Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 45

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 45)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

“Nguyện”, là nguyện vãng sanh. Một người bệnh sắp chết, nếu hiểu đạo thì đừng lo lắng tới chuyện sống chết nữa, hãy nói với họ bỏ luôn cái xác thịt này đi, ngày đêm lo niệm Phật để cầu vãng- sanh Tịnh-Độ. Người nào đi hộ-niệm mà nói:

  • Chị ơi!… Câu A-Di-Đà Phật tuyệt vời lắm, chị niệm Phật lên để hết bệnh nhé.

Khi nghe một người nào hộ-niệm mà nói như vậy, thì xin thẳng thắn khuyến cáo rằng:

  • Anh đã hướng dẫn người ta sai đường rồi. Chị đã hướng dẫn người ta sai đường rồi.

Có những cuốn phim đưa ra chuyện người này niệm Phật hết bệnh, người kia niệm Phật hết bệnh… Khi coi tới, nếu thấy trong đó không nhắc nhở gì đến câu “Nguyện vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”, thì nhất định tôi không dám ấn tống. Tại vì sao?… Tại vì tôi thường hướng dẫn cho người hộ-niệm vãng sanh các nơi, nên tôi không dám tuyên dương cái ý nguyện niệm Phật để cầu hết bệnh. Nếu tôi tuyên dương chuyện này, nhiều người nghe đến có thể hiểu lầm. “À!… Cư sĩ Diệu-Âm tuyên dương như vậy, mình cũng làm như vậy”. Đi hộ-niệm mà khuyên người ta: “Bác ơi!… Bác cố gắng niệm Phật cho hết bệnh nhé”... Lời nói này sẽ đánh lạc mất con đường vãng-sanh của họ. Vì lý do này nên tôi cần phải cẩn thận.

Có người nói:

  • Nhưng mà người ta sợ chết quá thì mình phải nói lời phương tiện chứ.

Tôi nói:

  • Được!… Nếu nói về phương tiện thì lợi dụng một chút thôi nhé. Đừng có lợi dụng phương tiện này ngày này qua ngày nọ. Ngày hôm nay nói: “Cụ niệm Phật cho hết bệnh”. Ngày hôm sau nói: “Cụ niệm Phật cho hết bệnh”. Ngày hôm sau nữa cũng nói: “Cụ niệm Phật cho hết bệnh”… Lợi dụng phương tiện kiểu này, thì hộ-niệm biến thành pháp an ủi, pháp gạt người cầu may… Dù có phát tâm hộ-niệm, chị niệm Phật đến mỏi hầu mỏi họng cũng không giúp được 1 người vãng-sanh. Chị phương tiện được với người này, thì chị cũng có thể phương tiện với người khác… Phương tiện riết thì pháp môn hộ-niệm này nhanh chóng đi đến chỗ mạt pháp rồi, tiêu rồi!… Chúng sanh thường sợ chết, vì sợ chết cho nên cứ chạy theo cái cục thịt này mà xuống dưới nấm mồ để chịu đời-đời kiếp-kiếp đọa lạc. Hàng giờ, hàng phút vô lượng vô biên chúng sanh chịu đọa lạc vì sự sợ chết này. Ấy vậy mà bây giờ chúng ta lại còn dùng cái đòn thế “Hết Bệnh” để làm mồi câu những người sắp chết, làm cho họ lạc vào đường đọa lạc nữa, thì làm sao có thể chấp nhận được. Xin hỏi rằng đến bao giờ mới cứu được một chúng sanh đây?…

Chính vì thế, nếu gặp những người sợ chết, ta cần phải giảng nghĩa cho họ hiểu:

À!… Chị niệm Phật quyết lòng vãng-sanh đi. Vãng-sanh không phải là chết. Cái thân mạng này nó có hạn kỳ rồi, ngày nào đi thì nó phải đi, chứ không phải nguyện vãng-sanh thì mình chết đâu. Chị đừng có tham cảnh sống từng ngày từng giờ tạm bợ nữa. Nếu chị tham sống sợ chết thì chị sẽ bị đọa lạc, A-Di-Đà Phật cứu chị không được. Vậy thì chị cần phải tha thiết nguyện cầu được vãng- sanh, nếu thân bệnh này còn thì tự nhiên chị hết bệnh, còn nếu thân này nó đã tới kỳ mãn hạn thì nhờ chị tha thiết nguyện vãng- sanh mà được vãng-sanh…

Hộ-niệm vãng-sanh là phải nói như vậy. Còn nếu cứ dùng miếng mồi hết bệnh mà làm lạc mất chí nguyện vãng-sanh của người bệnh thì quá sai lầm.

Có người hỏi tôi:

  • Trong ban-hộ-niệm có thành viên cứ làm như vậy thì phải làm sao?

Tôi nói:

 

  • Phải họp lại và nói thẳng vấn đề. Chị chấp nhận theo đúng quy luật hộ-niệm này thì tham gia, còn không thì xin chị nên rời ra. Chị có quyền tự lập ban-hộ-niệm khác, ở đó muốn làm sao thì làm. Vấn đề Nhân-Quả tự mỗi người phải chịu lấy.

Có người nói:

  • Cái pháp tu gì mà cứ trông cho người ta chết?

Xin hãy trả lời rằng:

  • Tôi không phải trông cho người ta chết, mà tôi mong cho người bệnh được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc khi hết báo thân.

Người nào nói pháp môn mong cho người ta chết thì họ nói sai. Nói sai thì tự họ nên sám hối và sửa chữa sớm. Ở đây chúng ta làm đúng kinh, đúng pháp, y giáo phụng hành đàng hoàng. Người hộ-niệm phải nương vào lời Phật lời Tổ dạy mà hướng dẫn người ta. Nhất định phải y giáo phụng hành một cách vững vàng. Sử dụng thiện xảo phương tiện có nghĩa là hướng dẫn vui vẻ, nói cười, xoa tay, bóp chân… làm cho người bệnh thoải mái, không còn căng thẳng để niệm Phật thì được. Còn quý vị cứ lợi dụng cái mồi “Hết Bệnh” để câu người sắp chết… Hỏi rằng, chỉ còn 2 ngày, 3 ngày nữa họ phải chết rồi, mà giờ phút này còn gạt họ mơ màng đến chuyện hết bệnh nữa, thì đến lúc nào mới cứu người ta đây?… Mong chư vị hiểu thấu điều này.

Chúng ta bây giờ đang ngồi tại đây, vẫn còn tỉnh táo. Tương lai không biết còn mấy năm nữa… Thôi thì hãy chuẩn bị đi. Bắt đầu từ bây giờ, khi ngã bệnh xuống thì niệm: “A-Di-Đà Phật… Xin Phật cho chuyến này con đi về Tây-Phương”. Thành tâm cầu nguyện như vậy đi. Nếu nguyện mà chư vị đi thật, thì xin vỗ tay, cảm ơn, hoan hô… Chư vị quả đã có sự thành tựu quá ư siêu phàm.

Có nhiều người nói rằng: “Tôi mong sao ra đi được an lành”. Lời nguyện này quả thực dư thừa. Hỏi rằng, có ai dại khờ gì mà mong rằng mình ra đi trong đau khổ, trong khủng hoảng, trong ách nạn đâu?… Những lời nguyện này không thể cảm ứng… Người không chịu tu hành, không muốn làm thiện tích đức mà cứ cầu nguyện làm sao biết rõ được ngày giờ ra đi, đi nhẹ nhàng không bệnh khổ… Phải chăng đây hoàn toàn là những lời cầu nguyện vô nghĩa. Bây giờ xin hãy nói lại như thế này thì cụ thể hơn:

  • Tôi biết nghiệp chướng còn sâu nặng. Tôi sẽ cố gắng tu hành. Ngày tôi ra đi khẩn cầu quý đồng tu tới hộ-niệm cho tôi. Nếu tôi có điều gì khó khăn, xin anh chị em cố gắng nhắc nhở, hóa gỡ cho tôi nhé.

Người ra đi muốn tránh điều khó khăn thì tự mình phải tập buông xả. Người cứ trông mong ngày ra đi được an lành mà thế trần không chịu buông xả, thì thật sự những ý niệm hoàn toàn vô nghĩa!… Mình mong được an lành mà lại tạo sự bất an cho người khác, tâm ý cố chấp không chịu buông, thì sự an lành từ đâu mà có?… Muốn vãng-sanh về Tây-Phương mà tâm còn đố kỵ người này đố kỵ người nọ, thì làm sao có thể hội nhập được với các ngài Thượng-Thiện-Nhân ở cõi Cực-Lạc?

Thực tế có những chuyện quá sai lầm. Chúng ta phải tập tâm vững vàng buông bỏ ra. Tập vững vàng buông bỏ rồi, khi đến dịp mình nằm xuống, người ta hộ-niệm cho mình dễ vô cùng, rất là dễ.

Như vậy, muốn vãng-sanh phải tập buông xả. Buông xả!… Buông xả!… Ghét người cũng buông, thương người cũng buông. Buồn cũng buông, vui cũng buông. Buồn-vui, thương-ghét, lo-âu… tập giảm lại. Làm như vậy gọi là tập buông xả. Thấy người làm sai, kệ họ, mình cứ lo giữ phận tu hành. An nhiên, tự tại… Trong tâm biết buông là nguồn hạnh phúc vô tận vậy.

Có những người đi tới đạo tràng nào cũng bị phiền não hết. Đây thật ra là vì nghiệp chướng mình quá nặng mà không hay đó thôi. Nếu một người có tâm thanh tịnh, tới một đạo tràng lộn xộn, nhưng nhờ cái đức thanh tịnh của mình làm đạo tràng đó từ từ thanh tịnh lại. Và nhiều khi chính những sự lộn xộn đó là điều thử thách cần thiết cho mình để tập chịu đựng. Chịu đựng gì?… Khi mình nằm xuống, nhiều khi mình phải chịu đựng những thử thách còn lớn hơn gấp ngàn lần. Nếu bây giờ không tập buông xả phiền não ra, thì đến chừng nào mới tập đây? Không lẽ đợi cho tới lúc gần chết rồi mới tập sao? Đâu có chuyện đơn giản vậy?…

 

Hạnh”, là niệm Phật. Có một nơi đó, Diệu-Âm tới nói chuyện hộ-niệm. Người tu pháp môn Tịnh-độ thì Chánh-Hạnh chính là Niệm Phật. Khuyên nhắc niệm Phật cả tiếng đồng hồ, thì có một vị lên đính chính lại rằng, tu hành cần phải có tâm cứu độ tất cả chúng sanh, chính vì thế ở đây ai muốn tu pháp nào thì tôi hướng dẫn cho họ pháp đó. Họ nghĩ rằng tu tập cho thật nhiều pháp môn mới cứu được chúng sanh. Thôi tùy duyên chúng sanh…

Có người định nghĩa “Hạnh” tức là Lập Hạnh. Hãy lập Hạnh ăn ở hiền lành. Lập hạnh tu phước tu đức, bố thí giúp người nghèo khổ… Quanh năm suốt tháng cứ nhắc mãi những chuyện này, mà không nhắc đến niệm câu A-Di-Đà Phật để cầu vãng-sanh về Tây- Phương Cực-Lạc. Đây cũng là hạnh tu hành đó. Nhưng thời mạt- pháp rồi mà lập hạnh như vậy thì quả báo vẫn còn trọn vẹn trong sáu đường sanh tử luân hồi. Hiện còn có nhiều người tu hành mà sơ ý cứ lập những hạnh ở lại trong cảnh tử-tử sanh-sanh, không có một hạnh nào hướng về sự giải thoát cả.

Hạnh giải thoát không phải là “Thiện-Hạnh”, mà là “Tịnh- Hạnh”. Thiện-Hạnh là Thiện-Nghiệp làm phước. Tịnh-Hạnh là Thiện-Nghiệp kèm theo Niệm Phật cầu vãng-sanh Tịnh-Độ. Bố thí là thiện-nghiệp. Nhưng bố-thí rồi mà nhớ mãi chuyện bố-thí thì chết rồi. Dùng tất cả sức lực của mình đi vận động kiếm tiền xây cầu, xây chùa, giúp người làm chính, thì đây là cái hạnh bố thí tạo phước. Tốt đấy, nhưng quả báo nhiều lắm chỉ ở trong đường Nhân-Thiên là cùng. Người lấy hạnh bố thí làm chính, thì ngài Tĩnh-Am nói:

Suốt đời làm thiện, chứ không chịu lo chuyện thoát ly sanh-tử luân-hồi sao c..o..n…?!!!…

Lập hạnh xây cầu, xây chùa, xây bệnh viện, giúp người… thì tạo phước lớn lắm đó. Nhưng nếu cứ tham chấp vào đó, thì sau cùng ôm cái phước đó đi về đâu?… Ngài nói có ý nghĩa trách mắng đấy. Có một vị lúc nào cũng bỏ hết thì giờ của mình ra để tìm cách bố thí giúp người, gọi là “cứu nhân độ thế”. Ngài nói tốt đấy, nhưng chỉ tốt trong đạo thế gian, còn chuyện thoát ly sanh-tử luân-hồi thì xao lãng rồi. Ngài nói: “Nghiệp thiện càng lớn thì sanh tử càng nặng. Đến lúc nằm xuống mà còn nhớ cái nghiệp đó, thì theo cái nghiệp thiện đó mà chịu đời-đời kiếp-kiếp trong tử-tử sanh-sanh”… Mong chư vị hiểu thấu điều này.

Ngài Tĩnh-Am nói lời này đâu có rời kinh điển. Trong kinh Phật nói rõ ràng, làm cái gì mà còn chấp vào cái đó thì còn bị vướng. Chấp vào việc thiện hay việc ác cũng đều là chấp nghiệp. Chấp vào nghiệp thì nhất định phải theo nghiệp thọ báo. Theo nghiệp thiện hay nghiệp ác gì cũng đều còn ở trong sáu đường sanh-sanh tử-tử.

Như vậy làm sao đừng theo nghiệp?… Làm thiện mà phải biết quên. Làm thiện mà phải biết bỏ. Chủ tâm của mình là làm sao  phải đi về Tây-Phương Cực-Lạc… Như vậy những người đã quyết tâm tu hành theo đường Tịnh-Nghiệp, thì tất cả những điều thiện đó phải trở thành “Trợ-Hạnh”. Tu phước là trợ hạnh, còn “Chánh- Hạnh” vẫn là niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh về Tây-Phương.

Như vậy về trợ-hạnh nếu có duyên thì mình làm, không duyên thì cần giữ tâm thanh thản, không nên quá truy cầu. Ngày ngày hãy giữ tâm mình thường niệm Phật. Nguyện 18 trong 48 đại nguyện của đức A-Di-Đà nói rõ về “Chánh-Hạnh”, còn tất cả những chuyện tu phước, trì ngũ giới thập thiện đều là trợ-hạnh. Người nào giữ vững chánh-hạnh, mà trợ-hạnh mạnh nữa thì họ vãng-sanh phẩm vị cao, người trợ-hạnh ít thì vãng-sanh phẩm vị thấp, người mà chỉ cần trước giờ phút tắt hơi ngộ ra câu A-Di-Đà Phật thì 10 niệm tất sanh, họ sanh về Tây-Phương Hạ-Phẩm Hạ-Sanh, vẫn là một đời họ thành đạo…

Hiểu được điều này, chúng ta biết rõ đâu là chánh, đâu là trợ. Trợ-hạnh mình không bỏ, nhưng chánh-hạnh nhất định phải là chánh, không thể rời. Đi phải cho đúng, tránh sự phân vân chao đảo, có được vậy chúng ta mới có thể vượt qua ách nạn của tử-tử sanh-sanh. Vấn đề luân hồi chúng ta đã từng chịu nạn qua trong vô lượng kiếp rồi, bây giờ không dại gì tiếp tục mê-mê mờ-mờ chạy theo tử-tử sanh-sanh trong vô lượng kiếp nữa.

Mong chư vị kết hợp lại để hỗ trợ nhau. Một người biết rõ pháp vãng-sanh, thì dù có 2 người, 1 người thôi tới hộ-niệm bên mình, mình vẫn có thể vãng-sanh như thường. Còn nếu sơ ý phạm nhiều quy luật vãng-sanh, dù có cả 100 người tới hộ-niệm, chưa chắc gì chúng ta có được phước phần vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc đâu.

Mong những lời nói hết sức mộc mạc này giúp chúng ta thấy rõ hơn đường về Tây-Phương Cực-Lạc, càng ngày chúng ta càng có pháp hỷ sung mãn, niềm tin càng ngày càng vững vàng. Chúng ta cùng nhau hội tụ về một chỗ tại Tây-Phương Cực-Lạc, cùng nhau thành đạo…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –