Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 29

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 29)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta có cơ duyên nói chuyện với nhau về hộ-niệm, thực ra thì Diệu-Âm khi biết được chút Phật pháp, rồi có cơ duyên cứ nói về hộ-niệm không thôi. Ngoài vấn đề này thì không có chuyện nào khác để nói hết. Trước đây thì thường tán thán hộ-niệm, tán thán những người đi hộ-niệm mà ít nói đến phần sơ suất.

Nay nói đến phần sơ suất thì thường thường rất dễ làm các vị hộ-niệm buồn, vì những lời này giống như sự chỉ trích. Nhưng thực ra không phải vậy đâu. Mọi việc trên đời đều tương đối, có nghĩa là dù tốt tới đâu cũng có thể sơ suất! Dù cẩn thận cho mấy vẫn khó tránh những lúc vô ý. Cũng xin nhấn mạnh điều này, sự sơ suất này là vấn đề cá nhân, chứ không phải tất cả mọi người đều sơ suất như vậy, cũng không phải nói là pháp hộ-niệm sơ suất. Pháp hộ-niệm rất tuyệt vời, mà do chúng ta sơ ý:

  • Có nhiều người vì không nghiên cứu kỹ về quy luật trợ niệm mà sinh ra sơ suất.
  • Có nhiều người vì cái tâm hạnh quá mạnh, sự phát tâm quá mạnh, quá nhiệt tâm… cũng có thể gây ra sự sơ suất.
  • Có nhiều người thì quá nhạy cảm trong vấn đề cảm ứng cũng có thể gây nên sơ suất, v…

Mong chư vị cố gắng nghe qua 48 cuộc tọa đàm ở tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà nói về “Những Sơ Suất (có thể xảy ra) Khi Hộ-niệm”, Diệu-Âm có nêu ra một số sơ suất thông thường. Sau đó, tại thành phố Melbourne ở vùng phía nam nước Úc, Diệu-Âm cũng tiếp tục nói thêm về “Những Điều Cần Tránh Khi Hộ-niệm”, xin chư vị cũng nên nghe qua.

Vấn đề hộ-niệm quan trọng lắm chư vị ơi!… Có người nói rằng niệm Phật cho “Nhất-Tâm-Bất-Loạn” thì được tự tại vãng-sanh, đâu cần gì đến người hộ-niệm. Có ý niệm này thì tốt đấy, nhưng chính nó cũng để lại một điều sơ suất khá nặng!… Vì thưa thực, người nào niệm Phật mà được “Nhất-Tâm-Bất-Loạn” thì tốt lắm, điều này trong kinh Phật có nói. Nhưng chúng ta đã sinh ra trong thời mạt pháp này, thì căn tánh yếu, tội chướng nặng, không dễ gì đạt được Nhất-Tâm-Bất-Loạn đâu. Quý vị nên nhớ rằng, nghiệp chướng có kèm theo oan gia trái chủ chướng. Oan gia trái chủ chướng nằm trong nghiệp chướng của mình. Oan gia trái chủ thường thường hay lần theo chọc ghẹo những người có cái tâm cầu Nhất-Tâm- Bất-Loạn. Mình nói chọc ghẹo là nói cho vui đấy, chứ thật ra là họ quấy phá mình. Họ phá mình dữ lắm! Quấy phá đối với những người không biết tu hành thì dễ, còn đối với những người biết tu hành thì sự quấy phá phải tế vi hơn một chút. Họ phải chờ cho người tu hành đó khởi cái tâm cống cao ngã mạn lên mới có dịp phá được.

  • Mình muốn có thần thông, họ cho mình chút xíu thần thông!
  • Mình muốn nhất tâm, họ cho mình một chút nhất tâm!
  • Mình muốn biết được về đời trước đời sau gì đó, họ có thể giúp mình biết được một chút đời trước, đời sau!
  • Mình muốn được tha tâm thông, họ cho mình chút ít tha tâm thông!

Thích thú lắm. Nhờ vậy mà mình thấy hình như thật sự mình có chứng đắc! Nhưng không ngờ, do vậy mà mình sơ ý, thiếu đề phòng mới dễ bị hại. Ví dụ, như khi ngủ mà mình đóng cửa thì kẻ trộm không vô được, còn mình sơ ý quên đóng cửa, kẻ trộm dễ tìm cách lẻn vào… Kẻ trộm vào nhà mà mình không hay, nhiều khi lại mến thương nó, nuôi nó… Coi chừng một ngày nào đó bao nhiêu tiền bạc, của báu đều bị nó ôm đi hết. Mất tiền bạc, mất của cải thì cũng đỡ đi, coi chừng nó ôm luôn cả huệ mạng của mình kéo xuống những đường ác. Thật quá nguy hiểm!…

Chính vì thế, khi chúng ta nói những lời này là để tự mình cần xác định mình là hàng phàm phu, tội chướng sâu nặng. Khi nhắc nhở mình là phàm phu thì tâm của mình phải hiền lại, tánh của mình phải khiêm nhường và mình không dám rời sự gia trì của chư đại Bồ-Tát, chư Thiên-Long Hộ-Pháp. Nhờ tâm tánh hiền lành này mà các Ngài thương mình, các Ngài không nỡ để mình đi lạc đường vướng phải nạn, nhờ vậy mà ta mới an toàn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Cho nên có thể nói rằng, điểm sơ suất đầu tiên của những người hộ-niệm, cũng như người được hộ-niệm, chính là sự thiếu khiêm nhường. Quý vị cứ để ý coi, một người trước đây chưa biết câu A-Di-Đà Phật, khi gặp câu A-Di-Đà Phật tự nhiên họ phát lòng tin tưởng niệm Phật, họ tu tốt lắm. Nhưng một ít trong số những người tu tốt đó sau khoảng chừng 2-3 năm, 4-5 năm… lại thay tâm đổi tánh. Lúc khởi đầu thì khiêm nhường, nhưng sau một vài năm thì biến thành một người không còn khiêm nhường nữa.

Chư Tổ nói rằng, khi mà ta tự thấy ta có một năng lực gì đó, có chứng đắc gì đó, thì ngay từ giờ phút đó là khởi điểm cho con đường thoái chuyển. Thoái hóa!… Ngài Ấn-Quang dạy như vậy. Ngài Tịnh-Không cũng dạy như vậy. Hầu hết chư Tổ cũng dạy như vậy.

Vì thế khi tu hành với nhau, chúng ta nên thành thật khuyên nhau đừng bao giờ sơ ý móng khởi một ý niệm gì về sự chứng đắc. Thường thường hậu quả của nó không tốt đẹp gì đâu đối với những người nghiệp chướng sâu nặng như chúng ta. Những vị căn tánh cao thượng, những vị đại Bồ-Tát… các Ngài được quyền nói đến vấn đề này. Nhưng xin thưa thực, dù các Ngài được quyền  làm như vậy, nhưng các Ngài vẫn phải âm thầm, khiêm hạ, không bao giờ khoe trương ra đâu. Chư vị nên để ý chỗ này. Còn những người thời nay thường khoe những điều này ra, hoặc hơn nữa, mạnh dạn truyền đạt lại những cách công phu tu hành để chứng đắc… Điều này quả thật là sơ ý!… Khi Diệu-Âm gặp những trường hợp đó, chống đối thì xin thưa thật với chư vị là không bao giờ dám chống đối, nhưng làm theo thì cũng thành tâm nói thẳng thắn rằng, không dám theo. Tại sao vậy?… Vì Diệu-Âm vẫn còn là phàm phu. Thật sự như vậy.

Có một lần Hòa Thượng Tịnh-Không nói: “Khi chư vị thấy mình có chứng đắc gì đó mà đi thố lộ ra bên ngoài, thì định lực của chư vị đã tiêu hết rồi”. Một lần khác Ngài nói: “Người nào tu hành mà tự hấy mình có một năng lực nào đó, có một chứng đắc nào đó, thì coi chừng đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi”.

Trước đây Diệu-Âm cũng là người hoang đàng, không biết tu hành. Khi bắt đầu tu thì liền thấy có điều hay quá, cũng gặp nhiều cảm ứng tốt lắm. Nhiều khi cũng nghĩ rằng: “Chắc mình đã ngon lắm rồi. (Hì-hì!…). Nhưng sau đó, may mắn gặp được những lời cảnh cáo của các Tổ thì sợ quá, giật mình tỉnh ngộ. Chữ Tỉnh ngộnày là tỉnh ngộ của cá nhân thôi, vì mình là phàm phu, tỉnh ngộ theo cách của phàm phu. Nay xin đem cái tỉnh ngộ này, cái giật mình này mà thưa lại với chư vị để chia sẻ một chút kinh nghiệm. Chúng ta cùng nhau cẩn thận, gìn giữ, nhắc nhở nhau cho được an toàn mới tốt…

Một người thực sự đã chứng đắc thì trí huệ đã khai mở, tâm hồn đã thanh tịnh. Một người tâm hồn đã thanh tịnh thì khó mà đi khoe ra lắm. Hiểu được điều này, thì mong chư vị hãy nhớ cho, sở dĩ ta đi về Tây-Phương Cực-Lạc được là chính nhờ ở lòng Chí- Thành, Chí-Kính, Khiêm-Nhường của mình mà được Phật thương. Đây là lời của ngài Ấn-Quang nói. Các vị đại Bồ-Tát thương ta, không nỡ để cho người hiền lành quá này đi lạc đường. Nếu thấy mình có gì sơ suất, thì các Ngài nhắc nhở, các Ngài la rầy… Những lời la rầy này ở đâu?… Ngay trong kinh Phật, ngay trong những lời khai thị của các Tổ đã có sẵn lời răn dạy: “Càng tu càng khiêm cung…. Khiêm cung chính là cách giải thoát ách nạn trong đời này đó. Nhờ tính khiêm cung đó, nên dù cho chúng ta tu thật giỏi đi nữa, vẫn giữ được tâm bình lặng. Ví dụ như ngày hôm nay ở đây mình tu được 10 tiếng rưỡi đồng hồ, như vậy là cũng khá đó. Giả sử như mỗi ngày mình tu 10 tiếng rưỡi suốt năm đi nữa, chúng ta cũng đừng nên sơ ý nghĩ rằng, sau 2-3 năm thì nhất định ta sẽ đạt được “Niệm-Phật Tam-Muội”, nhất định ta sẽ tiến tới chỗ “Niệm-Bất-Niệm”, nhất định ta sẽ được cảnh giới “Nhất-Tâm- Bất-Loạn”…

Xin chư vị hãy tự mình răn nhắc lấy điều này, lúc nào cũng nghĩ rằng nghiệp chướng vẫn còn, oan gia trái chủ vẫn ở bên cạnh… Ấy

 

vậy mà ta vẫn đi về được Tây-Phương là do ta ăn ở hiền lành, thành tâm niệm Phật mà được các Ngài cứu đấy thôi.

Tu hành ta cần đem công đức bồi đắp cho chúng sinh, bồi đắp cho oan gia trái chủ, bồi đắp cho những điều sai sót mà mình đã sơ ý làm ra trong quá khứ. Có hiền như vậy thì sau cùng rồi ta sẽ gặp được những người bạn hiền, những người hộ-niệm họ đến với mình, đến 1 người chúng ta mừng 1 người, đến 2 người chúng ta mừng 2 người, đến cả một ban-hộ-niệm thì chúng ta lại càng trân quý sự trợ duyên của họ hơn nữa. Nhờ tâm tánh hiền lành, lúc đó họ hướng dẫn điều gì ta cũng lắng tai nghe theo, nhờ thế mình mới hóa gỡ được ách nạn ra. Nên nhớ, đừng nên đam mê vào những triết lý hão huyền nhiều quá. Bây giờ thì lý luận hay lắm, chứ lúc đó thật sự mình sẽ quên hết rồi.

Còn nếu chúng ta cầu cho chứng đắc, thì khi những người hộ- niệm đến, ta cảm thấy chán ngấy và thường thường là mình mời họ ra về. Đúng như vậy đó chư vị. Diệu-Âm không phải là người đi hộ-niệm nhiều nhứt đâu, nhưng cũng đã từng gặp những hiện tượng như vậy. Có một vị kia tu cũng rất khá, cũng có niệm Phật, nhưng khi bệnh xuống, sắp chết, thì bảo con cháu như thế này: “Khi ta chết đừng có mời mấy Thầy tới làm chi, cũng đừng có mời các ban-hộ-niệm tới làm chi. Cứ để ta trong bệnh viện chết là được rồi…”. Thực sự việc này đã có xảy ra.

Quý vị thử nghĩ coi một người thường thường niệm Phật mà đến giờ phút cuối cùng lại dặn con cháu đừng nên mời những người biết đạo tới. Chịu thua rồi!… Quý vị có biết tại sao không? Có người niệm Phật, nhưng cứ nghe đến người ta hộ-niệm thì tỏ vẻ chê bai và thường nói rằng:

  • Làm gì có cái chuyện hộ-niệm mà vãng-sanh? Phải tự lực mới đúng. Phải niệm Phật cho “Nhất-Tâm-Bất-Loạn” mới vãng-sanh được chứ. Làm gì có chuyện kêu mấy ông đó tới niệm Phật mà được vãng-sanh?

Một người đã niệm Phật lại nói lời này mới là điều lạ, chứ người không niệm Phật thì kể làm chi!

 

Vì cái tâm cầu “Nhất-Tâm Bất-Loạn” mạnh quá, nên đã khinh thường phương pháp hộ-niệm. Vô tình đến sau cùng thì chính những lời nói này đã trả lại cho chính mình một bài học vô cùng đắng cay!… Những người hộ-niệm nào tới cũng đành phải chạy dài. Người hộ-niệm đưa ra điều nào, họ cũng tỏ vẻ thông thạo:

  • Tôi biết hết trơn rồi, nói làm chi nữa?… Chư vị hãy đi hộ-niệm cho người khác đi thì hay hơn.

Người hộ-niệm muốn khuyên một vài lời, nhưng vừa thốt ra thì bị chặn lại:

  • Tôi biết rồi.

Thôi chịu thua!… Nói điều gì họ cũng tỏ ra biết hết rồi. Biết gì đây?… Biết những điều mà hiểu biết phải lo sợ! Ví dụ, khi người hộ-niệm nói:

  • Đừng có nguyện cầu hết bệnh nghe.
  • Tôi biết rồi mà, cần gì phải nói nữa?… Quý vị chưa bệnh đó, chứ bệnh như tôi rồi quý vị mới biết… Đau quá như vậy làm sao lại bảo tôi không cầu hết bệnh?… Làm sao mà niệm Phật được?…

Vì biết quá nhiều rồi, nên điều gì cũng cãi lại. Thôi thì… người hộ-niệm cũng đành thuận theo cái biết đó mà xếp gói ra về, chứ làm được gì hơn?!…

Người hộ-niệm nói:

  • Bác hãy cầu vãng-sanh Cực-Lạc nhé.
  • Không!… Tôi muốn “Nhất-Tâm-Bất-Loạn”. Tôi muốn an nhiên tự tại ra đi, chứ tôi không muốn nằm trong bệnh viện mà vãng-sanh đâu. Hãy cứ chữa trị cho tôi hết bệnh đi. Hết bệnh rồi tôi quyết lòng hạ thủ công phu niệm Phật cho đến “Nhất-Tâm-Bất-Loạn” để đi vãng-sanh(?!)…

Niệm Phật cho đến “Nhất-Tâm Bất-Loạn” để vãng-sanh thì tốt đấy. Nhưng người bị bệnh đã đến giai đoạn sắp chết rồi mà còn kèn kè đến vấn đề “Nhất-Tâm-Bất-Loạn” thì thật là điều sơ suất, vừa làm cho ban-hộ-niệm cảm thấy ngỡ ngàng, và rồi chính người bệnh thực sự tự làm một cái bẫy để cài lấy chính mình. Đây là những kinh nghiệm thực tế mà Diệu-Âm đã từng gặp qua. Mong chư vị hiểu thấu.

 

Trong một cuộc tọa đàm nào đó, Diệu-Âm có nói rằng, những ban-hộ-niệm người ta không sợ lắm khi hộ-niệm cho người không tu, nhưng lại sợ người có tu mà bướng bỉnh. Một người chưa biết tu thì đường vãng sanh yếu lắm, nhưng nếu người đó tánh tình hiền lành, biết nghe lời thì người hộ-niệm cũng thấy an tâm hơn. Còn hộ-niệm cho một người mà họ tự khoe rằng là đã tu 20 năm, 30 năm, 40 năm… Họ tự hào đã đọc hết kinh này đến kinh nọ… Tự khoe những kiến thức đó ra, để rồi khi gặp người hộ-niệm khuyên:

  • Bác ơi!… Thành tâm niệm Phật cầu Phật tiếp độ nhé…

Họ trả lời:

  • Phật là Tâm, Tâm là Phật. Phật đâu ở ngoài mà cầu?… Thôi thì niệm Phật làm chi nữa?…

Bệnh sắp chết rồi mà cứ nói những lý đạo thượng thiên không à. Khổ quá!… Khoe những lý đạo siêu huyền “Tâm là Phật, Phật là Tâm” làm chi mà lại không cần đến người hộ-niệm, để đưa đến  tình trạng họ muốn giúp mình mà giúp không được, và cuối cùng mình bị trở ngại trùng trùng.

Cho nên, thà rằng gặp những người không biết tu, mà họ biết sợ, biết nghe lời. Họ là những người thực sự đã tạo nghiệp, họ biết họ đã tạo nhiều nghiệp chướng nặng nề, nhưng sau cùng có được cơ duyên gặp mình, mình tới khuyên giải:

Cái nghiệp chướng của bác lớn quá, bây giờ chỉ còn có Phật mới cứu độ được bác thôi.

  • Phật cứu tôi được không?…
  • Cứu được!

Ồ!… Họ mừng quá! Giống như người đang bị trôi trong dòng nghiệp lực, đang sắp bị nhận chìm trong dòng nước lụt cuồn cuộn chảy mà vớ được cái phao. Chính những lời nói của mình là cái phao. Chính câu: “A-Di-Đà Phật” là cái phao. Chính lời nói: “Phật có thể cứu được” là cái phao. Họ bám thật chặt vào cái phao đó. Chỉ thế mà thôi, họ được vãng-sanh. Họ được cứu.

Còn người vì nghĩ rằng mình không có nghiệp chướng, có trí huệ, có thông minh, tự nghĩ mình chứng được cảnh giới “Nhất-Tâm

 

Bất-Loạn”, có thể tự lực để đi vãng-sanh… vô tình đã rơi mất cái phao. Vì sơ suất này mà tự hại lấy mình.

Nên nhớ, ma chướng muốn phá người tu, không phải khơi khơi mà phá được đâu. Họ cần làm sao cho người đó tăng lên một chút cống cao mà quên đi con đường chí thành chí kính, khởi ý niệm tự tu để chứng đắc. Muốn thông minh họ cho một chút thông minh, muốn chứng đắc họ cho một chút chứng đắc. Vì vậy mà tưởng lầm rằng: “À!… Thật sự ta đã chứng được Nhất Tâm Bất Loạn rồi”…

Xin thưa với chư vị, người niệm Phật đến cảnh “Nhất-Tâm Bất- Loạn” mà không kiên nhẫn chờ được cho người khác tự đến tán thán mình sao? Đã đã đắc quả rồi mà lại có trạng thái mừng vui khấp khểnh, vội vã khoe ra sao?!…

“Nhất-Tâm Bất-Loạn” là một cảnh giới chứng đắc mà có rất nhiều người hiểu lầm. Khi thành tâm niệm Phật có được một vài phút an tịnh nào đó, cảm thấy như mình đang bay trên mây, thì vội vã tưởng là chứng đắc. Hoàn toàn không phải đâu.

“Lý-Nhất-Tâm Bất-Loạn” là những người trí huệ của họ đã khai mở, năng lực của họ cỡ hàng Bồ-Tát Sơ-Trụ trở lên rồi, không phải bình thường đâu chư vị ạ. A-La-Hán nhiều khi không bằng họ nữa đó. Năng lực của một vị A-La-Hán có thể xuyên qua bức tường không trở ngại, hãy hỏi thử những người tự xưng là chứng đắc gì đó có làm được chuyện này chăng?…

Có những người khi tu thấy mình được an lạc một chút, đêm nằm mộng thấy Phật, thấy hào quang, thấy hương thơm gì đó… vội đi khoe khắp nơi. Ngài Ấn-Quang đại sư nói: “Người tu hành mà không chịu khiêm nhường, không chịu nhiếp tâm lại niệm Phật, để cầu Phật gia trì, cứ đứng đó khoe ra. Thấy thì có một, ra nói tới trăm ngàn vạn ức lần nhiều hơn, đến một lúc quá nặng rồi dù chư Phật mười phương xuống đây cứu cũng không được…”. Đó là lời ngài Ấn-Quang nói. Diệu-Âm chỉ nhắc lại mà thôi.

Những người đi hộ-niệm khởi thủy là những người có tâm từ bi, có lòng tin vững mạnh, sau một thời gian đi hộ-niệm có được một số thành tích, thì có người lại khởi tâm cống cao ngã mạn. Thực sự có đấy. Họ tự cho rằng, Tôi có khả năng cứu độ một người

 

vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Khi gặp những người này, Diệu-Âm thường khuyên rằng, hãy đổi lại lời nói này đi: “Tôi có khả năng trợ duyên cho chị, cho bác vãng sanh”, thì hay hơn nhiều…

Nói rằng: “Tôi có khả năng cứu độ anh vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc”, thì đây là một lời nói sơ suất. Nếu bạn có khả năng cứu độ chúng sanh vãng sanh thì hãy đi cứu độ đi, chứ còn Diệu-Âm này không đủ khả năng. Khi cho rằng mình có khả năng cứu độ người ta vãng sanh, thì có lẽ năng lực của mình ngang bằng với A- Di-Đà Phật rồi chăng?… Mà thật ra, chúng sanh phải có đầy đủ Tín-nguyện-Hạnh mới cảm ứng đến đại nguyện của A-Di-Đà Phật mà được vãng sanh. Không Tín-Nguyện-Hạnh thì A-Di-Đà Phật cũng cứu không được, vậy mà mình lại cứu được sao?… Chẳng lẽ mình có năng lực hơn Ngài rồi à?!…

Không phải vậy đâu, đừng nói lời sơ ý. Chúng ta chỉ làm cái nhiệm vụ gọi là “Trợ Duyên” hay “Khuyến Tấn” mà thôi… Giúp cho họ gặp được cơ duyên này mà khởi phát tín tâm vững mạnh lên, khởi phát cái lòng tha thiết muốn vãng-sanh cho mạnh lên, rồi chính họ phải quyết lòng niệm câu A-Di-Đà Phật. Chính cái Tín, cái Nguyện và cái Hạnh của người đó cảm ứng đến A-Di-Đà Phật mà họ được về Tây-Phương.

Nếu họ đã phát tâm mạnh như vậy, nhưng bây giờ họ đau đầu quá thì làm sao đây?… Họ nhức lưng quá thì làm sao đây?…  Người hộ-niệm chúng ta tới ngồi bên cạnh, một mặt thì niệm Phật, một mặt thì lấy tay xoa xoa chỗ đau giống như Kim-Bình đang làm đó. (Hì-hì!…). Xoa bóp nhẹ chỗ đau cho người ta thoải mái một chút. Người ta nhức đầu quá mình cho người ta uống viên thuốc Panadol, rồi xoa nhè nhẹ cho họ cảm thấy thoải mái và đỡ lo một chút, rồi mình bắt đầu khuyên răn, động viên tinh thần, giúp họ từ chỗ khổ này mà cố vươn lên quyết định niệm Phật.

  • Nếu bác không cố gắng vượt qua cái ách nạn này, thì khi bị lọt lại trong lục đạo luân hồi, đời sau sẽ khổ hơn đời này gấp vạn lần đó. Chết rồi đời sau trở lại làm người không dễ đâu, mà có thể phải trở lại bằng cái kiếp thú vật để chịu khổ. Làm thân trâu bò để cày bừa cho người ta, rồi tới lúc bệnh, tức là bị đau đầu như thế này, ông chủ không có tha mình đâu. Thực sự khi mình quỵ xuống,  mình không cày được nữa, người ta mổ bụng mình, xẻo thịt mình, lóc xương mình để ăn, chứ đâu có tha cho mình. Lỡ dại làm thân súc sanh, suốt cuộc đời cặm cụi làm việc phục vụ cho ông chủ, nhưng khi chết vẫn không được tha, lúc đó mình mới thấy khổ. Vậy thì, bây giờ nương theo cơ hội này mà quyết lòng phải vượt qua ách nạn này để vãng sanh Cực-Lạc nhé…

Hãy nói những lời hết sức chân thành như vậy, đơn giản như vậy, không lý cao luận huyền gì cả. Cần trực tiếp giúp cho người bệnh thấy ra một vấn nạn đáng sợ là nếu không được vãng sanh thì bị đại nạn. À!… Họ sợ quá! Sợ cái cảnh sinh thành con bò quá. Sợ cảnh đi xuống địa ngục quá. Họ quyết lòng vùng lên, càng đau càng quyết lòng… Vô tình chính họ vượt qua cái ách nạn của chính họ. Nhờ chính cái tâm vững vàng, với cái ý chí vững vàng mà họ vượt thoát ách nạn…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –