Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 41

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 41)

 

Nam Mô A Di Đa Phật

Có cơ hội gặp được pháp môn Niệm Phật mong chư vị phải ráng bám cho chắc, bám cho chánh, bám cho vững để con đường tu của chúng ta đúng nghĩa là đi tắt, đi ngang, đi thẳng về Tây- Phương Cực-Lạc, rồi muốn chứng đắc gì đó sẽ tính sau, đừng mong cầu chứng đắc gì ở đây cả…

Hôm trước mình nói rồi, ở đây muốn tu chứng là ta đi theo đường dọc. Khó lắm đấy. Có người tu 20 năm 30 năm rồi chứng được một cảnh giới gì đó, họ đến gặp tôi và nói rằng:

Tôi thấy được đời trước của anh đấy

Tu hành tới hai mươi mấy năm mới chứng đắc gì đó mà thấy được đời trước của người khác, thì có lẽ cũng thấy được đời trước của mình chứ. Tốt đấy.

  • Nhưng còn đời sau có thấy được không?…
  • Không thấy.
  • Ồ!…Tiêu rồi!… Tương lai mà không biết mình đi đâu thì tu hành làm chi cho cực vậy?…

Chi bằng hãy lo niệm Phật đi thẳng về Tây-Phương, tới đó không chứng cũng chứng, không thấy đời trước cũng thấy, thấy tới vô lượng kiếp về trước chứ đâu phải chỉ thấy có một đời. Vậy thì tại sao cứ ở lại đây tìm cách tu tập để được chứng đắc chút chút làm chi?… Hãy về trên Tây-Phương trước. Xin nhớ lấy điều này.

Niệm Phật rồi, nhưng xin thưa với chư vị, vì nghiệp chướng của chúng ta còn quá nặng, oan gia trái chủ của chúng ta còn quá nhiều, nên ngày ngày phải lo hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh, hãy tạo cái duyên để sau khi chúng ta vãng-sanh về Tây-Phương thành đạo rồi sẽ đi cứu họ. Tạo duyên lành cho họ trước, hồi hướng cho chư vị oan gia trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp luôn, hồi hướng liền bây giờ đi, đừng nên sơ ý. Ngày nào cũng phải hồi hướng hết, để giải tỏa cái nạn thù hằn truyền kiếp. Hồi hướng bằng công đức gì? Bằng câu “Vạn đức hồng danh A-Di-Đà Phật”, chứ không cần gì khác.

Mình đọc một bài kinh cũng có công đức, nhưng một chữ trong kinh chưa có tới vạn đức đâu. Nếu thay thế từng chữ từng chữ trong kinh đó bằng câu “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…”, thì công đức sẽ chồng lên, chồng vạn-vạn lần lên. Tâm chân thành thì công đức này sẽ viên mãn, nhờ thế mới có thể xóa được những oán hận của chư vị oan gia trái chủ, mới bù lại những sơ suất, những mê mờ chúng ta đã làm. Ngoài câu A-Di-Đà Phật, tìm đâu ra công đức nào khác có thể so sánh được.

Xin chư vị nhớ cho, tạo được công đức khi nào chúng ta có Giới-Định-Huệ. Nếu cái tâm của chúng ta mà lao chao thì đọc một bài chú không có công đức đâu, không có phước đâu. Nếu đọc một bài kinh mà cái tâm chúng ta đang loạn, đang tức, đang buồn, đang bị khó khăn cái gì đó… thì cũng khó đem lại một công đức đúng nghĩa của bài kinh. Nỗi khổ nhất là tâm chúng ta thường xuyên bất tịnh. Tâm bất tịnh thì tụng kinh là miệng tụng, còn tâm thì động loạn, chao đảo. Vì tâm cơ quá yếu, nên thời gian mà định được của tâm ta cũng ngắn ngủi vô cùng. Người phàm phu chúng ta nên biết lợi dụng cơ hội “định-định” ngắn ngủi này mà tạo công đức. Như vậy thì một câu A-Di-Đà Phật rõ ràng thích hợp. Nếu niệm nhanh thì một giây niệm được 3-4 niệm, niệm chậm thì một giây cũng niệm được một niệm. Có nhiều lúc trong một giây đó tâm ta định được, hễ định được chỗ nào thì câu Phật hiệu có công đức chỗ đó. Như vậy câu niệm Phật thật sự hợp với hạng phàm phu của chúng ta.

Các vị thượng căn thượng cơ, có vị ngồi trong định 2-3 năm, có vị ngồi trong định vài ba tháng, các Ngài đạt được mức định như vậy mới có nhiều công đức. Nếu được định như vậy mà các Ngài niệm câu A-Di-Đà Phật, thì nhất định các Ngài sẽ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thượng phẩm, Thật-Báo Trang-Nghiêm độ, 1 ngày 2 ngày các Ngài thành đạo, thành Đẳng-Giác Bồ-Tát.

Ta là hàng phàm phu tục tử, tụng một bài kinh, tụng hoài tụng hoài tụng hoài, tụng năm này qua năm khác mà cũng không thuộc.

 

Tại sao không thuộc?…Tâm này loạn hết trơn rồi. Vì không thuộc nên tụng vấp lên vấp xuống. Tụng vấp lên vấp xuống nên phiền não xảy ra. Tụng kinh mà tâm phiền não nên công đức yếu, công đức yếu nên không đủ bù vào những cái tai hại mà chúng ta đã gây cho chúng sanh. Và còn gì nữa?… Đã là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng mà không biết rõ đường nào giải thoát, đến lúc nằm xuống xin hỏi chư vị, làm sao tránh khỏi ách nạn?!… Ví dụ, như hồi sáng này chúng ta tụng kinh A-Di-Đà. Phật nói người tụng kinh A- Di-Đà được 10 phương chư Phật hộ-niệm. Nhưng mình cứ mãi tụng kinh A-Di-Đà, khi sắp chết cứ tiếp tục tụng kinh A-Di-Đà mình có được vãng-sanh không?… Không đâu. Tại sao vậy?… A-Di-Đà Phật không phát nguyện như vậy, mà Ngài phát nguyện rằng: Trước phút lâm chung, chúng sanh niệm danh hiệu của Ngài 10 niệm cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì được vãng-sanh. Căn cứ vào điểm này mình sẽ biết chỗ nào là sơ suất, chỗ nào là chính xác.

Niệm câu A-Di-Đà Phật nhập tâm cầu sanh Tịnh-Độ chính là con đường đi thẳng, là chính xác. Không niệm câu A-Di-Đà Phật là con đường sơ suất. Tu như vậy, nếu nói về phước báu chúng ta có thể có, nói về phá phần nào nghiệp chướng chúng ta có thể có, chứ con đường vượt thoát nghiệp chướng để vãng-sanh Cực-Lạc thì nhất định bị vướng rồi.

Trong các cuộc tọa đàm, Diệu-Âm thường hay nhắc nhở đến ông Trịnh-Văn-Hải ở tại nước Đức này. Vào năm 2009 Diệu-Âm có duyên gặp được, trước những ngày sắp chết ông muốn tụng kinh A-Di-Đà, tôi nói:

Thôi!… Bây giờ không cần tụng nữa. Anh ơi!… Vì chỉ còn có mấy ngày nữa thì anh phải chết rồi. Trong vòng mấy ngày này, thường khi người ta phải nằm mê man bất tỉnh mà chết, thế mà anh được tỉnh táo như thế này thì thật là tuyệt vời. Tại sao anh không vận dụng tất cả những giây phút tỉnh táo còn lại này mà niệm câu A-Di-Đà Phật. Trong kinh A-Di-Đà, Phật dạy cho chúng ta phải niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Vậy thì anh hãy thành tâm niệm Phật đi, niệm không được Nhất-Tâm-Bất-Loạn thì nhờ vào tâm chân thành của anh, A-Di-Đà Phật sẽ phóng quang tới gia trì cho anh, trước khi xả bỏ báo thân anh sẽ nhất tâm niệm Phật, anh sẽ được vãng-sanh. Tôi nói vậy anh thấy có đúng không?… Nếu thấy đúng thì anh hãy nghe lời tôi, mau mau buông kinh này xuống. Anh niệm một câu A-Di-Đà Phật là anh tụng cả bộ kinh rồi…

Anh có cơ duyên niệm được câu Phật hiệu trong thời gian rất ngắn, chỉ có mấy ngày trước khi chết, mà ra đi để lại thân tướng đẹp bất khả tư nghì.

Trong thời khóa tu của chúng ta có tụng kinh A-Di-Đà, mục đích là để khóa lễ trang nghiêm và giúp cho tâm tịnh lại trước khi chuyển qua niệm Phật, đây là điều tốt. Còn pháp niệm miên mật thì không cần tụng kinh A-Di-Đà nữa. Chúng ta niệm thẳng vào câu Phật hiệu luôn. Phải đi gần, đi nhanh, đi tắt, đi thẳng vào mục tiêu liền. Nếu tâm không quyết liệt mà đi, sợ rằng một sớm một chiều cái thân này, cái cục thịt này nó mãn hạn làm sao chúng ta kịp thời được giải thoát đây chư vị?…

Xin tỉnh ngộ. Mong chư vị hiểu thấu vấn đề, câu A-Di-Đà Phật không thể rời khỏi tâm này.

Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói:

  • Từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng đi đứng nằm ngồi đều phải niệm câu A-Di-Đà Phật…
  • Nói nín cũng phải niệm câu A-Di-Đà Phật…
  • Ngồi nằm cũng phải niệm câu A-Di-Đà Phật…
  • Đang ở trong nhà vệ sinh cũng phải thầm niệm câu A-Di-Đà Phật…
  • Nhất định không niệm cái gì khác cả.

Rồi sao nữa?…

  • Việc nhà của ta ta làm, việc nhà người khác người khác làm.
  • Ai làm sai kệ họ, mình khỏi lo tới làm chi…

Cứ giữ cái tâm hạnh này mà tu…Ngài nói người nào cũng được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hết.

Quý vị có thấy Tổ Sư nói đơn giản, mộc mạc, trực tiếp đi thẳng vào vấn đề không? Ngài có triết lý gì cao siêu trong đó đâu?…

 

Nhưng đây thực sự là pháp cho chúng ta vãng-sanh đó. Cái cao siêu chính là người nào biết y giáo phụng hành, dám mạnh dạn buông xả những thứ rườm rà của thế gian này xuống… Trong kinh Kim-Cang Phật nói: “Pháp thượng ưng xả”, (Biết đường thành đạo thì pháp Phật cũng phải buông xuống). Có lần ngài Tịnh-Không nói, nhiều khi pháp Phật cũng rườm rà luôn, lúc biết được con đường đi về Tây-Phương Cực-Lạc rồi, thì tất cả pháp Phật cũng phải biết buông xuống để đi vãng-sanh…

Qua sông liệng bè. Mình qua sông chưa?…

Người nào niệm Phật người đó qua sông. Niệm Phật là qua sông. Tu hành là tìm đường đi thẳng vào Chân-Tâm Tự-Tánh. Chân-Tâm Tự-Tánh của chúng ta là A-Di-Đà Phật, ta thành tâm niệm A-Di-Đà Phật thì Chân-Tâm Tự-Tánh ứng hiện. Ứng hiện tức là đã qua sông, đâu phải đợi cái thân chết rồi mới qua sông.

Cho nên:

  • Người nào quyết lòng niệm Phật là người không còn tử nữa rồi. rồi. rồi.
  • Người nào quyết lòng niệm Phật là người không còn bệnh nữa

 

  • Người nào quyết lòng niệm Phật là người không còn lão nữa

 

Còn người không quyết lòng niệm Phật thì nhất định những cảnh khổ này sẽ đến liền trước mắt. Chắc chắn. Người nào quyết lòng niệm Phật nhất định những cái khổ: Già, Bệnh, Chết không còn nữa. Vì sao?… Vì càng già tôi càng niệm Phật. Vì càng bệnh tôi càng ngộ đạo, càng ngộ đạo tôi càng vui thích. Sự vui thích chính ở chỗ tôi thấy rằng, nhờ cái bệnh này tôi mới sớm xả bỏ được cái thân thịt này mà về với Phật. Cái thân thịt nó đòi hỏi rằng, muốn xả bỏ nó thì phải cho nó bệnh một trận mới được, vậy thì lúc bị bệnh mình niệm Phật mạnh hơn, chứ có sao đâu mà phải lo lắng… Đúng không chư vị?

Trước một cơn bệnh, người không biết đạo mới lo sợ, vì lo sợ nên khổ đau, vì khổ đau nên phải chết, vì chết nên không được giải thoát. Chết trở thành một cái khổ, gọi là “Tử Khổ”. Chấm dứt một cuộc đời mê muội không biết đường đi, thành ra tương lai tiếp tục chịu khổ vô lượng kiếp.

Những lời này không có gì cao siêu, chỉ mong sao chư vị hiểu được cái giá trị thù thắng của đường vãng-sanh. Ngày nào còn sống chúng ta niệm câu A-Di-Đà Phật, ăn ở hiền lành vui vẻ là được rồi. Ngày nào ra đi chúng ta đi thẳng về Tây-Phương Cực- Lạc để một đời thành đạo. Thành đạo rồi chư vị sẽ độ được vô lượng vô biên chúng sanh cùng thành đạo. Công đức này vô-lượng vô-biên.

Xin đừng nghĩ rằng:

  • Lập một cái niệm Phật đường là độ chúng sanh. Không độ được đâu. Chẳng qua là gieo chút duyên đó thôi…
  • Lập một ngôi chùa là độ được chúng sanh. Không độ được đâu!… Lập một ngôi chùa lên mà vướng nợ. Vì vướng nợ nên nhiều khi ngày đêm phải lo nghĩ kiếm tiền, hóa duyên, vay mượn… coi chừng vì cái ngôi chùa đó mà mình chịu đại nạn!…

Hữu Tràng vô Đạo, bất khả hưng giáo”, (Có chùa mà không biết đường tu, không thể làm lợi cho Phật pháp được). Nên nhớ, chữ “Đạo” và chữ “Tràng”, có nghĩa khác nhau. “Tràng” là cái ngôi nhà. “Đạo” chính là Đạo Pháp, Đạo Phong, Đạo Quy, Đạo Tiết, Đạo Đức… Nói chung là con đường tu tập để thành đạo. Đường thành đạo phải nắm cho vững, cho chánh mới là điều quan trọng. Một người mà đường thành đạo nắm vững rồi, thì ở trong căn nhà lụp xụp họ tu vẫn thành đạo. Một người mà không biết đường thành đạo là đâu, thì dù ở một ngôi đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh họ vẫn có thể bị đọa lạc như thường.

Hiểu được điều này, mong chư vị hãy nhớ phải lo cứu lấy huệ mạng của chính mình. Nhất định ta tu hành là để ta giải thoát, ta tu hành là để ta thành tựu, chứ không phải ta đi tu là vì một lý do gì khác. Nếu xác định rõ ràng tu hành là để giải thoát, thì pháp môn niệm Phật nhất định sẽ cung ứng tất cả phương tiện để cho chư vị thành đạo. Tại vì sao?…Tại vì đây là pháp môn dễ tu dễ thành tựu. A-Di-Đà Phật không đòi hỏi chúng ta làm bất cứ điều gì khó khăn hết:

 

  • Ngài không bắt chúng ta phải cạo đầu xuất ..
  • Ngài không bắt chúng ta phải lập chùa…

-Ngài dạy rằng khi nghe danh hiệu của Ngài thì phát lòng tin tưởng đi, hãy niệm danh hiệu của Ngài đi…

  • Ngài không đòi hỏi một người phải có bằng tiến sĩ rồi mới được niệm danh hiệu của Ngài…
  • Ngài không đòi hỏi một người phải bố thí cúng dường 30 triệu Euro rồi mới được niệm danh hiệu của Ngài…
  • Ngài không đòi hỏi một người phải đọc hết ba tạng kinh điển của đức Thế-Tôn rồi mới được niệm danh hiệu của Ngài…
  • Ngài không đòi hỏi phải có trí huệ cao tột mới được vãng- sanh…
  • Ngài không nói là chư vị phải thông thạo Pháp giới chúng sanh rồi mới làm như vậy…
  • Ngài không bắt quý vị phải phát một cái tâm Bồ-Đề rộng lớn cứu độ hàng trăm người đi tu rồi quý vị mới được về Cực-Lạc. Ngài không có đòi hỏi như vậy…

Ngài nói bất cứ một người nào niệm danh hiệu Ngài với lòng tin tưởng sắc son, tin tưởng vững vàng. Ngài dạy chúng ta phải biết tin lời Phật. Niềm tin ấy dành cho những người hiền hòa chất phát, mà ngài Ấn-Quang nói là “Chí-Thành, Chí-Kính”. Những người nào thành tâm, chí thành, chí kính hãy làm đi, tin chắc đi, tin vững đi thì sẽ thành công.

Chính vì vậy khi đi hộ-niệm, nếu Diệu-Âm gặp một người dù họ dở như thế nào đi nữa, chỉ cần họ tin tưởng, biết nghe lời là mừng rồi.

  • Chị tin không?…
  • Chắc chắn thật tin không?…
  • Chắc chắn.
  • Bây giờ có người nào đến nói sẽ cho chị cái pháp nào đó hay lắm, chỉ cần chị niệm lên thì giải được căn bệnh liền, chị chịu không?…
  • Không chịu. Tôi nhất định niệm Phật đi về Tây-Phương thôi…

 

Nếu được vậy thì gọi là tin. Chúng ta hãy tự kiểm điểm xem chúng ta đã thật sự tin tưởng chưa? Niềm tin này không đòi hỏi phải mất 1 đồng Euro, nhưng giá trị của nó là giúp ta vãng-sanh thành đạo, vậy mà nhiều người không chịu tin.

Rồi sao nữa?… Phát nguyện vãng-sanh. Phát nguyện vãng- sanh phải từ cái tâm này mà phát nguyện ra, chứ cũng không đòi hỏi chúng ta mất cái gì cả. Như vậy rõ ràng đây là một pháp môn không đòi hỏi chúng sanh một cái vốn liếng nào hết. Khởi đầu ở niềm tin. Tín tâm thanh tịnh ta sẽ thấy được thật tướng. Ngày nào chúng ta còn sống thì ta còn ở cõi Ta-bà. Ngày nào vãng-sanh ta về Tây-Phương Cực-Lạc. Không cần gì khác cả.

Xin thưa với chư vị, những người cứ lo sợ nghiệp chướng, cứ lo sám này sám nọ để tiêu nghiệp, nhưng sám mãi không xong. Bây giờ nếu thật sự tin tưởng vào câu Phật hiệu, hãy niệm câu A- Di-Đà Phật với cái tâm chí thành, thì khối nghiệp lớn như núi Tu-Di nó nằm im một chỗ, nó không lụp chụp nữa, nó không muốn đeo trên vai chúng ta nữa… Chúng ta nhẹ nhàng thoải mái đi về Tây- Phương Cực-Lạc.

Chính vì vậy mà pháp môn niệm Phật dễ tu quá, dễ đến nỗi nhiều người không tưởng tượng ra. Chỉ vì lòng tin của chúng sanh quá yếu, thành ra đành bỏ cái cơ hội vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mà đi theo con đường đọa lạc khổ nạn triền miên. Tất cả mọi cảnh giới, tất cả mọi trở ngại, tất cả mọi cái gì mà khó khăn nhất, nhiều người nghĩ rằng sẽ không thể nào giải quyết được, đâu ngờ rằng một câu A-Di-Đà Phật có thể giải quyết trọn vẹn mà không hay. Chìa khóa giải quyết mọi sự khó khăn chính là câu A- Di-Đà Phật. Môn thuốc trị mọi căn bệnh chính là câu A-Di-Đà Phật. Tu hành thành đạo hay bị bất thành tùy theo cái tâm của chư vị thật sự có tin vào câu A-Di-Đà Phật hay không. Nếu tin rồi bắt đầu hôm nay quyết tâm chí thành nhiếp vào câu A-Di-Đà Phật.

Hãy nghe lời Ấn-Quang Đại Sư dạy đi. Hỏi rằng từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng chư vị có niệm câu A-Di-Đà Phật hay không?…

 

Hãy nghe theo lời ngài Liên-Trì dạy đi, 3 tạng 12 bộ kinh điển ai muốn ngộ cứ ngộ đi, ai muốn tụng cứ tụng đi, ta mau mau trở về với câu A-Di-Đà Phật. 84.000 pháp môn tu hành khó khăn quá ai muốn tu cứ tu đi, ta trở về với câu A-Di-Đà Phật. Hãy niệm Phật với Ngài đi, coi chừng chúng ta cũng thành một vị Tổ. Đi về Tây- Phương thì một đời chư vị được bổ xứ thành Phật đi cứu độ chúng sanh.

Hiểu được chỗ này rồi, thì đường thành đạo ở ngay trước mắt, lẽ nào chúng ta lại hững hờ quay lưng đi chỗ khác. Cho nên thành đạo hay không ở ngay trong cái tâm này chứ không ở ngoài, ở ngay trong quyết định giờ phút này chứ không phải đợi ngày mai. Người nào chần chờ, đợi ngày mai coi chừng bị khổ.

Lòng chân thành này của Diệu-Âm xin thưa ra đây, nguyện mong cho chư vị củng cố được niềm tin, chúng ta cùng nhau hội tụ tại Tây-Phương để thành đạo.

Nguyện mong cho chư vị người người đều thành tựu đạo quả…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –