SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH
(Tọa Đàm 46)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Hôm nay là buổi tọa đàm cuối trong kỳ niệm Phật này và cũng xin xác định rằng đây là một buổi tọa đàm. Tọa là ngồi; Đàm là đàm luận. Tọa-Đàm là mình cùng ngồi xuống đàm luận với nhau, chứ không phải là nói pháp. Nhiều người nói rằng Diệu-Âm nói pháp. Nói pháp cao lắm. Pháp Phật thì thậm thâm vi diệu, đầu óc của mình thì nông cạn, lời lẽ lại quê mùa thô thiển, nên chúng ta không dám nói pháp.
Xin thưa thật là Diệu-Âm này không dám nói pháp, chỉ vì biết chút ít về phương pháp hộ-niệm, thích hợp với hàng hạ căn của chúng ta mà đem ra trình bày với chư vị, để chúng ta cùng nhau tham khảo. Mong rằng từ những buổi tọa đàm chúng ta ứng dụng được để giúp nhau hoàn thành tâm nguyện vãng-sanh Tây- Phương Cực-Lạc. Thành ra rõ ràng đây không phải là một cuộc thuyết pháp. Thuyết Pháp phải là những vị Pháp-Sư, chư Tăng-Ni đức cao trọng vọng, các Ngài nghiên cứu nhiều, thông hiểu thâm sâu, biết rộng về Pháp mới nói được lời pháp. Còn chúng ta căn cơ cạn quá, mà nói ý nghĩa thâm sâu quá nhiều khi không hợp… Chính vì vậy, những lời tọa đàm cạn cợt này có lẽ dễ thích hợp với những người quê-quê mùa-mùa như chúng ta. Đúng không chư vị? Trước khi vào khóa tu chúng ta tự nhận chúng ta là quê mùa, thấp thỏm rồi.
Đi đến đâu Diệu-Âm cũng thành khẩn thưa rằng, phải tự nhận mình thấp thỏm trước, đừng để cho đến khi người ta phát hiện ra rồi mới nhận thì kỳ lắm!… Mắc cở lắm!… Tự nhận trước mức căn cơ hạn hẹp của mình để chúng ta chuẩn bị đường tu có căn bản một chút, tạo được cái nền tảng thật vững vàng, từ đó chúng ta mới có thể bước đi từng bước vững chắc được.
Xin thưa thật với chư vị, những lý đạo cao siêu chỉ dành cho chư đại Bồ-Tát, chư Thánh-Chúng tiếp nhận. Còn hàng phàm phu như chúng ta nên cố gắng tọa đàm, truyền kinh nghiệm, chỉ vẽ cho nhau, thì hàng phàm phu chúng ta vẫn có những bước đi thích hợp, vững vàng, chắc chắn để được vãng-sanh Tây-Phương Cực- Lạc. Đây là sự thật. Thành ra chúng ta phải tuyển lựa cho thật kỹ phương pháp tu hành thích đáng mới được.
Ví dụ như hồi sáng này mình nói, một pháp hội niệm Phật rộng lớn có hàng ngàn người tham dự, thì sau cùng vẫn là “Vạn pháp giai không”. Phật dạy: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. “Vô sở hữu” là không giữ gìn được gì đâu, sau cùng cũng là số không. Thì cái pháp hội của chúng ta nhỏ nhỏ như thế này cũng thuộc trong cái dạng “Vô sở hữu” đó luôn, vì chỉ còn có ngày hôm nay nữa thì hết rồi, mỗi người sẽ đi về mỗi ngã, còn gì nữa mà sở hữu, phải không? “Tất cánh không” là sau cùng chỉ là số không. Nhà cửa, danh vọng, áo quần, tài sản… sau cùng cũng là không luôn. “Bất khả đắc” là không thể nào đắc được. Đắc gì đây mà đắc. Cái thân này trước sau gì cũng xuống dưới nấm mồ, cũng liệng vô lò thiêu, người ta thiêu xác tan đi rồi thả tro xuống sông, thì đắc được gì mà đắc?…
Chỉ có một điều là chúng ta nên biết lợi dụng cái cơ hội này mà tu hành. Lợi dụng cái thân trả nghiệp này mà chúng ta cố gắng niệm Phật, tạo Tịnh-Nghiệp để về Tây-Phương Cực-Lạc. Khi về Tây-Phương rồi chúng ta sẽ đắc tất cả, sẽ hưởng được tất cả. Vi diệu vô cùng…
Hiểu được sự vãng-sanh thù thắng, mình mới thấy rằng những đạo tràng nhỏ nhỏ âm thầm như thế này thật sự quá tốt. Bao nhiêu người đây tu hành là đông đủ rồi. Lâu lâu chúng ta tạo một pháp hội để gặp nhau tu tập chung, thì đông đông như vầy cũng được, chớ còn bình thường cỡ chừng 20 người trở lại thôi, âm thầm, lặng lẽ niệm Phật, không cần gì hơn, cứ ngày ngày chuyên tu. Ngài Tịnh-Không nói cứ một môn để vào đạo, trường kỳ huân tu.
Điểm hay nhất là trường kỳ huân tu. Giống như bây giờ đang trong mùa thế vận hội Olympic, người muốn thi thế vận hội Olympic thì một người chỉ chuyên một môn thôi. Người thi chạy thì tập chạy hoài, chạy riết, chạy đến khi đoạt được giải nhất trở thành người chạy nhanh nhất thế giới. Lấy được cái huy chương này thì thành anh hùng, người nổi tiếng thế giới. Muốn thành danh thì chọn một môn thôi.
Chúng ta tu hành cũng tương tự như vậy. Sáng tu cũng vậy, chiều tu cũng vậy, tối tu cũng vậy, cứ một câu A-Di-Đà Phật niệm suốt thôi, không cần suy nghĩ, không cần hỏi han gì hết. Cứ niệm suốt đi, niệm đến khi mà câu Phật hiệu nhập vào tâm mình, thì đến lúc mình nằm xuống câu A-Di-Đà Phật nhất định sẽ xuất hiện tự nhiên, lúc đó mình chỉ niệm Phật, không niệm được gì nữa hết.
Quý vị tưởng tượng đi, giống như cái máy niệm Phật của anh Tâm-Nhật-Thuyết ở dưới kia, ăn cơm rồi tôi đi, tôi về thì nó hát bản đó, mỗi lần mở lên là nó niệm câu đó, niệm mãi… Chúng ta hãy tập như vậy đó, thì nhất định khi nằm xuống, chắc chắn quý vị sẽ niệm được câu A-Di-Đà Phật dễ dàng. Một người tới hộ-niệm mình vui với một người, hai người tới hộ-niệm mình vui với hai người, năm người tới hộ-niệm, mình niệm với họ càng vui hơn. Nhiều lúc không có một người nào đến thì chính mình niệm cho mình để đi vãng-sanh.
Muốn được như vậy không có gì khác hơn là không cầu, không mong, không cần đông người, không cần danh vọng, không cần tiếng tăm, không cần cái gì để lễ mễ cả. Chỉ cần một câu A-Di-Đà Phật niệm từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng. Ráng mà niệm đi, xin thưa thật chư vị, “Vạn người tu vạn người đắc. Muôn người tu muôn người vãng-sanh. Vạn nhân tu vạn nhân chứng…”. Đây là lời của chư Tổ dạy, Diệu-Âm nhớ lại mà thưa cùng với chư thôi chứ không có gì khác hết.
Sự lý này được chứng minh rõ ràng khi đi hộ-niệm. Hộ-niệm để làm gì?… Xin chư vị nghĩ thử coi, mình đi hộ-niệm cho người ta là để làm gì vậy?…
- Chị không tin hả? Không tin thì chị chết đó. Phải tin đi.
- Bác tin chưa?… Chưa tin hả? Hãy tin liền đi. Nếu tin nửa vời thì coi chừng chết đó. Phải quyết lòng tin mới được. Phật nói như vậy mình tin như vậy đi. Đừng hỏi tại sao?… Nếu cứ hỏi tại sao, tại sao… coi chừng chưa kịp trả lời thì đã chết rồi… Không được nghi ngờ.
Một khi mình cứ hỏi tại sao, tại sao… thường thường nó mở ra nhiều vấn đề khác. Những vấn đề đó thực ra toàn là vọng tưởng, những kiến thức của người thế gian. Người chí thành niệm Phật không cần gặn hỏi.
Hôm trước có người nói với tôi:
- Ý tưởng của anh hay đó, nhưng lý lẽ thì chưa được thuyết phục tôi lắm!…
Tôi nói:
- Xin lỗi!… Tôi đâu phải là người có nhiệm vụ đi thuyết phục chư vị. Chư vị muốn vãng-sanh thì hãy tự thuyết phục lấy mình chứ. Đạo lý trong kinh Phật chứ đâu phải ở trong lời lý luận của người thế gian?…
- Tin: đòi hỏi lòng chân thành…
- Tin: đòi hỏi lòng chí kính…
- Tin: đòi hỏi lòng khiêm nhường…
- Tin: đòi hỏi lòng thật thà…
- Tin: không đòi hỏi kiến thức thế gian…
Vãng-sanh rất cần đến tâm tánh thật thà:
- Càng thật thà chừng nào càng dễ buông xả chừng đó…
- Càng thật thà chừng nào càng dễ vãng-sanh chừng đó…
Người nào là người thật thà?… Người không buồn, không chấp…
- Người ta la rầy mình, mình không la rầy lại…
- Người ta cự chống mình, mình không cự chống lại…
- Người ta ganh ghét mình, mình đừng ganh ghét lại.
Hãy tha thứ đi. Hãy tha thứ đi… Quý vị hãy tha thứ cho người chống đối mình. Đức Chúa Giê-su có tâm tha thứ. Trong kinh sách của Thiên-Chúa-Giáo nói đức Chúa có tánh bác ái. Chúng ta hãy học tập cái tánh bác ái của Ngài. Ngài thương người vô điều kiện. Ngài sẵn sàng chịu đóng đinh trên cây thánh giá, không có oán hờn. Ở đây có ai dám làm vậy không? Dễ gì!… Mới đụng tới sợi lông thì la làng là xóm, thì cãi cọ ùm lên rồi. Cho nên chúng ta phải tập tha thứ mới được, dù rằng căn cơ chúng ta không làm được như các Ngài, nhưng ít ra cũng lấy các Ngài mà làm gương để học tập.
Khi đã biết cuộc đời này vô thường, giả tạm, thì mình không nên chấp gì ở đây nữa. Thực sự hiểu chút ít đạo lý, tự nhiên những cái cố chấp sẽ rơi ra… rơi ra… Tự mình tìm cách làm cho nó rơi ra, chứ không cần ai làm cho mình rơi ra hết. Hồi trước đây Diệu-Âm có tánh ngang bướng lắm, mình làm cái gì mà người ta không theo thì tìm cách thuyết phục người ta theo. Thuyết phục không được thì bực tức. Bực tức thì bắt đầu cự cãi. Khi hiểu chút đạo rồi không thèm động đến chuyện đó nữa, một cuộc đời này nhất định tìm cách ngăn chận sự nóng giận, quyết không thuyết phục ai hết… Những người thương mến mình, trước đây mình tới lui thăm hỏi thường xuyên, hầu tạo thêm tình cảm lâu dài… Những người ghét thì mình ghét lại, xa lánh, nói xấu lại họ. Đến khi mình hiểu chút ít luật Nhân-Duyên-Quả Báo, thì tìm cách buông ra, tự nhắc nhở rằng đây chỉ là Nhân-Duyên-Quả Báo sanh ra mà thôi. Biết vậy mà mình không chịu cắt thì sau cùng mình không vãng-sanh được.
Ví dụ như con cái mình, vợ chồng mình, anh em ruột thịt của mình, làm sao mà không thương mến? Nhưng nếu thương mến theo kiểu phàm tục, nghĩa là vợ mình thì mình thương, không phải vợ mình thì mình ghét, cha mình thì mình thương, không phải cha mình thì mình ghét… Cứ thương-ghét, thương-ghét, cái thương cái ghét này sau cùng sẽ là mối trở ngại rất lớn cho chính mình khi nằm xuống…
Như vậy bây giờ phải làm sao?… Thương là khuyên nhau niệm Phật, thương là chỉ vẽ cho nhau con đường vãng-sanh. Họ nghe theo thì tốt, không nghe theo thì mình cũng phải lo niệm Phật. Cố gắng giữ cái tâm của mình bình thản.
Cũng nên nhớ, chúng ta có vô lượng thân bằng quyến thuộc từ trong nhiều đời nhiều kiếp, chứ không phải chỉ có một vài người trong hiện đời đâu. Nếu thương người thân trong đời này, thì cũng phải thương vô lượng vô biên những thân bằng quyến thuộc khác, mới thực sự là tình thương rộng lớn vậy.
Vô lượng vô biên thân bằng quyến thuộc khác hầu hết người ta đang ở đâu?… Chư vị có biết người ta đang ở đâu không?… Hầu hết ở trong tam ác đạo đấy. Dễ sợ không?… Tội nghiệp không?… Những người anh em bây giờ không tu, nhưng dù sao cũng đang ở trong tam thiện đạo. Tam thiện đạo là ba cảnh giới thiện: Trời, Người, A-tu-la (A-tu-la là loại Phi Thiên, có nhiều thần lực). Phật gọi là tam thiện đạo, vẫn ở trong tam giới. Họ cũng có chút ít phước báu, cũng có chiếc xe đạp, cũng có chiếc xe honda… còn những người anh em đã sanh vào trong loài bốn cẳng rồi thì sao đây? Đâu có thể đi xe honda được, suốt đời bị bắt kéo cày khổ chết luôn. Thành ra, thương thì nên thương cho đồng, thương cho bình đẳng. Hãy chú ý thương những người bị nạn đó…
Còn thương những gì nữa?… Thương những vị oan gia trái chủ, những người mà mình vô tâm sát hại họ. Trước khi biết tu hành, chúng ta sơ ý đã sát hại chúng sanh nhiều lắm rồi. Đây là điều sai lầm chính ta đã tạo ra những cảnh khổ đau cho chúng sanh. Mình phải có trách nhiệm cứu họ mới được…
Làm sao cứu được họ đây?… Xin thưa với chư vị, chỉ khi nào mình thành đạo mới cứu được họ. Chưa thành đạo chưa cứu được họ. Ngay cả trong thế giới loài người này cũng vậy thôi, ta chưa thành đạo chưa cứu được họ. Nói giúp một vài đồng Euro để mua ổ bánh mì ăn sáng thì được, ăn một buổi sáng này, còn buổi sáng mai thì sao đây? Họ vẫn khổ như thường. Không giải quyết được gì rốt ráo cả.
Thấy được cảnh khổ như vậy, mong chư vị quyết lòng, quyết dạ niệm Phật. Đã gặp được cơ duyên này để một đời vãng-sanh, thì phải lo bám cho chặc lấy cơ hội này mà thành đạo, đừng nên để luống qua…
Nam Mô A Di Đà Phật.