Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 14

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 14)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Có một lần ở Việt-Nam Diệu-Âm được người ta mời đi Hộ- Niệm. Ở xa nhưng người ta cũng mướn taxi tới đón Diệu-Âm đến Hộ-Niệm. Người mà được Hộ-Niệm đó đã sắp chết rồi, vì một tai nạn nào đó và bệnh viện cũng không còn cách nào cứu chữa được. Gia đình nghe lời Ban-Hộ-Niệm nên đem về nhà để trợ- niệm. Khi Diệu-Âm tới thì thấy Ban-Hộ-Niệm đang niệm Phật, nhưng người trong gia đình thì đặt một cái ống dẫn khí vào trong khí quản, rồi người con ngồi bên cạnh cầm cái máy hô hấp mà bóp bóp. Chiếc máy đó hình giống như một trái banh bầu dục, người con cứ bóp như vậy để trợ hơi cho người bệnh.

Diệu-Âm khuyên gia đình là tới giờ phút này không nên dùng phương pháp này nữa, nếu muốn người này vãng-sanh thì nên ngừng đi. Nhưng gia đình nói:

– Không được đâu, tại vì còn một người con đang đi công tác, 12 giờ trưa mai mới trở về đây, cho nên dù thế nào chúng tôi cũng phải bóp để kéo dài mạng sống của bà cụ cho đứa con về gặp mặt

Gia đình cũng biết tu chút ít, Ban-Hộ-Niệm cũng đã đặt vấn đề này rồi, nhưng họ không nghe. Diệu-Âm tới thấy vấn nạn này, nhưng vì lòng thành người ta từ xa đem taxi tới đón mình, nên Diệu-Âm cũng đành phải niệm Phật. Niệm xong ca của mình rồi thì Diệu-Âm lặng lẽ ra về. Sáng hôm sau Ban-Hộ-Niệm đến nói rằng bà cụ ra đi tướng không tốt. Diệu-Âm nói:

Tôi đã biết rồi.

Nghe nói vậy, người ta tưởng tôi có thần thông. Nhưng không.

Tôi biết trước chỉ vì gia đình đã vi phạm quy luật trợ-niệm quá lớn.

Có một cuộc tai nạn khác, người chết đó vì sơ ý nên bị va chạm trong tai nạn giao thông đem vào bệnh viện rồi chết. Diệu-Âm không có tham gia Hộ-Niệm, nhưng khi gặp người cha tại một ngôi chùa, thì người cha đó tâm sự như thế này:

Cháu biết không, con gái của chú ra đi sớm quá, mới có 37 tuổi thôi, thật là tội nghiệp! Nhưng trước khi nó chết, mấy đứa cháu rất thương mẹ nó. Chúng nó ôm, nắm, giựt… nhiều lúc nó vạch miệng mẹ nó ra và kêu gào bảo mẹ nó nói gì đi, đừng có chết. Mẹ nó nhắm mắt, các cháu cứ vạch mắt ra, chúng cạy mắt mẹ ra và nói: Mẹ ơi đừng chết. Chú thấy thương vì cháu nó chết sớm quá. Nhưng chú cũng thấy cảm động và được an ủi rất nhiều vì trước khi chết cháu nó được các đứa con ôm ấp, khóc thương.

Diệu-Âm nghe những lời nói đó mà rùng mình! Một nỗi bi thương nhiều khi làm mình muốn rơi lệ. Chỉ nghe diễn tả lại thôi mà cũng cảm thấy đau đớn. Đau đớn đến rởn tóc gáy luôn!…

Có một lần, một người cha kể lại rằng khi đứa con của ông vừa chết xong thì hai tiếng đồng hồ sau chôn liền. Hỏi tại vì sao vậy?… Ông nói, vì tôi coi ngày coi giờ, chôn vào giờ đó mới tốt. Thế là người con vừa chết xong, vội vã tắm rửa, bỏ vô quan tài, rồi chôn luôn… Những chuyện này kể ra nhiều quá.

Chư vị ơi!… Người thân của ta ra đi bị đại nạn!… Đại nạn rồi!… Toàn bộ đều bị đọa lạc không thôi. Một phần vì vụng tu, tạo nghiệp mà bị đọa lạc, một phần vì người gia đình không hiểu đạo, không biết pháp Hộ-Niệm, nên tạo ra những duyên xấu làm cho người thân chịu cảnh đọa đày, đau khổ vô cùng vô tận mà họ không hay.

Quý vị bây giờ hãy nghĩ lại coi, ông bà, cha mẹ, những người thân thuộc quá cố khi ra đi, ta có làm điều gì sơ suất hay không?… Rõ ràng hình như có. Nếu không đem tắm rửa, thì cũng coi ngày coi giờ, nếu không coi ngày coi giờ thì gây ồn náo…

 

Diệu-Âm có một người bạn, khi người cha chết trong bệnh viện, anh ta hay được vội lái xe chạy vào bệnh viện thì thời gian ông chết đã 20 phút rồi. Anh ta mượn máy hô hấp của bệnh viện đặt trên ngực của cha mình rồi làm hô hấp. Cái máy đó mạnh lắm, bấm một cái nó giật cái rầm, làm cái xác muốn nhảy lên vậy. Bác-sĩ nói, ông cụ đã tắt hơi 20 phút rồi, không thở lại được đâu. Nhưng mà người bạn vẫn cứ muốn “còn nước còn tát”, vẫn tiếp tục làm hô hấp cả một tiếng đồng hồ sau mới ngưng. Ngưng hô hấp xong thì thân xác người cha cũng bầm dập cả rồi.

Vì thương cha cho nên quyết lòng cứu mạng cha, còn nước còn tát. Nhưng vô tình đã hại người cha quá thê thảm!… Rõ ràng, có hiếu mà không hiểu đạo tạo ra cảnh đọa đày cho người cha. Người cha đã bị nạn rồi. Hỏi rằng biết tới bao giờ mới cứu lại được cái huệ mạng của người cha đây?

Chư vị nghĩ thử coi, khi chúng ta biết được phương pháp Hộ- Niệm rồi, phải chăng 1 người, 2 người, 3 người trong những người chúng ta, hay có thể nhiều hơn nữa đã phạm phải những sai lầm quá đáng làm cho người thân của mình phải chịu nạn đắng cay không? Phải không?…

Có nhiều lần Diệu-Âm đi nói chuyện Hộ-Niệm ở một đạo-tràng mà người ta đành phải khóc. Nhiều người khóc lắm, chứ không phải một người. Diệu-Âm hỏi:

– Tại sao khóc vậy?... Họ trả lời:

  • Tại vì nếu tôi biết được cái chuyện Hộ-Niệm này cách đây hai tháng thôi, tôi cứu được mẹ tôi rồi…

Có một bà bác kia khóc. Diệu-Âm cũng hỏi:

  • Tại sao bác khóc vậy?
  • Nếu mà tôi biết được pháp Hộ-Niệm hai tuần thôi, tôi cứu được mẹ tôi rồi. Khi mẹ tôi ra đi, tôi đã làm đủ trò sai lầm trên thân xác của mẹ tôi mà tôi không hay!…

Xin thưa với chư vị, pháp Hộ-Niệm quá đơn giản, nhưng vì không biết nên ta thường gây ra những cảnh hãi hùng cho người thân khi ra đi. Đau khổ quá phải không?…

 

Nhiều người cũng có tu hành, công phu có lẽ cũng cao lắm mà không chịu tin phương pháp Hộ-Niệm, khinh thường pháp Hộ- Niệm, thì hỏi rằng cuộc đời của họ sẽ tạo ra biết bao nhiêu cơ cảnh đau thương cho người thân, cho những người họ quen biết?… Và rồi xin thưa với chư vị, khi chính cá nhân mình ra đi, những người thân của mình làm sao biết cách để cứu mình? Thế nên, bây giờ mình đưa cha mình xuống cảnh giới tối tăm, rồi sau này chính con cái mình cũng đưa mình xuống dưới cảnh giới tối tăm. Rồi sao nữa?… Tiếp tục con đường này, đàn con đàn cháu cứ đưa nhau… đưa nhau… đưa vào cảnh giới địa ngục bằng những hình thức sai lầm tương tự.

Hiểu được điều này, khi biết được phương pháp Hộ-Niệm rồi, chúng ta mới thấy, chính đây là đại cứu tinh để cứu người thân mình, và cũng là đại cứu tinh để cứu cho chính mình đó. Mau mau hãy tranh thủ nghiên cứu phương pháp Hộ-Niệm đi nhé.

Diệu-Âm nói về Hộ-Niệm nhiều lắm. Những buổi tọa đàm nho nhỏ này chưa đủ đâu. Hôm nay chỉ nói lên vài điều sơ suất khi Hộ- Niệm và nói đến vài điều sơ suất của chính cá nhân mình thôi. Nhưng đã đủ chưa?… Xin thưa, chưa đủ đâu. Không đủ đâu. Hãy vội vã tranh thủ thời gian nghiên cứu pháp Hộ-Niệm thêm đi. Nếu không chịu nghiên cứu, nếu lơ là chuyện này, xin thưa với chư vị, bây giờ nước mắt có rơi, rơi tràn cả biển Nam-Hải, thì quý vị cũng không thể nào cứu được ách nạn của người thân, cũng không thể nào cứu được ách nạn của chính mình, đừng mơ chi cứu nạn cho chúng sanh. Chúng sanh vì không biết pháp cứu nạn, nên tiếp tục chịu nhiều khổ nạn.

Mong chư vị hãy mau mau, hãy mau mau lo tìm hiểu pháp Hộ- Niệm trước đi. Lợi dụng trong lúc còn khỏe này, mình còn sáng suốt để đọc được những lời chư Tổ nói về Hộ-Niệm. Xem những khúc phim Hộ-Niệm vãng-sanh, nghe những tọa đàm nói về Hộ- Niệm vãng-sanh. Nghe 1 lần chưa đủ đâu, 2 lần chưa đủ đâu, 3 lần, 4 lần… coi chừng nghe lần thứ năm vẫn còn có điều khác với lần thứ tư đó. Nghe lần thứ sáu hình như mình phát hiện thêm những sai lầm mới. Càng nghe mình càng phát hiện ra điều sơ suất mà tìm cách tránh. Chứ không thì tội nghiệp lắm đó!

Xin tự hiểu đi, có phải:

  • Ông bà chúng ta vừa chết xong, ta sợ thân xác cứng nên lo tắm rửa, sắp xếp thân xác cho ngay ngắn liền không?…
  • Lo thay áo quần liền không?…
  • Lo cột hai đầu ngón chân cái lại không?…

Còn nhiều sơ suất lắm chư vị ơi!… Một lần sơ suất như vậy là một người thân bị đọa lạc. Rồi gì nữa?… Người thế gian còn có tục lệ, khi có người chết, thì gia đình làm 100 mâm cỗ, 200 mâm cỗ để đãi khách phải không?… Mỗi mâm như vậy phải có đầy đủ thịt, cá, đủ bao nhiêu heo, bao nhiêu gà để cho người ta khen gia đình này có phước, con cái có hiếu.

Bị nạn rồi!… Có “Hiếu” mà không có “Đạo” nên đã đưa người thân, ông bà, cha mẹ… xuống tận cảnh giới địa ngục mà không hay.

Hộ-Niệm là “Đại cứu tinh”, nhưng mong chư vị phải biết, phải hiểu cho tường tận, đừng nên biết sơ sơ. Biết sơ sơ thì ta có thể tiếp tục sai lầm. Một lần sai lầm là làm cho một người bị nạn. Và  cái sai lầm đó nó sẽ trả lại cho chính mình. Đến lúc chính mình nằm xuống, những người bên cạnh sẽ làm những điều sai lầm khiến cho mình không còn biết đường nào để thoát nạn.

Mong chư vị cố gắng quyết tâm nghiên cứu Hộ-Niệm cho vững để cứu chính mình và cứu những người hữu duyên vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

 

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –