Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 01

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 01)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Theo yêu cầu của cư sĩ Tâm-Nhật-Thuyết và trước khi nói những tọa đàm này cũng có vài vị nhắn nhủ với Diệu-Âm là nói thêm về “Những sơ suất có thể xảy ra khi chúng ta đi Hộ- Niệm”.

Thực ra thì Diệu-Âm cũng đã nói 48 đêm tại Niệm-Phật-Đường A-Di-Đà rồi. Tháng tư vừa qua ở tại thành phố Melbourne Victoria Australia, Diệu-Âm cũng đã nói qua một số vấn đề sơ suất của Ban-Hộ-Niệm nữa. Trong những lần tọa đàm đó đều nhắm đến những điều mà cá nhân của người Hộ-Niệm thường hay mắc phải, ví dụ như sơ suất từ ánh mắt, cử chỉ, lời niệm trong lúc Hộ-Niệm… Những cách khai thị, hướng dẫn trong Ban-Hộ-Niệm không thống nhất với nhau… Những người thành viên khi ngồi vào phòng Hộ- Niệm không tuân thủ quy luật trợ-niệm… Từ đó người thì nghĩ này người thì nghĩ nọ… Tất cả mọi động thái đó đều ảnh hưởng đến người bệnh hết.

Nói chung trong những cuộc tọa đàm đó, thường thường Diệu- Âm nói rằng, “Một người bệnh sau khi lâm chung, họ ra đi không để lại một thoại tướng tốt, chứng tỏ rằng họ mất cái phần Vãng-Sanh là do sơ suất của người hộ-niệm”. Nói như vậy chắc cũng có người cảm thấy buồn vì đi Hộ-Niệm nhiều khi rất khổ mà còn bị chỉ trích, đổ tội nữa… Thật có vẻ oan cho người Hộ-Niệm quá… Thì hôm nay Diệu-Âm xin đổi hướng lại một chút là: “Coi chừng khi đi Hộ-Niệm cho một người bệnh, người Hộ-Niệm đã làm tận sức rồi, đúng pháp rồi mà người bệnh không được Vãng-Sanh, thì phần này phải trả về trách nhiệm cho chính người bệnh đó”… Mình nói qua rồi phải nói lại chứ không thể ăn hiếp một bên được. Rõ rệt như vậy…

Xin thưa thật rằng, một người khi xả bỏ báo thân có được Vãng-Sanh hay không phải nói thẳng ra rằng 90% là trách nhiệm của chính đương sự, trách nhiệm của chính người bệnh đó chứ

không phải của người Hộ-Niệm đâu. Người Hộ-Niệm chỉ giữ vai trò trợ duyên mà thôi.

Muốn trợ duyên thì người bệnh phải có duyên mới được. Họ có duyên thì mình mới hỗ trợ được. Nếu người bệnh không có duyên phần với Tây-Phương Cực-Lạc thì người hộ-niệm đến trợ duyên bằng cách nào đây?… Không được đâu.

Vì thế, xin thưa với chư vị, khi mình ngồi tại đây niệm Phật cầu nguyện vãng-sanh, xin chư vị phải nhớ là nguyện thật lòng nhé, không được nguyện lấy lệ. Đừng bao giờ nghĩ rằng vì cái thủ tục trong một thời khóa niệm Phật là có nguyện Vãng-Sanh… Thôi thì… Người ta a-ê như vậy, mình cũng a-ê theo cho đúng lệ là được. Không phải vậy đâu… Nếu khi nguyện Vãng-Sanh mà mình a-ê lấy lệ, thì khi xả bỏ báo thân nhất định mình sẽ bị trở ngại…

Nếu tự mình tạo ra chướng ngại này, đến khi mãn báo thân không những không được sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, mà lại gia nhập vào những cảnh khổ trong tam ác đạo nữa, thì tự mình phải ân hận lấy, tự mình phải chịu lấy khổ nạn, chứ không thể nào đổ thừa cho những vị đã bỏ công sức quá nhiều, đã bỏ công ăn việc làm, thức đêm, thức khuya bên cạnh mình để Hộ-Niệm cho mình được. Nói thẳng ra, tất cả đều do chính cái tâm của mình quyết định tương lai cho chính mình, chứ không phải một người nào khác có quyền quyết định cho mình được.

Để cụ thể hơn, ví dụ như có nhiều người trải qua nhiều năm niệm Phật, công phu có vẻ tốt lắm. Nhưng lại nói như thế này:

Làm gì có chuyện Hộ-Niệm mà được Vãng-Sanh?…

Khi nghe những vị đó nói như vậy, thì Diệu-Âm thầm than rằng: “A Di Đà Phật! 90% những trường hợp mất phần vãng-sanh là do lời nói này đây...”. Những người này khi lâm chung có thể có tới 90% bị trở ngại rồi. Tại sao vậy?… Tại vì chỉ có những người niệm Phật đến “Nhất-Tâm-Bất-Loạn”, niệm Phật cho đến cảnh giới gọi là “Niệm-Vô-Niệm”, tức là đã thực hiện trọn vẹn cái pháp “Niệm Phật Tam-Muội” rồi họ mới có quyền nói tới câu: “Làm gì có chuyện Hộ-Niệm được Vãng-Sanh”. Những vị không cần Hộ- Niệm mà được vãng-sanh nhất định phải là những vị đại Thượng-Thiện-Nhân, là những bậc thượng căn thượng trí. Hay nói rõ hơn là những vị đại Bồ-Tát tái lai đang giả đò mặc chiếc áo tràng đến ngồi trong đạo tràng niệm Phật với chúng ta.

Còn nếu chư vị tự xét lại chính mình, thấy rằng mình không phải là Bồ-Tát gì cả, thì phải cẩn thận. Nên nhớ, Bồ-Tát biết rõ Bồ- Tát, còn phàm phu thì mập mờ cái thân phận phàm phu. Tự mỗi người phải biết lấy.

Nếu mình tự xét lại chính mình thấy hoàn toàn không phải là hàng thượng căn thượng trí gì cả, tức là hoàn toàn chỉ là hàng phàm phu tục tử, thì nhất định phải tự phản tỉnh. Nếu trong quá khứ lỡ nói một lời sai lầm: “Làm gì có có chuyện Hộ-Niệm mà được Vãng-Sanh”, thì giờ này ngồi trong Niệm-Phật-Đường của anh Tâm-Nhật-Thuyết, đang niệm Phật với nhau đây, nghe những lời nhắc nhở về sơ suất trong vấn đề Hộ-Niệm này, phải nên sớm giựt mình. Nên nhớ vấn đề này là sơ suất của chính người bị bệnh. Ai là người bị bệnh vậy? Chúng ta sẽ là người bị bệnh. Vậy thì phải mau mau thành tâm sám hối: “Nhất định tôi không dám nói như vậy nữa…”.

Ngược lại, khi bệnh xuống, bác sĩ trong bệnh viện tuyên bố: “Bệnh của bác không cách nào cứu chữa được”… Tức là ta đang đối diện với cái tình cảnh xả bỏ báo thân, hay nói theo thế gian pháp gọi là chuẩn bị “Chết”, thì:

  • Mau mau phải tìm người Hộ-Niệm…
  • Mau mau phải liên lạc với Ban-Hộ-Niệm…
  • Mau mau cầu viện những người đồng tu biết pháp Hộ-Niệm đến bên cạnh để trợ duyên cho mình trong những giây phút rất là căng thẳng, rất là quan trọng của một đời này, để may ra mình có được cái duyên vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nếu một Ban-Hộ-Niệm đến mà mình nói rằng: “Ban-Hộ-Niệm này chưa có ai tu bằng ta, thì làm sao có đủ khả năng hướng dẫn cho ta”… Nếu lỡ đã khởi lên một ý niệm như vậy, xin chư vị hãy mau mau sám hối, sám hối kịp thời, kiệt thành sám hối đi… Nếu không nhất định sẽ bị chướng nạn…

 

Tại vì sao?… Vì đã chê người ta không đủ khả năng hộ-niệm cho mình, thì những lời hướng dẫn của người đó mình không nghe đâu, những tiếng niệm Phật của họ không nhập vào tai của ta đâu.

Ta có tinh thần bài bác, bài xích hoặc là đánh giá họ thấp là do tâm thượng mạn. Một khi tâm cao ngạo khởi lên, duyên theo đó bao nhiêu chướng nạn trùng trùng sẽ phát sinh, sẽ ngăn chặn mất con đường Vãng-Sanh của chính mình rồi vậy.

Cho nên trong những lần trước Diệu-Âm có những lời nói ra tựa hồ như đổ vạ cho những người hộ-niệm, nhưng thực ra là để nhắc nhở người hộ-niệm cần phải nghiên cứu cho thật kỹ hơn nữa về phương pháp hộ-niệm. Phải coi lại những đoạn phim mình quay trong lúc hộ-niệm xem có gì sơ suất hay không để tự mình chỉnh sửa. Bây giờ chúng ta là những người đang còn khỏe, đang niệm Phật đây nhưng rồi cũng sẽ bệnh, cũng sẽ chết… Vậy thì cũng cần coi qua những cái phim đó để tự rút kinh nghiệm. Coi về những khía cạnh nào?

  • Coi thử người đó có kình cải với Ban-Hộ-Niệm hay không?…
  • Coi qua tiền thời của vị sắp ra đi đó có tạo ra chướng nạn nào liên quan đến tâm cống cao ngã mạn hay không?…
  • Coi đến người gọi là tu hành nhiều đó, họ có tâm bài xích chuyện hộ-niệm vãng-sanh hay không?…
  • Coi thử họ có nghĩ rằng họ là người ngon hơn thiên hạ hay không?…
  • Coi để tự mình xét lại chính mình có vướng phải những chuyện đó hay không?… Nếu vướng phải những vấn đề đó, phải bỏ ngay liền lập tức.

Xin thưa thật với chư vị, một cái tâm khiêm nhường, chí thành, chí kính niệm Phật nó sẽ giúp cho chúng ta vượt qua trùng trùng ách nạn của nghiệp chướng để trở về Tây-Phương thành đạo. Một cái tâm tự mãn, cho rằng “Ta tu hành tốt”, một cái tâm tự khoe rằng “Ta đạt được Lý-Nhất-Tâm-Bất-Loạn”, “Ta niệm Phật được Tam- Muội rồi”, “Ta niệm Phật đã được Niệm-Vô-Niệm rồi”… nó sẽ cản ngăn… nó đánh mất luôn cơ duyên cảm ứng với đại nguyện của Đức A-Di-Đà Phật. Thực sự như vậy!…

 

Chư vị ơi!… Diệu-Âm này đã đi Hộ-Niệm, khá nhiều và gặp được những trường hợp đó, bây giờ đây mới xin thành tâm khai báo lại cho chư vị biết. Những người càng hiền lành chừng nào, khi ra đi họ lại dễ vãng-sanh chừng đó. Những người mà tự nhận mình có cái năng lực này năng lực nọ, có chứng đắc này chứng đắc nọ… đến giờ phút xả bỏ báo thân, thì chính Diệu-Âm này chưa từng thấy qua một trường hợp nào họ để lại một thân tướng tốt đẹp hết! Nói như vậy không có liên can đến những vị thực tu thực chứng, mà để chúng ta ý thức được rằng, vì tâm tăng thượng mạn mà người ra đi đã bị nạn rồi. Bị nạn quá nặng rồi!…

Vì tha thiết mong cho tất cả chúng ta người nào cũng được phước phần theo A-Di-Đà Phật về Tây-Phương, ngự trong cái hoa sen công đức của chính mình mà thành đạo, xin chư vị bắt đầu từ đây hãy luôn luôn nhớ đến lời dặn của Ấn-Quang đại sư. Ngài nói rõ lắm, cụ thể lắm. Nhất định những lời nói của Ngài rất xứng hợp với căn cơ của chúng ta, của những người như Diệu-Âm đây.

Ngài nói: “Càng niệm Phật chừng nào, mình càng thấy nghiệp chướng vẫn còn nặng. Càng niệm Phật chừng nào mình thấy mình vẫn còn là phàm phu tục tử”.

Ngài nói: Muốn một phàm phu tục tử này mà trở về Tây- Phương thì không có cách nào tốt hơn là lấy cái lòng Chân- Thành, Chí-Thành Chí-Kính, để chúng ta được A-Di-Đà Phật Thươngmà đến tiếp độ mình”. Ngài nói đến tiếng “Thương” cho nhẹ nhàng, dễ cảm, chứ thực ra lúc nào Phật cũng thương chúng ta cả, mà tại vì chúng ta đi trật đường, nên dù Ngài có thương cũng cứu không được.

Mong cho chư vị hiểu được chỗ này, bắt đầu từ đây thật vững vàng đi về Tây-Phương bằng con đường:

 –  Một là khiêm-nhường, chí-thành, chí-kính.

 – Hai là kết hợp chặt chẽ với nhau thành một nhóm Hộ- Niệm cho nhau, trợ duyên cho nhau vững vàng, đừng để sơ suất.

Được vậy thì tất cả mọi người ở đây chắc chắn ai cũng có phước phần vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

 

Niệm Phật một vạn người tu một vạn người được Vãng- Sanh, muôn người tu muôn người đắc, đây là lời chư Tổ nói. Nhất định chúng ta ở đây hơn một trăm người không có phải là muôn người đâu. Xin đừng nghi ngờ.

Nhất định đừng nghi ngờ nghen chư vị. Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –