Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 18

Share on facebook
Share on twitter


SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 18)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngài Tĩnh-Am Đại Sư dạy như thế này: Vì việc sanh tử sự đại, Phát Bồ đề tâm – Trì danh niệm Phật – Cầu sanh Tịnh-Độ.

Chắc chư vị có nghe qua câu này phải không? Chư vị có chép lại lời này vào trong sổ tay của chư vị không? Có lẽ nhiều người có chép. Chư vị có thấy thấm thía với lời dạy này của Tổ Sư không?… Tổ Sư dạy vì sanh tử là việc đại sự trong đời, hãy mau phát Bồ-

Đề tâm, trì danh hiệu A-Di-Đà Phật mà niệm để cầu sanh Tây- Phương Cực-Lạc. Lời dạy của Ngài là như vậy. Chư vị có hiểu thấu được tâm can của Tổ Sư không?…

Ngài Tĩnh-Am khi khuyên người niệm Phật, Ngài không ngồi như thế này để khuyên đâu, Ngài không đứng để khuyên đâu… mà chư vị biết là Ngài đã làm như thế nào không?…

Ngài quỳ xuống… Ngài chắp tay lại… Ngài khẩn nguyện: Chư vị đồng tu Phật tử ơi!.. Vì việc sanh tử vô cùng lớn lao, mong chư vị hãy Phát Bồ-Đề tâm, trì danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Quý vị thấy một vị Tổ Sư mà phải quỳ xuống, khẩn khoản cầu xin chư vị Phật tử hãy mau mau niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ.

Quý vị nghe vậy có thấm chưa?… Quý vị có hiểu được tại sao Ngài phải làm như vậy không?…

Trở lại Niệm Phật Đường A-Di-Đà ở Brisbane, Diệu-Âm không có lập cái bàn để uống trà nước. Có người tới khuyên rằng…

  • Anh nên làm một cái bàn nho nhỏ để một bình trà với mấy chén nước, nếu có khách tới thì mời họ uống trà…

Diệu-Âm trả lời:

  • Tại vì ngài Tĩnh-Am dạy, “Vì Sanh tử sự đại, phải phát Bồ- Đề tâm, Trì danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh-Độ”. Chớ Ngài không có dạy tiếp khách là quan trọng, phải lập cái bàn trà nước để tiếp đãi khách cho trang trọng là tốt.

Có một vị kia nói:

 

  • Tại sao ngày Tết cư sĩ không mở cửa để tiếp khách tới thăm viếng, mà còn dặn đồng tu niệm Phật cứ lo niệm Phật, những người tới thăm hãy mời vào trong Niệm Phật Đường lạy Phật, chứ chư vị đồng tu đừng bỏ tu mà ra tiếp khách. Làm như vậy thì Niệm Phật Đường sẽ vắng teo sao?...

Diệu-Âm trả lời:

  • Tại vì ngài Tĩnh-Am Tổ Sư dạy: “Vì Sanh tử sự đại, phải phát Bồ-Đề tâm, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tịnh-Độ”. Chớ Ngài không có dạy ngày Tết Nguyên-Đán là quan trọng, phải mở cửa ra tiếp khách mới là điều tốt. Ngài không có dạy như vậy…

Cho nên khi nghe một lời Tổ Sư dạy chúng ta cần chậm rãi nghiệm từng chữ từng chữ để thấm vào trong tâm lời dạy của các Ngài mới được…

Có một vị đến Niệm Phật Đường A-Di-Đà nói:

  • Tôi muốn tới Niệm Phật Đường này niệm Phật, nhưng thời khóa khuya của tôi là tụng chú Lăng-Nghiêm, Cư Sĩ phải sắp xếp để tôi tụng chú Lăng-Nghiêm chứ?…

Thì Diệu-Âm chắp tay lại nói:

  • Ngài Tĩnh-Am Đại Sư dạy: Vì việc sanh tử quá lớn, hãy phát Bồ-Đề tâm, chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ”. Là một người tu Tịnh-Độ, Diệu-Âm này nhất định phải y chỉ theo Tổ Sư Tịnh-Độ, chứ không dám làm sai lời các Ngài.

Xin chư vị nên nhớ câu “Sanh tử đại sự” nhé.

  • Vô cùng đại sự!…
  • Vô cùng quan trọng!…
  • Vô cùng dễ sợ!…
  • Vô cùng kinh hoàng đối với người phàm phu Phật tử đồng tu như chúng ta!…

Thấy vậy, vì thương chúng sanh mà Tổ Sư mới quỳ xuống nói rằng: “Chư vị Phật tử ơi! Việc sanh tử đối với chư vị nó lớn dữ lắm…”. Chư vị nghĩ coi, nó lớn là lớn đối với chúng ta chứ đâu phải lớn đối với Ngài. Ngài là Tổ Sư rồi, Ngài muốn đi thì đi, Ngài muốn ở thì ở, sự việc này đối với Ngài đâu có lớn lao như đối với chúng ta nữa. Ấy vậy mà Ngài phải dùng cách “Phục Nguyện” để nói với chúng ta. Hàng Phật tử phàm phu như chúng ta hãy nhớ rằng, một khi chết rồi mà không được phần giải thoát, thì vô lượng vô biên kiếp về sau ai lo cho chúng ta trong cảnh khổ đau đây?…

Vậy thì xin hỏi rằng, phát tâm tu hành chư vị niệm Phật ở Niệm Phật Đường để làm gì đây?… Chư vị đã thực sự vạch ra mục đích rõ ràng của việc tu hành là gì chưa?… Nếu chư vị nghĩ rằng đi tu là để phá nghiệp thì hãy ngày đêm lo phá nghiệp. Tốt đấy. Nhưng đối với người niệm Phật, thì Tổ Sư của Tịnh-Độ-Tông nhắc nhở rằng: “Sanh tử là đại sự”, chớ các Ngài không nói “Phá nghiệp là đại sự”.

Các Ngài nói: Phát Bồ-Đề tâm, trì danh hiệu Phật A-Di-Đà cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạcmới là điều chính yếu của một người phàm phu tục tử muốn một đời này thoát ly sanh tử luân hồi, một đời này không còn lăn lộn trong cảnh sanh-sanh tử-tử để chịu đọa lạc ba đường ác đạo, chớ các Ngài không có nói phá nghiệp là quan trọng, các Ngài không nói phải lo tụng chú, phải lo tụng sám để tiêu nghiệp mới là quan trọng. Các Ngài không nói như vậy.

Tại vì sao?… Tại vì tự phá nghiệp tu chứng quá khó đối với hàng phàm phu! Tại vì tu Tịnh-Độ, các Ngài đã hiểu rõ cái “” Tịnh-Độ là sao, cái “Sự” Tịnh-Độ là như thế nào, đã đưa một lời khuyên thẳng tắt cho người niệm Phật trong một đời này vãng- sanh Tịnh-Độ, viên thành Phật đạo…

Người tu Tịnh-Độ mà không chịu theo Tổ Sư Tịnh-Độ, lại theo các pháp tự phá nghiệp tu chứng. Tại sao chúng ta không chịu y cứ theo Tổ Sư Tịnh-Độ để lo chuyên nhất niệm Phật, mà lo tìm cầu tới những pháp công phu thuộc căn cơ khác?…

Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật dạy: Phát Bồ-Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Đây là lời Phật nói trong kinh Vô-Lượng-Thọ. Như vậy Tổ Sư nói có khác gì Phật nói đâu. Phật nói với ai?… Phật nói với những người phàm phu tội chướng sâu nặng này.

Thời mạt-pháp này mà không trì vào câu A-Di-Đà Phật để đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì ôi thôi ức triệu người tu hành, tìm đâu ra một người chứng đắc?… Bạn muốn tự tu chứng thì hãy theo ức ức người tu đó để tìm cơ chứng đắc đi. Tốt chứ không xấu đâu,  nhưng khó lắm đó nhé. Còn người nào muốn thực sự đi về Tây- Phương thì nên lặng lẽ, âm thầm, quyết tâm mà “Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ”, một đời nhất định thành tựu đạo nghiệp.

Mấy ngày hôm nay Diệu-Âm thường hay nói rằng, tu hành ta phải có trách nhiệm cho chính tương lai vạn kiếp của mình, chứ không được tu vì nể vì, không được tu theo cảm tình. Có vài lần người ta tới than phiền với Diệu-Âm rằng…

  • Niệm Phật Đường của anh phải mở cửa cho khách vãng lai viếng thăm chứ.

Diệu-Âm nói:

  • Niệm Phật Đường có mở cửa đó chứ, nhưng chỉ mở trong những giờ phút không có thời khóa niệm Phật. Tức là buổi sáng 7:00 chúng tôi mới mở cửa, 9:30 đóng cửa, tới 11:30 mở lại đến 2:00 thì đóng để tu… Trong thời gian niệm Phật không nên tiếp đãi khách vãng lai thăm viếng làm chi. Người nào thật sự muốn vào Niệm Phật Đường tu thì mua một cái mở khóa, tức là cái máy bấm bấm đó, bấm cho cửa nó mở

Nhưng sau đó người ta cũng phàn nàn nữa: “Thật ra tôi cũng muốn đi vào mà không có chìa khóa”. Người ta khiếu nại quá, thôi thì Diệu-Âm cũng mở luôn đi cho rồi. Nhưng Diệu-Âm cũng nói trước, chư vị tới Niệm Phật Đường trong những thời gian đó đừng bắt những người đang niệm Phật ra tiếp chuyện. Tốt nhất, chư vị hãy vô trong Niệm Phật Đường niệm Phật đi, hãy nghe lời Tổ Sư dạy đi: Sanh tử sự đại, mau mau Phát Bồ-Đề tâm, niệm câu A- Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ”.

Có một vị kia dẫn cả một phái đoàn tới mười mấy người từ một Tiểu Bang khác tới thăm, tức là đi công du, đi hành hương sao đó… tới thăm. Tôi nói trước rằng trong khoảng thời gian đó nếu quý vị tới thăm thì cứ tự nhiên vào trong Niệm Phật Đường lạy Phật. Tại vì lúc đó là thời gian chúng tôi có công khóa. Chư vị đó hứa nhưng khi tới thì cứ đứng ngay tại cửa Niệm Phật Đường gõ cốc- cốc, cốc-cốc… Thành ra tôi đành phải ra, bỏ tu ra tiếp khách. Tiếp xong rồi họ về…. Mấy tháng sau họ lại xin tới thăm nữa. Tôi nói thẳng rằng, chư vị không nên đến thăm Niệm Phật Đường làm chi, tại vì đồng tu trong Niệm Phật Đường từ giờ đó… đến giờ đó… là họ đang niệm Phật và tôi cũng phải niệm Phật theo họ. Chư vị tới niệm Phật thì tốt lắm, còn tới thăm bắt tôi ra tiếp, không niệm Phật được… lỡ tôi mất phần vãng-sanh làm sao đây?…

Tôi nói như vậy có sai lắm không?… Nhưng tu hành không thể nào vị nể được. Phải vững tâm giữ đúng quy tắc của mình chứ. Vị nể tức là tu theo cảm tình. Theo cảm tình thì bị tình cảm trói buộc. Khi mất phần vãng-sanh rồi, thì những tình cảm này có cứu mình được không?… Những vị mà mình yêu thích đó có cứu mình được không?… Rồi những mối xã giao mà mình gieo ra đó cứu mình được không, thưa chư vị?…

Mau mau trực tỉnh cơn mê, nhất định y theo lời Tổ mà phát Bồ- Đề tâm. Những pháp chư Tổ Sư trong Tịnh-Độ-Tông dạy cho chúng ta không khó lắm đâu. Ngài Tĩnh-Am nói: “Trì danh niệm Phật, cầu sanh Tịnh-Độ” chính là Phát Bồ-Đề tâm đó.

Đơn giản là các vị hãy tin tưởng cho vững vàng vào lời Phật dạy, một lòng một dạ tha thiết nguyện vãng-sanh Tịnh-Độ là phát Bồ-Đề Tâm rồi đó. Cứ giữ vững Tín-Nguyện-Hạnh, Tín-Nguyện- Hạnh mà đi thẳng, nhất định một đời này vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc rồi ta đem cái tâm vãng-sanh để cứu độ chúng sanh, cứu độ vô-lượng vô-biên chúng sanh trong mười phương pháp giới. Chư vị nghĩ coi:

  • Công đức này lớn hơn hay là vị nể một chút tình cảm lớn hơn?…
  • Công đức này lớn hơn, hay xử sự khéo khéo một chút lớn hơn?…
  • Công đức này lớn hơn, hay là cảm tình một chút lớn hơn?…

Mong chư vị hiểu rõ điều này, muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nhất định đừng đổ thừa cho Ban-Hộ-Niệm, đừng đổ thừa cho một người nào khác cả. Mau mau tự mình kiểm lại vấn đề tu hành của mình. Phải nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật thì mới mong có hy vọng đi về Tây-Phương. Còn hơn nữa, xin nhắc lại, dù đã nhất hướng chuyên niệm đi nữa, dù đi đúng đường đi nữa, chư vị cũng phải liên kết với các vị đồng tu với nhau. Để chi vậy?… Hôm qua mình đã nói rồi:

Bây giờ tôi hiểu hết, nhưng lúc đó có thể tôi sẽ bị mê man rồi!…

  • Bây giờ tôi biết hết, nhưng lúc đó có thể tôi mù mù mịt mịt không biết gì nữa rồi!…
  • Bây giờ tôi sáng suốt lắm, nhưng lúc đó cái định của tôi cũng tiêu hết trơn rồi!..
  • Chính vì vậy mà khẩn nhờ chư vị giúp đỡ Hộ-Niệm cho tôi.

Người khỏe giúp người yếu. Người đang tỉnh giúp người đang mê. Người đang chạy ton ton giúp người nằm im một chỗ ngo ngoe không nổi. Được vậy mới có khả năng giúp người sắp chết định cái tâm lại mà niệm câu A-Di-Đà Phật để trở về Tây-Phương một đời thành đạo…

Nguyện mong chư vị mau mau tỉnh ngộ, nghiên cứu pháp Hộ-Niệm càng sớm càng tốt.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –