(Tọa Đàm 38)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Niệm Phật rất dễ thành tựu, mà chúng ta còn cẩn thận hơn nữa là kết nhóm với nhau, hỗ trợ cho nhau, hộ-niệm cho nhau để xem còn có gì sơ sót thì chư vị đồng tu trợ duyên, giải quyết cho mình nữa. Thật là dễ dàng và vững vàng. Ấy thế mà có nhiều người đành bỏ cơ duyên này để tự đi lấy con đường khó khăn, khó đến trầy vi tróc vảy, khó đến nỗi không còn cách nào có thể nói nên lời. Những cảnh khổ của sự trồi lên trụt xuống, hụp lặn trong sanh tử luân hồi vô lượng kiếp kể sao cho xiết. Đã bị khổ vô lượng kiếp qua rồi, bây giờ có cơ hội vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lac mà lại bỏ qua đành để khổ vô lượng kiếp nữa rồi mới tính tới… Thật sự xin thưa với chư vị: Oan uổng!… Oan uổng!… Quá sức oan uổng!… Trở lại vấn đề những sơ xuất khi hộ-niệm có thể xảy ra, xin chư
vị hãy nghe những đĩa “Tọa Đàm” mà anh Hoàng và chị Thủy đã phát tâm làm ra để phía trước kia, trong đó có cái đĩa MP3 Diệu- Âm nói về “Những Sơ Suất (có thể xảy ra) Khi Hộ Niệm”. Trong tọa đàm đó Diệu-Âm quy trách nhiệm cho người hộ-niệm, thì trong những ngày này Diệu-Âm lại quy trách nhiệm cho chính mỗi cá nhân của người bệnh. Nói người bệnh là nói cho chính chúng ta. Thật sự là chính chúng ta thường bị sơ suất.
Trong lúc nằm ngáp ngáp để chờ chết, người ta hộ-niệm cho mình mà mình bị mất phần vãng-sanh, thông thường tại vì:
– Bắt nguồn từ niềm tin yếu đuối.
- Bắt nguồn từ chỗ tu hành xen tạp.
- Bắt nguồn từ chỗ không tha thiết nguyện vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Hầu hết đều bắt nguồn từ 3 điểm này.
Thành ra, người có niệm Phật nhưng đến ngày ra đi mà lỡ mất phần vãng-sanh, thì xin chư vị đừng nên đỗ thừa cho ban-hộ-niệm,
mà tự mình phải chấp nhận lấy sự sơ suất của chính mình. Vì sao vậy?… Vì người hộ-niệm họ nói:
- Bác ơi!… Quyết niệm Phật đi về Tây-Phương nhé…
- Trời ơi!… Chắc tôi đi về Tây-Phương không được đâu.
Có ý tưởng này là tự bác không chịu đi, nên phải mất phần vãng sanh, ráng chịu…
- Chị ơi!… Bây giờ chị bệnh sắp chết rồi, hãy quyết một câu A- Di-Đà Phật mà niệm nghe, đừng lo sợ gì nữa cả.
- Trời ơi!… Tôi sợ lắm!… Quý vị nên cảm thông cho tôi chứ. Quý vị chưa bị bệnh đó. Chứ bệnh rồi chưa chắc gì quý vị được như tôi đâu.
Muốn vãng-sanh mà còn sợ bệnh, sợ chết… Còn đổ thừa là tại vì bệnh nên niệm Phật không được… Cứ đổ thừa: Tại vì… Tại vì… Thôi, chịu thua rồi.
- Anh ơi!… Quyết lòng niệm Phật
- Trời ơi!… Một vị kia nói rằng nghiệp chướng của tôi lớn lắm, bảo tôi nhất định phải đọc bài Sám này, bài Sám kia để phá nghiệp rồi mới có thể vãng-sanh về Tây-Phương được.
Đến giờ phút này mà còn không chịu đi thẳng một đường, thì đành phải thất bại vậy thôi. Chính mình phải chịu trách nhiệm về tương lai của chính mình.
Tại vì sao phải bị thất bại?…
– Tại vì Phật chỉ cảm ứng với những người có niềm tin sắc son.
- Tại vì A-Di-Đà Phật phát 48 đại nguyện yêu cầu chúng sanh phải tha thiết nguyện vãng-sanh về Tây-Phương Cực- Lạc.
- Tại vì A-Di-Đà Phật đưa ra 3 điều kiện: Một là lòng tin phải vững; Hai là niệm Phật, phải niệm cho tinh chuyên, niệm cho nhập tâm. Ba là trước khi xả bỏ báo thân phải nhớ câu A-Di-Đà Phật, niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng-sanh. Chứ Phật không nói trước khi xả bỏ báo thân phải nhớ tới nghiệp, phải phá nghiệp rồi mới đi về Tây-Phương.
- Tại vì ta sơ ý!… Quá sơ ý mà đi sai đường.
Trong những ngày qua tôi thường thường nói: “Đi đường nào phải đi thẳng một đường, không được sơ suất”. Nếu mình đi con đường phá nghiệp, mình là người tự lực tu chứng. Đã là tự lực tu chứng rồi thì đành bỏ rơi quang minh của A-Di-Đà Phật. Còn người nào quyết lòng nương theo quang minh của A-Di-Đà Phật, thì đối với nghiệp chướng trùng trùng trong quá khứ A-Di-Đà Phật nói: “Không sao đâu con, đừng làm như vậy nữa. Quyết lòng sám hối đi…”. Sám hối như thế nào?… Một câu A-Di-Đà Phật mà sám hối. Quý vị nghĩ thử một người chỉ ngộ ra trước những giờ phút lâm chung với nghiệp chướng trùng trùng, nếu mà cái nghiệp chướng đó không rời khỏi họ, thì làm sao mà họ có thể vượt về tới Tây- Phương Cực-Lạc?… Trong giờ phút đó họ hoàn toàn không nghĩ gì về sám hối cả, họ cứ thành tâm Niệm Phật… Niệm Phật… Tiếp
tục niệm Phật cầu vãng-sanh… Họ thành công.
Như vậy sám hối tại chỗ nào?…
- Tại câu A-Di-Đà Phật. Sám hối tại chỗ nào?…
- Tại chỗ tâm của họ luôn luôn hướng tới A-Di-Đà Phật. Sám hối tại chỗ nào?…
- Tại chỗ cái duyên của họ là duyên với cảnh giới Tây-Phương, chứ không duyên với cái nghiệp nữa.
Như vậy họ phá nghiệp bằng cách nào?…
- Họ phá nghiệp bằng cách rời cái nghiệp ra để đi về Tây- Phương Cực-Lạc.
Còn những người quyết tâm phá nghiệp thì sao?… Họ rời cái duyên Tây-Phương Cực-Lạc ra mà tạo cái duyên cho nghiệp chướng hiện ra để mà phá. Tạo duyên nghiệp chướng thì cái tâm của mình bị trói trong cái khối nghiệp đó, để hưởng cái quả báo là hiện tượng nghiệp chướng hiện hành. Một người đang bệnh là người đang bị nghiệp chướng hiện hành mà còn cố duyên tới nghiệp chướng nữa thì còn biết bao nhiêu nghiệp khác sẽ theo đó mà hiện ra. Nhưng ở đây họ quyết rời nghiệp chướng ra, bằng cách họ không sợ nghiệp chướng, họ không để ý đến nghiệp chướng… Họ đang nghĩ: “Có bệnh cứ bệnh nữa đi. Bệnh nặng thì
tôi đi về Tây-Phương sớm”… Vô tình nghiệp chướng mà càng nặng họ lại càng vui, và khuôn mặt của họ càng tươi tỉnh ra.
Quý vị nên biết rằng, khi mà Tín, Nguyện và Hạnh đầy đủ thì 25 vị Bồ tát phóng quang gia trì liền, Thiên-Long Hộ-Pháp phóng quang gia trì liền làm cho nghiệp của họ nếu không tiêu thì nằm im đó, biến thành cái cầu cho mình bước qua, tương tự như chiếc cầu của chị Minh bắt qua cái hồ cá vậy. Cái nghiệp nó bắt một cái cầu để giúp mình đi thành tựu. Đi qua cái cầu đó rồi nhìn lại: “À!… Trời ơi! Dưới cái cầu đó còn không biết bao nhiêu thứ mình để lại… Đó là những nợ nghiệp do mình đã tạo ra. Đi vãng-sanh thành tựu xong mình sẽ có cách trở về giải quyết”.
Còn bây giờ mình cứ muốn phải xóa cho được những cái ách nghiệp đó. Phàm phu nghiệp chướng sâu nặng mà đòi xóa cho sạch nghiệp, xin thưa rằng, cũng giống như những con cá bơi mãi dưới nước kia, chúng tưởng là giỏi lắm, nhưng vô tình đời-đời kiếp-kiếp vẫn bị nạn ở dưới nước.
Hiểu được chỗ này, mong chư vị mau mau tỉnh ngộ, tỉnh ngộ liền lập tức để kịp thời thoát nạn, vì có thể tháng sau mình đã tới cái mùa phải đi rồi đó. (Hì-hì!…). Có nhiều người hôm nay tỉnh bơ ngồi cười hì-hì, mà tuần sau đã tới cái dịp phải bỏ báo thân rồi… Chết rồi!… Chết mà chưa kịp hồi đầu!… Vậy mà dám chờ một tuần sau sao?… Trễ rồi!… Trễ thì tiêu luôn!… Chịu thua luôn!…
Chính vì thế, đi đâu Diệu-Âm cũng nói rằng dù mình có người tới hộ-niệm, nhưng không bao giờ được quyền ỷ lại vào người hộ- niệm, tại vì người hộ-niệm chỉ giúp được cho mình khi nào mình ngộ được đường vãng-sanh. Ví dụ chị bệnh sắp chết, người hộ- niệm nói:
- Chị ơi!… Quyết lòng niệm Phật
- Dạ, tôi quyết lòng niệm Phật.
- Chị còn nghi ngại gì nữa không?
- Thưa không.
- Chị có sợ chết nữa không?
- Không.
- Chị có cần đi tìm người chữa thử may ra được hết bệnh không?
- Không.
Người đã quyết tâm vãng-sanh như vậy là người đã gieo cái duyên Tây-Phương Cực-Lạc nhiều đời qua rồi, bây giờ đây họ chuẩn bị đi về Tây-Phương để hưởng đời an vui cực lạc mà thành đạo đó chư vị.
Trong đời chúng ta cũng thường thấy những người hay than phiền:
- Tôi tu nhiều quá rồi, tôi niệm Phật hơn cả anh chị em, ấy thế tại sao tôi lại bị bệnh?…
Đây là những người chưa thành tâm, cứ tưởng mình ngon hơn thiên hạ. Thôi để họ lấy cái ngon đó để ở lại đây mà tiếp tục ngon trong cảnh tử-tử sanh-sanh… Họ không vãng-sanh được đâu. Ngược lại, có những người than phiền cách khác:
- Tôi biết nghiệp của tôi lớn quá rồi. Tôi phải phá cho hết cái nghiệp này mới an tâm.
À!… Chị muốn phá nghiệp hả? Thôi chị hãy ở lại đây để lo phá nghiệp chướng đi… Nên nhớ, bác sĩ nói chỉ còn 7 ngày nữa thì chị chết rồi đó… Phá đi!… Ở đây tiếp tục mà phá nghiệp. Xin lỗi, vô lượng kiếp nữa phá cũng không nổi, đừng nói chi thời gian chỉ còn 7 ngày!…
Xin thưa với chư vị, đi về Tây-Phương là con đường đới nghiệp vãng sanh. Nhớ cho kỹ điểm này.
“Đới Nghiệp” có nghĩa là sao? Đới là bao lại, là gói lại, là bước qua…
- Thay vì mình nghĩ tới nghiệp, thì giờ đây đừng nghĩ tới nghiệp nữa. Hãy niệm câu A-Di-Đà Phật đi. Như vậy là mình đã bỏ qua cái nghĩ về nghiệp, hay gọi là “Đới Nghiệp” rồi đó.
- Khi cái nghiệp nó tới, trước đây mình cảm thấy khổ quá! Nay không thấy khổ nữa. Mình nói: “Nghiệp tới không sao đâu. Nó tới sớm thì ta đi về Tây-Phương sớm”. Tức là chúng ta đã bước qua cái khổ vì nghiệp, hay nói cách khác, chúng ta đã biết cách “Đới Nghiệp” rồi đó.
– Trời ơi!… Năm ngoái mình suốt cá, bắn chim, sát hại sinh vật, v.v… Nghĩ tới ân hận quá. Thì giờ đây đừng buồn nữa, khóc lóc có ích gì. Hãy mau mau tìm đường về Tây-Phương đi. Vãng-sanh rồi sẽ đem tất cả những thần lực của Chân-Tâm Tự-Tánh mình có được để về đây cứu độ họ. Tức là mình đã gói được sự ân hận, mình đã đới được các nghiệp Sát, Đạo, Dâm, Vọng… của mình trong quá khứ để vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Hiểu được như vậy rồi, thì chư vị thấy rằng, tất cả mọi người ở đây ai cũng có phước phần đi về Tây-Phương thành đạo trong một đời này, chứ không phải đợi đến đời thứ hai. Còn nếu sơ ý đi lệch đường thì mình đành phải chịu rủi ro, chịu đau đớn mà vô lượng kiếp nữa coi chừng giải quyết không được.
Bây giờ xin hỏi lại những vị có duyên ở đây, quý vị còn có những điều thắc mắc gì mà nghĩ rằng mình không có khả năng về Tây-Phương Cực-Lạc được hay không?… Chiều nay Diệu-Âm sẽ bắt đầu trả lời những câu hỏi, xin chư vị cứ mạnh dạn hỏi ra. Ví dụ, ngoài kia, tôi có gặp một vị này nói rằng phải tu theo cách này mới được chứng đắc. Tôi thấy người kia nói đời này không thể nào đi về Tây-Phương được. Đúng hay sai?… Tất cả những gì còn vướng mắc xin quý vị nên đưa ra. Nếu biết được, Diệu-Âm sẽ cố gắng trình bày cặn kẽ cho chư vị.
Diệu-Âm xin nói lại rằng, tất cả những người có mặt hôm nay đều có khả năng vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc hết. Nếu 1.000 người ngoài kia nói không được, thì Diệu-Âm cũng nói thẳng là chư vị có khả năng được về Tây-Phương Cực-Lạc. Chắc chắn như vậy. Nếu tin tưởng thì chư vị cứ mạnh dạn mà đi. Những lời này, xin nói thẳng thắn rằng, không phải Diệu-Âm tự nói ra, mà chính A- Di-Đà Phật đã dạy như vậy, Bổn-Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật đã dạy như vậy, chư Tổ cũng đã dạy như vậy… Tất cả mọi người chúng ta, người nào nghe được danh hiệu A-Di-Đà Phật, đã niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật quyết lòng nguyện vãng-sanh Tây-Phương Cực- Lạc, người đó đều có thể vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Đó là lời Phật dạy.
Nhưng rốt cuộc chư vị có được về Tây-Phương Cực-Lạc hết hay không? Điều này tôi không dám bảo đảm. Tự chư vị phải trả lời lấy về hành trình của chư vị đi như thế nào? Có đúng đường không?… Nếu chư vị muốn băng qua núi này, vượt rừng nọ… Rồi phải phá ách này, diệt chướng nọ… thì chư vị tự tạo ra con đường đi quá dài, khó quá… quý vị tự chịu vậy.
Còn bây giờ chư vị hãy đi theo con đường ngắn, thẳng, tắt đi. Tôi không muốn qua khu rừng đó đâu. Tôi không cần phải lấp cái suối kia đâu. Tôi không cần phải phá cái núi nọ đâu. Tôi muốn đi thẳng tắt tới mục tiêu luôn, ví như người lên máy bay, bay thẳng tới đích luôn, họ đâu cần gì phải phá núi phá rừng làm chi…
Vậy thì, nếu niềm tin vững vàng, nếu sức nguyện tha thiết, chư vị cứ niệm câu A-Di-Đà Phật đi. Cứ vậy mà đi, thì bao nhiêu nghiệp chướng trùng trùng trong quá khứ của chư vị các Ngài Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương đều biết hết, A-Di-Đà Phật đã biết hết, nhưng các Ngài vẫn dang rộng bàn tay đón chờ chư vị lên cõi Tây-Phương để thành đạo với các Ngài.
Còn nếu chư vị cứ cho rằng: “Con không xứng đáng để về miền Cực-Lạc, tại vì tâm con còn phiền não quá, tại vì trí con còn mê mờ quá, tại vì con còn nhiều nghiệp chướng quá, v.v…”, các Ngài cũng đứng đó, vẫn dang tay đón chờ nhưng ta không tới. Các Ngài đưa tay xuống muốn cứu ta mà ta không chịu đưa tay lên để tiếp nhận. Nghĩa là, ta muốn tiếp tục đi theo con đường đau khổ như vô lượng kiếp qua… Xin thưa với chư vị, thôi đành chịu thua rồi.
Quý vị hiểu cho, đi về Tây-Phương chính là trở về với Chân- Tâm Tự-Tánh. Nhưng nói chi đến “Chân-Tâm Tự-Tánh” nghe khó hiểu quá… Hãy nói, chính niềm tin vững vàng và tha thiết được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, tất cả nghiệp chướng trong quá khứ chúng ta thành tâm sám hối, lấy một câu Phật hiệu này mà sám hối, làm được vậy thì…
- Về Tây-Phương cũng là câu A-Di-Đà Phật…
- Thành đạo cũng là câu A-Di-Đà Phật…
- Đi cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh cũng là câu A-Di-Đà Phật…
- Cứu độ ông bà cha mẹ cửu huyền thất tổ, thân bằng quyến thuộc chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp cũng là câu A-Di-Đà Phật.
Pháp tu của chúng ta là Nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật. Tất cả đều quy về câu A-Di-Đà Phật, thì tự nhiên chư vị sẽ hoàn thành tất cả những tâm nguyện, một đời này vừa thành tựu cho mình, vừa thành tựu cho chúng sanh.
Nguyện mong cho chư vị quyết lòng mà đi. Đừng chần chờ nữa, nếu sơ ý chúng ta cũng đành nghẹn ngào đưa tiễn nhau bên cái quan tài buồn hiu, lạnh lùng đi về cảnh giới đọa lạc. Oan uổng vô cùng!… Đi về Tây-Phương sướng hơn.
Mong chư vị sớm về Tây-Phương để cùng gặp nhau ở đó thành đạo…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.