SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH
(Tọa Đàm 17)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Diệu-Âm có gặp nhiều vị, khuyên họ nên niệm Phật cầu vãng- sanh. Thời này niệm Phật mới có khả năng thành tựu, hơn nữa, muốn dễ thành tựu thì tu hành hãy nên chuyên nhất.
Các vị đó nói:
– Tôi cũng muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc lắm chứ, nhưng mà hồi giờ tôi tu như vậy đã quen rồi. Thôi tôi cứ tu như vậy đi, tới đâu hay tới đó.
Những lời này thật sự cũng mang một nội dung khai thị đáng để ý liên quan về cái tập khí của mình. Một việc gì khi đã ăn sâu vào trong tâm hồn mình rồi, muốn bỏ cũng khó bỏ lắm.
Chính vì thế khi chúng ta thật sự muốn vãng-sanh về Tây- Phương Cực-Lạc, để cho công trình niệm Phật bây giờ khỏi phải uổng công, khỏi phải phí sức, thì xin chư vị hãy cố gắng tự mình giác ngộ. Giác ngộ cho mạnh một chút. Đừng giác ngộ yếu quá.
Một thói quen ở trong thế gian này, dù tốt hay xấu, cũng chỉ là chuyện vô thường! Một người ăn ở tốt cho mấy đi nữa, hiền lành tới đâu đi nữa, nhưng nếu còn vướng lại trong cõi ngũ trược ác thế này thì những điều tốt đó cũng trở thành những thứ báo đời, những thứ tai hại, không hại về phương diện này thì cũng hại trên phương diện khác mà thôi. Ví dụ như mình tu hành tốt mà cuối cùng không được vãng-sanh, không được giải thoát, thì hậu quả là người có phước. Có phước báu rồi thì thường không thèm tu hành nữa. Vậy thì phước báu nhiều khi trở thành một thứ tai hại, khiến người quên mất đường tu.
Bây giờ ngồi đây mình không thấy rõ cái phước mình lớn, chứ nếu qua các nước nghèo khó bên Châu Phi, nhìn cảnh sống ở đó mà so sánh, chư vị mới thấy cái phước mình lớn lắm, lớn vô cùng. Có phước này là do những đời trước có tu tốt đấy. Ấy thế mà tạo được phước rồi, thì rất nhiều người xa lìa đường tu hành. Bỏ tu rồi
mà nhiều người lại còn làm điều tai hại nữa là khác! Làm hại thì mất phước. Mất phước thì coi chừng đời sau dễ sinh thành hạng người khổ sở, sống ở các nước nghèo đói…
Những người sinh ra ở các nước nghèo đói vì họ không có phước. Bây giờ bảo họ tu, họ tu không được. Đây chính là vì cuộc sống của họ khổ quá… Xem tin tức trên truyền hình, mình thấy nhiều người nằm, một đám ruồi đen thui bu vào con mắt họ mà họ đuổi không nổi. Thật đó. Họ đói khổ quá rồi. Những người này mà…
- Bảo họ niệm Phật nhất định họ không niệm đâu. Không niệm là không niệm.
- Bảo họ lạy Phật, nhất định họ không lạy đâu.
- Giảng với họ đạo lý giải thoát, họ không nghe đâu.
– Vậy mà cho họ một miếng bánh mì, miếng bánh mì nhỏ xíu thôi, họ sẽ mừng quýnh lên. Giả sử bảo họ lạy để lấy, họ cũng sẵn sàng lạy liền…
Chư vị nghĩ thử coi, những người đó, họ khổ quá, họ không thể nào làm ác được. Vì khổ mà vô tình họ phải sống hiền lành. Chính nhờ vậy, khi chết đi, họ dễ sinh lại thành người có phước. Cuộc sống khổ cực ở các xứ đó giúp cho họ trả được khá nhiều nghiệp chướng. Trả nghiệp chướng nhiều, ít gây nghiệp mới, vô tình họ tạo được phước. Tạo phước thì đời sau dễ sanh lại làm người có phước. Nhưng oan uổng thay, vừa trở lại làm người có được chút phước, thì lại bắt đầu hoang đàng tạo nghiệp, để chờ ngày chết rồi sinh trở lại chỗ nghèo đói đó nữa. (Hì hì!…). Cứ quần đi quần lại những cảnh giới này. Thật là trớ trêu!…
Cho nên, phải thấy rõ rằng cái phước báu lớn nhất và chân thực nhất của chúng ta là được vãng-sanh về Tây-Phương Cực- Lạc. Được không chư vị?… Được hết. Được hết. Ai cũng được vãng-sanh hết, nhưng trước tiên tự mình phải tỉnh ngộ mới được…
- Đường nào Phật dạy vững vàng nhất cho ta, ta cố gắng “Y giáo phụng hành”.
- Đường nào Phật dạy cho người khác, đối với ta cũng có lợi, nhưng chỉ lợi nửa vời. Pháp nửa vời, trong kinh Phật gọi là “Bất-
Liễu-Giáo”… Thôi thì chúng ta cẩn thận một chút, đừng nên sơ ý nói rằng: “Tôi tu cách này quen rồi, thôi cứ tiếp tục như vậy đi… được tới đâu hay tới đó”.
Tu hành như vậy cũng được, chứ không ai la rầy gì đâu. Nhưng nếu nói rằng: “Tôi cũng muốn đi về Tây-Phương lắm chứ…”, thì lời này cũng chẳng qua chỉ là “Lời nói đưa đò!”… Chưa ngộ. Chưa ngộ.
Hôm nay chúng ta đang bàn về những chuyện “Sơ suất khi Hộ-Niệm”, cốt là mong cho chư vị đồng tu tự mình kiểm lại, đừng để sơ suất nữa. Cụ thể chuyện tu hành ta phải tu cho thẳng mới viên mãn. Đi phải có đường, về phải có đích, đừng tu lòng vòng nữa. Tu hành lòng vòng thì kinh Phật gọi là “Bất-Liễu-Giáo”, là pháp tu không có chỗ kết thúc tốt đẹp.
Tu hành như thế nào gọi là bất-liễu-giáo?
- Tu hành mà nguyện đời sau trở lại làm người để tu tiếp: Bất- liễu-giáo rồi. Cầu mong tiếp tục ở lại trong sanh tử luân hồi rồi. Đường đạo lạc rồi.
- Tu hành mà cầu nguyện cho thân thể kiên khang tráng kiện: Vướng cái thân này rồi. Chấp cái thân này rồi. Những người nào mà cầu mong cho cái thân thể này kiên khang tráng kiện mãi, thì đến khi bác-sĩ đo tim mạch, chỉ cần phát hiện áp suất huyết thay đổi một chút thì tâm hồn bất an rồi. Lo sợ rồi!…
- Lo sợ thì lúc gần chết, áp suất huyết lúc lên, lúc xuống, lúc chạy ngang, lúc chạy dọc… Ôi thôi! Tinh thần tán loạn rồi. Bất tịnh rồi.
Nhất định những người này không có cơ hội giải thoát.
Tu hành mà bị như vậy, dù phương pháp tu nghe qua có cao cho mấy, vẫn gọi là “Bất-Liễu-Giáo”, vẫn lòng vòng trong sanh tử luân hồi, chưa ngộ ra được đường giải thoát.
“Bất” là chẳng; “Liễu” là hoàn thành; “Giáo” là một cái giáo pháp. “Bất-Liễu-Giáo” là một giáo pháp không hoàn thành.
Nhưng hỏi rằng, phương pháp nào mà không hoàn thành vậy?… Đơn giản thôi! Ví dụ, đối với hàng phàm phu như chúng ta, khi áp dụng một phương pháp nào mà Phật nói rằng: “Khó lắm đó
con ơi!… Không dễ đâu.”, thì phương pháp đó gọi là không liễu giáo, là bất-liễu-giáo, là không hoàn thành đối với chúng ta.
Còn khi Phật nói: “Hàng phàm phu của các con hãy niệm câu A-Di-Đà Phật đi. Nhờ câu A-Di-Đà Phật mà con được về tới Tây- Phương Cực-Lạc để thành đạo. Thành đạo thì con có tất cả”… Như vậy, niệm A-Di-Đà Phật chính là Liễu-Giáo.
Xin thưa thật với chư vị, niệm câu A-Di-Đà Phật không phải chỉ liễu-giáo đối với hàng phàm phu này đâu, mà còn liễu-giáo với chư đại Bồ-Tát nữa là khác. Xin chư vị đừng nên khinh thường câu Phật hiệu nhé. Thường thường thì Diệu-Âm hay nói rằng, tại vì mình là hàng phàm phu, tội chướng sâu nặng nên mới niệm Phật. Còn hàng Thượng Căn, Thượng Trí, hàng Bồ-Tát thì các Ngài tu những pháp môn ngon hơn. Thực ra, không hẳn là như vậy đâu. Nói vậy chẳng qua là để nhắc nhở cho mình biết rằng, “À!… Mình là phàm phu thì pháp môn niệm Phật rất hợp, rất dễ cho mình thành đạo”. Nhưng nghiên cứu cho đến cùng, không ngờ chư đại Bồ-Tát cũng ngày đêm trì giữ câu A-Di-Đà Phật để các Ngài thành đạo. Thật không thể nghĩ bàn!
Chính vì vậy, nếu chư vị nào muốn tìm một pháp môn cao tột, thì sẵn đây giới thiệu cho chư vị luôn. Xin giới thiệu với chư vị một pháp môn rất là cao diệu. Chư vị có biết pháp môn nào không?… Pháp môn nào?… “A-Di-Đà Phật”… Đúng rồi. Pháp niệm “A-Di-Đà Phật”… Tại vì sao? Vì chính các Ngài như Quán-Âm, Đại-Thế-Chí, Văn-Thù, Phổ-Hiền, v.v… đều niệm “A-Di-Đà Phật” đễ vãng-sanh về Tây-Phương hết.
Vì thế, nếu khiêm nhường thì chúng ta nói đây là pháp môn dễ nhất cho hàng phàm phu. Nhưng không ngờ, thực ra chúng ta đang tu một pháp môn tuyệt vời, cao siêu, mà trong kinh Phật nói rằng pháp môn này cao siêu hơn cả pháp môn của Phổ-Hiền Bồ- Tát tu hành… Thật phi thường!… Tuyệt vời!… (Nói thầm thầm thôi nghe, đừng nói lớn… Nói lớn sợ rằng người ta cho mình là tự cao). Nhưng đạo lý là đúng như vậy đó. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói như vậy đó. Pháp môn niệm Phật là pháp môn tu siêu vượt qua pháp tu của ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát. Ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát là Đẳng-
Giác rồi nghe chư vị, chỉ còn phá một phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh nữa thì Ngài thành Phật luôn rồi. Ấy thế mà trong kinh Vô-Lượng- Thọ, đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật nói rằng niệm Phật là tu: “Hạnh siêu Phổ Hiền đăng bỉ ngạn”. Không đủ thiện-căn thì thật không dễ gì tin được chuyện này đâu.
Hiểu được điều này rồi thì chúng ta khỏi cần phải ưu tư rằng mình tu chi pháp môn thấp vậy. Thật ra, pháp môn niệm Phật là “Nhất Thừa Thật Tướng”, là “Môn Dư Đại Đạo”, thật sự cao lắm đó. Bây giờ chúng ta nên chuẩn bị làm sao để cho một đời này chắc chắn phải được vãng-sanh Tịnh-Độ. Chớ tu pháp môn cao như vậy mà bị mất phần vãng-sanh thì uổng quá! Muốn được vậy, hãy nhớ cho kỹ, xin nhắc đi nhắc lại điều này, tốt nhất là ngay từ
bây giờ chúng ta phải nghiên cứu “Pháp Hộ-Niệm” liền đi…
Ở dưới kia tôi thấy có một thùng CD, người ta phổ biến những cuộc tọa đàm của Diệu-Âm nói về Hộ-Niệm. Diệu-Âm nói rõ lắm, từng bài từng bài… từng phần từng phần… nói thẳng vô chỗ mình thực hành, không dám nói xa vời. Người nào nghe cũng được hết, chú ý một chút là hiểu được liền, vững tâm liền.
Khi chư vị vững tâm rồi, lúc nằm xuống, dù có thể không cần ai đến Hộ-Niệm cho mình đi nữa, nhưng cũng xin chư vị cần phải giữ cái tâm khiêm nhường, vẫn nên cầu khẩn các vị đồng tu, những vị trong Ban-Hộ-Niệm tới trợ duyên tích cực cho mình. Được vậy, thì đã vững tâm lại càng vững tâm hơn.
- Anh Tâm-Nhật-Thuyết ơi! Tất cả mọi chuyện gì cần làm tôi đã biết rồi, nhưng xin anh cũng cố gắng đến khai thị cho tôi nhé. Có điều gì tôi lỡ quên, anh phải nhắc nhở liền cho tôi nhé…
Người có cái tâm này là người vãng-sanh về Tây-Phương Cực- Lạc đấy.
Tuy nhiên, chư vị cũng nên nhớ, giả sử như chư vị thông hiểu hết con đường đi về Tây-Phương rồi, những cạm bẫy nào có thể xảy ra quý vị đều biết cả rồi, những gì cần phải làm quý vị nắm vững rồi… Nhưng có một điều cũng phải nhớ… Xin hỏi chư vị, cần nhớ điều gì? Có ai trả lời giúp không?… Xin nhắc lại:
- Mình biết rõ những cái cạm bẫy đó…
- Mình hiểu rõ cách làm đó…
- Mình biết rõ cách Hộ-Niệm đó…
- Mình biết rõ những chướng ngại đó…
Nói chung mình biết hết trơn rồi, thì còn điều gì cần phải nhớ nữa đây?…
Có đấy. Mình biết những điều này trong lúc đang còn khỏe, trong lúc mình còn đang tỉnh táo, chứ không phải là biết trong lúc đang bệnh ngáp ngáp sắp chết đâu.
Hai trạng thái này hoàn toàn khác nhau. Vì hoàn toàn khác nhau, nên mình không thể nào cho rằng: “Tôi biết hết trơn rồi, thì tôi không cần anh đến Hộ-Niệm nữa”. Nghĩ vậy là sai lầm!… Sai lầm!… Quá sai lầm!…
Bây giờ đây anh còn tỉnh táo, anh có quyền lý luận, anh có quyền nói điều cao diệu. Nhưng đến lúc đó coi chừng mắt anh đã hoa rồi. Đầu óc đã bất tỉnh rồi. Thân thể đã bại liệt rồi. Bệnh khổ hành hạ dồn-dập, dồn-dập làm cho thân tâm anh đau đớn như con rùa bị lột mai, nó không cho phép anh nghĩ được điều cao siêu nữa đâu.
Vì thế, dù bây giờ chư vị tu có giỏi cho mấy đi nữa, có hay cho mấy đi nữa, có biết được rành rẽ con đường đi về Tây-Phương đi nữa, thì vẫn phải cần những người biết Hộ-Niệm tới nhắc nhở, khai thị, hướng dẫn cho mình. Tại vì sao?… Tại vì người đó đang khỏe. Tại vì người đó đang tỉnh. Người tỉnh khác với người đang “Ngáp- Ngáp”, chỉ thế mà thôi.
Chư vị phải nhớ cho, chư Tổ Sư đến khi lâm chung vẫn phải dặn dò hàng đệ tử vây quanh Hộ-Niệm… “Các con nhắc nhở cho Thầy nhé. Lỡ ta có quên lãng hay mê lẫn điều gì, các con phải đánh thức liền nhé, phải nhắc nhở liền nhé…” . Đây mới thật sự là an toàn.
Các Ngài làm vậy, một là biểu diễn cho mình thấy, hai là chính các Ngài cũng cần phải cẩn thận ngăn ngừa những trường hợp bất như ý xảy ra. Nên nhớ, chỉ cần một cơn chao đảo nổi lên, chỉ cần một tích tắc phân tâm cũng có thể tạo duyên cho nghiệp chướng nương theo đó mà tràn lên, đánh lạc hướng đi của chúng ta rồi.
Mong chư vị hiểu được điều này, nhất định phải kết hợp chặt chẻ với nhau, đoàn kết thương yêu bảo vệ nhau. Người khỏe bảo vệ người mệt. Người mệt thì năn nỉ người khỏe… (Hì hì!…) Nhờ vậy, chúng ta ai ai cũng có thể hưởng phần vãng-sanh về Tây- Phương Cực-Lạc…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.