Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 35

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 35)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta trở lại vấn đề sơ suất. Về những sơ suất của ban hộ- niệm thì xin chư vị cố gắng bỏ chút ít thời giờ nghe lại các cuộc tọa đàm Những sơ suất có thể xảy ra khi hộ-niệm”, Diệu-Âm có đem theo qua đây… Theo lời đề nghị của anh Vinh, Diệu-Âm sẽ cố gắng chia sẻ thêm. Xin chư vị cố gắng nghe vài ba lần để xét coi mình đi hộ-niệm có lỡ sơ suất gì không?…Trong những ngày này, chúng ta nói về sơ suất của cá nhân người bệnh, sơ suất của gia đình người bệnh.

Như trường hợp hồi sáng, Diệu-Âm đã kể lại câu chuyện về một người con khi nghe tin cha mình chết trong bệnh viện, anh liền chạy tới nơi mượn cái máy hô hấp, tìm mọi cách làm hô hấp để cứu người cha sống lại. Cái máy hô hấp nó đánh ầm ầm vào xác người cha suốt cả tiếng đồng hồ, dù rằng bác sĩ đã báo ông cụ đã tắt thở hơn 20 phút rồi, không cứu được nữa, thế mà anh vẫn làm. Người con vì thương cha nên nghĩ là làm như vậy để tròn chữ hiếu… Nhưng không ngờ, anh ta đã phạm phải một đại kỵ của pháp hộ-niệm, có nghĩa là đại cấm kỵ đối với con đường thoát nạn của người cha, cũng có nghĩa là đại thuận lợi để đi về ba đường ác hiểm cho ông cụ… Nghĩ thử có dễ sợ hay không.

Khi có người thân chết, người thế gian thường hay xem ngày, xem giờ tốt để tẩn liệm, mai táng… Thì xin chư vị, bây giờ mình biết hộ-niệm rồi, muốn xem ngày xem giờ gì đó, trước tiên cũng nên mời ban hộ-niệm đến niệm Phật trợ duyên cho người thân của mình 12 tiếng đồng hồ, 16 tiếng đồng hồ, rồi sẽ tính. Sau khi hộ- niệm hoàn mãn rồi muốn xem gì đó thì xem cũng được.

Lúc nãy trên xe có vị nhắc nhở tới thầy Giác-Chỉ. Phải nói rằng Diệu-Âm có duyên sâu đậm với Thầy. Sau khi Thầy tận mắt nhìn thấy chị Bùi-Thị-Gái vãng sanh vào năm 2005, Thầy đã thay đổi hẳn phương cách tu hành. Thầy nói: Nhất định bây giờ Thầy cứ đi hộ-niệm, không làm gì khác hết”. Thầy Giác-Chỉ chính là vị

 

Thầy đầu tiên ứng dụng pháp hộ-niệm tại Việt Nam. Nói như vậy là kể từ lúc Diệu-Âm biết về hộ-niệm mới để ý đến, chứ còn trước đó có hộ-niệm hay không thì Diệu-Âm không rõ được. Thầy phát tâm đi hộ-niệm khắp nơi và có những thành quả khá tốt đẹp. Thầy nói: Không ngờ!… Không ngờ!… Không ngờ hộ-niệm thật quá vi diệu!…”.

Người thế gian có tục lệ khi có người thân chết thì lo xem ngày xem giờ nhập quan. Thầy nói, bây giờ để Thầy xem ngày giờ luôn. Thầy biết cách xem ngày giờ tốt. Vì là một vị Sư, nên Thầy nói ai mà không tin… Thầy nói, có xem gì thì xem, giờ tốt cũng rơi vào 12 tiếng đồng hồ sau khi hộ-niệm xong… (Hì-hì!…). Thầy xem đâu trúng đó, mắc cười không nè. (Hì-hì!…). Mình nói thì người nhà không nghe, còn Thầy nói thì ai cũng nghe theo. Tán thán! Xin tán thán cách xử lý của Thầy.

Khi người nhà đến hỏi Thầy về giờ nhập quan?… Thầy lật-lật sách ra… “Đây rồi!… Sáu giờ chiều nay mất hả?… À!… sáu giờ chiều mai nhập quan mới tốt…”. Thế là, người nhà và đồng tu cứ yên chí lo niệm Phật Hộ-Niệm… Quý vị thấy vui không?…

Giả sử trường hợp có người xem ngày xem giờ xong rồi đến nói với Thầy rằng, nếu không chôn liền thì ngày mai bị “Ngày Trùng”, (Ngày trùng là ngày sẽ đem lại việc xui xẻo cho gia đình!?…). Thầy nói:

Ờ!… Trùng hả?… Trùng thì niệm Phật trùng lên. Nhờ bị trùng đó mà một tiếng đồng hồ hãy niệm thành hai tiếng. Vậy thì hãy dành thêm một ngày nữa để niệm Phật... Thành quả bất khả tư nghì!…

Chúng ta phải có niềm tin vững vàng vào pháp Phật mới được. Nếu niềm tin yếu, thì tục lệ thế gian sẽ chi phối vào, làm lung lay tâm nguyện vãng sanh. Vấn đề xem ngày xem giờ thường thường phá tan con đường thoát nạn cho người thân của họ. Xét cho cùng ra, 90% những dụng ý của việc xem ngày xem giờ để chôn cái thân đó là cầu linh hồn người chết trở về yểm trợ việc buôn bán, làm ăn, giúp con cái phát tài phát lộc… Cầu như vậy chẳng khác gì muốn

 

cho người chết khỏi được siêu sanh, khỏi phải đầu thai chuyển thế. Đúng không?… Thường thường là như vậy.

Thương nhau mà lại xử sự khá lạ lùng!… Thương người thân mà không chịu để cho người thân được siêu sanh, lại muốn người thân sống lang thang trong cảnh trung ấm chịu đọa lạc: “Mẹ ơi!… Mẹ phải yểm trợ cho con làm ăn, buôn bán tốt chứ?…”. Sự sơ ý này đã vô tình lợi dụng người chết một cách tội nghiệp. Phải chăng vì không hiểu Phật đạo mà làm điều lỗi lầm.

Vậy thì, khi biết được pháp hộ-niệm rồi, xin chư vị đừng nên chú ý quá đáng đến việc xem ngày giờ nữa. Nếu chư vị muốn xem thì nên áp dụng quy luật của thầy Giác-Chỉ đi, nghĩa là hãy hộ-niệm xong rồi mới xem sau. Làm được điều này là giác ngộ nhiều lắm đấy… Vui lắm đấy… Quý vị có chịu không?… Thực hiện đi, đừng lo ngại.

Một điều sơ suất khác nữa, khi có người chết thường thường người thân vội lo tắm rửa, thay áo, thay quần, vì lo ngại để lâu thì thân xác sẽ cứng. Trường hợp này xảy ra nhiều lắm.

Xin kể ra đây một câu chuyện, nói thì giống như chuyện tiếu lâm, nhưng đây là chuyện có thật. Đó là phụ thân của một vị đã xuất gia rồi, nhưng vì không biết quy luật của phương pháp hộ- niệm, nên khi ông cụ vừa mới mất thì đem thân ông cụ tắm rửa  thật sạch, thay áo, thay quần, sắp xếp thân xác thật trang nghiêm, rồi mới kêu Diệu-Âm tới hộ-niệm…. Ban hộ-niệm tới niệm Phật được khoảng chừng 4 tiếng đồng hồ, thì gia đình bảo ngừng niệm Phật và tỏ lời tri ân ban hộ-niệm. Họ nói, nhân viên nhà quàng đã đến rồi, bây giờ họ chuẩn bị chích thuốc giúp xác thân không bị hư hoại để làm lễ… Ôi thôi!… Diệu-Âm cũng đành lẳng lặng đi về.

Nhiều người không biết pháp hộ-niệm nên mới làm như vậy. Dù muốn trách thì cũng không nỡ trách được. Nhưng hậu quả thật là đau thương. Thực sự là đau thương cho người chết lắm chư vị ơi.

Khi Diệu-Âm đi về Việt Nam hộ-niệm cho người Cô, người Cô ra đi thân tướng mềm mại, tốt lắm. Thì có một vị Sư tới tâm sự với Diệu-Âm như thế này:

 

Tình thực là tôi không ngờ đến pháp hộ-niệm này vi diệu như vậy. Chính Sư Phụ của tôi khi viên tịch, 5-6 người sư huynh đệ của chúng tôi cứ ôm thân Sư Phụ mà khóc than, kêu réo, năn nỉ Sư Phụ đừng bỏ đi…

Người này kéo, người kia kéo… Trước giờ phút ra đi, Sư Phụ muốn nói một câu mà nói không được. Còn các đệ tử thì quá thương nên cứ kêu nài: “Sư Phụ ơi!… Sư Phụ đi rồi, bỏ chúng con với ai?… Con sẽ nương dựa vào đâu? .

Hàng đệ tử cứ ôm nắm, than khóc như vậy, sau cùng người Sư Phụ ra đi mà thân tướng không bằng người Cô này.

Diệu-Âm nghe nói những lời này mà ứa nước mắt… Một đời tu hành khó khăn mà không dặn dò hàng đệ tử chuẩn bị hộ-niệm cho mình để đến khi nằm xuống phải gặp điều chướng ngại… Chính vì không biết hộ-niệm, tình thương lại quá mạnh mà phạm phải những điều cấm kỵ quá lớn. Lay động, ôm nắm, khóc lên, khóc xuống… là những điều đại cấm kỵ. Vì quá tình cảm mà làm cho Sư Phụ muốn nói một lời răn dạy mà nói cũng không được, đành phải đau khổ ra đi!…

Nghe đến câu chuyện này, mong chư vị hiểu thấu cho cái đạo lý cứu người. Đừng nên sơ ý khinh thường pháp hộ-niệm. Đừng nên nghĩ rằng sự vô thường chưa đến sớm với mình đâu. À!… Chị kia đang bệnh thì chị kia đi trước. Anh nọ đang nằm trên giường bệnh, thì anh nọ đi trước. Bác kia bán thân bất toại rồi, thì lo cho bác trước đi. Còn mình thì chưa tới đâu. Không phải. Chưa chắc. Hoàn toàn không chính xác đâu.

Có những người quen biết, Diệu-Âm khẩn thiết nhắc nhở 4-5 năm liền, tha thiết khuyên hãy lo nghiên cứu pháp hộ-niệm đi. Nhưng họ không nghe theo, cứ chần chờ… đến sau cùng, từ mẹ chồng chết cũng chịu thua. Mẹ mình chết cũng chịu thua. Đến em mình chết cũng chịu thua. Rồi tới chồng mình chết cũng chịu thua luôn. Thật tội nghiệp!…

Bây giờ đến phiên mình hình như đang chờ đợi. Nếu cũng không chịu nghiên cứu hộ-niệm sớm. Ngày đêm cứ tiếp tục lo nào

 

là pháp cao đạo diệu, nào là lý siêu lẽ huyền thì coi chừng!… Đau khổ đến trước mắt!… Đau khổ đến trước mắt!…

Cho nên, mong chư vị nhớ cho, việc làm hay nhất là trước khi mình đi tu, trước khi mình làm đạo, trước khi mình niệm Phật… hãy mau mau nghiên cứu pháp hộ-niệm liền đi. Ngay liền tại chỗ đi. Ngay ngày hôm nay, hoặc ngày mai lo liền đi. Nếu lo liền đi nhiều khi 1 tuần sau quý vị có thể ngộ ra đạo lý. À!… Đúng rồi!… Không thể trễ được. Nếu chần chờ, trễ đi 1 tuần, 2 tuần coi chừng trở ngại. Không trở ngại cho chính mình, thì có thể trở ngại cho bà con thân thuộc của mình. Trở ngại ngay trước mắt, không phải sau lưng. Xin thưa thực với chư vị như vậy.

Diệu-Âm đi niệm Phật, hộ-niệm bắt nguồn từ lúc đi chung với người Hoa trong Tịnh-Tông Học-Hội. Có nhiều người tu tại Tịnh- Tông Học-Hội mà vẫn khinh thường phương pháp “Hộ-niệm”. Lạ lắm!… Đến nỗi khi đã bệnh rồi, những vị trong ban trị sự khẩn khoản nói:

– Bây giờ cái bệnh này chắc chắn phải chết rồi. Nhưng mình biết tu thì quyết lòng đi về Tây-Phương đi, đừng sợ nữa. Hãy đến ở ngay tại đạo tràng luôn. Chúng tôi dành cho một căn phòng trang nghiêm thanh tịnh, hàng ngày có chư vị Pháp Sư, chư vị đồng tu thay phiên nhau đến chăm sóc, hộ-niệm để vãng sanh mới an toàn…

Ấy thế mà người bệnh cũng trằn lên, trụt xuống quyết rời đạo tràng đi ra bên ngoài để tìm nào là lá đu đủ, nào là thuốc này, thuốc nọ, đủ thứ thuốc hết, nào là bác sĩ này bác sĩ nọ, cầu viện đủ cách. Đến khi chết rồi, đồng tu cũng đến hộ-niệm, nhưng không thấy một hiện tượng nào an lòng, nhiều khi chưa dám nói sẽ được trở lại ba đường thiện nữa là khác. Lạ lắm chư vị ơi. Đừng bao giờ khinh thường.

Chính vì thế, mà khi Diệu-Âm nghe đến những người nói: Niệm Phật “Nhất-Tâm Bất-Loạn” để vãng sanh, Diệu-Âm kính nể, rất kính nể, mà lo sợ thì cũng rất lo sợ cho họ, tại vì mình đang nghĩ rằng, làm sao mà người này có thể được “Nhất-Tâm Bất-Loạn” đây?… Nếu không “Nhất-Tâm Bất-Loạn” thì làm sao người này được vãng

 

sanh đây?… Mà còn sợ thêm một bậc nữa, không biết người này làm sao khi ra đi có thể được an lành như những người hiền hiền, thật thà, chất phác niệm Phật và chuẩn bị cẩn thận việc hộ- niệm?… Đây chỉ là chút kinh nghiệm riêng của Diệu-Âm, xin thổ lộ với chư vị mà thôi.

Chính vì thế, trước đây Diệu-Âm quyết lòng khuyên ông cụ thân sinh niệm Phật. Khi ông cụ buông thế sự ra rồi bắt đầu niệm Phật, ông cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm. Thật là mừng quá chừng đi. Diệu-Âm không dám khuyên cha mình nghe thêm pháp gì khác nữa hết. Cứ một băng “Khuyên người niệm Phật” nghe tới, vì cái băng này mình khuyên cho chính ông mà. Lâu lâu ông thích nghe thì cứ mở cái đó mà nghe. Đủ rồi. Tuổi già trên 80 rồi còn thời giờ đâu nữa mà lo lý cao pháp diệu… Rồi con cái trong gia đình, những người quen thân phải lo chuẩn bị hộ-niệm cho ông là được. Và ngay bây giờ, đến lượt người mẹ của Diệu-Âm cũng vậy, hoàn toàn không dám khuyên nghe pháp gì hết. Năm nay (2010) bà đã 87 tuổi rồi. Một bà già nhà quê, chữ A, chữ B nhiều khi viết trật lên trật xuống, thì còn pháp gì hợp nữa mà nghe cho vô? Chỉ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm mới tốt. Mỗi sáng bà thường thường lên ngồi trước chánh điện, bà nguyện như vầy:

Con xưa vốn tạo bao ác nghiệp, Đều do vô thỉ tham sân si,

Từ thân miệng ý phát sinh ra, Con xin sám hối…

Câu thứ tư bà quên mất… bà cứ nói:

Con xin sám hối, cho con về Tây-Phương…

Đủ rồi. Như vậy là đủ rồi. Không ai dám làm bà phiền não là đủ rồi. Chiều chiều cộng tu, Bà đau lưng quá ngồi dưới đất không được thì ngồi trên ghế niệm Phật… Bà niệm tiếng được tiếng mất… cũng để bà tự nhiên. Miễn bà quyết lòng muốn về Tây- Phương Cực-Lạc là được. Bấy nhiêu đó là đủ rồi, không còn cần gì hơn nữa.

Diệu-Âm có một người bạn tu hành cũng rất khá, cũng thông minh trí huệ lắm, cha già thì đang ở Việt Nam, nhưng anh không

 

chịu lo chuẩn bị hộ-niệm. Có một hôm bỗng nhiên nghe tin ông già mất, anh vội vã chạy đi làm giấy hộ chiếu gấp, để kịp mua vé máy bay, bay về nhìn mặt cha một lần cuối. Còn làm được gì hơn?… Cha già đã chết mất rồi.

Trong suốt thời gian trước đó, Diệu-Âm nhiều lần nhắc nhở vị đó hãy cố gắng lo chuẩn bị chuyện hộ-niệm. Trước đó cỡ 3 năm, lúc ông cụ tuổi đã gần 80, nhưng vẫn chưa biết tu hành gì cả. Có một dịp nào đó, anh gởi được bộ sách “Khuyên người niệm Phật” về cho cha. Ông già đọc rồi cảm động đến ứa nước mắt, rồi bắt đầu phát tâm tu hành. Ông già bắt đầu tu ở tuổi đời 76. Người con mừng quá…

Sau đó, anh thường đóng cả từng thùng băng pháp gởi về cho ông cụ nghe. Tôi nói:

  • Ông cụ hồi giờ không có tu hành, nay đã 76 tuổi rồi mới bắt đầu phát tâm niệm Phật. Trước nay chưa thường nghe pháp, nay anh ép nghe nhiều pháp quá làm sao ông cụ nghe nổi?… Chính mình đây mà nhiều lúc nghe còn không nổi, tại sao lại đóng thùng pháp này thùng pháp nọ gởi về ép ông cụ phải nghe?

Tôi đề nghị:

  • Bây giờ anh nên thuận theo sở thích của ông. Ông đang thích một pháp nào đó mà phát tâm niệm Phật thì trước mắt cứ để một cái pháp đó cho ông nghe đi. Lâu lâu anh nên ủng hộ chút ít đô-la cho ông cảm mến mình trước đã. Hãy hướng dẫn ông nguyện vãng sanh. Chứ bây giờ cứ đem pháp tống vào, dù pháp hay cho mấy đi nữa nhưng chưa chắc gì ông sẽ tiếp nhận được…

Ấy thế mà anh đó không nghe theo, cứ lý luận rằng không nghe pháp thì làm sao hiểu đạo. Tôi nói:

  • Niệm Phật vãng sanh không cần phải hiểu đạo. Chỉ cần ông cụ thành tâm, tin tưởng, tha thiết vãng sanh là được. Khuyên ông hãy tự nghĩ rằng mình là người phàm phu, hồi giờ sơ ý tạo nghiệp sâu nặng quá rồi, bây giờ xin sám hối, cầu A-Di-Đà Phật tới cứu là được rồi.

Ấy thế mà vị đó không chịu nghe. Đến sau cùng, tôi nói:

 

– Nếu anh cứ tống pháp về. Nhiều pháp thì mênh mông, chỗ thì cao quá, chỗ thì rộng quá… Một người hồi giờ không biết gì hết làm sao có thể nghe cho vô. Mình nghe thì thấy hay nhưng chưa chắc người khác lại nghe được. Bài pháp này nói thế này, bài pháp kia nói thế kia, coi chừng ông cụ phân tâm mà bỏ tu đó…

Vị đó cũng không chịu nghe theo. Khoảng 6 tháng sau ông cụ phàn nàn rằng sao pháp này pháp nọ nói lung tung quá, không biết đâu mà theo… Ông bỏ niệm Phật luôn và trở lại con đường cũ say sưa… Thôi chịu thua rồi.

Kể lại câu chuyện này để lấy làm kinh nghiệm. Một người gặp được câu A-Di-Đà Phật mà tin tưởng, thực ra đã có căn nguyên trước. Nhờ thiện-căn, phước-đức từ nhiều đời nhiều kiếp đã tu tập được mới đưa đến cơ duyên này mà hành trì, chứ không phải đương nhiên mà tin câu A-Di-Đà Phật đâu. Nhưng một khi khởi phát lòng tin rồi, cũng chưa phải là ngon đâu. Phải biết gìn giữ, nuôi dưỡng tín tâm, đừng để nghịch duyên chi phối làm thối chuyển tâm ý. Điểm quan trọng là đừng để bị thối chuyển. Thối chuyển nguy hiểm lắm. Cũng giống như mình đứng dưới đất, nếu lỡ bị té cũng không đau lắm đâu. Chứ khi leo lên cây cao, lỡ bị rớt xuống… nhất định không lỗ đầu thì cũng bể vai, không bể vai thì cũng trặt tay, không trặt tay thì cũng gãy chân chứ không phải đơn giản. Tức là khi chúng ta đã tin tưởng vào việc gì, khi bắt tay vào việc đừng bao giờ sơ ý mà tiếp xúc quá nhiều nghịch duyên. Nhiều nghịch duyên tạo nhiều cơ hội thối chí. Thối là lui lại, là rơi xuống. Không tốt. Nay chúng ta phát tâm niệm Phật cũng vậy, phải luôn luôn củng cố niềm tin càng ngày càng vững mới được.

Làm sao củng cố niềm tin?… Những gì không có liên quan tới con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì tạm thời đạm bạc đi, đừng hiếu kỳ đến.

Xin chư vị mau mau đạm bạc với ngoại duyên đi thì niệm Phật mới yên ổn được. Ví dụ như tôi đang nghỉ trong phòng sách của anh Vinh. Trong đó sách nhiều lắm. Nếu tôi ham xem sách, có thể tôi bị phân tâm. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn đọc, thì tôi chọn cuốn giảng ký kinh Vô-Lượng-Thọ để đọc một chút, tôi không dám xem

 

đến sách khác. Tôi biết có nhiều sách hay lắm, nào là thần cơ bói toán, phong thủy, triết học, v.v… Nhiều lắm. Nếu mình ham đọc đến thì dễ loạn cái tâm. Hòa thượng Tịnh-Không nói rằng, nghe pháp, hãy chọn pháp nào một pháp mà nghe tới cùng, đừng nên ham pháp này rồi pháp nọ. Nhiều pháp quá coi chừng mình bị loạn tâm. Loạn tâm thực đó, tức là tâm không thể thanh tịnh được…

Tại sao vậy? Tại vì:

  • Cái tâm mình chưa định.
  • Cái tâm mình chưa vững.
  • Nghe đến những lý thuyết hay thì dễ bị phân tâm.

Có nhiều vị giảng sư đã dùng nhiều đến yếu tố tâm lý để nói, nghe rất hay. Dùng tâm lý mà nói ra thì hợp với tâm lý liền, dễ mê lắm. Mê thì không tỉnh. Không tỉnh thì dễ đi lạc đường. Lạc đường nghĩa là đi xiên chỗ khác, đi xéo mục tiêu. Con đường thành đạo của chúng ta đã quá dài rồi, mà nay còn muốn làm cho nó dài thêm nữa. Thôi!… Đành chịu thua vậy!…

Vậy thì, đi đường nào một đường thôi. Đừng bao giờ đi đường này mà mơ tới đường nọ. Chư vị ơi!… Tâm bất định thì phân vân, chao đảo, không thể thành tựu được.

Rất nhiều vị muốn niệm Phật. Tôi khuyên: Niệm Phật trọng về chuyên nhất, tối kỵ về nghiên cứu nhiều thứ quá. Ngay cả kinh pháp mà nghiên cứu nhiều quá cũng không tịnh được. Nghiên cứu nhiều rồi thì tâm nó sẽ rối bòng bong, không biết đâu mà quyết định. “Trời ơi!… Mình không gỡ cái nghiệp này, không tiêu ách nọ thì làm sao mà vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc được?”… Lý luận thì nghe thuận, nhưng có ngờ đâu đôi khi cái pháp đó dành cho những người tự tu để đắc Thánh quả A-La-Hán, là pháp cho người Quyền-Thừa Bồ-Tát, toàn là pháp cho những người muốn tự lực tu chứng. Còn pháp môn niệm Phật, Phật nói cho những người quyết lòng niệm Phật cầu Phật tiếp độ để vãng-sanh, mà ta không chịu nhiếp tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật, ta lại không chịu đọc cái pháp chính của ta tu hành. Chính vì không hiểu đạo lý này nên cứ

 

phân tâm rằng tại sao kinh này Phật nói như thế này, kinh kia Phật nói như thế kia?… Mà thực sự, một lời kinh của Phật nói ra là:

  • Ứng hợp với một tầng cấp của chúng
  • Ứng hợp với một căn cơ của chúng
  • Ứng hợp với một pháp môn…

84.000 pháp môn là ứng trị với nhiều phiền não tập khí của chúng sanh. Ta chỉ chọn pháp môn niệm Phật là để đới nghiệp vãng-sanh, thì cứ một pháp môn “Niệm Phật” mà đi để thành tựu. Với pháp môn Niệm Phật, Phật dạy, đóng lục căn lại, mà ta cứ mở ra. Bồ Tát Đại-Thế-Chí nói phải đóng con mắt lại, đóng cái lỗ tai lại, đóng ý tưởng lại… Đóng tất cả để niệm câu A-Di-Đà Phật. Mình phải y giáo phụng hành, không nên chạy lung tung làm cho tâm hồn bị chao đảo…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –