Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 47

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 47)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Chư Tổ thường nói rằng, niệm được câu A-Di-Đà-Phật là một điều may mắn hy hữu trong vô lượng kiếp. Nếu hiểu từng ý của chư Tổ để lại, mình thấy giật mình nhiều lắm chư vị ạ.

Đây là một cơ hội gọi là hy hữu. “Hữu” là có, “Hy” là rất khó,  rất khó có trong vô lượng kiếp. Không phải là khó tìm trong một thế kỷ, hai thế kỷ, mà trải qua trong vô lượng kiếp rồi đến bây giờ mới gặp. Nếu hiểu được chỗ quý báu này rồi thì tự nhiên mình không dám sơ ý được. Đã quá hiếm hoi rồi, nay gặp được mà còn bỏ qua, oan uổng lắm đó chư vị ơi.

Bây giờ trở lại cái vấn đề cụ thể trước: “Sơ Suất Khi Hộ- niệm”. Xin chư vị tự mình kiểm điểm lại cách tu hành của mình, kiểm điểm lại những bước chân của mình đi có gì sai lạc hay không. Nếu có sơ suất mau thay đổi lại. Pháp hộ-niệm có thể ví như pháp sửa đổi từng bước chân lạc đường, sửa đổi từng hành vi bất cẩn, sửa đổi từng ý niệm sai lầm để mình thực hiện cho chính xác đường giải thoát. Nếu người nào đi theo những pháp cao siêu quá, tế vi quá thì chính Diệu-Âm này sửa không được. Nhưng nếu người đi theo những phương pháp giản dị, dễ dàng, như pháp Niệm Phật Hộ-Niệm này thì Diệu-Âm có thể đóng góp ý kiến với chư vị được.

Ví dụ như hồi sáng này mình có nói, tới một đạo tràng gặp một người khó chịu với mình, mình khó chịu lại, thì xin chư vị hãy mau mau tự phản tỉnh lấy mình, lo sửa lỗi mình, đừng nên khó chịu nữa.

Trong kinh Phật, cũng như chư Tổ luôn luôn dạy rằng hãy giữ tâm thanh tịnh. Nếu thật sự muốn một đời này vãng-sanh, thì đừng nên nhìn đến lỗi lầm của người khác. Nhìn đến lỗi lầm của người khác thì mình thường xuyên tiếp xúc với lỗi lầm làm cho tâm mình không thể an tịnh được. “Nhược chơn tu đạo nhơn, bất kiến thế gian quá”. Nếu là người chơn chánh tu hành, thì không nhìn, không nói, không vạch lỗi lầm của người khác.

 

Như vậy nếu mình vào đạo tràng mà thấy người này lỗi mình buồn, thấy người kia sai mình tức, thì mau mau phản tỉnh lại, coi chừng chính mình lỗi đấy, chứ chưa chắc gì người khác lỗi đâu. Mà nếu như người khác có lỗi thực đi nữa, thì họ lỗi kệ họ, mắc  mớ gì mình phải lo? Nói ra lời này, giống như là người ích kỷ, vô trách nhiệm. Nhưng thực ra:

  • Để giữ cái tâm mình thanh tịnh.
  • Để giữ cái tâm mình bao
  • Để giữ tâm mình từ
  • Để giữ cái tâm mình hiền lành… Thì mình:
  • Phải làm người hiền.
  • Phải nói lời hiền.
  • Phải có những ý nghĩ hiền.
  • Phải làm người tốt.
  • Phải nói lời tốt.
  • Phải có tư tưởng tốt.

Cái gì cũng tốt hết… Mình phê phán: “Bà này xấu quá”. Đây là lời nói không tốt. Mình thấy: “Ông kia xấu quá!…”. Đây là ý nghĩ không tốt.

Chính vì vậy, muốn trở thành người hiền, thì tốt nhất người ta có lỗi kệ người ta. Tại đạo tràng này để cho ông Tâm-Nhật-Thuyết lo. Ông là trưởng tràng thì ông phải chịu trách nhiệm. Còn đạo tràng bên Tiệp thì để cho anh Đạt lo sao lo, tại vì những vị trưởng tràng người ta có trách nhiệm giải quyết.

Họ giải quyết bằng cách nào?…

Trong một Niệm-Phật-Đường nào cũng có những người nghịch ngợm. Giải quyết những vấn nạn này, thường thường Diệu- Âm lợi dụng giờ đọc thông báo trong những buổi cộng tu mà nhắc nhở chung. Ví dụ có những người thường vô trong chánh điện nói chuyện, thì mình thường cho đọc thông báo này:

  • Xin chư vị đồng tu, khi vào chánh điện cần giữ trang nghiêm, không được nói chuyện.

Mình cứ đọc thông báo chung, thông báo riết đi. Người trưởng tràng có nhiệm vụ viết thông báo đọc lên để nhắc nhở, còn cá nhân đồng tu thì nên lặng lẽ, vui vẻ với nhau thì đạo tràng sẽ từ từ vào nề nếp tốt. Còn đồng tu với nhau, đừng nên chỉnh sửa nhau mà dễ gây nên phiền não. người ta nói một câu, mình nói một câu thành ra ồn náo:

  • Tại sao chị nói chuyện?
  • Tôi nói kệ tôi chứ.

Thế là, 1 câu nói biến thành 2 câu. Mình giải thích thêm 1 câu, họ lại phân bua 1 câu nữa, thành ra có 4 câu nói. Thôi, tốt nhất cứ làm thinh đi. Người ta nói chuyện, mình cứ làm thinh đi, thì tự nhiên không ai nói nữa, nghĩa là 1 câu nói ra vẫn hoàn 1 câu, nhờ thế mà đạo tràng sẽ im lặng, thanh tịnh. Xin thưa thực với chư vị, đúng là như vậy đó, chứ không có gì khác đâu.

Trong kinh nghiệm hộ-niệm, những chướng nạn của người được hộ-niệm thường thường được phát hiện khá nặng ở những người có vẻ thông minh, trí huệ, những người ưa thích nghiên cứu kinh điển nhiều. Nhưng chướng nạn này lại giảm xuống còn rất ít, còn rất nhỏ, rất dễ gỡ ở những người hiền hòa, ở những bà cụ không biết chữ nghĩa gì hết, ở những ông cụ ít chữ, ít coi sách, ít đọc kinh. Diệu-Âm thường phát hiện điều này, xin thật thà thưa thực với chư vị như vậy đó.

Lý do đơn giản, ví dụ như ở đây, một người hiền lành ngồi bên dưới nhìn lên đây họ thường quý mến và tán thán tôi lắm. Giả như có một người thông minh, học rộng, hiểu nhiều họ nhìn thấy một người phàm phu ngồi ở đây thì đánh giá khác đi hoặc chỉ trích liền… Ngay một ví dụ nhỏ này cũng cho mình thấy rõ rệt người hiền từ ít chấp trước hơn, buông xả nhiều hơn, vì thế bớt chướng nạn hơn.

Kiến giải quá mạnh, kiến thức thế gian quá rộng thường thích về luận lý. Có người khi nghe tôi trình bày về pháp hộ-niệm, họ nói: “Anh nói như vậy tốt đấy, nhưng chưa đủ thuyết phục tôi được…”. Họ đang tìm một sự lý luận nào đó thật sự thuyết phục được họ. Nhưng đáng tiếc, tôi không phải là nhà quảng cáo, nên không đủ miệng lưỡi để thuyết phục họ. Những người làm quảng cáo họ thuyết phục hay lắm. Một món đồ không ra chi, họ quảng cáo giỏi mình thích mua liền.

Hộ-niệm cần ở lòng chí thành tin tưởng, không cần ở lý luận, không cần nhiều miệng lưỡi để thuyết phục. Chính vì vậy để tránh ách nạn khi lâm chung, xin chư vị nên tập làm người hiền lành.

Hòa Thượng Tịnh-Không khi đến gặp ngài Lý-Bỉnh-Nam cầu học pháp, ngài Lý-Bỉnh-Nam đưa ra 3 điều kiện:

  • Thứ nhất là bắt đầu từ đây, nếu Thầy muốn đọc một quyển sách nào, Thầy phải báo cho tôi biết trước, dù đó là kinh của Phật mà muốn đọc cũng phải báo cho tôi biết. Sách nào tôi chấp nhận thì Thầy mới được đọc, tôi không chấp nhận thì Thầy không được đọc. Thầy chịu không? Chịu thì tôi nói điều thứ hai, không chịu thì coi như chúng ta không có duyên.

Một người cư sĩ mà dám đặt điều kiện với một vị xuất gia. Điều kiện này nhằm để chi?… Để cắt đi cái kiến giải của vị này, phải cắt đi cái kiến thức thế gian của vị này. Người nào cắt được tri kiến thế gian pháp, thì mới có thể nhiếp tâm vào Phật pháp được. Cắt được kiến giải thế gian thì mới tu hành chân chính được, cắt không được thì thường đứng trước công chúng hay nói điều ngoa ngữ, vọng ngôn. Tục ngữ cũng có câu: “Trống rổng, kêu to”. Cái trống kêu lớn đó, nhưng nó không được vãng-sanh đâu.

Cũng như giảng pháp cần phải hợp cơ, chứ không phải giảng giải những đạo lý cao siêu. Nói điều hợp với căn tánh chúng sanh chứ không phải lật quyển tự điển ra… Lật quyển tự điển ra giảng lên ai nghe cũng thấy lạ, thấy hay hết. Nhưng giảng xong rồi, người ta ngỡ ngàng: “Ủa!… Nhưng rồi tôi tu như thế nào đây?…”.

Rõ ràng một quyển tự điển không vãng-sanh được. Một người nào cắt đi cái tự điển đó để niệm Phật, thì mới được vãng-sanh. Như vậy, thực sự muốn vãng-sanh, xin chư vị đừng nên tập theo cuốn tự điển, mà hãy tập theo người hiền lành, chất phát, thật thà, thành tâm niệm Phật. Khi thành tâm niệm Phật, ăn ở hiền lành rồi, xin thưa thực với chư vị, khi chư vị nằm xuống tất cả những gì gọi là chướng nạn tự nó sẽ giải tỏa hết.

 

Một ví dụ đơn giản: Một người nằm mộng thấy Phật ứng hiện, chấp vào đó tưởng mình được chứng đắc. Đối với một người tâm tánh không hiền lành, kiến giải cao, thì gỡ ra khỏi ách nạn này rất khó. Còn với một người hiền lành thì gỡ cho họ dễ hơn.

– À chị ơi!… Khi mình mơ mộng nhiều quá, có thể sinh ra thấy như vậy đó, chứ chưa chắc gì là thật đâu… Thôi bây giờ chị cứ thành tâm niệm Phật, rồi đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sanh. Những vị ứng hiện ra đó có duyên với mình trong đó. Bây giờ mình cũng không biết là duyên lành hay dữ? Thôi chị hãy nghe tôi, họ có duyên với mình, ứng hiện cho mình thấy thì có lý do nào đó mà mình không biết, nhưng kinh Phật nói đừng nên tham chấp vào đó, thôi chị đừng có tham chấp nữa nhé. Hãy thành tâm chấp tay lại sám hối đi, còn tôi xin điều giải cho: “Nguyện chư vị trong pháp giới hữu duyên, duyên lành hay duyên chẳng lành, nhân theo cơ hội này xả bỏ oán thù, cùng với chúng tôi niệm Phật, hộ- niệm cho chị Trần Thị X vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chúng tôi sẽ xin đem hết tất cả công đức hồi hướng cho chư vị, cầu nguyện cho chư vị sớm được giải thoát.

Người nằm đó mà tánh hiền lành dễ hướng dẫn, họ thành khẩn nghe lời làm theo liền, chỉ cần 5 phút có thể điều giải được.

Còn đối với những người thiếu khiêm hạ, thường cho mình đã chứng đắc thì khó lắm. Người ta đã chấp vào đó rồi, thôi chịu thua. Họ mắc nạn vì họ không tập được cái tánh hiền lành, tại vì cái kiến giải họ mạnh quá. Kiến giải mạnh mà trí huệ chưa khai mở, nên dễ bị lầm lạc là như vậy.

Trong khi điều giải hoặc hướng dẫn người bệnh, người hộ- niệm cần chú trọng đến vấn đề họ thấy này thấy nọ. Thường những người nghiệp chướng nặng, đến lúc lâm chung, 100 người có tới 99 người thường có những hiện tượng thấy này thấy nọ, nhiều nhất là thấy ông bà, cha mẹ, những người thân thuộc, người quen biết trong làng xóm đã chết rồi tới bảo vệ, giúp đỡ… Nhiều lắm… Nếu người hộ-niệm không biết đây là vấn nạn, đi xúi họ chạy theo thì tiêu họ rồi. Còn nếu mình biết sự thực, cảnh cáo người bệnh mà họ không chịu nghe, thì họ đành phải tiêu rồi vậy…

 

Hộ-Niệm là nêu ra từng điểm từng điểm nhỏ nhặt đừng nên sơ suất, chứ đâu có gì cao xa. Biết tránh thì giải nạn, tham chấp vào đó thì chịu nạn. Người không hiểu biết về hộ-niệm, mà lại không chịu nghe lời ban-hộ-niệm thì đành phải chịu nạn. Tại sao có người không chịu nghe lời ban hộ-niệm?…

  • Tại vì mình không tập tánh hiền lành.
  • Tại vì mình không tập tánh khiêm nhường.
  • Tại vì cái ngã chấp quá nặng.

Chính vì thế mà chư Tổ thường dạy chúng sanh hãy tập làm một người hiền lành. Một người muốn tu hành chân chính, thì đừng nên buồn phiền, lo âu, suy nghĩ, moi móc, kể lể những lỗi lầm của người khác, để cho tâm hồn của mình được thoải mái. Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói rõ ràng:

  • Thiện hộ khẩu nghiệp, bất nghị tha quá. Gìn giữ cái nghiệp của miệng không nói lỗi người. Nói lỗi người khác thì mình là người ưa thị phi, chấp trước.
  • Thiện hộ thân nghiệp, bất thất luật nghi. Vào trong đạo tràng, mình giỡn đùa, xấc xược, thì phạm luật nghi của đạo tràng. Hãy gìn giữ cái thân này, đi đứng trang nghiêm. Mình trang nghiêm cho chính mình là tốt, đừng nên trang nghiêm cho người khác. Người khác không trang nghiêm kệ họ. Đừng tới sửa sai họ, vì sửa họ thì họ sửa mình. Họ sửa mình thì mình phiền não. Như vậy phiền não do chính mình gây ra. Nhức đầu lắm…
  • Thiện hộ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm. Mình nghĩ đến chuyện lỗi lầm của người ta, thì cái tâm mình phiền não, vô tình vì nói chuyện người ta mà cái tâm mình không thanh tịnh được. Biết không thanh tịnh được nên không thèm nói làm chi. Nhưng coi chừng mình không nói, mà con mắt thì “tố-hộ” lên, thì tình trạng này còn căng thẳng hơn nữa… Thôi thì cứ để cho nhà Chùa họ làm sao thì làm, cứ để cho các vị trưởng tràng họ làm sao làm, cứ để cho ban trật tự họ làm sao làm, còn xa hơn nữa, cứ để tự nhiên cho chư Thiên-Long, Hộ-Pháp làm cho… Đúng thật như vậy đó…

Tại nhà bếp trong Tịnh-Tông Học-Hội người ta để tượng một vị Thần tướng trông rất dữ dằn, 2 con mắt thật to lộ ra, 1 tay chỉ thẳng ra cửa, 1 tay cầm cái chùy đưa lên. Cái chùy có gai nhọn, ghê lắm… (Hì-hì!…).

Thật ra vị Thần đó không phải dữ dằn như vậy đâu, mà hình tướng đó chỉ là một biểu trưng. Chị vào đây mà nói người này xấu người kia xấu hả?… Vị Thần đó trợn mắt lên nhìn. Nếu nói thêm một lần nữa hả?… Ngài chỉ ra ngoài cửa, hét lên: “Đi ra!…”. Ý nghĩa của nó là như vậy. La rầy đến lần thứ hai mà không chịu nghe hả?… Ngài đưa cái chùy lên… (Hì-hì!…). Mình chịu nổi 1 chùy của Ngài không? Đó là một biểu pháp mạnh mẽ, dạy chúng ta tu hành phải giữ tâm thanh tịnh.

Mình hãy sống vui vẻ thoải mái thì tự nhiên khung cảnh này dù ban đầu có thể lộn xộn một chút, nhưng sau đó nó sẽ yên lần yên lần… Ăn ở vui vẻ thoải mái chính là cách gỡ nạn cho mình khi nằm xuống vậy.

Những tánh vui tươi, thoải mái, nhẹ nhàng, khiêm nhường… đối với những pháp môn tu khác người ta xem rất thường, không có giá trị gì lắm đâu. Thật ra đây chẳng qua là cách sống của những người tốt trong xã hội thôi, một mức sống bình thường thuộc giới bình dân của thế gian bên ngoài thôi, chứ tu hành chỉ có như vậy thì đâu cần gì tu hành nữa?… Ấy thế mà với pháp môn niệm Phật, chư vị làm được như vậy đi: ăn ở thoải mái, cư xử vui vẻ, sẽ hóa gỡ cho chư vị không biết bao nhiêu ách nạn trong lúc nằm xuống. Lạ lắm!…

Ví dụ, khi chưa biết tu hành, mình thường lên trước bàn thờ van vái:

Hôm nay là ngày giỗ của ông nội, xin ông nội linh thiêng về đây bảo vệ cho con…

Mình van vái ngày này qua ngày khác mà không thấy ông nội về bảo vệ gì hết trơn?… Làm ăn thua lỗ, bèn đến chùa miếu van vái cầu xin Phật Trời giúp đỡ. Van vái riết thì cũng có ngày có người đến giúp đỡ thật. Họ đến bảo rằng, hãy chi ra bao nhiêu tiền này, họ sẽ cho một lá bùa linh. Có bùa này sẽ làm ăn ngon lành lắm…

 

Van vái cái gì bị vướng cái đó, khi nằm xuống rồi sẽ biết ngay. Ngày ngày mình van vái các vị đó tới cứu mình, thì lúc mình nằm xuống các vị đó sẽ hiện ra cứu mình. Họ bảo hãy theo ta, ta cứu độ cho, chắc chắn mình theo liền. Nếu có người biết hộ-niệm, họ nhắc nhở: “Chị ơi!… Chị đừng theo họ nhé…”. Nhưng mình không nghe theo người hộ-niệm đâu. Mình quyết theo những người hiện ra đó. Mình bị vướng nạn rồi!…

Cầu linh hồn cha mẹ về hộ trì cho mình. Cha mẹ chưa về kịp, mình đã bị vướng nạn rồi. Ngày này ngày khác cứ cầu mong hoài, thì đến lúc chết thấy cha mẹ mình về thật. Cầu bao nhiêu năm không thấy ông bà cha mẹ về. Lúc sắp chết lại thấy. Mình đâu có biết rằng mình sắp chết, cứ tưởng rằng lúc cơ ngặt này họ thương tình nên về cứu giúp mình. Mình đi theo thì lâm nạn rồi. Mình lâm nạn nặng rồi!…

Như vậy bây giờ mình phải làm sao?… Nhất định phải nhớ là vui vẻ, thoải mái và thành tâm niệm Phật. Hãy lắng nghe anh Tâm- Nhật-Thuyết căn dặn nhé. Anh nói: “Những chuyện đó là giả chứ không phải thật đâu”. Nên vui vẻ thoải mái nghe lời anh Tâm-Nhật- Thuyết mới được.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

 

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –