Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 42

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa đàm 42)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong thời gian này nói chuyện với nhau về những sơ suất liên quan đến hộ-niệm, nhưng mấy ngày nay chúng ta vẫn cứ nói lang thang khắp nơi, thế mà những chuyện lang thang đó hình như cũng có liên quan đến hộ-niệm luôn. Như vậy mình thấy rõ ràng phương pháp hộ-niệm mà nhiều người chê là thấp kém, nhưng khi tìm hiểu chúng ta mới phát hiện ra rằng pháp hộ-niệm này, thấp cũng có liên quan, mà cao cũng liên quan luôn…

Hộ-niệm là một phương pháp rất đơn giản: ngồi bên những người bệnh sắp chết, niệm “A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật”… ai cũng có thể làm được cả. Nhưng nói đến chuyện một đời thành đạo, thì hình như cũng nằm ngay chỗ này luôn. Mình niệm: “A-Di- Đà Phật… A-Di-Đà Phật”… trước người bệnh đó, rồi khuyên người bệnh bắt chước niệm theo: “A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật”… cầu sanh Tịnh-Độ. Quá đơn giản! Ấy thế mà một người phàm phu bệnh hoạn được vãng-sanh tới cõi Tây-Phương, bắt đầu từ đó họ thành đạo…

Quý vị thấy không, hộ-niệm thấp thì thật là thấp, mà cao thì cũng quá sức là cao. Pháp của Phật lưu lại để giúp cho chúng sanh thành đạo, chư vị đến ngồi trước người bệnh khuyên người ta niệm Phật, cứ nói lòng vòng lòng vòng: “Niệm Phật, Niệm Phật… Tin đi, tin đi… Nguyện vãng-sanh đi, nguyện-vãng sanh đi…”, không có gì cao siêu hết, vậy mà giúp được cho người ta thành đạo.

Hộ-niệm vãng-sanh đã có thành quả khắp nơi. Vì có thành quả hiển nhiên này, nên mong rằng chư vị chớ khinh thường phương pháp ngồi bên người bệnh niệm Phật trợ duyên cho người ta. Nếu chư vị sơ ý khinh thường phương pháp này, đến khi cuối cuộc đời, tìm cho được một người rất bình thường, đến ngồi bên cạnh cái thân bệnh hoạn sắp tan hoại của mình, niệm câu A-Di-Đà Phật không dễ đâu…Lúc đó rồi mình mới hiểu:

  • Trời ơi!… Sao mà một bà già đến ngồi bên cạnh mình, hộ- niệm cho mình lại quan trọng như vậy?

 

  • Trời ơi!… Chỉ một vị đồng tu bình thường, đến ngồi bên mình nhắc nhở cho mình niệm Phật, sao lại rất quý giá như vậy? Cái quý giá này đến nỗi giúp cho mình giải thoát.

Lúc đó mình trực ngộ ra rồi đó. Ngộ gì đây?… Ngộ rằng trong vô lượng kiếp qua mình tìm không ra cơ hội này. Nếu đời này mình khinh thường pháp hộ-niệm, thì những người hiểu đạo bỏ đi hết trơn rồi… Ôi thôi!… Mình đành phải chịu nạn vô lượng kiếp nữa, rồi may ra mới tìm được vài ba người biết hộ-niệm, tương tự cũng đến ngồi bên cạnh niệm Phật khi mình lâm chung… Một là bây giờ được vãng-sanh giải thoát. Hai là tiếp tục đọa lạc vô lượng kiếp rồi tính sau. Cái giá trị nó nằm ở chỗ này đây. Trả giá bằng vô lượng kiếp thời gian đó chư vị ạ.

Thành ra, khi nói về sơ suất khi hộ-niệm, trong suốt những ngày qua ở tại Âu Châu này Diệu-Âm không nhắc nhở gì tới ban- hộ-niệm hết, mà cứ mãi nhắc nhở đến từng vị đồng tu của chúng ta. Tại vì sao vậy? Thưa chư vị, trước khi muốn người ta tới hộ- niệm cho mình, mình cũng phải phát tâm từ bi ra chứ, cũng phải đi hộ-niệm cho người ta chứ. Chư vị nghĩ thử đúng không?… Mình phải tạo cái nhân trước. Cái nhân mình hộ-niệm cho người ta, để được cái quả là người ta tới hộ-niệm cho mình. Mình đi hộ-niệm cho người mà không chịu nghiên cứu kỹ thì mình làm sai. Mình làm sai mà cứ tưởng là đúng, thì đến khi những người tới hộ-niệm cho mình, người ta làm đúng mình lại nghĩ rằng họ sai… Nghĩ họ sai, nên không chịu nghe theo lời đúng, mà cứ chạy theo cái “Tâm Sai Trái” của mình để đi luân hồi.

“Tâm Sai Trái”, nói theo nhà Phật gọi là Tâm Tà.

  • Tâm Tà là tâm sai trái…
  • Tâm Tà là tâm không đi thẳng…
  • Tâm Tà là tâm đi xéo xéo…
  • Tâm Tà là tâm đi lòng vòng…
  • Tâm Tà là tâm ham những thứ luận này lý nọ của thế gian, để đời-đời kiếp-kiếp chịu lang thang trong cảnh luân hồi khổ nạn.

Sáng hôm nay chúng ta có nhắc đến lời khai thị của ngài Tĩnh- Am, Ngài khuyên ta: “Tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh-Độ. Vì nghĩ đến chuyện sanh tử sự đại, Ngài nói mà đành phải rơi nước mắt. Vì thương chúng sanh mà Ngài phải rơi nước mắt. Còn ta là chúng sanh, một chúng sanh chịu đọa lạc nhiều quá rồi, mà lại không chịu nghe lời Ngài, để cho Ngài đành nghẹn ngào rơi lệ!… Chư vị có cảm thấy đau xót không?…

Đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật thuyết kinh giảng đạo hơn 300 hội, sau cùng Ngài cũng quy về câu A-Di-Đà Phật, chư Phật trên 10 phương thị hiện xuống thế gian, bất cứ quốc độ nào, nói đủ pháp, sau cùng cũng quy về câu A-Di-Đà Phật. Ta đang ở tại đây với hình tướng phàm phu tục tử mà không chịu sớm quy về câu A- Di-Đà Phật, xin hỏi chừng nào mình mới quy về đây?… Chẳng lẽ để cho thấm thêm đòn nữa rồi mới quy về sao?… Mà khổ một nỗi, thấm đòn rồi cũng không chịu sợ, không biết nguyên nhân để sợ. Trải qua những cuộc cách ấm đã quên hết rồi. Quên hết rồi thì tiếp tục thấm nữa. Khổ đau chính là chỗ này…

Cho nên khi chư vị về Tây-Phương Cực-Lạc rồi, lúc đó mới thấy rõ sự thực, mới thấy cái chân tướng thực sự của pháp giới. Ở đây chúng ta mê mờ lắm, không thấy đâu. Vì không thấy được, cho nên Diệu-Âm tha thiết, khẩn nguyện chư vị hãy nghe lời Phật dạy đi, nghe rõ từng câu từng câu, nghe rõ từng ý từng ý. Nếu không nghe theo Phật, mà cứ nghe theo thế gian nói thì chết rồi. Chết rồi. Nên nhớ, thế gian dù có giỏi gì đi nữa, họ cũng không bao giờ thấy được cái chân tướng này đâu, chỉ khi nào những người đó lên trên Tây-Phương, rồi họ thị hiện trở lại đây may ra họ mới nói được những lời chân lý. Bây giờ chúng ta không biết, thì tốt nhất Phật nói sao ta nghe vậy đi, nhất định đừng nghe theo lời thế gian nữa.

Ví dụ như ở đây mình tu hành niệm Phật như thế này, ra ngoài kia hỏi người ta thử coi, xin bảo đảm với chư vị, hỏi tới là có nhiều người nói sai liền. Mở một quyển sách nào đó của thế gian ra đọc, chúng ta có thể bị dẫn đi sai lệch liền. Nói tới đây, tôi trực nhớ ra trong Tam-Thời Hệ-Niệm Pháp Sự ngài Trung-Phong Thiền sư có khai thị 4 câu hay vô cùng. Diệu-Âm rất thích 4 câu này. Hồi sáng mình giải lời dạy của ngài Tĩnh-Am, bây giờ mình giải đến lời dạy của ngài Trung-Phong, chúng ta nghe thử các Ngài nói có hợp nhau không. Thực tế, mỗi Ngài có một lời dạy nghe qua hình như khác khác, nhưng giải rõ ra thì ý nghĩa giống nhau, giống hệt với nhau.

Thấy được điểm này, nên khuyên chư vị rằng, lời nào nghe một lời thôi, đường nào đi một đường thôi là đủ rồi, đừng đi đến 2 đường làm chi. Một đường mà đi cho tới, thì pháp giới vũ trụ nhân sinh ở ngay tại đó chứ không đâu xa hết. Trì tụng kinh nào một  kinh thôi. Một kinh mà thông hiểu suốt rồi, thì tất cả pháp cũng nằm trong kinh đó chứ không nằm ở ngoài. Diệu-Âm thấy vậy đó. Kinh nào cũng giống hệt nhau chứ không khác, lời kinh thì có khác, mà thật ra ý nghĩa không khác nhau. Tương tự như chư vị nghe Diệu- Âm nói, nói đã 10 năm nay rồi, nói hoài nói hoài, lời nói hình như khác nhau, nhưng quý vị để ý coi, thật ra cũng lần quần bao nhiêu đó, không khác nhau mấy.

Ngài Trung-Phong Quốc Sư có khai thị như thế này:

Tiện tựu kim triều thành Phật khứ Lạc bang hóa chủ dĩ hiềm trì

Nả khan cánh dục chi hồ giả

Quản thủ luân hồi một liễu thời…

“Tiện tựu kim triều thành Phật khứ” là hôm nay ta gặp phương tiện này mà đi thành Phật. “Kim” là ngày hôm nay, là bây giờ, là trong đời này, là kim thế, là trong lúc chúng ta đang sống đây, trong lúc chúng ta đang niệm đây. “Tiện Tựu” là cái phương tiện này để thành tựu. Thành tựu gì?… Thành Phật.

Đây là lời nói của Ngài. Ngài là một vị quốc sư, là một vị thiền sư, nhưng Ngài ngộ ra bằng câu A-Di-Đà Phật. Khi ngộ đạo Ngài mới nói câu này, hôm nay nhờ được phương tiện này để ta đi thẳng đường về Tây-Phương thành Phật.

Lạc bang hóa chủ”, là hóa chủ trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc, tức là đức Phật A-Di-Đà. “Dĩ” là đã, “Hiềm” là trách móc, “Trì” là chậm. Ngài nói hôm nay ta nương theo cái phương tiện này, tức là câu A-Di-Đà Phật để đi về Tây-Phương thành Phật, vậy mà đức A- Di-Đà trên cõi Tây-Phương còn trách chúng ta: Tại sao con đi về Tây-Phương trễ dữ vậy?… (Hì-hì!…). Trong khi ở trên cõi Tây- Phương vô lượng vô biên chúng sanh đã về đó thành đại Bồ-Tát hết trơn rồi, thành đẳng giác Bồ-Tát hết trơn rồi, còn con bây giờ mới bắt đầu rục rịch, ở đây đánh địa chung cốc-cốc cheng-cheng. Sao mà chậm chạp dữ vậy con? (Hì-hì!…).

Nả khan cánh dục” là vậy mà có những người còn ham thích… Ham thích cái gì đây?…

  • Những người tham sống sợ chết cũng bị vướng vào cái chữ “Cánh dục” này.
  • Những người mà ham thích văn thơ, triết lý cũng bị vướng vào chữ “Cánh dục” này.
  • Những người nào sợ bệnh cũng bị vướng vào chữ “Cánh dục” này.
  • Những người nghe câu A-Di-Đà Phật mà hẹn 2 năm nữa tôi mới bắt đầu tu, cũng bị vướng vào chữ “Cánh dục” này.

“Nả khan cánh dục chi hồ giả”: Vậy mà có những người không chịu đi thành Phật, lại cứ ham cái này ham cái nọ. Khen chê, giỏi dở, danh vọng, v.v… cũng bị ngài Trung-Phong gói trong câu này. “Nả khan cánh dục chi hồ giả” là ý nói, người thế gian tham chi nào là triết lý, nào là văn chương, nào là danh vọng… Tham chi những thứ đó vậy?!…

Quản thủ”, Quản là quản lý, Thủ là giữ kỹ. Người giữ tiền gọi là thủ quỹ, người giữ kho là thủ kho. “Quản thủ” là giữ thật kỹ… Giữ kỹ cái gì?… “Luân hồi”, sáu đường luân hồi. “Quản thủ luân hồi…” là gìn giữ sáu đường luân hồi này chặt cứng… (Hì-hì!…)

Một liễu”, “Liễu” là thoát qua, đoạn đi. “Một” là vượt rồi. Nghĩa là khi mình chết đi thì vượt qua rồi, luống qua rồi. “Một liễu thời” tức là thua cuộc rồi. Đến lúc mà mình chết đi, cơ hội giải thoát nó trôi qua luôn. Mình phải theo con đường sanh tử luân hồi đời-đời kiếp- kiếp sau…

Nam Mô A Di Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –