SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH
(Tọa Đàm 02)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào tâm từ bi đi giúp người, mà sơ suất không chú ý đến những khuyết điểm của chính mình trong cuộc Hộ-Niệm, thì nhiều khi đưa đến những trường hợp oan uổng.
Hồi sáng nay chúng ta khuyên nên vâng theo lời Tổ Ấn-Quang, Ngài dạy: “Càng tu chúng ta nên tự nhận nghiệp chướng của mình còn nặng”. Mình vẫn là hàng phàm phu tục tử, khi biết mình là hàng phàm phu tục tử thì nghiệp chướng chắc chắn còn, phiền não chắc chắn còn, càng tu càng thấy còn sơ suất. Đây là lời dạy của ngài Ấn-Quang.
Còn ngài Tịnh-Không thì nói: “Càng tu thì tâm mình phải càng thanh tịnh. Càng tu thì phiền não phải càng nhẹ đi”. Hai vị nói ra hình như nghịch ý với nhau, nhưng thực ra không phải nghịch đâu. Ngài Ấn-Quang dạy như vậy để nhắc nhở cho chúng sanh hạ căn của chúng ta đây biết rằng thực sự mình nghiệp chướng còn nặng lắm. Oán thân trái chủ còn nhiều lắm. Và vì cái tâm cơ hạ liệt, nên con đường Vãng-Sanh về Tây-Phương Cực-Lạc cần phải biết khôn khéo vô cùng mới được. Chính vì vậy mà Ngài chủ trương phải “Thành-tâm, chí-thành, chí-kính”. Ngài luôn luôn nhắc nhở “Càng tu càng thấy mình còn thấp kém” hầu giảm bớt chướng nạn cho chúng sanh trong vấn đề đấu tranh với sanh tử luân hồi.
Còn ngài Tịnh-Không dạy “Càng tu càng phải nhẹ đi phiền não”. Có nghĩa là cứ quyết tâm xả bỏ những phiền não ra, xả bỏ những câu chấp ra, để cho tâm ta càng ngày càng thanh tịnh, càng nhẹ nhàng để Vãng-Sanh…
Mỗi người nói mỗi lời khác nhau, nhưng thực ra ý tưởng giống nhau.
Xin trở lại lời dạy của ngài Ấn-Quang: “Càng tu mình thấy nghiệp chướng của mình càng sâu nặng”. Đã biết nghiệp chướng sâu nặng rồi, thì khi một phiền não đến, ta không còn gì gọi là ngạc nhiên nữa. Nếu một người nghĩ rằng ta tu đã chứng
đắc cái này cái nọ, thì khi phiền não đến, một là tìm cách che dấu đi, hai là chịu bị mất uy tín. Đây chính là phiền não. Tuy nhiên, cố gắng che dấu thiên hạ để tạo lấy “Cái Danh Thanh Tịnh” hão huyền, chứ có che dấu được với chính mình đâu?… Có che dấu được với cái quả báo đọa lạc của mình đâu?… Khi mình chết hiện ra cái sắc tướng xấu, gặp nhiều chướng nạn… liệu mình còn che dấu được những người chung quanh đâu?… Vì thế, trước sau gì chính mình vẫn phải đối diện với sự thật.
Có nhiều người thường hay tâm sự rằng:
- Trời ơi! Sao phiền não của tôi nhiều quá, vậy thì làm sao tôi có thể về Tây-Phương được?...
Diệu-Âm mới nói:
- Nếu mà cứ lo nghĩ về phiền não, lo nghĩ về nghiệp chướng của mình, thì anh-chị đúng là người sẽ mất Vãng-Sanh thôi. Còn tôi?… Tôi cũng có phiền não như anh vậy, tôi cũng có phiền não như chị vậy, tại vì càng tu tôi càng thấy nghiệp chướng còn nặng mà, nhưng tôi vẫn cười hè hè!… Đang sống bên cái phiền não đó, nhưng tôi không sợ nó nữa, tôi không bám lấy nó nữa. Tôi chỉ muốn bám theo đại nguyện của đức A-Di-Đà mà thôi.
Ngài Tịnh-Không dạy là chúng ta tu hành nên tập buông ra. Những cái thuận lợi, tốt đẹp ta cũng phải buông ra. Để chi?… Để chúng ta không còn vướng vào cái đó nữa. Những cái thuận lợi, tốt đẹp mà ta còn phải buông ra, huống chi là những thứ phiền não lại không chịu buông?…
Buông là sao?… Nó tới là chuyện của “Nó”, mình buông là chuyện của “Mình”… Phiền não là chuyện của “Nó”, đi về Tây- Phương là chuyện của “Mình”… Đã là một người phàm phu tục tử thì làm sao tránh khỏi phiền não? Quý vị thử nghĩ có đúng không? Phiền não đến là để làm cho ta khổ, mà ta không thèm khổ với nó nữa, thì mới gọi là buông phiền não ra chứ.
Trong thời mạt pháp này tất cả chúng sanh đều có nghiệp chướng sâu nặng. Người biết buông phiền não thì khi phiền não đến, cứ để nó đến… nhưng mình lờ nó đi thì sau cùng nó cũng đành phải buông mình ra thôi. Còn những người thương tiếc phiền
não quá, thành ra cứ một lần phiền não đến thì nhớ tới, thì nghĩ tới mà sinh ra khổ!… Khổ rồi thì sanh ra phiền não. Phiền não lại làm cho mình tiếp tục khổ thêm!… Vô tình hai cái khổ nhập lại, ta bị tới hai cái khổ, gọi là: “Khổ-Khổ”… Phiền não gặp duyên tạo nên phiền não mới, ta có tới hai lớp phiền não. Chi mà khổ dữ vậy!…
Cho nên một người muốn đi về Tây-Phương Cực-Lạc, thì nên biết rằng vạn sự dù tốt hay xấu ở thế gian này cũng chỉ là trò vô thường thôi, thì có gì đâu mà phải lo nhiều dữ vậy? Nếu đã tự xác nhận là hàng phàm phu tục tử, mà lại trốn né cái nghiệp chướng của mình, còn sợ sệt cái phiền não của mình, còn che dấu những cái sơ suất của mình… Xin hỏi chư vị có thông không?
Cái phiền não chướng này, cái nghiệp chướng này, cái oan gia trái chủ chướng này, chính là cái vốn của mình đó. Mình đã tạo nó đó. Mình tạo nó, thì nó mới đến với mình chứ. Nó đã là của mình rồi, thì bây giờ mình có từ chối, nó cũng không buông tha.
Trong cuốn “Khuyên Người Niệm Phật” Diệu-Âm đã nói với cụ thân sinh của Diệu-Âm như thế này:
- Cái phiền não chướng, cái nghiệp chướng của mình ví như một khối đá đeo trên lưng, nó không bao giờ rời mình đâu. Một người sợ phiền não, trốn tránh nghiệp chướng chẳng khác gì người mang khối đá chạy trốn. Còn một người đã biết mình có khối đá đeo trên vai nên không chạy, đứng im một chỗ...
Quý vị thử nghĩ hai người đó, người nào sẽ ngã quỵ trước?… Mà còn ngon hơn nữa, giả như người có nghiệp chướng đó, vẫn phải đeo khối đá đó nhưng lại ngồi dựa vào gốc cây để nghỉ. Có phải người ngồi nghỉ đó sẽ có nhiều thể lực, có đủ trí huệ hơn để giải quyết phiền não, hay hơn người mang khối đá đó mà chạy chăng?…
Hàng phàm phu tục tử thì phải biết rằng chắc chắn nghiệp chướng vẫn còn đeo trên lưng. Đã biết nó đeo trên lưng rồi thì làm sao mà trốn được đây?… Không trốn được thì sao lại không chịu lợi dụng cái cục đá này mà dựa lưng nghỉ đi?…
Dựa bằng cách nào?… Một câu A-Di-Đà Phật mà niệm. A-Di-Đà Phật sẽ bê luôn khối đá đó để lên thuyền Bát-Nhã của Ngài, mình dựa cái khối đá đó để Ngài chở mình qua bờ Giác.
Chư vị ơi!… Tuyệt vời chính là ở điểm này. Chỉ có pháp môn Niệm Phật mới có được điểm này thôi.
Diệt cho sạch nghiệp chướng để được thoát vòng sanh tử luân hồi, chỉ đúng với những người quyết “Đoạn Hoặc Chứng Chơn”, chỉ đúng với những người muốn tự tu chứng từng nấc theo đường dọc. Đường này đòi hỏi căn tánh cao quá, chúng ta thực hiện không nổi. Còn niệm Phật Vãng-Sanh Tịnh-Độ là chúng ta đi theo đường ngang, nhờ Phật gia trì tiếp độ mà được Vãng-Sanh thành đạo.
Tu theo đường ngang là sao?… Phàm phu thì trước sau gì cũng là phàm phu. Từ cảnh phàm phu này ta đi tới một cảnh phàm phu khác. Đồng hạng với nhau nên dễ chuyển đấy. Nhưng vì nhờ không gian, thời gian, và hoàn cảnh khác nhau, nên chúng ta có sự thọ dụng khác nhau.
Từ cảnh phàm phu này, cảnh “Phàm-Thánh-Đồng-Cư” ở cõi Ta-bà, đi qua cảnh “Phàm-Thánh-Đồng-Cư” ở cõi Cực-Lạc. “Phàm-Thánh-Đồng-Cư-Độ” nghĩa là nơi có phàm, có thánh ở chung với nhau, nhưng trong cõi Ta-bà này thì phàm vẫn là phàm, thánh vẫn là thánh, hai bên cách biệt nhau. Còn ta mạnh dạn đi về Tây-Phương bằng cái dạng của phàm phu, tức là di dân bằng cái dạng phàm phu, nhưng tiếng “Phàm Phu” ở cõi Tây-Phương hoàn toàn khác! Về tới Tây-Phương thì phàm phu này đối với vấn đề tam ác đạo không bị vướng nữa, vấn đề sanh tử luân hồi cũng không bị vướng luôn. Mà còn gì nữa?… Thành đạo. Vì phàm phu trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc toàn là Bồ-Tát bất thoái hết. Lạ Lùng. Ở cõi Ta-bà đây phàm phu là phàm phu không dám nói đến Bồ-Tát, nhưng khi chúng ta về tới Tây-Phương thì dù là phàm phu ở đó vẫn là Bồ-Tát.
Có nhiều người nói về trên Tây-Phương Cực-Lạc còn phải tu tiếp. Đúng đó. Nói vậy là đúng đó. Nhưng mà:
- Tu trong cảnh giới của Bồ-Tát bất thoái chuyển…
- Tu trong cảnh giới không còn sanh, không còn tử nữa. Gọi là vô sanh, vô tử…
- Tu trong cảnh giới Nhất-Chân thành Phật.
- Tu trong cảnh giới mà A-Di-Đà Phật đã đem năng lực của Ngài gia trì cho Chơn-Tâm Tự-Tánh chúng ta ứng hiện… Và xin thưa thật, khi Chơn-Tâm Tự-Tánh đã ứng hiện thì tất cả những năng lực phi thường của một vị Phật ta đều có hết.
Ví dụ như ở trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc ta có quyền đi khắp mười phương pháp giới để cúng dường chư Phật. Đây là năng lực gì, chư vị biết không?…
Ở đây chúng ta đi được không? Được chứ. Nhưng đi từ chỗ này tới chỗ kia, gần gần thôi, để gặp một vài người phàm phu, nói một vài câu phàm phu, rồi trở về với thế giới phàm phu thì được, chứ không bao giờ gặp được một vị Thánh-Nhân đâu. Còn ở cõi Tây-Phương chúng ta có thể đi đến mười phương pháp giới cúng dường chư Phật. Tại sao ta lại được cúng dường chư Phật?… Chỉ có Phật mới gặp được Phật mà thôi chư vị ạ. Đúng không?… Rõ rệt mà.
Ví dụ như “Túc-Mạng-Thông” chẳng hạn, ở tại đây chúng ta có túc mạng thông không?… Có túc mạng thông tức là biết được kiếp trước mình làm gì? Biết không?… Không biết. Một kiếp cũng không biết. Đôi khi chúng ta cũng nghe qua rằng có người nào đó biết được, nhưng hình như biết giả… Biết sai… Biết lộn xộn những thứ gì trong đó. Còn ở trên cõi Tây-Phương ta có quyền biết đến vô lượng kiếp về trước chúng ta đã làm gì. Một chúng sanh trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc có năng lực cao hơn các vị Thánh-Nhân ở cõi Ta-bà này. Ví dụ như các vị A-La-Hán, quý Ngài phải nhập vào định rồi quán chiếu mới biết được có 500 kiếp trong quá khứ mà thôi, còn một khi ta Vãng-Sanh về Tây-Phương thì tự nhiên biết được tới vô lượng kiếp. Cái năng lực bất khả tư nghì này là của Phật chứ không phải của phàm phu đâu à. Một phàm phu mà sống trong cảnh giới Phật cũng thành Phật luôn.
Sống trong cùng một cảnh giới mà thọ báo mỗi người mỗi khác. Khi cái tâm mình không chịu buông chấp-trước ra, thì tự mình bị
nạn!… Những người có cơ hội Vãng-Sanh trong tầm tay mà cứ hững hờ, họ cứ muốn quay ngược về với những phiền não, chìm vào trong phiền não đó, để bị phiền não chi phối. Họ không chịu buông phiền não ra. Họ cứ nghĩ đến điều tiêu cực là riêng họ bạc phước quá rồi nên mới có phiền não, còn người kia tu giỏi quá, nên không có chút phiền não nào.
Thưa chư vị, hoàn toàn không phải vậy đâu. Đừng nên tự ti mặc cảm vô ích. Đừng nghĩ rằng Diệu-Âm này không có phiền não. Không phải vậy đâu. Đừng bao giờ thấy một người kia tu hành được 2-3 chục năm, 3-4 chục năm, vội cho người ta hết phiền não. Chưa chắc đâu!… Hãy đợi đến khi họ ra đi mới chứng minh rõ được sự thành tựu của họ. Một người khi xả bỏ báo thân mà thân tướng mềm mại, tươi hồng, mặt càng ngày càng đẹp lên, môi càng hồng lên… Có được tướng hảo này mới chứng tỏ được rằng phiền não của người đó đã rơi rụng… rơi rụng… rơi rụng nhiều lắm rồi đó. Còn kết cuộc của cuộc đời mà hiện ra tướng chẳng lành, hay gọi là “Ác-Tướng” thì chứng tỏ đã bị phiền não trói buộc rồi, chưa thoát khỏi nghiệp báo đâu.
Người phàm phu nhờ chính ở tâm chí thành, chí kính, khiêm nhường tu hành, nhờ chính cái tâm hiền lành niệm câu A-Di-Đà Phật mà phiền não nghiệp chướng rơi rụng đó, chớ không có gì khác cả.
Chính vì thế, khi chúng ta đã biết được con đường đi về Tây- Phương rồi, xin chư vị đừng quá lo lắng về cái nghiệp chướng của mình mà tự tạo nên chướng ngại. Vì sao vậy? Vì A-Di-Đà Phật cho phép chúng ta gói cái nghiệp chướng lại để đi về Tây-Phương.
Hòa Thượng Tịnh-Không dạy như thế này, xin nghe cho kỹ.
Đoạn nghiệp, có hai cách để đoạn:
- Một là “Diệt Đoạn”, nghĩa là phá trừ cho tận hết gốc rễ của nghiệp chướng để được chứng đắc. Điều này khó quá, ta làm không được. Ta làm không được thì quyết lòng bỏ cách này đi, đừng nghĩ tới vấn đề đoạn sạch nghiệp-hoặc nữa mà đâm ra thất vọng.
- Còn một cách nữa dễ hơn, gọi là “Phục Đoạn” hay là “Phục Nghiệp”. Phục nghiệp để “Đới Nghiệp Vãng-Sanh”.
Phục nghiệp có nghĩa là sao?… “Không sợ Niệm khởi, chỉ sợ Giác chậm”. Giả sử khi mình lỡ nổi cơn sân nộ lên… Đừng sợ! Nếu mình sợ nó thì mình tiêu rồi. Tại vì một lần giận lên là một chủng tử địa ngục tiêm vào trong tâm của mình. Nếu mà sợ cái giận đó thì vô tình mình khơi nhiều chủng tử địa ngục khác cùng lúc phát ra trong tâm của mình. Những chủng tử này sẽ dìm thần thức của chúng ta vào trong cảnh giới địa ngục.
Mình là phàm phu nên thường nóng giận. Vậy thì nóng giận sẽ thường xảy ra đối với người phàm phu là chuyện bình thường. Nếu lỡ giận lên rồi thì làm sao đây?… Hãy chạy ra rửa mặt đi… Uống một ly nước vào… Cười hè hè lên đi… cho cơn giận giảm xuống… rồi nhanh chóng niệm câu A-Di-Đà Phật. Hãy bám lấy câu A-Di-Đà Phật mà niệm. Nếu mình càng niệm câu A-Di-Đà Phật mà cái giận vẫn còn hiện lên thì sao?… Kệ nó đi, miễn mình phải nhớ câu A-Di- Đà Phật mà niệm liền lên là được. Cố gắng làm như vậy thì mình hưởng được luật bù trừ…
Một cơn giận là một cơn mình niệm câu A-Di-Đà Phật. Một lúc giận là một lúc mình niệm câu A-Di-Đà Phật. Nếu biết mình là hàng phàm phu có tập khí nóng giận lớn quá, thì hãy phát nguyện một cơn giận phải niệm 100 câu A-Di-Đà Phật đi. Nếu chưa đủ, thì một cơn giận phải niệm 1.000 câu A-Di-Đà Phật. Quyết lấy câu A-Di-Đà Phật này mà phá trừ sân giận. Phá trừ được không?… Không cần biết. Chỉ biết rằng ta nhớ câu A-Di-Đà Phật niệm liền lên là được. Niệm có tốt không?… Không cần biết. Cứ niệm lên đi. Tập được thói quen này thì khi chúng ta nằm xuống, tức là trong lúc tứ đại phân ly, hình như ta đã chuẩn bị rồi… Hễ một cơn đau đến tức thì ta niệm câu A-Di-Đà Phật… Một phiền não hiện ra tức thì ta niệm câu A-Di-Đà Phật… Cái lưng đau cứ để nó đau, ta vẫn niệm câu A- Di-Đà Phật… Nhớ cho kỹ điểm này để Vãng-Sanh.
Nên nhớ, ngoài bệnh khổ còn có oan gia trái chủ, họ có những đòn thế tinh vi hơn nữa để phá ta. Thành ra phải tập sự ngay từ bây giờ mới được. Bất cứ một hiện tượng nào dù thuận hay nghịch
đối với ta hãy tập cách trả lời bằng tiếng cười hì-hì đi và niệm A-Di- Đà Phật. (Hì-hì!…).
Hãy ráng mà niệm Phật. Hãy tập coi những chuyện khó khăn là một thứ thử thách giúp cho cái tâm mình vững vàng hơn.
Rồi còn gì nữa?… Xin nhắc lại lời hồi sáng, hãy kết hợp lại thành từng nhóm để tu hành. Trong một nhóm đồng tu chúng ta cần nhắc nhở nhau. Khi tôi bệnh xuống anh phải chăm sóc cho tôi nhé. Khi tôi bệnh xuống các bạn phải tới Hộ-Niệm cho tôi nhé.
Còn người Hộ-Niệm thì sao?…
- Bác ơi! Đây là Tâm-Nhật-Thuyết nè. Hãy nghe lời Tâm-Nhật- Thuyết nhé. Dù Tâm-Nhật-Thuyết này có nói dở nói hay gì cũng được, cứ nghe tiếng của con thì bác niệm Phật liền đi nhé. Nghe tiếng của con là được rồi đó, là khai thị rồi đó.
Không cần gì nữa cả. Kết với nhau, tự mình làm thành một sức phản xạ để giúp nhau. Được vậy, quý vị sẽ thấy chúng ta đều có khả năng Vãng-Sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hết…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống