Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 20

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 20)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc, sáu chữ mình nghe có vẻ đơn giản quá. Nhưng người nào thực hiện được điều này thực sự không phải là đơn giản. Chư vị cứ nghĩ thử coi:

  • Vô lượng kiếp qua rồi nhiều khi ta làm chưa được.
  • Vô lượng chúng sanh cũng cố gắng làm, mà trùng-trùng điệp- điệp chúng sanh vẫn chưa làm được.

Cho nên trong cơ duyên này, chúng ta học được cái pháp môn cứu người vượt qua vô lượng kiếp số khổ nạn. Cái giá trị của nó không phải là đơn giản! Thật bất khả tư nghì. Không thể lấy cái gì khác so sánh được…

Ngài Tịnh-Không nói: Trong tất cả những công đức mà chúng ta làm, không có cái công đức nào qua được công đức Hộ-Niệm vãng-sanh”. Từ thời Tổ Thiện-Đạo đời nhà Đường, Ngài cũng chủ xướng Hộ-Niệm vãng-sanh”. Các Tổ Sư đều nhắc nhở cần phải Hộ-Niệm đúng pháp để cứu người vãng-sanh. Đến thời đại của chúng ta là mạt-pháp rồi, thì pháp Hộ-Niệm cần phải chú trọng hơn, thực hành chính xác hơn nữa đừng để sơ suất.

  • Trong thời chánh-pháp, xin thưa thực, nhiều khi không cần tới Hộ-Niệm, tự mỗi người chúng ta tu hành chứng quả, có dư.
  • Đến thời tượng-pháp cũng cần đến Hộ-Niệm, nhưng Hộ-Niệm thoải mái hơn, vì nghiệp chướng của chúng sanh thời đó nhẹ hơn, cơ hội được vãng-sanh về Tây-Phương mạnh lắm…
  • Đến thời mạt-pháp rồi thì nghiệp chướng của chúng sanh càng ngày càng nặng, cơ hội vãng-sanh về Tây-Phương càng ngày càng khó. Khó khăn như vậy, thì bắt buộc phương pháp Hộ- Niệm phải càng chú trọng, phải thực hiện cho chính xác, đừng nên sơ suất. Nếu áp dụng mà sơ suất thì chúng ta không vượt qua được nghiệp chướng đâu.

Phật nói trong thời mạt-pháp này ức triệu người tu hành khó tìm ra một người thoát vòng sanh tử luân hồi. Khó lắm chư vị ơi!… Chắc chắn như vậy đó. Không biết chư vị nghĩ sao, chứ khi Diệu- Âm thấy được vấn đề này rồi, mới quý hóa cái phương pháp Hộ- Niệm dữ lắm. Thành tâm khuyên chư vị hãy cố gắng tuyên dương cái pháp Hộ-Niệm ra… Phải vận động, giao lưu cho mạnh… Xin hãy thành tâm làm đi… Đừng có sợ lỗ… Không lỗ đâu. Chư Thiên- Long Hộ-Pháp sẽ giúp đỡ cho chư vị. Chư Phật gia trì cho chư vị làm việc này. Đừng lo sợ.

Trở lại vấn đề “Sơ suất khi Hộ-Niệm”, hôm nay chúng ta nói thẳng đến sơ suất của chính đương sự, tức là người bệnh. Những lần tọa đàm trước chúng ta bàn về sơ suất của Ban-Hộ-Niệm, tức là cá nhân những người Hộ-Niệm sơ suất, nói nhiều lắm rồi nhưng chưa phải là hết đâu. Hôm nay chúng ta nói thẳng đến cá nhân của từng người phải chịu trách nhiệm lấy về huệ mạng của chính mình. Xin thưa với chư vị, khi đã tu hành thì phải nghĩ ngay đến chuyện: Thành đạo, giải thoát. Giải những ách nạn của nghiệp chướng. Thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi. Vấn đề này phải giải quyết cho được trong một đời này. Nếu chư vị tu hành mà không đặt vấn đề này một cách chính xác, rõ rệt, thì xin thưa rằng, dù sau này có ân hận cũng vô ích. Dù sau đó có trực ngộ ra, cũng không kịp nữa rồi. Đến lúc nằm xuống, xả bỏ báo thân… Một giây trước, một giây sau… tích tắc đã đi qua cảnh giới khác rồi. Ngàn vạn kiếp sau chưa chắc sẽ tìm lại được cơ hội này đâu. Sống trong những cảnh khổ đó, chư Phật muốn cứu chúng ta cũng chưa chắc gì cứu được đâu.

  • Tại vì cái quả báo của chúng ta quá nặng rồi!…
  • Tại vì nhân chủng xấu ác mà chúng ta đã tạo ra quá lớn rồi!…

Tâm bị chìm trong chướng nạn đó, chư Phật cũng đành chịu thua. Xin thưa thẳng với chư vị, A-Di-Đà Phật cũng chịu thua luôn. Tại vì nhân của người nào người đó phải chịu quả. Nhân-Quả của mỗi người phải tự lo lấy. Ngài chỉ cứu chúng ta là cứu trước khi chúng ta chưa lâm vào cảnh giới đó. Đừng để thực sự lâm vào cảnh giới đó rồi thì chịu thua. Không dễ gì có thể cứu ra được. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói: Nghiệp nhân quả báo bất khả tư nghì. Không phải đơn giản! Cá nhân của mỗi người chúng ta phải tự lo lấy…

Bây giờ lo làm sao đây?… Hồi sáng mình nhắc qua một chút xíu rồi, một người muốn vãng-sanh Cực-Lạc khi bệnh xuống mà sợ chết thì thua rồi. Thôi chịu thua rồi. Cái tâm đã bị quyện trong cái nhân-quả nhiều đời nhiều kiếp rồi. Lăn trong đó mà chịu theo nghiệp để thọ báo rồi.

Muốn thoát thì tự chúng ta phải giải ra. Giải làm sao?… Một người muốn vãng-sanh về Tây-Phương thì không cầu cho cái thân này không bệnh. Đức Bổn Sư Thích-Ca dạy: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không có bệnh khổ thì dục vọng phát sinh”. Dục vọng phát sinh thì không tu được!

Ta đang mạnh khỏe như thế này, nhưng thực ra mỗi người chúng ta có đầy một thân bệnh trong đó. Quý vị nghĩ thử có đúng không? Chắc chắn không bị nhức đầu thì cũng bị đau lưng, không đau lưng thì cũng ung thư, không ung thư thì cũng tiểu đường, v.v… đủ thứ trong đó. Chắc chắn! Nếu bây giờ đây ta không thấy bệnh gì cả, thì lúc nằm xuống mình cũng sẽ thấy. Chắc chắn! Biết vậy rồi mà còn sợ bệnh nữa, thì đành phải chui vào trong vòng nghiệp khổ đó. Thua rồi!…

Bây giờ làm sao khỏi chui vào nghiệp khổ đó?… Đừng sợ bệnh.

Đừng sợ chết.

  • Đừng sợ bệnh thì phá được “Bệnh Khổ”. Nếu gặp phải cơn bệnh ngặt nghèo hiện ra thì mừng. Ồ! Sung sướng quá rồi!… “Chị chưa bệnh hả?… Tôi bệnh rồi”… (Hì hì!…). “Tôi bệnh rồi thì tôi có hy vọng đi về Tây-Phương trước”. ( Hì hì!…).
  • Đừng sợ chết thì phá được “Tử Khổ”, trước lúc chết mình an nhiên vui vẻ theo Phật đi về Tây-Phương.

Những lời này nói ra nhiều người nghe xong cho rằng đây là ý tưởng điên rồ! (Hì hì!…). Bao nhiêu người thì khoe khỏe mạnh, còn mình thì khoe “Tôi bệnh rồi!…”.

 

Xin kể cho chư vị câu chuyện này, nghe cho vui. Tới Niệm Phật Đường Tịnh Nghiêm của Hải-Sơn, trong buổi tọa đàm tôi kể lại câu chuyện của một đồng tu ở Niệm Phật Đường A-Di-Đà mong sao cho được bệnh ung thư!… (Hì hì!…). Trong khi cả thế gian này nghe đến ung thư thì sợ lắm, còn chị đó thì trông chờ sao cho mình được chết vì bệnh ung thư. Hỏi tại sao vậy?… Chị nói:

  • Tại vì khi tôi ung thư thì bác-sĩ sẽ báo cho tôi biết là mấy tháng nữa tôi sẽ chết. Lợi dụng thời gian đó mà kêu gọi những ai có duyên tới Hộ-Niệm cho tôi.

Chị kể lại, người cha của chị bị ung thư mà chết. Khi chết ông tỉnh táo cho đến giờ phút cuối cùng. Trước khi ra đi, ông nói: “Bữa nay cha phải đi rồi đó con, không cách nào trốn được nữa đâu!”.

Ông hướng dẫn cách thức phải chôn táng như thế nào… Dặn dò con cái đừng làm đám tang lớn, đừng đãi tiệc nhiều mà bị tốn kém… Ông dặn kỹ mọi chuyện… Nhưng ông không nói một câu nào về niệm Phật hết. Sau đó, ông chết trên tay của chị luôn. Trước khi tắt hơi, ông nói:

  • Thôi bây giờ cha phải đi rồi con. Mệt quá!… Mệt quá!…

Nói xong ông quẻo quẻo xuống rồi đi luôn. Giờ đây nghĩ lại chị cảm thấy tiếc ơi là tiếc!… Chị nói, nếu lúc đó mà biết phương pháp Hộ-Niệm thì thật sự chị đã cứu được người Cha rồi…

Nhớ đến cái chết của người cha trên tay, chị đó mới thèm được ung thư để chết, vì chị nghĩ nhờ ung thư mà chị sẽ tỉnh táo, nhờ tỉnh táo chị mới dễ vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc… Chị nói, chị sợ nhất là cảnh mê man bất tỉnh, vì mê man bất tỉnh sẽ không vãng-sanh được.

Trong khi kể câu chuyện vui này với đại chúng, thì trong số đó có một người đã bị bệnh ung thư cũng hơn cả năm rồi. Vị này đang sống mà âm thầm chờ lần lần tới ngày chết, nghe vậy mừng quá… Khi tôi nói xong rồi thì chạy đến:

  • Chú Diệu-Âm ơi!… Chú Diệu-Âm ơi!… Tôi bị ung thư rồi!… Tôi bị ung thư rồi!…

(Hì-hì!…). Mắc cười quá!… (Hì-hì!…). Hơn một năm trường qua, bác-sĩ đã thông báo là bị ung thư mà vị này không dám nói ra, không dám cho ai hay. Hôm đó, nghe nói về Hộ-Niệm vãng-sanh thì tìm tới nghe thử. Nghe thử thôi!… Chứ trong lòng vẫn không an! Bệnh tình vẫn cố che dấu. Tâm trạng vẫn buồn phiền. Đang khổ tâm vì nghĩ rằng tại sao mình lại bạc phước dữ vậy!… Tại sao người ta thì khỏe ru, còn mình thì mang cái căn bệnh chờ chết?… Đau khổ mà không dám tâm sự với ai.

Khi nghe tôi kể câu chuyện xong, thì như mở cờ trong bụng, mừng quá, chạy tới nói:

  • Chú Diệu-Âm ơi! Tôi bị ung thư rồi… Tôi được ung thư rồi… Tôi được ung thư rồi…

Tôi nói:

  • Chúc mừng cho bác. Chuẩn bị vãng-sanh nhé…
  • Được!… Được!… Được!…

Tôi kêu những người chung quanh tới nói:

  • Khi nào bác này mời tới Hộ-Niệm, thì chư vị tới Hộ-Niệm liền nhé.
  • Được!…

Xin thưa với chư vị, nếu mà tinh thần của vị đó vững vàng như lúc nói với tôi, thì dù rằng trước đó bà bác không có niệm Phật, dù rằng trước đó tu thế nào tôi không biết… Tôi chỉ biết rằng trước những giờ phút ra đi, mà tinh thần bác vẫn vững vàng như vậy. Bác lấy cái bệnh ung thư làm một thứ ơn huệ cho mình để vãng- sanh…. Thì tôi có thể đoán tới 95% vị đó vãng-sanh về Tây- Phương Cực-Lạc. Một sự thật bất khả tư nghì sẽ ứng hiện trước mặt mọi người…

Đây là những lời nói mà tôi đã từng thực hiện qua. Chính tôi đã từng thực hiện qua với những người mà tôi đã có cơ hội tham gia Hộ-Niệm. Khi đoán như vậy, tôi không cần hỏi là trước đó người đó tu như thế nào? Có từng niệm Phật hay không? Thực sự.

Sẵn đây, tôi nói về chuyện một vị bị ung thư ở bên Perth, mới đây thôi, lúc đó chị chưa chết mà tôi đoán được cho chị 95% thành công. Khi tôi trở về Brisbane thì chị đó mới chết. Vừa nghe tin chị đó ra đi, chưa biết kết quả như thế nào nhưng tôi vẫn mạnh miệng nói với mọi người rằng chị này xác suất tới 95% thành công, dù rằng chị đó là người Thiên-Chúa-Giáo. Chị mới vừa quyết tâm niệm Phật khoảng bốn tháng từ khi bị ung thư nằm chờ chết.

Quý vị có thấy lạ lùng không? Khi tận mắt chứng kiến được những chuyện này, mới thấy pháp niệm Phật bất khả tư nghì, vi diệu không thể tưởng tượng được. Ấy thế mà những người niệm Phật như chúng ta, từng tu từ Phật-Thất này qua Phật-Thất nọ mà lại không tin điều vãng-sanh, còn mơ-mơ hồ-hồ trong vòng tử-tử sanh-sanh, không tin vào đại nguyện của Đức A-Di-Đà Phật… Những người này khi chết đành phải chịu chết thôi, chứ làm gì khác hơn?!…

Tại sao vậy?… Niềm tinlà khởi đầu tất cả con đường vãng- sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Bây giờ chư vị có niệm Phật năm sáu chục năm, bảy tám chục năm đi nữa, nhưng khi gặp một cơn bệnh hiểm nghèo mà tinh thần của chư vị hoảng kinh, lo sợ, khóc ngày khóc đêm… thì thành thực, một người nếu hiểu được Phật pháp sẽ không dám đoán đến 1% vãng-sanh về Tây-Phương Cực- Lạc.

Quý vị có thể kiểm chứng điều này, hãy theo dõi từ lúc họ bị bệnh, đưa vào bệnh viện, rồi đến lúc buông xả báo thân ra đi… nhất định những người tham sống sợ chết này không thể nào để lại một sắc tướng tương đối gì để cho mình có chút hy vọng rằng họ đi về cảnh giới tốt đẹp.

Xin thưa với chư vị, pháp môn niệm Phật thật lạ lùng, bất khả tư nghì mà trong kinh gọi là Môn dư đại đạo. “Môn” là cái phương pháp. “Dư” là ở ngoài, nó không nằm trong một giới hạn nào hết… Chỉ có những người nào thật sự tin tưởng thì mới thâm nhập vào con đường này. Người không tin tưởng thì nhất định bị sa thải.

Niềm tin là phần thưởng dành cho…

  • Những người nào hiền nhất!…
  • Những người nào thật thà nhất!…
  • Những người nào chí thành nhất!…

Cho nên nếu chúng ta ở đây có duyên khuyên nhắc với nhau, thì…

 

  • Niệm một câu A-Di-Đà Phật, cái tâm chí thành phát triển lên…
  • Niệm một câu A-Di-Đà Phật, cái tâm hiền lành phát triển lên…
  • Niệm một câu A-Di-Đà Phật, với tâm khẩn thiết tin tưởng vững vàng lên…

Hy vọng chư vị vãng-sanh Thượng-Phẩm. Quý vị đứng vãng- sanh. Hãy đứng vãng-sanh đi…

  • Ông Cô-Lô-Giang đứng vãng-sanh đó.
  • Cụ Hạ-Liên-Cư đứng vãng-sanh đó.
  • Ông Trịnh-Tích-Tân ngồi vãng-sanh đó.

Ở Việt-Nam có những người mới biết có sáu tháng mà ngồi vãng-sanh. Không quay phim được, uổng quá!… Thật sự!… Không có quay phim. Có những chuyện vãng-sanh bất khả tư nghì mà không quay phim được. Có những người vãng-sanh giống như trò giỡn vậy, nghe kể lại làm tôi mắc cười đến chảy nước mắt. Chảy nước mắt vì mắc cười.

Những người đó hầu hết là những người già. Những bà già trầu đó, vậy mà họ niệm Phật vãng-sanh bất khả tư nghì!…

Phải chăng đây là những lời pháp khá hay! Cho nên xin thưa với chư vị, cái yếu tố nào giúp cho mình vãng-sanh thì cố gắng trì giữ cho vững, đừng nên buông ra.

Cái thứ nhất, thân này là Thân nghiệp báo”. “Nghiệp” là “Nghiệp chướng”; “Báo” là “Báo đời”. Cái thân này còn ngày nào nó báo đời chúng ta ngày đó!… Đúng không?… Quý vị nghĩ thử có đúng không? Nếu mà quý vị không có cái thân này, thì đâu có vô đây mặc cái áo tràng làm chi? Lạy Phật làm chi? Mở máy lạnh làm chi?… Vì có cái thân cho nên mới mang cái thân đó tới đây niệm Phật. Bây giờ mình biết nó chỉ là thứ báo đời rồi, thì mình chuyển lại, chuyển cái thân báo đời thành cái Thân nguyện lựcđi… Mình chuyển được đó. Bất cứ một người nào chuyển cũng được hết. Thân báo đời là thân nghiệp lực. Thân nghiệp lực thì bị nghiệp lực chi phối, nghiệp lực làm chủ sự sống chết, còn chính mình thì không làm chủ được gì cả.

Bây giờ mình không thèm lo đến chuyện sống chết làm chi, nghiệp lực đã giành phần rồi thì để nó làm chủ luôn đi, mình lo làm chủ con đường vãng-sanh Cực-Lạc. Như vậy ngày nào cái thân này còn, chúng ta quyết sử dụng nó để:

  • Tuyên dương Phật pháp.
  • Tuyên dương pháp môn niệm Phật.
  • Tuyên dương con đường vãng-sanh Tịnh-Độ.
  • Quyết lòng rủ những người chung quanh lập thành nhóm. Để khi chị ra đi tôi Hộ-Niệm cho chị, tôi ra đi chị Hộ-Niệm cho tôi.
  • Bây giờ chúng ta đừng đi lung tung nữa. Cứ lo niệm Phật đi, quyết lòng vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nếu chư vị làm được chuyện này, thì biết chừng đâu bắt đầu từ khi phát tâm, cái thân này đã chuyển thành Thân Nguyện Lựcrồi, không còn là thân nghiệp báo nữa. Tức là nghiệp báo nhiều khi muốn báo đời mình, nhưng nó cũng phải né qua một bên, để cho mình lợi dụng cái thân này làm phương tiện đi giúp đời, tuyên dương Phật pháp, cứu người có duyên vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Thật bất khả tư nghì!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –