Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 44

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 44)

 

Nam mô A Di Đà Phật.

Một niệm nào khác với câu A-Di-Đà Phật, một niệm nào ngoài cõi Tây-Phương Cực-Lạc phát sanh trong tâm của mình lúc hộ- niệm gọi là “Một niệm sanh ra”. Có một niệm sanh ra thì không được gọi là “Chí-Thành Chí-Kính”. Vì không chí thành chí kính nên không tương ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, thành ra mình bị nạn. Có vọng niệm thì theo vọng niệm mà thọ sanh rồi, bị chết rồi.

Chính vì thế, chúng ta tu hành dù có giỏi tới đâu nhất định cũng phải nhớ liên kết với nhau, hổ tương cho nhau. Chúng ta đang trong lúc sáng suốt, đang quyết lòng niệm Phật, đang cầu sanh Tịnh-Độ là đang đi đúng đường. Đi đúng đường rồi cũng không có nghĩa là chúng ta có quyền coi thường một người tới trợ duyên cho ta. Không được sơ ý. Tại sao vậy?… Hôm nay đối với câu hỏi này, chắc quý vị trả lời được rồi phải không?…

Lý do chính là vì, trong lúc này thì chúng ta tỉnh táo, tâm chúng ta có chỗ định, hướng chúng ta có chỗ về, miệng chúng ta có câu A-Di-Đà Phật. Tốt đấy… Nhưng có điều là nghiệp chướng của chúng ta vẫn còn nặng lắm, nó ẩn sâu trong A-lại-da thức này. Đến lúc lâm chung, chỉ cần một duyên nhỏ thì nghiệp chướng sẽ trồi lên. Đây gọi là “Cận-Tử-Nghiệp”, những nghiệp hiện ra lúc gần chết.

Trong vô lượng kiếp những nghiệp nhân mình tạo ra, vừa thiện vừa ác, vừa tốt vừa xấu, vừa đen vừa trắng… ứng hiện lên, nó ứng hiện liên tục làm cho mình điên đảo, mù mịt không biết đường nào để quyết định. Lúc này những gì gọi là sáng suốt đã chạy đi đâu mất hết rồi, thường chỉ còn lại những gì tối tăm, u mê nhất. Những người thường khoe về định này định nọ, lúc đó coi chừng hết định rồi, không còn định gì nữa đâu, hết trơn, trụi lủi, trụi lui rồi. Người niệm Phật cũng chẳng khác gì hơn, có người hay khoe ra lực này lực nọ, thì đến lúc đó mới thấy, muốn đuổi con ruồi đậu trên mí mắt mà đuổi không nổi. Gần chết rồi còn lực gì nữa mà khoe…

Cho nên lúc lâm chung, chúng ta không còn chủ động được nữa, mà nghiệp lực sẽ chủ động. Nghiệp lực chủ động thân xác, nghiệp lực chủ động trí óc, những suy nghĩ bình thường của chúng ta hầu như tan biến hết rồi, chư vị nghĩ coi, mình làm sao có thể an nhiên tự tại được?… Chính vì thế, nhất định chúng ta cần phải liên lạc chặt chẽ với người hộ-niệm.

Ngài Ấn-Quang thường căn dặn rằng càng tu thì phải càng khiêm cung. Những người khiêm cung thường có tâm chí thành. Những người khiêm cung ở trong giai đoạn này thường có được “Một niệm không sanh”. Nghĩa là, họ chỉ có một niệm duy nhất là niệm A-Di-Đà Phật, một ý nguyện duy nhất là nguyện được đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Giữ vững ba điểm Tín-Hạnh-Nguyện, tất cả vọng niệm khác hoàn toàn không sanh ra.

Thường thường những người hiền lành, chất phác là người dễ thực hiện: “Một niệm không sanh”. Mà dù họ có sanh ra một niệm thì cũng là chánh niệm.

  • Niệm gì?… Ý niệm làm sao con thấy được A-Di-Đà Phật tiếp độ về Tây-Phương…
  • Sanh gì?… Con muốn vãng-sanh về Tây-Phương…

Những cái niệm này đều là niệm tốt, không phải niệm xấu, đều hỗ trợ thuận duyên cho đường vãng-sanh về Tây-Phương Cực- Lạc. Còn một niệm gì không sanh ra?… Bệnh tình đau đớn con lo sợ.

Những người không chịu giữ tâm khiêm nhường, không đi đúng đường, thì những vọng niệm khác nhập vào khuấy động trong tâm, tạo duyên cho cái kho tàng nghiệp chướng trong tạng thức ứng hiện ra. Khi lâm chung mà bị hiện tượng này thì phải chịu những cơ cảnh rất xấu khi xả bỏ báo thân…

Chính vì thế, mong chư vị hãy chuẩn bị con đường vãng-sanh một cách cụ thể, xác đáng. Ví dụ, chư Tổ dạy muốn đi về Tây- Phương phải thực hiện 3 điểm Tín-Nguyện-Hạnh cho vững mạnh.

 

Có người nói rằng tôi tin vững lắm chứ… Tin vững mà mới vừa nghe có người nói:

Chị ơi!… Cái nghiệp của chị lớn lắm. Nếu bây giờ cái nghiệp nó đổ ra thì thua luôn rồi. Một người còn nghiệp thì làm sao mà đi về Tây phương được? Chị tạo tội rồi chẳng lẽ bỏ cái tội này lại cho ai? Nghiệp mình tạo ra, mình phải lo trả. Cái nhân của mình, mình phải gánh chịu, mình gây ra thì mình phải chịu quả báo, chứ đi rồi để cái nghiệp lại cho Phật lo sao? Như vậy, cụ thể là phải lo phá nghiệp trước đã…

Nghe nói vậy thì tâm hồn phân vân chao đảo liền. Nghe những lời đó lý lẽ hay vô cùng, kinh Phật cũng có nói như vậy, thôi tạm thời quên câu Phật hiệu để lo bề phá nghiệp trước. Vô tình họ tự chứng tỏ niềm tin vào pháp môn niệm Phật yếu quá. Nghe sơ qua một lời lý luận của người phàm mà đã lung lay niềm tin rồi.

Ta nên hiểu rằng có những lời nói hợp với “Lý-Đạo”, nhưng không hợp “Sự-Đạo”. Người niệm Phật cần chú trọng đến sự chuyên nhất, nếu nghe nhiều cách hành trì khác thì dễ bị phân tâm. Vì phân tâm nên đành lơ là niệm Phật. Chỉ vì niềm tin quá yếu mà đưa đến chỗ tự phá giới luật của pháp môn. Quý vị nghĩ coi, đã phá giới thì làm sao tâm tịnh được?… Giới-Định-Huệ không có thì làm sao thành tựu?…

Tín-Nguyện-Hạnh là Giới-Định-Huệ của pháp môn niệm Phật. Những người quyết lòng phá nghiệp thì họ đã ứng dụng đến phương pháp của những cách tự lực chứng đắc. Vì chánh hạnh bị lệch nên khi niệm Phật mà tâm của họ không thể nào tịnh được. Niệm Phật mà họ lo lắng nhiều quá làm sao tịnh được, đúng không?… Đang niệm Phật nhưng họ cứ nghĩ:

Trời ơi!… Cái nghiệp tôi lớn quá làm sao về Tây-Phương được?…

Chao đảo như vậy thì làm sao mà tịnh đây?…

Còn một người kia hồi giờ không biết gì đến chuyện phá nghiệp, chỉ nghe Tổ dạy cứ niệm Phật đi, nghe một vị Sư nói cứ niệm Phật đi, họ y giáo tu hành cứ lo niệm Phật. Họ hỏi:

 

  • Nghiệp chướng của con lớn quá, con có vãng-sanh được không?
  • Được. Phật dạy như vậy, con cứ làm như vậy đi…

Người ta mừng quá cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, niệm 2 tháng tâm liền tịnh. Tâm tịnh và từ đó bắt đầu họ định. Định ở đâu?… Ai nói gì nói, họ cứ nghĩ mình còn dở quá, nên cứ niệm câu A-Di-Đà Phật. Ai bày vẽ cách này cách nọ, họ cứ niệm một câu A- Di-Đà Phật. Tâm họ đã định vào câu A-Di-Đà Phật rồi.

Còn một người cứ nghĩ này nghĩ nọ, nghiên cứu này nghiên cứu nọ, rõ ràng niệm Phật thì cũng có đấy, nhưng tâm hồn hình như không tịnh. Niệm Phật để tiếng Phật hiệu thêm vào thời khóa cho vui. Niệm Phật mà tâm hồn lo sợ đủ thứ. Ở đây niệm Phật, về nhà thì lo trì tụng cái gì khác để phá nghiệp, lo cúng vái gì đó để phá chướng… Niệm Phật như vậy thì làm sao mà định được vào trong câu A-Di-Đà Phật đây? Không định thì không thể nào phát huệ. Như vậy vô tình đã phá mất giới luật của pháp môn niệm Phật rồi. Không giữ giới luật thì dù niệm 50 năm đi nữa cũng khó tiến tới giai đoạn gọi là Định-Huệ được, kết quả sau cùng tâm ý bị thoái chuyển: “Trời ơi!… Tôi niệm Phật năm sáu chục năm nay mà cũng chưa chắc gì được vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Thôi đành phải đổi hướng…”. Niệm Phật kiểu này làm sao có thể vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc đây?…

Ở Việt-Nam bây giờ có những ban-hộ-niệm giỏi lắm. Hỏi họ về hộ-niệm, họ nói những câu lạ lắm như thế này, những người nào dở dở một chút, hiền hiền một chút, không cần chi cao siêu, chỉ cần mình nói sao họ nghe vậy là được. Bảo niệm Phật họ niệm Phật liền, cứ thành tâm niệm. Dặn họ sám hối đi, họ xin thành tâm sám hối liền. Bảo họ chắp tay lạy Phật, họ chắp tay lạy Phật liền. Nghĩa là, một người thật thà nói sao làm vậy… Ban-hộ-niệm nói, hộ-niệm cho những người này xác suất tới 100% vãng-sanh… Nghe vậy chư vị có lẽ sẽ cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng chính Diệu-Âm đã từng chứng kiến một vài trường hợp như vậy.

Có người tự khoe rằng đã niệm Phật 34 năm, được niệm Phật Tam-Muội nữa chứ, nhưng sau cùng mình tới hộ-niệm mệt muốn chết luôn, niệm Phật đến khan tiếng luôn, có cả các vị Sư tới hộ- niệm nữa, vậy mà sau cùng nhìn cái thành quả xấu quá ai cũng lắc đầu. Kết quả thất bại chỉ vì trong sự hành trì niệm Phật của họ đã vô ý làm phá mất quá nhiều quy luật của pháp môn niệm Phật.

Mấy ngày nay Diệu Âm thường nhắc đi nhắc lại điểm này: Tâm ý thiếu khiêm hạ thường phá mất cơ hội vãng-sanh quá nhiều, quá nhiều.

Một người kia cũng thường nghe pháp của Hòa Thượng Tịnh- Không, cũng tu niệm Phật nhiều lắm, sau cùng bị bệnh nặng sắp chết rồi mà cứ mơ đòi đến “Nhất-Tâm-Bất-Loạn” không hà. Mình muốn tới hộ-niệm, nhưng họ không chịu. Họ nói, làm gì có chuyện hộ-niệm vãng-sanh?… Phải tự lực mới được.

Xin hỏi rằng, những người tới hộ-niệm có bao giờ họ bảo xóa bỏ bốn chữ “Tự lực niệm Phật” đâu?… Có bao giờ họ nói rằng, được hộ-niệm thì ở nhà chị đi lang thang một chút cũng được, giải đãi một chút cũng được, hay là cứ việc tà-tà đừng niệm Phật cũng được đâu? Có bao giờ người ta nói như vậy đâu.

Ngược lại, chính những người càng biết về hộ-niệm chừng nào họ tu càng vững chừng đó, mà tu càng vững chừng nào họ càng kết hợp chặt chẽ với ban hộ-niệm chừng đó. Mình vững thì đường đi của mình vững. Cơ hội vãng-sanh của mình thêm vững thì người ta trợ niệm cho mình mới vững, chứ mình đi không vững thì người trợ niệm có tài ba gì mà giúp mình vãng-sanh?… Cho nên đừng có nghĩ sai lầm rằng người hộ-niệm bài bác công phu tu hành. Không phải vậy đâu.

Chính Diệu-Âm này là người đi hộ-niệm, nhưng bây giờ không muốn tiếp khách nữa. Ai đến Niệm Phật Đường niệm Phật thì tôi hoan nghênh, còn bắt tôi tiếp khách thì tôi không tiếp nữa. Tiếp làm chi?… Tôi không dám nhận điện thoại của ai nữa hết. Người nào điện thoại cho tôi thì tôi đành phải nghe điện thoại, còn riêng tôi, trừ một vài trường hợp đặc biệt, ngoài ra tôi không điện thoại cho ai nữa hết. Tôi thấy công phu của tôi còn yếu quá, nói chuyện điện thoại làm tôi niệm Phật không được. Trong email của tôi nhiều khi có hàng ngàn thư tới, tôi không dám mở nữa. Nhiều quá tôi không thể trả lời nổi. Cũng có vài người cảm tình, tự làm ra những website biếu tặng tôi, nhưng tôi cũng không dám nhận một trang web nào hết. Thực tế tôi không có đủ khả năng điều hành việc này, tôi cũng không biết đăng gì trong đó?… Nhiều lần người ta liên lạc tới nói trang web của cư sĩ đăng chuyện này, đăng chuyện nọ… Tôi thưa với họ rằng, tôi không có một trang web nào hết. Tôi đã quyết lòng không nhận một trang web nào. Nhờ áp dụng phương pháp lười biếng này may ra tôi có thêm chút ít thời giờ niệm Phật. Quyết lòng đi vãng-sanh, đi cho tới cùng.

Có những người gặp tôi nói rằng, mình là cư sĩ chưa xuất gia thì nghiệp chướng còn nặng lắm. Anh phải tu pháp này, tu pháp nọ để phá nghiệp trước. Tôi nói, tôi phá không nổi, nên tôi quyết lòng giữ một câu A-Di-Đà Phật mà đi… Niệm Phật Đường này, ai chấp nhận niệm Phật thì vào đây niệm Phật, quyết định ở đây không làm chuyện gì khác hết. Phải quyết định như vậy mới giữ vững niềm tin. Nếu có người nói ra mà mình chao đảo, nói vô mà mình chao đảo, thì niềm tin này dở quá. Dở quá!… Dở quá!… Mình mất phần vãng-sanh chỉ vì niềm tin yếu đuối. Hình thức tu không cần thiết lắm đâu. Nếu nghĩ rằng, trước khi chết có thể mình không có cơ hội củng cố niềm tin giống như những người mình hộ-niệm, thì bây giờ đây tự mình phải lo củng cố niềm tin trước vậy.

Hãy lấy lời khai thị của ngài Thiện-Đạo ra mà củng cố niềm tin. Ngài nói rằng, dẫu cho chư Phật xuống bảo mình bỏ câu A-Di-Đà Phật mình cũng không bỏ, thì lúc đó mới gọi là niềm tin vững. Có người hỏi:

  • Mình tu theo Phật mà đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật tới bảo mình bỏ câu A-Di-Đà Phật tại sao mình lại không bỏ?… Đệ tử gì mà nghịch ngợm vậy?...

Tôi nói rằng:

  • Có phải đúng vậy không? Có thực sự là đức Thích-Ca Mâu- Ni Phật nói như vậy không?… Có phải thực sự là Bồ-Tát nói như vậy không?...

 

Làm gì chư Phật Bồ-Tát mà đi nói những lời sai với kinh Phật. Ngài Thiện Đạo nói vậy nhằm để củng cố niềm tin cho mình đó thôi…

Mong chư vị giữ vững niềm tin, nhất định phải kiên trì, không kiên trì nhất định không phá được oán nạn. Không có tín tâm vững vàng nhất định không phá được ma nạn. Tín tâm chao đảo nhất định bị đọa lạc…

Chính niềm tin này giúp cho chư vị vượt qua tất cả những ách nạn. Những người chao đảo tinh thần, đi nghe theo lời nói của người thế gian mà phân vân do dự thì oan uổng vô cùng. Chị niệm Phật 80 năm kệ chị, anh niệm Phật 50 năm kệ anh, người kia niệm Phật mới có 2 ngày kệ họ… Nếu họ phát khởi niềm tin vững vàng, thì dù niệm Phật có 2 ngày họ cũng được vãng-sanh, còn mình tu 50 năm, 80 năm mà không có niềm tin vững chắc thì con đường phước báu nào đó có thể hưởng, con đường Nhân-Thiên nào đó có thể đi, chứ còn đường về Tây-Phương Cực-Lạc thì đã mất phần rồi.

Niệm-Lực” không mạnh thì “Phật-Tánh-Lực” không ứng hiện được, Tâm-Phật đã chạy ngõ nào mất rồi, thì “Nhiếp-Thọ-Lực” không thể tiếp độ mình được. Vô lượng kiếp qua Tâm-Phật của mình đã chạy lung tung rồi, bây giờ tiếp tục chạy nữa, cứ chạy lang thang trong cảnh sanh-sanh tử-tử. Một vị Phật mà không trở về Tây-Phương thành Phật, lại tiếp tục lang thang làm chúng sanh… Oan uổng quá chừng!…

Nam Mô A Di Đà Phật.

Sơ Suất Của Người Bệnh – Lời Ban Ấn Tống

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –