Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 33

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 33)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Bây giờ xin trở lại vấn đề hộ-niệm. Tôi nghe kể lại rằng, có một vị kia đi hộ-niệm, không biết vị này học hỏi ở đâu? Khi một người vừa chết mới có một tiếng đồng hồ, thì vị đó đến dùng cái pháp tiếp dẫn gì đó, bằng cách bảo gia đình đem tới một thau nước ấm ấm và một cái que củi dài cỡ 7-8 tấc. Vị đó nói: “Thân nhân trong gia đình cứ chắp tay niệm Phật đi để ta làm phép tiếp dẫn…”. Sự việc này cũng mới xảy ra gần đây thôi. Vị đó vẽ bùa, rồi dùng cái que củi đập… đập… đập… vào xác người chết. Đập nhẹ hay đập mạnh gì đó tôi cũng không rõ lắm. Đập từ chân đập lên tới đỉnh đầu. Khi đập lên tới đầu thì cái thân chết đó đã phun ra một vòi máu, tưới ngay vô mặt vị đó… Vị đó hoảng kinh liệng cây chạy tuốt ra ngoài… Xác một người đã chết một tiếng đồng hồ qua rồi mà còn có thể phun ra vòi máu. Có lẽ thần thức của họ quá tức giận nên mới sinh ra sự cố chăng?…

Nghiên cứu làm chi những phương pháp lạ lùng mà tự làm nên những chuyện sai lầm?… Trong khi Phật dạy rõ rệt rằng thời mạt pháp niệm Phật vãng-sanh. Người hộ-niệm hãy đến khuyên người ta đi, khuyến tấn người ta đi, khai thị hướng dẫn cho người ta đi… rồi thành tâm lạy Phật cầu Phật gia trì cho họ… Những điều này không chịu làm, lại đi làm những điều kỳ lạ để vướng nạn. Đừng tưởng rằng khi người ta chết rồi thì mình muốn làm sao cũng được không ai biết, coi chừng tạo nên đại tội…

Cách đây cỡ mấy năm, ở bên Úc có một vị kia tu hành cũng rất là tốt, tâm đạo rất cao, nhưng có lần vị đó tới than với Diệu-Âm rằng:

  • Thật ra bây giờ tôi đang phân vân nhiều lắm. Tại sao Hòa Thượng Tịnh-Không nói ánh sáng của Phật thì nhu nhuyễn, hiền hòa, không chói mắt, còn tôi nghiên cứu trong các sách kinh điển lại có chỗ nói rằng ánh sáng của Phật thì rất chói chang làm muốn nổ con mắt. Mà tôi còn biết thêm nữa, là trong kinh của Mật-tông nói Ngài Liên-Hoa Hóa-Sanh Bồ-Tát, có hình tướng dữ dằn lắm. Vậy tại sao mình đi hộ-niệm cho người ta, thì người vãng-sanh lại thấy A-Di-Đà Phật tướng hảo quang minh, ánh sáng nhu nhuyễn. Rõ ràng hai điều đối nghịch nhau. Bây giờ tôi không biết phải tin theo ai đây?…

Tôi mới nói:

  • Trời ơi!… Tu pháp môn niệm Phật, Phật dạy mình niệm Phật thì mình cứ lo niệm Phật đi. Không chịu lo niệm Phật, lại cứ lo nghiên cứu sách này, sách kia làm chi vậy?… Loạn hết!…

Trong khi ngài Tịnh-Không thường đưa ra những mẫu chuyện có tính khai thị mà ta không chú ý. Ngài là một vị Sư, một vị Sư mà đi bái một vị cư sĩ làm Thầy, mà vị cư sĩ đó còn đưa ra ba điều kiện mới chấp nhận. Điều kiện thứ nhất là:

  • Nếu Thầy cầm một quyển sách nào lên đọc, dù là kinh cũng vậy, phải cho tôi biết trước, tôi chấp nhận Thầy mới được đọc, tôi không chấp nhận Thầy không được đọc. Có chấp nhận điều kiện này không?…

Ta niệm Phật, thì Phật dạy: “Nhất hướng chuyên niệm A-Di- Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ”. Nhất hướng chuyên niệm thì sáng trưa chiều tối một câu A-Di-Đà Phật mà niệm tới đi. Ngài Triệt-Ngộ nói, ba Tạng kinh điển nằm trong câu A-Di-Đà Phật, thì:

  • Muốn nghiên cứu cho lý luận cao siêu thì đọc Tạng Luận. Một câu A-Di-Đà Phật là cả một đại Tạng Luận.
  • Nếu mà nói về giới luật, thì một câu A-Di-Đà Phật là cả một đại Tạng Luật.
  • Muốn thông về kinh điển, thì một câu A-Di-Đà Phật là cả một đại Tạng

Ấy thế mà không chịu niệm câu A-Di-Đà Phật để thành đạo, lại đi tìm hiểu nghiên cứu. Tu niệm Phật mà không chịu nghiên cứu kinh sách của Tịnh-Độ, lại nghiên cứu kinh sách khác để đưa đến tình trạng phân vân không biết đường nào mà đi. Chới với!… Suy nghĩ nhiều quá đến nhức đầu, không biết đâu mà tin. Chư vị thấy có oan uổng lắm không? Nếu một người hiền hòa lo niệm Phật, không mở sách lạ ra xem, thì làm sao bị vướng phải nạn hoang mang này?

Chính vì vậy muốn tránh được những chướng nạn này, theo như ngài Tịnh-Không dạy, người niệm Phật chúng ta nên cố tập làm người ngu ngu, ngơ ngơ… Đừng nên nghiên cứu nhiều quá. Nghiên cứu nhiều quá dễ đưa chúng ta đi tới chỗ gọi là “Tri kiến  thế gian”. Những người có nhiều tri kiến thế gian, khó tìm ra một người biết tin vào pháp niệm Phật. Đây là cái nạn “Sở-Tri- Chướng”. Nhất định!… Chắc chắn!… Không thơ văn trừu tượng, thì cũng triết lý hão huyền. Những thứ đó nghe qua thì rất hay, trong khi câu A-Di-Đà Phật thì trụi lủi trụi lui, khô queo, làm sao mà động tới tâm của họ.

Đi phải có đường, về phải có đích. Tu hành thì trong tâm của ta phải có chủ định. Khi tâm chúng ta đã có chủ định rồi, thì khi lật bất cứ một quyển sách nào ra, cái tâm của chúng ta cũng không có bị quyển sách lôi đi… Nghe một ý kiến lạ nào cũng không thể để ý kiến đó làm tâm giao động… Cũng giống như trồng một cái cây mà gốc không vững, gió xô bên đông ngã qua bên đông, gió thổi bên tây ngã qua bên tây… Cây mà bị lắc qua lắc lại, thì chẳng mấy chốc sẽ bị trốc gốc liền. Trốc gốc thì cây sẽ bị chết thôi…

Chính vì vậy tôi mới nói với vị đó:

  • Anh lập Niệm Phật Đường mà tâm anh còn chao đảo như vậy, thì làm sao những vị đồng tu tới niệm Phật với anh họ vững tâm được? Chính anh đã không vững tâm trước mà sinh ra tình trạng chao đảo. Tất cả những kinh Phật nói điều có sự ứng trị riêng. Kinh đó không ứng trị cho ta mà ta xem thì liền bị phân tâm, nếu thực hành theo thì không hợp cơ. Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Anh thích nghiên cứu, thì khi gặp hai lý đạo trái ngược nhau, tại sao anh không trực nhớ đến câu này: “Tất cả đều do tâm tạo”.

Tại sao một vị Bồ-Tát trong kinh của Mật-tông được diễn tả với tướng mạo thật dữ dằn? Những vị thần Kim-Cang Tát-Đỏa ở trong Mật-tông, vị nào vị đó cũng hùng dũng dữ tợn, không có hình tướng hiền từ. Tại sao vậy?… Đây là sự biểu tượng cương quyết đối trị với nghiệp chướng, gọi là “Sát tặc” đó.

 

Ngài Tịnh-Không nói, người tu theo Mật-tông là phải xăn tay áo lên, rút kiếm ra lăn vào trong rừng địch để sát tặc, tức là diệt nghiệp. Hễ thắng thì mình được, mà thua thì mình queo. Một là được, hai là mất. Một là lên, hai là xuống. Chiến đấu quyết liệt. Những pháp tu này chỉ dành cho người căn tánh thượng thừa, ý chí dũng liệt mới có thể làm được. Ngài nói, cỡ hàng Thất Địa Bồ- Tát trở lên mới có khả năng làm nổi. Mình là một phàm phu tục tử, với thứ kiếm cùn sét, làm sao dám lăn vào rừng địch đây? Mà muốn sát, thì sát được gì?… Vì thế, những cảnh giới đó thực sự không phải là cảnh giới cho ta mơ tới.

Ta tu niệm Phật là ta trở về cái hậu phương an lành, không đối diện với địch thủ…

Người tu hành thanh tịnh, tâm địa hiền hòa thì có Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ che chở nên những oán thân trái chủ không bao giờ đến gần được, nhờ vậy mà chúng ta đang ở trong môi trường hiền hòa, thanh tịnh để vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Còn người tu tự lực thì phải chịu nhiều thử thách cam go.

Quý vị có thể so sánh những hoạt động trong cuộc sống để hiểu về cảnh giới. Ví dụ như trong chiến tranh, những người lính chiến ngoài trận địa thì lúc nào bên cạnh cũng có ít ra khẩu súng lục, quả lựu đạn hoặc một dao găm… Họ trang bị nhiều thứ vũ khí để sẵn sàng chiến đấu. Khi thấy một người lạ lảng vảng tới, thì họ chuẩn bị bóp cò liền… Còn một người ở tại hậu phương như mình, khi thấy một người xa lạ tới, ta liền tới thăm hỏi, tìm cách giúp đỡ: “Tại sao đêm tối lạnh lẽo mà bác còn đi ngoài đường vậy?…”. Ta sẵn sàng mời họ vào nhà uống trà, đàm đạo.

Tại sao mình có tâm thái an hòa này? Vì mình ở hậu phương hiền hòa. Tại sao một người ngoài mặt trận lại sẵn sàng bắn giết? Vì họ ở trong hoàn cảnh đấu tranh.

Dữ hay hiền ở tại tâm. Tất cả mọi cảnh giới đều do tâm tạo là như vậy đó.

Nếu tự mình muốn sát nghiệp, muốn diệt nghiệp để thắng cuộc, thì vô tình mình trở thành một chiến sĩ kiên cường nơi chiến trận. Sống trong sự đấu tranh để sống còn, nên khi thấy một người nào đến cũng không dám đơn giản nghĩ rằng người đó là bạn. Lòng đầy nghi ngại thành ra phải chuẩn bị sờ tay lên cò trước… Còn những người ở tại hậu phương sống trong hoàn cảnh hiền hòa, nên họ thấy người nào cũng hiền hết. Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Cảnh giới ứng hiện trong tâm cũng giống như vậy, chứ không có gì khó hiểu lắm đâu.

Khi hộ-niệm cho người vãng-sanh về Tây-Phương, mình thường nói:

  • Bác ơi!… Bác hãy thành tâm niệm Phật. Khi ra đi thì đi theo A- Di-Đà Phật. Ảnh tượng của Ngài đó, Ngài sẽ hiện ra như vậy. Hào quang của Ngài hiền hòa lắm, nhu nhuyễn lắm. Khi tiếp xúc với quang minh của Ngài thì tự nhiên tâm hồn của mình an hòa, sáng sủa ra, không bị sợ hãi… Còn khi tiếp xúc ánh sáng của ma thì tự nhiên mình cảm thấy sợ hãi. Ánh sáng của ma vương có gai làm mình bị nhức mắt, giống như nhìn thứ ánh sáng của những người thợ hàn vậy. Xẹt-xẹt… Xẹt-xẹt… Chói mắt lắm!…

Cảnh giới ứng hiện này khác nhau tùy theo pháp tu hành của mỗi người. Người “Tự Lực” tu chứng thì cảnh giới dữ hay hiền thật là khó đoán. Nó vẫn còn là một điều thử thách. Còn người tu theo pháp “Nhị Lực” hành trì theo cảnh giới hiền hòa, không bao giờ đối địch với bất cứ một người nào, được Phật lực gia trì nên cảnh giới dữ hay hiền đã được phân minh. Ví dụ như khi đi hộ-niệm, ngay cả với những vị oan gia trái chủ của người bệnh:

  • Chúng ta cũng không được quyền đối đầu với họ.
  • Chúng ta cũng không được nặng lời với họ.
  • Chúng ta cũng không được quyền áp bức họ.

Cách hành xử này hiền hòa, không có sự đấu tranh.

Có những người khi hộ-niệm cho người bệnh vãng-sanh Tịnh- Độ mà sơ suất không thực hiện pháp tu hiền hòa. Ví dụ như khi gặp chuyện oán thân trái chủ nhập thân trả thù người bệnh, thì người hộ-niệm lại làm dữ với họ. Gặp vậy, tôi nói:

Không được!… Không được!… Nếu chư vị làm như vậy thì chư vị tự gây nên chướng nạn ráng mà chịu lấy nhé

 

Xin nhớ rằng, oán thân trái chủ tuy mạnh đó, nhưng chúng ta có chừng 3-4 người thì có thể áp chế họ được rồi, không khó, nhất là những người niệm Phật, 3-4 người cùng nhau niệm Phật một thời với cái tâm quyết đối trị cái vong này, thì cái vong đó cũng phải chịu thua thôi, đừng nói gì đến nhiều người cùng niệm. Nhưng cách xử sự như vậy không phải là chánh pháp, không phải cách tu hiền  hòa!…  Người  hộ-niệm  phải  áp  dụng  phương  pháp  gọi  là “Điều-Giải” mới tốt, nghĩa là nói rõ về nhân-quả cho họ biết, nói rõ làm thiện được thiện báo, làm ác phải nhận ác báo. Cố gắng khuyên họ nên buông những oán thù này mà thành tâm niệm Phật để được cùng nhau siêu thoát. Nếu họ không siêu thoát kỳ này thì khi người bệnh vãng-sanh Tây-Phương rồi cũng sẽ trở về đây cứu độ họ. Nhắc nhở cho họ biết rằng chính Chân-Tâm của họ cũng là một vị Phật chứ không phải gì khác, mà vì mê muội rồi nên chấp vào tình thức mà thành ra chịu cảnh khó khăn như ngày hôm nay…

Chúng ta phải đem tất cả lòng chân thành ra giảng giải để cho họ cảm thông mà buông xả oán thù, chứ không được chống đối họ. Có người nghĩ rằng, muốn hộ-niệm thì chúng ta cần phải có một năng lực nào đó rất mạnh mới làm được. Mạnh như một ông tướng ở giữa sa trường, nói ra một câu làm cho quân binh phải run sợ. Trong kinh có nói, “Thuyết pháp sư tử  hống”, đối với oan gia trái chủ ta  chỉ cần hét  lên một tiếng như “Sư tử  hống”  thì  oan gia trái chủ dạt ra, không dám rục rịch nữa.

Tôi nói: “À!… Muốn làm vậy thì quý vị cứ làm đi. Rồi chờ đến cuối đời sẽ thấy thế nào gọi là lợi, thế nào gọi là hại”...

Xin thưa với chư vị, chúng ta dùng pháp Phật để cứu độ chúng sanh một cách bình đẳng, không bức hiếp một vị nào, không đặc ưu cho người nào. Hãy có tâm nguyện cứu hết tất cả mọi người. Đối với người bệnh ta phải cố gắng cứu họ, nhưng với oan gia trái chủ chúng ta cũng thành tâm cứu họ luôn. Nếu tâm của chư vị đại từ đại bi, chư vị nói những lời hết sức hiền hòa, nhưng oan gia trái chủ vẫn dễ dàng thông cảm.

Thường thường những vị tu hành chân chánh có đức độ, họ tới chỉ nói vài lời nhẹ nhàng, không có gì kiêu kỳ, ví dụ:

 

Thôi chư vị ơi!… Đánh phá nhau làm chi vậy mà tạo thêm tội nghiệp?… Thôi thì, bây giờ hãy nghe lời tôi mà buông bỏ đi, cùng nhau niệm Phật. Tôi sẽ khuyên các vị đồng tu hồi hướng công đức cho chư vị…

Lời nói nhẹ nhàng, ấy vậy mà chư vị oán thân trái chủ đó lại: “Dạ dạ!…” rồi đi mất… (Hì-hì!…). Thực sự các Ngài có nói gì lớn lao đâu…

Người tu hành chớ nên thực hiện những cách xử sự cứng rắn quá mà gây điều tội nghiệp. Ví dụ, có một lần Diệu-Âm gặp một trường hợp, khi người bệnh gặp phải nạn oán thân trái chủ, cái vong nhập vào phá rối. Vị đó tới hộ-niệm mà nói như thế này:

  • Ta nói cả tiếng đồng hồ mà không chịu nghe phải không?… Ngay cả “Ta” nói mà cũng không nghe nữa sao?… Tưởng rằng Ta chịu thua à?… Bây giờ có nghe lời không?… Không nghe thì Ta trục ra. Ta có cách trục…

Thua rồi!… Thua rồi chư vị ơi!… Nói như vậy thì thua rồi!… Hộ- niệm cách này tưởng rằng đang tạo phước, nhưng sơ ý đã tạo ra họa rồi!…

  • Tạo họa cho người bệnh đó!…
  • Tạo họa cho gia đình của người bệnh đó!…
  • Mà coi chừng còn tạo họa cho chính mình nữa đó!…

Cái ách nạn của người ta lại mang vào mình rồi. Chư vị nghĩ thử có đúng không?…

Mong chư vị hiểu được vấn đề này mà hết sức cẩn thận. Hãy đem cái tâm hiền lành từ bi ra mà đối xử với nhau mới tốt. Phật đại từ đại bi, nhất định chúng ta cũng nên cố gắng tập cái tâm từ bi mà thương khắp chúng sanh. Đừng bao giờ thấy một cái vong nào đó nhập vô người bệnh, mình lại cho rằng cái vong đó là “Ma”. Không phải vậy đâu. Hòa thượng Tịnh-Không dặn rằng, chúng ta không được gọi một người nào là ma cả.

Có một lần về Việt Nam, tôi bị chị Diệu-Thường cài tôi vào một thế kẹt. Chị nói:

– Sư Huynh Diệu-Âm ơi!… Có mấy vị này hâm mộ Sư Huynh lắm. Họ muốn đãi Sư Huynh một chầu phở rất ngon.

 

Nghe nói đến chầu phở ngon thì tôi nhận lời liền, bảo đảm, dẫu cho chỉ đãi nửa chầu phở tôi cũng đi. Ăn ngon thì nỡ nào từ chối. (Hì-hì!…). Tới nơi, người ta đem phở ra. Vừa bắt đầu ăn thì chị mới giới thiệu tới 3 người con gái cỡ chừng hai mươi mấy, ba chục tuổi gì đó… Chị bắt tôi khai thị giùm cho 1 trong 3 cô này…

Trời ơi!… Chết rồi!… Tôi là một phàm phu mà làm sao khai thị được!…

Cô đó không phải bình thường như mọi người. Cô bị một cái vong hàng đêm luôn luôn tới làm tình với cô ta. Sự việc đã trải qua gần 12 năm rồi. 12-13 năm gì đó rồi…

Trời ơi!… Tôi bị dồn vào thế kẹt!… Tôi đã ăn lỡ tô phở rồi, bây giờ biết làm sao đây?… Tôi kêu thầm trong bụng: Trời ơi!… Tham chi một tô phở mà bây giờ đành chịu đắng cay!

Từ hồi giờ tôi có từng khai thị về chuyện này đâu mà giờ này lại bắt tôi phải làm chuyện này?… Nhưng tô phở thì đã ăn hết một nửa rồi. Còn người đó tới gặp tôi, không biết chị Diệu-Thường đã giới thiệu sao đó, mà khi vừa gặp tôi thì cô đó tỏ vẻ sợ đến run lên. Thấy vậy tôi nói:

Thôi thôi!… Đừng sợ!… Đừng sợ!… Gặp tôi thì chuyện gì cũng xong hết!… (Hì-hì!…).

Tôi nói như vậy là để vực tinh thần người ta lên, xóa bớt cảnh run sợ đi. Nhưng vừa nói xong tôi mới hay là tôi đã nhanh mồm nói ẩu. Chết rồi!… Chết rồi!… “Gặp tôi chuyện gì cũng xong hết” là nói ẩu. Cái mồm thèo lẻo làm tôi mang nợ nữa rồi. Thực sự có những chuyện xảy ra hết sức bất ngờ, không kiểm soát được.

Xin thưa chư vị, tôi chỉ biết cách điều giải trong pháp hộ-niệm chứ không biết gì khác hơn. Gặp trường hợp này quá bất ngờ, tôi đành làm liều, lấy phương pháp điều giải ra hướng dẫn cho cô. Đầu tiên, tôi khuyên cô ta nên thương đến người vì mình mà không chịu đầu thai. Vì chữ ái mà họ đành phải sống trong cảnh giới khổ sở lắm, chứ không vui vẻ gì đâu để đến với mình trong mười mấy năm qua. Mình hãy thương hại họ, hãy thông cảm cho họ, đừng nên khinh miệt hay lo sợ về họ…

 

Hồi nãy có một vị nào đang lúc ăn cơm nói sợ ma. Bắt đầu từ nay xin khuyên rằng không được sợ ma nữa nhé. Tại vì ma ở đâu, chư vị biết không? Ma-Phật, Phật-Ma ở tại tâm này.

  • Một cái tâm duyên với “Chúng sanh”. Tâm này thành “Ma”.
  • Một cái tâm duyên với “Phật”. Tâm này thành “Phật”.

Như vậy, Phật-Ma hay Ma-Phật ở tại tâm này. Mình sợ “Ma” là vì mình cảm thấy ghê tởm người đó, mình cho người đó là xấu, là ác, là nhơ bẩn như Ma. Chứ nếu mình biết rằng họ cũng là một vị “Phật” mà lỡ mê lầm nên mới lạc vào cảnh giới đó và đang chịu khá nhiều khổ đau. Hiểu được vậy thì mới thấy thương họ. Mình thương họ mới tìm cách giải cứu cho họ thoát cảnh khổ đau này. Trong cảnh khổ đau họ rất dễ ngộ, mình hãy thành tâm khuyên giải một vài lời cũng có thể làm cho họ ngộ ra. Tôi hướng dẫn cho chị đó, chị về thực hiện liền. Sau đó 3 ngày, ba chị em người đó (một người bị nạn, còn hai người kia không bị) tới báo với tôi là ách nạn đã hết rồi…

Tôi không có làm điều gì đặc biệt cả. Tôi chỉ bày vẽ cách điều giải mà thôi. Đại khái, tôi dặn đêm nay về chị hãy nói với người trong mộng đó rằng:

  • Tôi với anh cũng có cái duyên với nhau. Anh vì thương tôi mà không chịu đi đầu thai, đành phải ở trong cảnh giới lạnh lẽo. Anh đến với tôi 12 năm qua, chúng ta trộm lén với nhau lâu quá rồi. Người đời không biết, nhưng tôi với anh phải biết… Thôi, từ nay mình đừng tiếp tục làm như vậy nữa… Anh phải lo niệm Phật cầu vãng-sanh nước Cực-Lạc đi, tôi hồi hướng công đức cho anh. Nếu anh quyết tâm niệm Phật, anh về Tây-Phương trước thì trở lại đây cứu tôi với. Còn tôi vãng-sanh trước thì trở lại cứu anh. Chúng ta cùng nhau làm bạn đạo trên Tây-Phương, thành đạo sướng hơn. Chứ còn anh tham luyến cảnh này, thì khi tôi chết anh sẽ kéo tôi xuống với anh, chúng ta sẽ lang thang đầu đường xó chợ, núp gốc cây này, núp gốc cây khác, khổ đau đời-đời kiếp-kiếp, có sướng ích gì đâu?…

Diệu-Âm dặn chị đó hãy nói thẳng với họ. Tôi còn dặn 2 người chị em kia cũng thành tâm thắp nhang khấn nguyện giùm cho vị này. Tôi khuyên họ đừng có sợ nữa. Không có gì phải lo sợ hết. Cứ làm vậy đi. Họ đã làm như vậy, 1 ngày… 2 ngày… đến ngày thứ ba thì tới báo cho tôi biết là sự việc đã giải quyết xong rồi…

Tại sao lại dễ dàng vậy?… Có lẽ những người đó đã thành tâm làm. Trong khi cũng có người gặp chuyện tương tự, tôi bày như vậy mà họ không chịu làm. Thời gian 4-5 năm qua không giải quyết được gì cả. Tôi lo sợ rằng, hết cả cuộc đời này cũng không gỡ được. Đây là vì không biết con đường hòa giải. Hãy đem cái tâm chân thành, chí-thành, chí-kính ra mà điều giải đi chư vị ơi.

Ngài Ấn-Quang nói: “Chí-thành chí-kính là cái đạo nhiệm mầu đưa cho chúng ta thành đạo”, thành đạo cho chúng ta, thành đạo cho chúng sanh luôn. Việc hộ-niệm thực sự chúng ta cũng chỉ đem cái tâm chân thành, chí-thành, chí-kính ra khuyên người bệnh, khuyên những vị oan gia trái chủ, khuyên pháp giới chúng sanh cùng nhau niệm Phật cầu vãng sanh mà thôi.

Nếu mà quý vị làm đúng như vậy, trong lúc mình hộ-niệm mà nhiều người thành tâm như vậy, biết chừng đâu chư đại Bồ-Tát đang phóng quang gia trì. Trong cái pháp hội đó, tôi nói chữ “Pháp Hội” chứ không phải chuyện thường, có chư Thiên-long Hộ-Pháp gia trì cho mình, mình nói một lời nhưng các Ngài hỗ trợ giúp cho các vị oan gia trái chủ ngộ ra, không ngộ cũng phải ngộ, các Ngài có cách làm như vậy. Cũng giống như chuyện bà Sáu què, bà không có một người nào bên cạnh để hộ-niệm, nhưng thực ra hình như đã có người hộ-niệm trong đó. Con cháu trong gia đình đều chống đối việc niệm Phật, thì khi bà ra đi là lúc con cháu không có ở nhà. Tại sao con cháu trong ngày giờ đó lại cùng nhau bỏ đi hết?… Chẳng lẽ lại có sự ngẫu nhiên lạ lùng vậy sao? Đúng không?… Lạ lắm chư vị ơi!… Hình như đều có sự sắp xếp. Nhất định phải có lòng chí-thành chí-kính mới được. Lòng chân thành mới được hưởng sự gia trì này. Còn người không chân thành thì tự lực mà chứng đắc lấy. Khó lắm đấy nhé.

Bây giờ đây cũng đã hết giờ rồi, mong chư vị chú ý lắng nghe những lời nói hết sức đơn giản và mộc mạc này. Chúng ta quyết lòng vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc…

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –