SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH
(Tọa Đàm 19)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Phật dạy: “Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Vạn pháp không có gì chiếm hữu được, sau cùng vẫn là số “0”, không ai có thể đắc được cái gì hết.
Những ngày tu Phật-Thất của chúng ta mới đây mà đến giờ phút chia tay rồi. Nhanh chóng!… Vô thường!… Dù là một pháp hội hàng ngàn người tham dự hay một buổi cộng tu vài ba chục người, sau cùng cũng trở về số “0”. Nếu chúng ta nhận ra được cái số ”0” đó, thấy rõ sự vô thường đó, thì công việc tu hành của mình nên nhắm đến mục tiêu cụ thể, để cuối cuộc đời này ta không hưởng lấy những thứ vô thường, khổ nạn.
Muốn được vậy xin tất cả đồng tu hãy quyết tâm nhắm đến con đường vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Nếu mình vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được thì:
- Ở đó không phải là vô thường, mà trường tồn, vĩnh cửu…
- Ở đó không có loạn động, mà thanh tịnh tuyệt vời!…
- Ở đó không có khổ nạn, mà Cực-Lạc an vui!…
- Ở đó chúng ta tự chủ tất cả… Tự chủ cái huệ mạng của mình đời-đời kiếp-kiếp không sanh không tử… Cái tâm của mình chủ động được tất cả.
Chư vị muốn cứu khổ cứu nạn chúng sanh vẫn có thể thực hiện được, vì về đó là chúng ta trở về được với pháp giới của Tự-Tánh, mà pháp giới của Tự-Tánh thì trong Tự-Tánh của chúng ta vốn sẵn có đầy đủ tất cả pháp. Cho nên chúng ta muốn đắc thì hãy mau mau trở về Tây-Phương Cực-Lạc trước, đừng cầu mong những thứ chứng đắc giả tạo, hão huyền, vô thường của thế gian này làm chi.
Trong ngày cuối cùng ở đây, Diệu-Âm xin tổng kết lại những điểm chính về “Sơ suất của người bệnh”, những gì mình nói trong suốt thời gian qua.
– Thứ nhất, xin chư vị bỏ chút ít thời giờ nghe qua 48 tọa đàm nói về “Những Sơ Suất (có thể xảy ra) Khi Hộ-Niệm” mà Diệu- Âm đã nêu ra những sơ suất của người đi Hộ-Niệm. Quý vị cũng nên nghe thêm những cuộc tọa đàm ở Victoria, nơi đó người ta cũng yêu cầu nói thêm về vấn đề này, Diệu-Âm đã tạm dùng danh từ: “Tránh những điều sơ suất” chứ gấp quá không biết chọn đề tài nào khác hơn.
Ở đây chư vị cũng bắt nói về sơ suất nữa, thì Diệu-Âm nhắm đến “Những sơ suất của chính người bệnh”. Người bệnh chính là nói cho chính ta đây chứ không ai hết. Ta chắc chắn trước sau gì cũng phải bệnh. Bệnh mà chết. Chết rồi thì khổ lắm!… Còn ta thì sẵn lòng chấp nhận chịu bệnh, nhưng sau cơn bệnh khổ ta vãng- sanh về Tây-Phương mới tốt.
Điểm thứ hai là xin chư vị đồng tu tự xác định mình là hàng phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng. Xác định được như vậy thì trên căn bản mình khỏi bị vọng tưởng. Đã xác định thuộc hàng phàm phu tục tử, tội chướng sâu nặng, thì nghiệp chướng chắc chắn sẽ đến với ta một ngày nào đó, chúng ta hãy sẵn sàng bình tĩnh đón nhận, không cần sợ sệt.
Xin nhắc lại là chúng ta sẵn sàng đón nhận nghiệp báo đến với ta để nương theo cái nghiệp báo đó ta xả bỏ báo thân… Chứ Diệu- Âm hoàn toàn không khuyên chư vị là phát nguyện trả cho hết nghiệp chướng đó nhé. Diệu-Âm hoàn toàn không có khuyên như vậy. Nếu vị nào sơ ý phát nguyện xin trả cho hết nghiệp chướng rồi mới vãng-sanh, thì xin chư vị nên nguyện lại đi. “Nguyện con sớm đươc vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Còn nghiệp chướng nặng như núi Tu-di của con vẫn còn, nghiệp nào đổ ra con xin nhận, không dám từ chối”…
Nếu nghiệp chướng không đổ ra thì thôi kệ nó, không cớ gì phải kêu gọi nó ra… Đây là điểm cần nên nhớ. Nghĩa là, không nguyện tiêu hết nghiệp, không thèm cầu hết bệnh, mà nguyện vãng-sanh. Còn nghiệp báo hiện hành thì mình sẵn sàng đón nhận. Được như vậy thì lúc xả bỏ báo thân mình an nhiên tự tại, vui vẻ chấp nhận những cơn bệnh như một cơ hội tốt để mình được về Tây-Phương.
Thứ ba, vì biết căn tánh thấp kém, nghiệp chướng sâu nặng… nên những pháp tu cao quá xin chư vị đừng nên mất công tìm cầu. Ví dụ như có người niệm Phật mà cầu cho “Nhất tâm bất loạn”, thì vấn đề này tự mình hãy suy nghĩ lấy. Nếu chư vị nào tự thấy rõ rằng mình có căn cơ cao thượng, hàng đại Bồ-Tát tái lai thì những lời nguyện này không có gì trở ngại. Được nhất tâm bất loạn là cái lý tưởng tuyệt vời của người niệm Phật. Xin thành tâm kính cẩn tán thán.
Nhưng nếu tự nhận thấy ta là hàng phàm phu tục tử, trí huệ thấp kém, thì cái ý niệm nhất tâm bất loạn, hay niệm bất niệm gì đó xin chư vị hãy tập quên đi, quên cho đến khi nào mình vãng-sanh về Tây-Phương rồi mới nói đến. Bây giờ hãy để cái tâm chúng ta nhiếp vào câu A-Di-Đà Phật là được rồi. Cái nguyện chính của chúng ta là từng ngày từng giờ cầu mong A-Di-Đà Phật tiếp độ vãng-sanh. Chứ không phải là ta về Tây-Phương bằng cách tự tu tự chứng, bằng cái chứng đắc của chính ta.
Được vậy thì tâm tâm niệm niệm của chúng ta lúc nào cũng khiêm hạ, tinh thần của chúng ta lúc nào cũng đoàn kết, bảo vệ, che chở cho nhau. Người khỏe che chở người bệnh, người sáng che chở người tối, chúng ta nương theo đại nguyện của đức A-Di- Đà mà trợ duyên tích cực cho nhau khi xả bỏ báo thân, đó mới là điều hay.
Thứ tư, nếu người nào tới những đạo-tràng niệm Phật mà sinh ra phiền não, thì bắt đầu từ đây xin chư vị tập quán đi. Tại sao mình phiền não vậy?… Tự hỏi thử mình có chấp trước chăng?… Nếu phát hiện ra mình thường nói những sơ suất của người khác… Nếu mình cứ nhìn đến lỗi của người khác… Thôi từ nay hãy cố gắng bỏ cái chấp này đi. Nói dễ hiểu là cố gắng bỏ cái khó chịu đi, bỏ những cái bực tức đi. Trước đây tới những nơi đó, thấy một người nào làm sai mình không có vui… thì nay tập bỏ đi… Những chuyện thế gian vốn là không liên can gì tới mình, cớ chi phải lượm những phiền toái đó chứa đầy trong tâm. Cố gắng làm được vậy thì tới một đạo-tràng an lạc thì ta càng an lạc hơn. Tới một đạo-tràng phiền não thì những phiền não bên ngoài nó rửa giùm cái phiền não bên trong, từ từ tâm của ta thanh tịnh lại…
Một điểm nữa, vì biết rằng mình có nghiệp chướng sâu nặng, thì trong thời mạt pháp này xin đừng nên sơ ý rời khỏi đạo-tràng về tự tu riêng một mình ở nhà hầu tìm cầu những giây phút an tịnh… Cách tu này chỉ tốt với những người đã khai ngộ, hoặc những người đã “Minh tâm kiến tánh”. Chúng ta là phàm phu, trí huệ chưa khai, thì sự an tịnh nào đó chẳng qua chỉ là một vài giây phút tạm bợ, vô thường, hão huyền nào đó thôi, chứ chưa chắc gì là đắc thực đâu! Nếu sơ ý chúng ta tách rời đại chúng, Diệu-Âm thấy rằng thường thường cuối cùng rất dễ bị chướng nạn. Xin thưa với chư vị, lỡ bị chướng nạn rồi thì phải nói rằng rất khó cứu chữa.
Những lời này nói ra với tất cả cái tâm chân thành giúp nhau tìm cách giải bớt ách nạn. Khi tới những đạo-tràng tu tập ta gặp phải phiền não, bây giờ chúng ta hãy cố gắng quán rằng nhờ những phiền não đó để thử thách cái tâm của mình. Trước một đại chúng 10 người, 9 người khác không phiền não mà mình lại phiền não thì nên tự cảnh tỉnh rằng: “Tại sao mình chấp vào đó làm chi? Tại sao cứ để nghiệp chướng của mình trồi lên hoài vậy?… Không tốt!”…
Cố gắng tập buông xả. Thường nhắc lấy mình: “Đừng nhìn thấy lỗi của người khác. Kệ họ đi”... Thì tự nhiên tâm chúng ta bớt dần phiền não. Có người nói, ta cũng có mắt, làm sao không nhìn, làm sao không thấy được?… Thực ra, nhìn thì cứ nhìn, thấy thì cứ thấy, chứ không sao hết… Nhưng nhìn thấy mà làm lơ đi. Hay hơn nữa, thấy người ta lầm lỗi thì xét lại coi thử mình có lỗi như vậy hay không? Tập quán xét lại mình, đó là ý nghĩa câu “Đừng nhìn! Đừng thấy”, chứ không phải bắt mình phải lấy băng keo dán con mắt lại đâu. Xin chư vị đừng có lo sợ tại sao tôi thấy nhiều quá. Hãy thoải mái một chút mới được. Có như vậy rồi thì tự nhiên chúng ta tới bất cứ chỗ nào cũng có thể đem tới niềm an lạc.
Nên nhớ cho, niềm an lạc chân thật từ trong tâm ứng ra, chứ không phải ở ngoài đi vào.
- Niềm an lạc ở ngoài ứng vào là mình đã đi theo “Ngoại-Đạo” rồi. Ngoại-đạo là đường bên ngoài. Tu theo ngoại-đạo thì tâm mình dễ bị cảnh giới bên ngoài chi phối!
- Niềm an lạc từ trong tâm ứng ra là “Nội-Đạo”. Nội-đạo là niềm an lạc từ trong tâm ứng ra. Tu theo nội-đạo là chúng ta tu đúng theo Phật pháp.
Đây là con đường an lành cho chúng ta tiếp tục đi. Đến khi có người đồng tu bị bệnh chúng ta phải tích cực hỗ trợ, khuyên giải, dùng tâm lý để khuyến tấn, giúp cho họ coi nhẹ chuyện bệnh hoạn, không sợ chết, quyết lòng niệm Phật cầu sanh về Tây-Phương.
Phần người Hộ-Niệm thì phát tâm trợ duyên tích cực cho họ, cố gắng thương yêu bảo bọc lẫn nhau.
Phần người bệnh lúc nào cũng giữ tính “Khiêm-nhường”, thành khẩn mong cầu những vị đồng tu còn sáng suốt, còn khỏe mạnh đến bên cạnh mình niệm Phật, khai thị hướng dẫn cho mình đường về Tây-Phương, tránh cạm bẫy, tránh lạc tâm. Nên nhớ, dù rằng 40-50 năm nay ta niệm Phật rất tốt, ta tu hành rất giỏi, nhưng vẫn phải cần đến những người bên cạnh Hộ-Niệm, tại vì:
- Lúc nằm xuống mình không còn khỏe nữa!…
- Lúc nằm xuống mình không còn tỉnh táo nữa!…
- Lúc nằm xuống coi chừng nghiệp khổ ứng hiện ra, đánh mình mê man bất tỉnh!…
- Lúc nằm xuống oan gia trái chủ báo hại làm mình không biết đường nào để đi!…
– V.v…
Mong chư vị thực hiện những điều hết sức là căn bản này thì chúng ta vãng-sanh về Tây-Phương không khó. Vãng-sanh về Tây- Phương chính là điều chúng ta cần phải quyết lòng thực hiện.
- Chứ không phải là chú tâm vào những lễ hội lớn!…
- Không phải là chú tâm vào những buổi cộng tu đông đảo!…
- Không phải chú tâm vào những hình thức rườm rà khác!…
“Vạn pháp vô sở hữu – Tất cánh không – Bất khả đắc!…”.
Vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc là ta được tất cả vậy…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống