Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 39

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 39)

 Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Lời đầu tiên Diệu-Âm xin thành thật thưa với chư vị, trước là cụ Hoa-Tâm: Hội Trưởng Trung-Ương-Hội Phật-Giáo Vĩnh-Nghiêm tại Cộng-Hòa Séc, trưởng tràng Niệm Phật Đường Liên-Hoa, trưởng tràng Niệm Phật Đường A-Di-Đà, các vị trưởng tràng các Niệm Phật Đường khác. Tất cả các vị đều có công đức to lớn về chuyện huyết mạch lưu thông Phật-Giáo tại hải ngoại. Diệu-Âm này xin thành tâm cung kính đảnh lễ chư vị. A-Di-Đà Phật.

Cùng tất cả chư vị đồng tu, xin thành tâm thưa rằng, xin chư vị đừng vì quá tình cảm mà nói những lời khen tặng quá tầm mức của Diệu-Âm. Chúng ta gặp nhau đây chẳng qua là cái duyên với nhau, Diệu-Âm với tất cả lòng thành của mình muốn phổ biến phương pháp hộ-niệm để giúp người vãng-sanh, rồi có lẽ chư vị thấy phương pháp hộ-niệm thích hợp với mình, nên đưa đến chỗ chúng ta quý mến nhau mà đến với nhau. Chứ thực ra thì Diệu-Âm vẫn còn là phàm phu, tâm ý còn quá mê mờ. Diệu-Âm luôn luôn thành thực mà nói điều này. Sự mê mờ này chính Diệu-Âm thấy rõ hơn ai hết, và vì cùng chịu cảnh mê mờ nên dễ cảm thông với những người mà trong vô lượng kiếp qua bị đọa lạc, bị nhiều ách nạn trong vòng tử-tử sanh-sanh…

Nếu trong chúng ta, chư vị nào về Tây-Phương sớm, mới thấy rõ điều này, đó chính là trong vô lượng kiếp qua chúng ta ở trong những cảnh giới ác lâu hơn, nhiều hơn cảnh giới thiện. Chúng ta khổ nhiều hơn sướng. Khổ đau nhiều lắm, nhưng khi chúng ta chết đi, rồi đầu thai trở lại, vì trải qua những nạn: Thọ-Thai, Nhập-Thai, Xuất-Thai đã làm cho chúng ta quên hết tất cả.

Trong vô lượng kiếp qua chúng ta thọ nạn nhiều lắm. Bây giờ nghe đến hiểu ra điều này, thì hãy mau mau tỉnh ngộ. Trước giờ mình tham đắm thế gian pháp nhiều quá, bây giờ hãy nhanh nhanh trở về con đường học Phật, sớm chộp ngay cái cơ duyên này quyết tâm niệm Phật đi về Tây-Phương. Về được Tây-Phương rồi, chúng ta liền hiểu thấu sự thật đó. Cho nên, lời đầu tiên Diệu-Âm thành tâm khuyên chư vị mau mau giác ngộ kịp thời, đừng chờ, đừng hẹn, đừng đợi nữa.

  • Còn hẹn thì tương lai tốt đẹp sẽ không đến với chúng ta đâu…
  • Còn đợi thì cơ hội giải thoát không đến với chúng ta đâu…
  • Còn chờ cho xong việc này, xong việc nọ rồi mới tu hành sau, thì chữ “Sau” này không phải là 1 năm 2 năm, không phải là 1 đời 2 đời, mà coi chừng tới vô lượng kiếp nữa đó.

Lời này không phải Diệu-Âm tự nói, chính là lời của chư Tổ khai thị cảnh cáo mọi người đã làm cho Diệu-Âm giật mình tỉnh ngộ. Từ khi giật mình tỉnh ngộ mới thấy lo sợ cho những người quen thân: cha mẹ, anh em, bạn bè, đồng tu… Cho nên ta có duyên gặp họ mà không khuyên một lời giúp họ Niệm Phật vãng-sanh, thì họ vẫn cứ lầm lũi mê theo con đường phước báu, quên con đường vãng- sanh về với đấng Từ-Phụ A-Di-Đà… Họ mê chiếc xe hơi… Họ mê cái nhà lầu… Họ mê con đường kiến lập công danh sự nghiệp… mà quên con đường Niệm Phật vãng-sanh…

Vạn pháp giai không. Đừng để đến lúc phải đối diện với một sự thật quá ư phũ phàng rồi thì ân hận cũng thành thừa. Tất cả những gì mà suốt cả cuộc đời phấn đấu để kiếm được sau cùng trở thành “Số Không”. Con số không phũ phàng! Con số không đau đớn! Mà tệ hại hơn nữa, con số không này lại cấy trong tâm cả một khối nghiệp, nó dìm A-lại-da thức của chúng ta vào cảnh đọa lạc, ghê rợn mà mình phải chịu lấy hàng vạn kiếp như vậy đó chư vị ơi!…

Sống ở đây một đời mình có thể tính được, có người thì 70 năm, có người thì 80 năm, có người đặc biệt thọ hơn thì 100 năm. 100 năm sống ở thế gian này ngắn ngủi như bóng câu qua cửa sổ so với thời gian vô lượng vô biên mà một chúng sanh phải chịu khổ khi bị đọa lạc.

Ấy thế mà chưa chắc gì chính ta thọ được 80-90 tuổi đâu. Nhiều người 20-30 đã chết. Nhiều đứa trẻ mới sinh ra đời đã chết… Dài ngắn gì thì cũng là 1 đời đó. Vô thường!… Chóng vánh!… Trong kinh Phật có dạy: “Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế”, (Sáng còn tối mất, khoảnh khắc đi qua đời khác). Thực ra, sáng còn tối mất ít ra cũng được 12 tiếng đồng hồ để sống, có nhiều khi thời gian còn ngắn hơn như vậy nữa.

Ở Niệm Phật Đường A-Di-Đà của chúng tôi, có một vị đồng tu thuần thành tại Niệm Phật Đường, vị đó điện thoại về Việt-Nam nói chuyện với một người anh họ. Đang nói chuyện như vậy thì nghe một tiếng động, người anh họ đó làm rớt cái điện thoại xuống đất. Vị đồng tu cứ tiếp tục hello hello mà không nghe trả lời lại. Không ngờ khoảng chừng 15 phút sau có người báo rằng người anh họ đã chết rồi. Đang nói chuyện, rớt điện thoại xuống chết  luôn. Nhanh chóng như vậy! Bị đột quỵ, đang cầm điện thoại, rớt điện thoại xuống chết luôn.

Có điều cũng hơi đáng tiếc là vị đồng tu đang gọi điện về nhắn nhủ người anh họ cố gắng niệm Phật tu hành, nhưng người anh còn chần chờ dụ dự. Tuổi đời chưa tới 60, cũng còn khỏe, đang điện thoại mà chết luôn. Như vậy chưa phải là “Triêu tồn, tịch vong”, (nghĩa là sáng còn tối mất), mà thực ra là phút trước còn nói chuyện, phút sau chết mất rồi.

Cái chết đến quá dễ dàng, quá bất ngờ. Chết rồi, người chết đó phải chịu lấy những ách nạn quá nặng nề. Có nhiều người khi chết rồi không chịu đầu thai, cứ lang thang trong cảnh Trung-Ấm 40-50 năm như vậy. Có người hỏi rằng tại sao lại ở trong cảnh giới đó lâu vậy?… Tôi nói, vẫn chưa lâu đâu. Có người lang thang trong cảnh giới đó hàng ngàn năm đó.

Trong một câu chuyện của các nhà ngoại cảm kể lại, có một vị đi xuất gia đã chết cách đây hơn 1.000 năm rồi. Chỗ mồ hoang đó sau này người ta cất nhà, và ngay trên nấm mồ đó là cái nhà vệ sinh. Người dưới nấm mồ chịu ách nạn đó trong suốt thời gian cũng khá lâu. Rồi Ngài trù cho người trong nhà đó bất an, con cái cứ khóc lóc hoài. Sau cùng người ta phát hiện ra là ở dưới cái nhà vệ sinh của căn nhà đó có một nấm mồ, mà nấm mồ đó là của một người đã từng đi tu cách đây cả ngàn năm rồi.

Quý vị thấy không?… Chết xong mà không biết đường giải thoát, thì bất cứ một người nào cũng có thể bị vướng nạn cả. Bị vướng nạn này chính là vì Tình Chấp không chịu buông.

 

–     Chấp cái thế giới này, ta đi không được, giải thoát không xong!…

  • Chấp cái thân này, ta đầu thai không được, sống trong cảnh thân trung-ấm!…

Nói sống trong thân trung ấm nghe cho đẹp một chút, chứ nói theo kiểu thế gian thì người ta gọi là “Ma”, vất vơ vất vưởng không nhà không cửa. Chịu cái ách nạn làm ma khổ vô cùng, rồi đến một lúc nào đó bị quá bức bách mới quậy phá, người ta gọi đó là “Quỷ”. Giữa quỷ và ma có điểm gần giống nhau.

Hiểu được chỗ này rồi, mình là người có học Phật, nếu nghe chỗ đó có ma, chỗ đó có quỷ, xin chư vị đừng quá sợ, đừng quá ngại. Tại vì nhiều khi một chúng sanh mình gọi là Ma, là Quỷ đó, coi chừng không ai xa lạ đâu, mà chính là thân bằng quyến thuộc của mình vì không khéo đường tu, không biết đường giải thoát, đã lỡ dại chạy theo cảnh khổ nạn đó thôi…

Thế gian thường nói, “Sống làm người, chết làm ma”. Vì khi chết còn tham đắm cái nhà, còn thương nhớ đứa con, còn tiếc nuối cái thân thì rất dễ rơi vào cảnh giới đó. Như vậy họ là một chúng sanh mê muội, chứ không phải Ma-Quỷ gì cả. Họ là ông-bà, cha- mẹ của ta chứ không ai khác đâu.

Vậy thì chúng ta nên thương họ hay hơn là ghét bỏ họ. Thương họ không có nghĩa là đi theo cảnh giới của họ nghe chư vị. Đừng nên mời họ về đây để mình cứu… Không nên làm vậy vì mình không đủ khả năng đó đâu. Mà thương họ là đừng sợ, đừng chê ghét họ, nếu có duyên thì ta chắp tay lại niệm A-Di-Đà Phật, A-Di- Đà Phật hồi hướng công đức cho họ. Ta có một người thì một người niệm, hai người thì hai người niệm. Có 20 người thì 20 người cùng nhau niệm Phật, đem công đức hồi hướng cho họ. Trước khi hồi hướng cho họ thì ta khuyên họ vài lời:

– Chấp làm chi cảnh vô thường mà chịu thêm vô thường đắng cay… Chấp làm chi những cảnh khổ mà chịu khổ đời-đời kiếp-kiếp, không thể nào thoát nạn được… Trong cảnh khổ này nghe lời nói của tôi đi. Chư vị ơi, quyết tâm niệm Phật đi về Tây-Phương đi. A- Di-Đà Phật ngày đêm phóng quang tiếp độ tất cả chúng sanh, dù là hữu hình hay là vô hình, dù là đang sống trên dương gian hay đang ở trong bất cứ cảnh giới nào. Người nào thành tâm niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu về nước của Ngài. Đem tất cả phước lành gửi về nước Ngài, thì 10 niệm tất sanh.

Khi có dịp gặp nhau, xin quý vị hãy thành tâm hướng dẫn họ đi. Người mà ta gọi là “Ma” đó biết chừng đâu là ông cố của mình. Ông cố bị nạn đã hàng trăm năm rồi, nay nghe tin có một đứa cháu đang Niệm Phật. Ông cố gắng hết sức len lén tìm về mong gặp đứa cháu, cầu mong đứa cháu giúp đỡ, khai thị cho một lời. Không ngờ đứa cháu không giúp đỡ, mà vừa nghe nói chỗ đó có ma thì tìm bùa, ngải tới đánh phá… Vô tình mình đánh ông cố của mình. Nghĩ thử có tội nghiệp không?… Thực sự quá tội nghiệp mà.

Chính vì vậy, khi ta tu hành luôn luôn nhớ hồi hướng cho họ. Như sáng này mình có đọc bài hồi hướng công đức đó. “Nguyện đem công đức này hồi hướng tất cả thân bằng quyến thuộc trong vô lượng kiếp, dù đang ở trong cảnh giới nào cũng được cảm ứng, phát tâm niệm Phật cầu về Tây-Phương và đều được siêu sanh Cực-Lạc”. Họ sống trong cảnh quá khổ, gặp được cơ duyên ta khai thị một lời, họ dễ ngộ lắm, họ có thể ngộ trước mình.

Cho nên người tu hành chân chánh không những chỉ độ người hữu hình thôi đâu, mà độ luôn cả người vô hình. Không những chỉ độ cho thân bằng quyến thuộc, mà còn độ khắp chúng sanh. Ví dụ, mình nói với ông cố của mình, nhưng biết đâu khi đó có những ông cố khác ở chung quanh nghe được mà ngộ ra.

Mong chư vị hiểu được chỗ này mà chí thành niệm Phật. niệm Phật chúng ta phải cố gắng đi thẳng một chút chư vị ạ. Đừng bao giờ nghĩ đơn giản rằng ta đã vào trong Niệm Phật Đường niệm Phật thì được giải thoát. Không phải đâu. Hồi sáng mình nói rồi, tu hành cần phải tinh tấn. “Tinh” là tinh chuyên. Niệm Phật thì nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật. Đi đường nào phải đi một đường, nhất định đừng đi hai đường. Ví dụ từ đây đi tới Paris.

  • Người nào đi xe hơi thì lo mà lái xe hơi.
  • Người nào đi máy bay thì cứ leo lên máy bay mà đi.
  • Người nào muốn đi xe đạp thì sửa xe đạp mà đi.

 

  • Người nào muốn đi bộ thì lo chuẩn bị dụng cụ như: dây, nhợ, thức ăn, thức uống, v.v… Phải lo chuẩn bị cho đủ.

Mỗi một đường đi có những nhu cầu riêng, thì việc tu hành giải thoát cũng vậy. Có vô lượng pháp môn tu hành, chứ không phải chỉ có một pháp môn. Tu hành bất cứ pháp môn nào sau cùng vẫn có thể tới đích.

  • Muốn đi máy bay, thì leo lên máy bay dựa vào cái ghế đó mà nghỉ, khi máy bay đáp xuống thì ta sẽ tới giữa phi trường
  • Muốn đi xe hơi, thì chúng ta cứ dùng cái GPS đó mà đi. Đi nửa đường mà thiếu xăng thì phải ghé vô trạm xăng châm xăng rồi đi tiếp.
  • Muốn đi bộ cũng được, hôm nay đang trong mùa Olympic thế vận hội, người ta chạy bộ cũng nhanh lắm. Ai có khả năng chạy bộ thì cứ chạy. Chạy riết thì cũng có ngày tới đích.

Nhưng mà xin nhớ cho, hãy chọn lựa thật kỹ, rồi đường nào phải đi một đường mới tốt. Chứ không nên đang chạy bộ, chạy bộ mệt quá thì leo lên xe hơi. Xe hơi đang chạy lại muốn quay về để đi bộ. người leo lên máy bay rồi thì cứ ngồi trên máy bay mà bay, đừng nên đang ở trên máy bay mà muốn nhảy ra khỏi máy bay để chạy bộ thì kẹt lắm! Không được đâu. Làm vậy nhất định chúng ta sẽ bị trở ngại.

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –