệnh nữa, đã sẵn sàng đón nhận thì không sợ chết nữa. Hãy nghĩ rằng nó đến như giúp cho ta một cơ hội Vãng-Sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Cho nên nếu thật sự một người muốn Vãng-Sanh về Tây- Phương Cực-Lạc thường thường đối với cơn bệnh người ta cười, đối với cơn hấp hối trên giường chuẩn bị xả báo thân người ta cũng cười… Rõ rệt, đã có nhiều người cười cho đến lúc buông báo thân rồi mà nụ cười vẫn còn hiện trên môi. Họ Vãng-Sanh về Tây- Phương để lại những thoại tướng tốt đẹp bất khả tư nghì… Đó mới thật sự là người niệm Phật.

Cũng xin nhắc cho chư vị nhớ kỹ một điểm này, ta sẵn sàng đón nhận những nghiệp báo, hay gọi là hiện báo đến với chúng ta, chứ không phải là chúng ta cầu nghiệp báo hiện hành cho ta trả nghiệp, không phải cầu “Đoạn diệt hết nghiệp”. Xin chư vị phải nhớ cho rõ điểm này, chứ nếu sơ ý thì sẽ bị trở ngại.

Có nhiều người tu hành vì tâm đạo quá cao hay sao đó mà phát nguyện như thế này:

Tôi xin phát nguyện đời này quyết trả cho hết nghiệp để được sớm về Tây-Phương.

Lời nguyện này vĩ đại quá. Hay ho quá. Nhưng xin quý vị xét cho kỹ lại đi, coi chừng chính lời nguyện này đã làm cho mình đi lạc con đường về Tây-Phương thành đạo đó.

Những người nào phát nguyện như vậy, nếu nói tốt thì có tốt đó, nhưng an tâm thì không an tâm đâu. Vậy thì hôm nay nghe bàn đến vấn đề này, nếu ngộ được đạo lý, xin chư vị hãy đổi lại lời nguyện đi, đổi liền đi đừng để đến ngày mai. Ta nguyện là khi bệnh đến, ta sẵn sàng đón nhận nó với cái tâm không buồn, không phiền, không lo, không sợ… tại vì nó là của ta mà. Ta đã tạo “Nhân” thì “Quả” đến ta sẵn sàng đón nhận. Chứ còn chư vị phát nguyện trả cho hết nghiệp để sớm được về Tây-Phương, thì thực sự có điều mâu thuẫn rồi đó.

 

Trả cho hết nghiệp mà nói sớm về Tây-Phương, thì sớm trong một vạn kiếp nào đó sau này, chứ trong đời này nhất định bị lạc rồi!… Bị sai rồi!… Tại vì ta phải theo nghiệp thọ báo rồi!…

Nghiệp chướng của chúng ta lớn lắm chư vị ơi!… Trong kinh Địa-Tạng Bồ-Tát Bổn-Nguyện, Phật nói rằng, nghiệp chướng của chúng ta nó “Năng địch Tu-Di”, tức là nó lớn như núi Tu-Di vậy. Quý vị thấy núi Tu-Di chưa? Trong kinh Hoa-Nghiêm Phật nói cái nghiệp của chúng sanh trong đời này nếu có hình tướng, thì cả cái không trung này trở thành cứng ngắc, cứng như cái bức tường xi măng không có thể chen chân vô được. Vậy thì những chuyện công phu tu hành của chúng ta đây, dù có cố gắng cho mấy đi nữa, cũng không bao giờ có khả năng quào lở cái bức tường xi-măng cốt sắt này đâu. Do đó, quý vị nguyện phá hết nghiệp mà còn nói để sớm về Tây-Phương nữa thì đã sai lắm rồi vậy.

Chính vậy, khi biết được con đường về Tây-Phương, thì thứ nhất chúng ta không sợ những cái nghiệp mà chúng ta đã lỡ tạo ra trong quá khứ. Không sợ!… Một cái nghiệp nào đó nó cần phải gặp cái duyên mới có thể nảy nở ra cái quả báo trong đời này. Ta bị bệnh, ta bị hoạn nạn, ta bị khổ sở, ta bị phiền não… đủ mọi thứ chướng duyên, ta cũng không sợ luôn. Ta cứ nghĩ rằng, đây là cái vốn mà ta phải chịu. Không chịu trước thì cũng phải chịu sau. Không chịu bây giờ thì lúc lâm chung cũng phải chịu. Trong đó sợ nhất là sau khi mãn đời rồi mà ta còn tiếp tục chịu nữa, đây mới là vấn đề tai hại nhất cần phải giải quyết.

Chúng ta quyết định phải giải quyết vấn đề trong đời này. Nếu mà chư vị phát nguyện rằng, tôi sẽ trả cho hết nghiệp thì không có cách nào giải quyết được. Chắc chắn sau khi xả bỏ báo thân này quý vị sẽ tiếp tục trả nghiệp, gọi là “Tùng nghiệp thọ báo”. Một khi đã theo nghiệp thọ báo thì nhất định không thể nào vượt qua ách nạn sanh-sanh tử-tử trong sáu đường luân hồi.

Chư vị nên hiểu rằng nghiệp ác, nghiệp bất thiện của chúng ta đã quá nhiều rồi. Còn cái nghiệp thiện mà ta tu được trong đời này không thấm thía vào đâu cả. Vì thế khi xả bỏ báo thân thường

 

thường chúng sanh bị chiêu cảm vào ba con đường ác nhiều vô cùng nhiều.

Đức Phật nói, “Khi một người chết đi bị đọa lạc nhiều như cát trong đại địa”. Đây là lời Phật nói, trong đó coi chừng có ta. “Còn người khi chết đi thoát được ba đường ác hiểm chỉ có một chút xíu ví như số bụi dính trong móng tay”… Số phần của chúng ta là vậy đó.

Biết như vậy rồi thì mấy ngày hôm nay nghe được danh hiệu A- Di-Đà Phật, biết được đại nguyện của A-Di-Đà Phật chính là cái cơ hội duy nhất để chúng ta thoát nạn. Nếu chư vị không bám chặt lấy cái cơ hội này, thì nhất định vạn kiếp sau chưa chắc gì có cơ duyên để thoát vòng sanh tử đâu.

Đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật dạy như thế nào?… Một người nghe danh hiệu của Ngài – Danh hiệu A-Di-Đà Phật – Mà phát lòng tin tưởng, niệm danh hiệu Ngài cầu Vãng-Sanh thì được Vãng-Sanh.

Tin liền đi… Nếu chư vị muốn đi về Tây-Phương thì phải tin.

Tôi biết có nhiều người không tin. Không tin là duyên của họ, còn tin tưởng là duyên của mình.

Không tin được không?… Được!… Có ai bắt buộc mình phải tin đâu mà không được. Nhưng không tin thì không đi về Tây-Phương được. Có tin thì mới có thể đi về Tây-Phương được. Ngài không đòi hỏi chúng ta một điều gì cao xa cả.

Tin” là cái điểm quan trọng nhất, nên Diệu-Âm thường nhắm tới điểm này mà nói mãi. Tin phải tin cho vững vàng. Tin cho thật vững. Ngài dạy hãy niệm Phật, thành tâm niệm danh hiệu Ngài để cầu Vãng-Sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu cho trước những giờ phút xả bỏ báo thân niệm được mười niệm thôi là đủ… Phải tin  điều này.

Từ ngày hôm kia tới nay chúng ta đã niệm Phật, niệm miên mật, niệm từ sáng đến chiều, niệm niệm, niệm hoài, niệm tới ngàn- vạn-ức-triệu câu A-Di-Đà Phật… Để chi?… Để dồn lại mười niệm trong lúc lâm chung ta nhớ mà niệm đó thôi.

 

Như vậy hôm nay chúng ta niệm A-Di-Đà Phật là để thực tập, đến khi lâm chung chúng ta mới niệm được câu A-Di-Đà Phật. Chỉ cần được vậy là chư vị sẽ thoát qua cái ách nạn tử-tử sanh-sanh, nạn đọa lạc trong ba đường ác.

Cho nên, rõ ràng ta về được Tây-Phương là do “Tín-Nguyện- Hạnh” vững vàng, chứ không phải là do phá nghiệp để được Vãng- Sanh.

Xin nhớ cho, nhiều người vì sơ ý phát một lời nguyện là phá tan hết mọi nghiệp chướng để sớm được về Tây-Phương, thì chữ “Sớm” này sẽ là trong vô lượng kiếp nữa may ra mới có, chứ không phải là 1-2-3 A-tăng-kỳ kiếp đâu. Xin nhớ.

Vì thế, khi chúng ta có bệnh xuống, xin hãy mở nhẹ nụ cười nhìn cơn bệnh đó đi. Một cái bệnh ung thư đến với mình, nếu không biết đạo thì chúng ta sẽ khóc ròng từng giờ từng phút. Sự khổ đau này là “Dẫn-Nghiệp”, dẫn đến cảnh giới khổ đau.

Còn khi cảnh khổ hiện tiền, bệnh ung thư phát ra, những gì không thuận tiện đến với mình trong đời xin hãy thoải mái nhìn nó đi… Dùng cái tâm an lạc mà nhìn cái bệnh ung thư đi… Hãy cảm  ơn nó đi… Hãy quán rằng đúng ra mình còn bị nặng hơn nữa mới đúng, nhưng không ngờ mình chỉ bị ung thư một chút này thôi. Nhờ bị ung thư mà bác sĩ cho biết được ngày ra đi. Nhờ biết ngày ra đi rồi, nên trong những khoảng thời gian còn lại này ta tranh thủ từng phút từng giây niệm câu A-Di-Đà Phật để chuẩn bị Vãng-Sanh. Vô tình phải chăng chính cái bệnh ung thư này là ân nhân cho mình được sớm đi về Tây-Phương Cực-Lạc.

Cho nên, một người đã biết đạo, thì khi nghiệp chướng đến họ nở nụ cười đón nhận. Quý vị thấy rõ ràng không?… Ngộ hay mê nằm ngay tại chỗ này, chứ không phải ở chỗ nào khác đâu.

Chư vị để ý coi, khi người quyết đi về Tây-Phương lúc nào họ cũng nở nụ cười tươi như hoa. (Hì hì…). Hoa đầu xuân. Còn người niệm Phật mà khi thấy nghiệp chướng tới thì buồn, thấy bệnh tới thì buồn. Thật ra đó là người:

Miệng niệm Di-Đà, Tâm sợ chết. Hét cho bể họng cũng như không.

 

Một người niệm Phật đã biết được đạo lý này rồi thì nhất định cái thân này chết đối với ta thật sự là một ân huệ. Chết cái thân  này đi để ta mau mau thoát được ách nạn của cái thân phàm tục, để ta đi về Tây-Phương Cực-Lạc thọ cái thân “Thanh-Hư Vô-Cực”. Có tâm niệm như vậy thì tự nhiên sẽ an lạc.

Mong chư vị từ đây cho đến ngày mãn báo thân chúng ta cứ nở nụ cười tươi như hoa. Tâm an lạc nhất định đi về cảnh giới an lạc. Tâm khổ đau nhất định phải trừ đi, phải bỏ đi, để cảnh khổ trong sáu đường không còn dính líu đến chúng ta nữa.

Cầu mong cho tất cả chư vị đều được Vãng-Sanh Tây-Phương Cực-Lạc, hưởng đời an lạc, thành đạo Vô-Thượng…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –