Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 03)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 03)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua chúng ta nhắc đến lời khai thị của Ấn Tổ. Khởi đầu Ngài nói “Bất luận người tại gia hay xuất gia, … đều được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc”. Lời nói này nghe qua có vẻ bình thường, nhưng thật sự nó hàm nghĩa rất thâm sâu. Ngài nói lên sự bình đẳng chúng sanh, bất cứ một chúng sanh nào cũng được quyền vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Mà vãng sanh về TâyPhương Cực-Lạc thì trong Kinh A-Di-Đà, trong Kinh Vô-LượngThọ, trong nhiều Kinh Điển Phật nói một đời thành Phật, gọi là “Nhất sanh thành Phật”.

Hai chữ bình đẳng này xin chư vị nhớ cho kỹ là bình đẳng trên phương diện Phật-Tánh, Chân-Tâm Tự-Tánh bình đẳng. Xin đừng nên hiểu lầm, ví dụ như ngài Ấn-Quang nói tại gia và xuất gia bình đẳng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy, một vị Thầy và chúng ta có khác gì đâu?… Nếu khởi cái niệm như vậy, thì chúng ta đã đi lạc con đường tu hành rồi. Bất luận là người xuất gia hay tại gia cần phải trên kính dưới hòa. Điểm quan trọng của người tu hành cần chú ý là “Trên kính dưới hòa”. Nếu chúng ta có một ý tưởng bất kính đối với các vị xuất gia, thì ta phạm phải lỗi “Trên kính dưới hòa”. Khi phạm đến lỗi này, thì ta rơi vào một trong các đại phiền não THAM, SÂN, SI, MẠN… Ta bị rơi vào chữ “Mạn” rồi.

Mạn là gì? Là ngạo mạn, là tăng thượng mạn, không khiêm cung, không nhường nhịn… Vì thế, xin  chư vị phải nhớ cho, chữ bình đẳng ở đây có nghĩa là bình đẳng trên phương diện Pháp-Tánh, Chân-Tâm Tự-Tánh. Chứ chúng ta không nên chấp chữ bình đẳng này một cách sai lệch mà nghĩ rằng, người nào cũng như người nào, không cần kính nể. Chính vì thế sự chân thành thanh tịnh vô cùng quan trọng.

Ngài Ấn-Quang Đại-Sư sinh vào cuối đời nhà Thanh, đầu Dân Quốc, và tịch ở đầu nửa bán thế kỷ thứ 20. Ngài là một Đại Tôn Sư nhưng lúc mở một lời nào ra Ngài cũng thường nói: “Lượng tôi căn tánh còn hẹp hòi, trí huệ chưa khai, tội chướng sâu nặng…”. Ngài thường nói như vậy. Ngài có một biệt hiệu là Thường-Tàm. Thường là luôn luôn; Tàm là xấu hổ. Luôn luôn cảm thấy xấu hổ, e thẹn vì đức độ của mình không đủ làm Thầy thiên hạ, tư cách của mình không đủ làm Thầy thiên hạ. Vì thế, nói tới lời khai thị của ngàì Ấn-Quang, đầu tiên chúng ta nên học cái hạnh của Ngài. Ngài lúc nào cũng tỏ ra khiêm, cung, từ, ái. Khi một người nào tới hỏi đạo với Ngài, Ngài nói: “Lượng tôi, trí huệ chưa khai, còn phàm phu tục tử, nên lời nói này không biết là đúng hay sai?”. Trong lời khai thị của Ngài, Ngài nói: “Lúc nào cũng coi ta còn là phàm phu, mà tất cả mọi người là Bồ-tát…”. Nhất định cả cuộc đời của Ngài, Ngài ứng dụng đúng như vậy.

Nơi đây chúng ta là một Niệm Phật Đường cư sĩ. Tại chúng ta là cư sĩ, không có Thầy, nhưng ví dụ như có một vị Sư, có một vị Ni đến viếng thăm đạo tràng, xin chư vị phải nhớ câu “Trên kính dưới hòa”. Hãy áp dụng lời dạy của Ngài Ấn-Quang liền. Trên kính là gì? Một vị tăng đến đây, dù quen hay lạ, dù cuộc đời của người ta như thế nào nữa, xin chư vị phải kính nể, phải cung kính. Gọi là kính Phật thì phải trọng Tăng. Dù vị đó mới là Sa-di đi nữa chúng ta cũng không được quyền có những lời nói hay cử chỉ lỗ mãng bất kính đối với các Ngài. Đây là điều tối kỵ đối với một người tu hành. Khi các Ngài vào chánh điện, ngồi trên bồ đoàn niệm Phật, các vị hộ thất cũng nên có một ly nước, để trên cái đĩa và có nắp đậy, đem tới cung kính để bên Ngài. Ngài có uống thì uống, không uống thì thôi. Mà tốt hơn nữa, chúng ta phải có cái đĩa, đựng cái khăn cuốn lại để bên cạnh.

Cung kính người thì ta được cung kính. Nhiều người tu hành mà sơ ý vô cùng, khi gặp một vị Tăng không chịu chào, không chịu hỏi, Không chịu xá lễ. Đây là người ngạo mạn, hành xử bất cẩn!… Ngài Vĩnh-Minh, Tổ thứ sáu của Tịnh-Độ Tông Trung-Hoa, nói rằng, một người tu hành dù giỏi cho mấy đi nữa, công hạnh có cao cho mấy đi nữa, mà vướng tới cái tâm ngạo mạn, vướng tới cái tâm tăng thượng mạn, vướng tới cái tâm khinh thường thiên hạ, thì kết cuộc nhiều lắm chỉ thành loài A-tu-la là cùng. Chư vị biết A-tu-la là gì không? Là các vị Thần thuộc loại phi thiên. Nếu A-tu-la mà xuống hàng súc sanh thì thuộc loại thủy quái. Gọi là Thần vì trong đời trước có tu hành nên đời này họ có chút ít biến hóa, nhưng vì vướng cái tâm ngạo mạn cho nên thay vì thành đạo lại biến thành các loài đó. Dù là biết biến hóa đi nữa, thì cái thân chính của mình vẫn là súc sanh!… Mà là súc sanh rồi thì khi chết đi cứ tiếp tục làm súc sanh như vậy, nhiều khi tới vô lượng kiếp sau chưa thoát khỏi cái thân súc sanh. Vô cùng dễ sợ!…

Mình hiểu được vậy rồi, xin chư vị phải cố gắng gìn giữ điều “Trên kính dưới hòa”. Trên kính nghĩa là sao? Thí dụ cụ thể, có một vị Tăng tới tham gia cộng tu với mình, thì trong bữa cơm nhất định chúng ta nên thận trọng xới một tô cơm, dọn một phần  ăn để mời Ngài tới ngồi thì tốt. Còn giả sử như cách tổ chức của chúng ta ở đây có bình đẳng đi nữa, thì ít ra cũng mời các Ngài xới cơm dùng trước. Tôi thấy có người đã sơ ý, nhắc lại chữ “Sơ Ý” chứ không phải trách, có một vị Ni vào, mình cứ thượng mạn đứng phía trước, xới cơm ăn trước, không nể vì chư Tăng Ni gì cả!… Đây là điều quá sơ ý, chúng ta phạm phải cái lỗi gọi là bất trọng Tăng rồi. Phật nói bất trọng Tăng là bất kính Phật. Cho nên trong Kinh Phật nói một vị Tăng làm sai, mà mình đi rêu rao cái sai của vị Tăng đó ra, thì Phật nói giống như mình chửi Phật vậy. Lời nói này là để dạy chúng ta phải giữ hạnh cung kính.

Xin thưa với chư vị, hôm qua nói về cung kính, chúng ta ví giống như lời cha dạy con, bà đưa cháu. Nhưng mà thật ra “Kính Trên hòa dưới” là “Lễ kính chư Phật” đó. Trong 10 Đại Nguyện Vương của Phổ-Hiền Bồ-tát, thì đây chính là “Lễ kính Chư Phật” chứ không phải tầm thường đâu. Hiểu được đạo lý này mới thấy lời khai thị của ngài Ấn-Quang nghe ra thì rất đơn giản, nhưng thật ra nó bao hàm một ý nghĩa rất thâm sâu. Sự kính trên hòa dưới này, người thế gian có thể làm được. Thế gian người ta làm được thì người tu hành chúng ta càng phải làm được. Mà làm đựợc thì chúng ta được quyền vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Sự vi diệu chính là ở chỗ này đây.

Lời khai thị của Ngài bất cứ một người nào nếu có chú ý một chút đều có thể làm được. Không cần gì một người thông minh mới gọi là kính trên hòa dưới, mà một người hiền lành cũng kính trên hòa dưới, một người không biết chữ cũng kính trên hòa dưới, một người đi lượm rác ngoài đường vẫn có thể kính trên hòa dưới… Đức Thế-Tôn khi Ngài thành đạo rồi, Ngài thị hiện bằng hình tướng của một giai cấp tồi tệ nhất tại Ấn-Độ, bằng cách là cầm bình bát đi xin ăn. Người ăn xin ở tại Ấn-Độ là giai cấp nô lệ, giai cấp bị khinh bỉ. Ngài dùng hình tướng một người bị xã hội ở đó khinh bỉ nhất để thể hiện sự bình đẳng. Không được quyền khinh thường chúng sanh. Đây gọi là kính trên hòa dưới.

Khi học đạo với ngài Ấn-Quang chúng ta tu tập được những điều cụ thể. Hồi trước, ở ngoài đời, người ta nói mình một tiếng, mình nói lại một tiếng. Khi vô trong Đạo, người ta nói mình một tiếng mà mình nói một tiếng thì mình mất cái tâm đạo rồi. Một khi mất tâm đạo của người tu hành rồi, thì dẫu cho đi chùa, niệm Phật suốt cả cuộc đời đi nữa, sau cùng rồi nhất định không thể thành đạo. Cho nên xin chư vị nhớ cho, lời dạy của ngài Ấn-Quang đặc biệt vô cùng. Rất là đặc biệt!.

Diệu-Âm xin kể ra một câu chuyện vừa mới xảy ra đây. Trước khi chúng ta có ngày Phật Nhị, là hai ngày tu tinh tấn. Diệu-Âm có nhận được một email của người bạn gửi tới chúc mừng rằng Diệu-

Âm được thiên hạ tuyên dương là bậc “Thiện-Tri-Thức”. Khi mở email ra, Diệu-Âm mới phát hiện đó là bài viết của anh Minh-Trí ở Canada. Anh Minh-Trí là con của cụ Lưu-Lầu. Có một dịp Diệu-Âm qua bên Canada hộ niệm cho cụ Lưu-Lầu. Cụ Lưu-Lầu ra đi với một thoại tướng rất tốt, bất khả tư nghì và mình nghĩ rằng cụ được vãng sanh.

Anh Minh-Trí là một người thông minh, lanh lợi và hình như còn có trí huệ nữa. Chính anh đã thành lập ra nhóm Vô-Lượng-Thọ khá đông người. Anh giảng Kinh Vô-Lượng-Thọ khá hay. Anh đã viết một bài gọi là: “Người Tại Gia Và Người Xuất Gia Đều Được Quyền Giảng Pháp”. Bài viết đó cũng khá hay. Diệu-Âm không phê bình gì về bài viết đó hết. Nhưng trong mục của bài đó lại có để 4 tấm hình: Một là ngài Hạ-Liên-Cư, hai là Ngài Hoàng-Niệm-Tổ, ba là ngài Lý-Bĩnh-Nam và bốn là tấm hình của Diệu-Âm. Bốn tấm hình khá lớn, để chung với nhau. Riêng tấm hình của Diệu-Âm thì có viết hàng chữ: “Chí Thành Cảm Thông” và phía dưới còn có thêm 4 chữ: “Bậc Thiện Tri Thức”.

Khi vừa thấy tấm hình đó làm cho Diệu-Âm giựt mình!… Vì đang trong khóa tu tinh tấn Phật-Nhị, nên không biết làm sao hơn. Đợi xong 2 ngày niệm Phật, Diệu-Âm mới email tới anh Minh-Trí và trách anh một cách rất nặng!… Vì trong bài viết đó anh có nhắc đến Diệu-Âm và cư sĩ Vọng-Tây, nên Diệu Âm tưởng rằng anh đã đưa cái hình này vào trong bài viết của anh. Diệu-Âm trách rằng: “Mến bạn mà vô tình đã hại bạn rồi!…”. Diệu-Âm phân tích cho anh biết rằng, ngài Lý- Bĩnh-Nam là thầy của Hòa-Thượng Tịnh-Không, mà lại để Diệu-Âm ngang với ngài Lý-Bĩnh-Nam, chẳng lẽ Diệu-Âm này hơn Hòa-Thượng Tịnh-Không sao? Ngài Hoàng-Niệm-Tổ là một vị đức độ rất cao một thời. Ngài Hạ-Liên-Cư còn là Thầy của ngài Hoàng-Niệm-Tổ nữa, mà ngài Hoàng-Niệm-Tổ là một Kim-

Cang Thượng-Sư của Mật-Tông. Những vị này mọi người đều kính nể, tại sao lại để hình của tôi ngang hàng với những vị tôn túc như vậy được?…

Tôi nói, nhất định ta phải có cái tâm khiêm cung, gọi là kính trên hòa dưới, không được làm như vậy. Tôi trách anh Minh-Trí rằng, tại sao đã học Phật rồi mà không biết rằng trong Tịnh-Độ Tông không có cái lệ gọi là “Ấn-Chứng”, không có cái lệ gọi là “Truyền-Thừa”, thì tại sao lại viết trong tấm hình của tôi là “Bậc

Thiện Tri Thức”? Ai đã ấn chứng cho tôi điều này mà dám để như vậy?… Để như vậy chẳng khác gì làm cho tôi mang tội phạm thượng! Hình ảnh này đăng trên một trang Website mấy năm nay rồi mà tôi không hề biết gì cả.

Anh Minh-Trí nhận được email của Diệu-Âm, anh ta mới trả lời rằng: “Bài viết là của tôi, nhưng tấm hình là của người khác để lên, chứ không phải là tôi để…”.  Chư vị thấy không, từ một vấn đề mà có cảm nhận khác nhau. Những người quen thân thấy đăng tấm hình thì chúc mừng rằng,

“Anh được người ta tôn là Thiện-Tri-Thức”. Có cái danh!… Trong khi đó nhận được thì tôi bị giật mình… Trời ơi!… Trong những năm vừa qua, vô tình tôi đã bị mất đức quá nhiều mà không hay!…

Nếu chấp nhận tấm hình đó, thì tôi đã mất đi cái điểm gọi là kính trên hòa dưới rồi. Tôi không biết làm sao hơn, chỉ năn nỉ anh Minh-Trí làm sao giúp liên lạc với Website đó bỏ dùm cái tấm hình.

Và tôi cũng đưa thẳng email này đến khắp mọi người trong nhóm Hộ-Niệm, mong cho người nào lỡ đưa lên chuyện này hãy mau mau đưa xuống dùm tôi, đừng để lên nữa. Đây là chuyện có thiệt vừa mới xảy ra.

Cho nên xin thưa với chư vị, tu hành mình phải lấy hai chữ khiêm cung làm chính. Đối với người trên, đối với chư Tăng mình phải kính nể. Đối với người dưới mình cũng phải hòa mục, phải nhân nhượng. Người học Phật không nên kêu một người nào là

“Con”, là “Thằng”, là “Mầy”… đó mới gọi là “Ái-Ngữ”. Trong TứNhiếp-Pháp, mục thứ hai Phật dạy Ái-Ngữ. Ái Ngữ là dùng những lời nói hiền hòa, thanh tịnh, trang nghiêm, nhẹ nhàng. Đó là sự thể hiện tâm hồn thanh tịnh qua lời nói. Đó là sự thể hiện trên kính dưới hòa. Gặp một vị Sư dù là những người mới thọ Sa-Di, mình cũng phải chấp tay lại kính cẩn cúi chào, mới đúng là một người

Phật Tử. Chứ chúng ta đừng nên lạm dụng lời nói của ngài ẤnQuang cho rằng người tại gia và xuất gia bình đẳng với nhau, vậy thì Thầy với ta như nhau. Có ý niệm này thì chúng ta phạm cái lỗi thượng-mạn!… Thượng-mạn là một trong sáu căn bản phiền não lớn nhất của người tu hành. Phạm đến sáu căn bản phiền não này, chúng ta bị đại nạn!…

Ngày mai chúng ta sẽ nói tiếp về chuyện này. Mong chư vị chú ý từng điểm, từng điểm đừng để bị sơ suất, hầu giữ gìn phước báu càng lớn. “Phước chí tâm linh”. Phước báu lớn tự nhiên biến thành tâm linh, ta dễ dàng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –