Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 40

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa đàm 40)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Về con đường tu hành xin chư vị phải nhớ chữ “Tín”. Tín tâm quan trọng lắm. Thường thường nhiều người không hiểu rằng sự thành tựu nằm ngay ở lòng tin.

Tu học mà tạp nhạp quá có được không?… Được chứ. Có thể thành tựu, nhưng chỉ hợp với hàng trung thượng căn trở lên. Tu như vậy thiên về Giáo-Hạ. Còn tu về Thiền-Định được không?… Tốt vô cùng. Nhưng chỉ hợp với hàng căn tánh thượng thừa mới được.

Còn khi đã xác nhận ta là hàng phàm phu, xin chư vị hãy mau mau nhanh chóng giật mình liền bây giờ đi. Đường tu của hạng người hạ căn hạ trí, nghiệp chướng sâu nặng như chúng ta, đức Thế-Tôn nói ngoài câu A-Di-Đà Phật ra không còn cách nào khác nữa hết.

Đây là lời Phật dạy. Đây là lời Phật xác định. Trong thời mạt pháp này phải: Niệm Phật – Niệm Phật – Niệm Phật… cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Phải có lòng tin, phải có chánh định, phải tinh chuyên mới có cơ hội giải thoát. Người tu hành xen tạp nhất định bị khó khăn. Chẳng tin, bây giờ tự chư vị quán lại đi… Quán là quán xét, là nghiên cứu. Quán gì nào?… Hãy nhìn ngược lại thời gian trong quá khứ để tìm hiểu mà xác minh.

Đây là thời của khoa học mà. Mình đang sống trong thế giới khoa học, hãy áp dụng phương pháp khoa học để kiểm định, chứng minh. Hãy tìm hiểu thử 100 chuyện về tu hành, ví dụ nếu 100 chuyện đó có 50 trường hợp thành công, 50 bất thành thì cũng được. Chứ 100 chuyện như vậy mà tới 99 chuyện sau cùng bất thành hay thất bại, còn một chuyện nữa thì mờ mờ, chưa biết rõ là có thành tựu hay không thì thật quá bấp bênh. Nếu ta đi con đường 99% bị thất bại, còn lại 1% thì hy vọng trong mơ mơ hồ hồ, thì thật sự ta đã sơ suất quá đáng rồi. Đã sơ suất quá đáng rồi. Nền tảng của niềm hy vọng ta đã đặt trên đám mây trôi bập bềnh trên không rồi. Đám mây khi tan khi hợp đổi thay vô thường. Nhất định chúng ta bị thua cuộc rồi chư vị ơi.

Chính vì thế mà trong cơ duyên này, Diệu-Âm xin thành tâm khẩn thiết thưa với chư vị rằng: Câu A-Di-Đà Phật nhất định là điểm nương tựa vững vàng cho chính chúng ta đó. Diệu-Âm thấy rõ rệt ngoài câu A-Di-Đà Phật ra, không còn cách nào khác, không có một phương thức nào, không có một điểm tựa nào khác để cho người phàm phu tội chướng sâu nặng như chúng ta trong thời mạt pháp này mà một đời có thể nói đến việc thành tựu đạo quả.

Trong những lúc đi gieo duyên về hộ-niệm vãng-sanh, may mắn cho Diệu-Âm đã gặp được những người mà xét ra hình như họ dở hơn mình, họ mê hơn mình, họ yếu hơn mình, ấy thế mà họ lại vãng-sanh trước mình, nghĩa là họ thành tựu trước mình. Thấy vậy mà mình cũng cảm thấy được nhiều an ủi: “Bà đó mà còn được vãng-sanh, chẳng lẽ mình không được vãng-sanh sao?”…

Rồi cũng đi hộ-niệm cho những người mà công phu tu tập của họ hình như giỏi hơn mình, sự hiểu biết của họ giỏi hơn mình, trí huệ của họ hình như cũng cao hơn mình… nhưng chuyện gì đã xảy ra?… Mình khuyên họ niệm Phật, họ không chịu niệm. Mình cố gắng hết sức tới để trợ duyên, nhưng họ không cần. Khi họ ra đi đã để lại một thân tướng chẳng lành, một tiên triệu tiêu cực làm mình không dám tin rằng người đó có phước phần giải thoát.

Có thấy mới giật mình. Có thấy mới ngộ ra. À!… Đúng rồi, Phật dạy, câu A-Di-Đà Phật mới giúp cho một người trong thời này được giải thoát là đúng rồi. Niệm Phật với cái tâm chí thành – chí kính mới giúp cho một người giải thoát.

  • Phải khẩn thiết muốn vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc nghe chư vị…
  • Phải ngày đêm khẩn cầu A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ nghe chư vị…
  • Phải thành thật mà cầu vãng-sanh nghe chư vị…
  • Một câu A-Di-Đà Phật niệm phải chí thành nghe chư vị…
  • Một lời nguyện vãng-sanh phải tha thiết nghe chư vị…

 

  • Niềm tin phải sắc son nghe chư vị…

Đừng nên chao đảo nữa, thì mình cũng được vãng-sanh giống như bà bán vé số ngoài đường kia đã vãng-sanh. Bà đó quần áo thì rách rưới, nhà cửa thì nghèo nàn, cơm thì bữa đói bữa no… Ấy thế mà chỉ cần một tuần lễ niệm Phật bà đã ra đi với tướng lành bất khả tư nghì.

Ở bên Leipzig, tôi có kể câu chuyện một vị què quặt mười mấy năm trường. Bà đi bằng cái thùng giấy, đặt đôi chân vào cái thùng giấy rồi lết lết mà đi. Khi nghe được câu A-Di-Đà Phật thì mừng quá, thế là bà cứ niệm-niệm, niệm Phật riết… Vì cuộc đời bà khổ quá rồi, khổ đến nỗi không còn cách nào để diễn tả được nữa. Đã khổ như vậy lại còn bị con cái bất hiếu chửi lên chửi xuống. Đến khi biết được niệm Phật, bà buông hết, buông trụi lủi, lúc vãng- sanh bà ngồi mà ra đi… Bốn năm niệm Phật, chỉ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm. Tôi không biết bà đó có đọc được chữ “A”, chữ “B” gì không?… Không biết. Bà không đọc kinh. Cái tay của bà bị run, cầm cuốn kinh không được. Cái chân của bà thì què, lết lên tới bàn thờ không được. Bà không có bàn thờ. Bà chỉ dán một tấm hình Phật nhỏ xíu xiu, một hình Phật nhỏ tí tẹo bằng cái bàn tay tại ngạch cửa rồi nhìn đó mà niệm Phật… Vậy mà bà ngồi ra đi vào năm 2006.

Trong khi đó, Ngài Quán-Đảnh đại sư nói, đến thời mạt pháp Kinh-Sám của Phật không còn hữu hiệu nữa rồi, chỉ còn có câu A-Di-Đà Phật mới cứu độ được chúng sanh mà thôi…

Chính đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật nói: “Đời mạt pháp này ức triệu người tu, ức ức người tu, khó tìm ra một người chứng đắc”. Một ức là 100 triệu, ức ức là một ức nhân một ức lên thành 10 tỷ người cùng tu, mà khó tìm trong đó có 1 người thành tựu. Mình ở đây mấy chục người ăn nhằm gì. Ấy thế mà người nào quyết lòng chí thành chí kính tận lực khẩn trương đem tất cả nội lực còn lại của mình, dồn hết vào câu A-Di-Đà Phật mà niệm. Chư vị từng người, từng người vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nhất định!… Nhất định!… Nhất định không sai. Nhất định không sót. Còn chư vị đã thấy mình có nghiệp chướng quá nặng rồi, ví dụ như: Cái bệnh ung thư đang chực chờ phát tác. Cái bệnh tiểu đường đang nấp sẵn trong tâm. Cái bệnh tê liệt nó đã có xảy ra trong thân này rồi… Vậy mà không chịu nhận thấy rõ một vấn đề cấp bách là phải giải thoát sao?… Đây là những bài pháp tuyệt vời nhắc nhở cho chúng ta biết rằng cái thân này rất vô thường, nó sẽ bỏ đi bất cứ lúc nào. Nghiệp chướng của chúng ta nó sẽ tràn ra bất cứ lúc nào. Một nghiệp tràn ra thì nó sẽ lôi nhiều nghiệp khác cùng tràn lên, nó sẽ làm cho chúng ta điên đầu, mê mệt, lúc đó sẽ không còn gì gọi là trí huệ nữa đâu. Bây giờ nói là khôn ngoan, nhưng lúc đó không còn khôn ngoan nữa đâu. Bây giờ nói tỉnh táo lắm, nhưng lúc đó không còn tỉnh táo nữa đâu. Một người tạo nghiệp, thì khi chết thần thức giống như một chiếc lá khô đang quay cuồng trong cơn gió nghiệp. Chắc chắn chúng ta sẽ theo nghiệp mà thọ nạn chư vị ơi!… Chắc chắn.

Chư vị có sợ không?… Diệu-Âm thấy sợ lắm rồi. Muốn thoát được hiểm nạn này, ngoài đại nguyện của đức A-Di-Đà ra, không tìm được con đường nào khác cho chúng ta nương dựa để hy vọng được giải thoát đâu.

Vì thế, hồi sáng chúng ta có nói, nếu tu hành mà không xác lập được đường đi cho vững vàng:

  • Thấy người ta tu sao mình tu vậy…
  • Thấy người ta làm cái gì tốt tốt mình cũng chạy ..
  • Thấy người ta làm cái gì hay hay mình cũng chạy ..

Chạy theo mà không biết cuối con đường đó sẽ đến đâu?… Làm cái gì thấy tốt tốt đó mà không biết cuối cùng sẽ đi tới chỗ nào?… Tu hành như vậy gọi là không định hướng, cứ lòng-vòng lòng-vòng trong bể khổ để rồi chịu nạn trong bể khổ… Chư vị ơi.

  • Chẳng lẽ mình lại vô tình quá đáng đối với huệ mạng của chính mình trong vô lượng kiếp vậy sao?…
  • Chẳng lẽ mình lại bạc bẽo với chính mình để phải chịu nạn trong vô lượng kiếp vậy à?…
  • Chẳng lẽ khi mình chịu nạn rồi mới đổ thừa rằng: Tại-vì!… Tại- vì!… Tại-vì!… là được sao?
  • Chẳng lẽ vì hai chữ: “Tại vì” mà đành phải chấp nhận đau thương nhiều năm nhiều tháng sao?… À quên, đâu phải nhiều năm nhiều tháng… Mà vạn kiếp đó chư vị!!!…

Hãy tự đặt lấy câu hỏi mà biết. Trong khi chúng ta có duyên đi hộ-niệm cho người ta. Mình thấy rõ ràng những người đủ tín, đủ nguyện, đủ hạnh, 10 niệm tất sanh. A-Di-Đà Phật phát nguyện độ chúng sanh và đã có chứng cớ rõ ràng, rành mạch. Quý vị đi hỏi thăm những ban-hộ-niệm ở Việt-Nam mà xem. Hỏi những người đã từng chứng kiến thấy người niệm Phật vãng sanh mà xem… Biết vậy, hãy tự hỏi rằng mình chịu thay đổi chưa?… Mình chịu giật mình chưa?… Mình chịu quay đầu lại quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng chưa?…

Ở đây hình như ai cũng dự lễ thọ tam quy y cả rồi. Nhưng thực sự ta có quy y hay không? “Quy” là hồi đầu, “Y” là nương vào Pháp Phật. Đã quy y tại sao ta không chịu hồi đầu nghe theo Phật?… Tại sao ta không chịu hồi đầu tu theo kinh Phật. Kinh Phật là kinh của đức Thế-Tôn để lại, Ngài dạy: “Đời Mạt-Pháp chỉ còn câu A-Di-Đà Phật mới đưa chúng sanh thoát vòng sanh tử”. Thế mà trong đời mạt Pháp này có nhiều người chống đối câu A-Di-Đà Phật mà chúng ta cũng chạy theo?… Có những người khinh thường pháp môn niệm Phật mà chúng ta cũng chạy theo?… Còn nghĩ rằng nếu không làm theo thì sợ người ta cho rằng mình thiếu tình cảm. Tu hành theo tình cảm à?… Đâu được.

Nhất định tự mình phải chịu trách nhiệm lấy con đường đọa lạc hay giải thoát của chính mình. Bên cạnh đó, một người biết tu hành phải kèm theo chữ “Hiếu” nữa. Phải hiếu đễ với cha mẹ, hiếu đễ với ông bà, hiếu đễ với cửu huyền thất tổ nhiều đời nhiều kiếp của mình. Hiếu bằng cách nào?

  • Mình phải là người giải thoát.
  • Mình phải là người thành đạo.

Mình thành đạo rồi mới đi cứu được những người bà con thân thuộc của mình trong vô lượng vô biên kiếp, chứ không phải 1 người 2 người đâu nghe chư vị. Đừng vì 1 người chồng, 1 đứa con, 1 ông cha trong đời này mà bỏ quên đi vô lượng vô biên thân bằng quyến thuộc trong nhiều đời khác. Họ đang chờ từng phút, từng giây ngày mình vãng-sanh để họ hưởng cái phước thoát vòng tam ác đạo. Xin chư vị hãy nhớ điểm này mà mau mau tìm đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Không thể sơ ý được.

Tu hành đừng sơ ý hướng đến mục đích quá hẹp hòi, mà coi chừng trở thành người bất hiếu. Bất hiếu!… Thực sự bất hiếu!…

Chính vì thế, khi nói đến sơ suất về hộ-niệm, trong những ngày này Diệu-Âm thường hay đổ lỗi thẳng cho từng mỗi cá nhân, chứ không trách đến ban-hộ-niệm nữa. Một khi mà chư vị lỡ bị đọa lạc, nhất định phải tự cắn răng mà chịu lấy, không được mở lời trách những người hộ-niệm.

Tại vì sao?… Tại vì muốn được hộ-niệm mà chính mình không biết hộ-niệm là gì cả. Hồi sáng Diệu-Âm có nói: “Chư vị ơi, mau mau nghiên cứu phương pháp hộ-niệm liền đi”. Tại vì trong phương pháp hộ-niệm đó chư Tổ đã dặn dò từng chút từng chút rất căn bản, chỉ rõ cho mình biết những gì gọi là cạm bẫy đẩy mình vào cảnh khổ, những gì được chư vị Bồ-Tát gia trì, những gì được chư

 

Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, đưa chúng ta an toàn đi về Tây- Phương Cực-Lạc.

Tu hành nên nhớ đừng tu theo kiểu chung chung mà oan uổng đời tu hành. Nhất định không nên nghe chư vị. Đời này là mạt pháp rồi, đây là cơ hội cuối cùng rồi, không còn có thêm cơ hội thứ hai đâu, không còn gặp một dịp nào khác đâu. Chắc chắn… Chư vị cứ nghĩ thử coi, thời hạn độ sanh của đức Thế-Tôn ở cõi Ta-Bà này chỉ còn khoảng 9.000 năm nữa thôi. Nếu như mình sơ ý rớt vào hàng súc sanh, chư vị nghĩ thử coi, đến lúc nào mình mới ngộ ra được con đường thoát khỏi cảnh giới súc sanh đó?… Súc sanh vì quá chấp cái thân, vì quá ngu si nên bắt buộc phải chịu đời-đời kiếp-kiếp làm súc sanh. Như vậy làm sao trong thời gian chỉ còn có 9.000 năm nữa mà ta được thoát nạn?…

Giả sử như mình tham lam, tham chấp cái nhà, lưu luyến con cái, tham tiền, tham danh… Vì tham mà sau khi chết bị rơi vào hàng ngạ-quỷ, chỉ một đời sống trong cảnh giới ngạ-quỷ thôi đã vượt qua 9,000 năm rồi. Còn đâu nữa mà chúng ta nghĩ tới cơ hội thoát vòng sanh tử luân hồi?

Người nóng giận, u mê, ám chướng, sát sanh, hại vật… mà không chịu thay đổi tâm tính thì rơi xuống địa ngục. Một ngày dưới địa ngục sơ sơ cũng khoảng chừng 2.700 năm trên thế gian này. Quý vị nghĩ thử coi làm sao có thể gặp lại được Phật pháp?… Làm sao có cơ hội gặp được Pháp Âm của đức Di-Lặc Tôn Phật để có cơ hội nói chuyện siêu sanh Tịnh-Độ?…

Nam Mô A Di Đà Phật

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –