Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 10)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa đàm 10)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ấn Tổ dạy: “Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình, lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người”. Lời này là Ngài nhắc cho chúng ta tịnh khẩu, tịnh ý niệm Phật. Ta đang thực hiện một ngày tịnh khẩu 24 giờ, quyết không nói chuyện, là y theo lời dạy của Ngài để thực tập Thân-Khẩu-Ý thanh tịnh.  Chư Tổ dạy: “Thường kiến tự kỷ quá, bất thuyết tha nhân phi”. Thường xuyên nghĩ đến lỗi lầm của mình, không nên nói đến lỗi lầm của người khác. Còn Phật thì nói: “Đản tự quán thân, bất cầu tha quá”. Chư vị nghĩ coi, những lời Phật và của chư Tổ nói ra, về ngôn ngữ thì khác nhau, nhưng ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau. Tất cả các vị Đại-Sư, Cao-Tăng, Thiền-Đức luôn luôn nhắc nhở chúng ta giữ gìn khẩu nghiệp. Trên tường chúng ta có ghi lời Phật dạy: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Chư Phật, chư Tổ đầu tiên luôn luôn nhắc đến cái lỗi của khẩu nghiệp. Bất cứ chỗ nào cũng vậy. Một vị Tổ khác thì nói:  Bớt đi một câu chuyện,  Niệm thêm câu Phật hiệu.  Đánh chết tập khí đi,  Cho Chơn Tâm hiển lộ. 

Cái tập khí này chính là nói chuyện.

Trong 10 điều thiện gần một nửa là thuộc về khẩu nghiệp. Trong 10 điều ác, gần một nửa là khẩu nghiệp. Chính vì thế, mình cứ suy xét kỹ thử coi, có phải hầu hết những hiện tượng bất an động loạn trên xã hội này đều bắt nguồn từ cái miệng mà khởi ra không? Ngay cả 10 điều ác mình điểm lại từ điều 1 cho đến điều 10, hình như điều nào cũng dính vào khẩu nghiệp hết. Ví dụ, ý nghiệp thì có: Tham, Sân, Si. Khi sân giận thì thường nói những lời không vọng-ngôn thì cũng ỷ-ngữ!. Không ỷ-ngữ thì cũng lưỡngthiệt! Không lưỡng-thiệt thì cũng ác-khẩu!… (Ghi chú: Vọng-ngôn là nói láo; Ỷ-ngữ là nói thêm; Lưỡng-thiệt là nói đâm thọc, nói hai chiều; Ác-khẩu là lời nói thô lỗ). Khi sân giận lời nói lúc đó ít khi đúng với sự thực. Thế gian cũng có câu tục ngữ “Giận mất khôn”. Người giận thì lời nói thường thường không thiện. Từ lời nói đó mà phát sinh ra hiện tượng chống đối, kình địch, phá hoại nhau.

Phật dạy: “Thời mạt-pháp là thời đấu tranh kiên cố”. Có nghĩa là sự đấu tranh không bao giờ có thể chấm dứt được. Chính do sự đấu tranh kiên cố này mà làm cho Phật Pháp suy yếu dần đưa đến chỗ tận diệt luôn. Đến lúc đó, chư vị nghĩ thử, cái cơ cảnh của chúng sanh sẽ tệ hại như thế nào!… Còn khoảng 9 ngàn năm nữa là đi đến thời kỳ đó. Ách nạn này Phật cứu không được. Tại sao vậy?… Tại vì nghiệp chướng của chúng sanh quá nặng. Nghiệp chướng phát khởi từ đâu? Phát khởi từ cái miệng.

Khai khẩu thì thần thái động!... Một người mà không chịu tịnh tu, mở miệng nói ra thì nhất định tâm thần phải động. Tâm thần động lại điều khiển cái miệng nói ra. Khai khẩu ra thì tâm thần lại tiếp tục động…

Tâm thần động thì sanh ra thị phi!… Nó móc nối nhau mà sanh ra, chắc chắn như vậy. Tất cả bắt đầu từ đâu? Từ cái miệng này mà thôi.

Thị phi sanh thì phiền não khởi!... Chắc chắn!… Những người tới chùa tu hành mà thường bị phiền não là do chính cái miệng của mình không gìn giữ cẩn thận.

Phiền não khởi thì nghiệp chướng hiện!... Nghiệp chướng hiện hành cứ từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, cứ thế mà tiếp tục trong vô lượng kiếp tới bây giờ…

Hãy tưởng tượng thử, nghiệp chướng chúng sanh lớn tới mức độ nào?… Vì cộng nghiệp chúng sanh quá nặng, nên thế gian này thiên tai, họa hại… xảy ra liên tục không ngừng…

Do đó mà chư Tổ thường thường khuyên nhắc chúng ta hãy TỊNH KHẨU NIỆM PHẬT. Hôm nay chúng ta tịnh khẩu, xin chư vị cố gắng tập giữ khẩu nghiệp thanh tịnh. Khi thấy những bảng nhắc nhở “Tịnh Khẩu”, mà mình mở miệng nói ra, hãy liền tự giựt mình tỉnh ngộ, xin sám hối liền đi. Tổ Sư có dạy: “Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối”. Hãy sám hối ngay chỗ này đi, nhờ thế mà nghiệp chướng của chúng ta sẽ từ từ tiêu bớt. “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” chính là ta thực hiện pháp sám hối này. Từ cái cửa miệng xuất sinh ra họa hại, chướng nạn, thì từ cái cửa miệng này mình ngừng lại, không nói nữa, tịnh khẩu lại… thì tự nhiên cái họa tai đó cũng từ từ mất đi, tan biến đi.

Ở chỗ nào xuất sanh ra nghiệp chướng, thì từ chỗ đó mình kiềm chế lại, đó là thực hiện lời Phật dạy: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”. Phải tập như vậy thì mình mới có phước để hỗ trợ đường vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc của mình. Nếu không tập kềm chế tập khí, nếu cứ để cho nghiệp chướng gặp cái duyên mà khởi ra, thì xin thưa với chư vị, đến lúc nằm xuống rồi chúng ta sẽ thấy, chướng nạn trùng trùng, không thể nào vãng-sanh về TâyPhương Cực-Lạc được đâu!…

Chư vị có từng gặp những người đã từng niệm Phật mấy chục năm mà sau cùng mất phần vãng-sanh chưa? Chư vị cứ để ý đó là những người nào không? Có phải chăng hầu hết đó là người ưa nói chuyện không? Những người thích nói chuyện thị phi, hay tranh tụng với nhau, chấp trước đủ chuyện… sau cùng thường thường họ bị vướng phải cái nạn nghiệp chướng báo đời, dù có niệm Phật cũng dễ mất phần vãng-sanh. Có lần Hòa-Thượng Tịnh-Không đã nói, có người niệm Phật 25 năm trường, nhưng sau cùng khi người ta tới niệm Phật cho mình thì cảm thấy nhức đầu, chịu không nổi!… Ngài Ấn-Quang cũng có đưa ra một trường hợp là có một vị niệm Phật 25 năm trường, ngày nào cũng công phu có vẻ tinh tấn lắm, nhưng sau cùng trước những giờ phút lâm chung, người ta tới hộ niệm, thì ông đuổi người ta ra, không chịu được câu A-Di-Đà Phật. Tại sao vậy?… Tại vì thường ngày không chịu tịnh lại để niệm Phật, mà cứ loạn động để niệm Phật. Nghĩa là, cái miệng thì niệm câu A-Di-Đà Phật, mà cái tâm thì thích điều loạn động. Những người ưa nói chuyện thị phi, ngồi đâu nói đó, đem đủ thứ chuyện của thiên hạ ra mà phanh phui… là cái tâm đang loạn động. Một khi tâm đã quá loạn động, thì làm sao niệm Phật cho được? Cái miệng ưa nói chuyện vì cái tâm quá động. Cái tâm quá động, kềm chế không được nên tuôn ra cái miệng. Từ đó bao nhiêu công đức tu hành hằng ngày bị cái miệng này nó tuôn ra hết rồi!…

Nên nhớ, niệm Phật là tâm niệm chứ không phải miệng niệm. Tâm đó phải thật thà, chí thành, chí kính thì âm thanh “A-Di-Đà Phật” mới đưa vào trong tâm của họ thành từng chủng tử Phật trong sáng, bất hoại. Đến lúc nằm xuống, tự nhiên những chủng tử A-Di-Đà Phật xuất hiện trong tâm, nhờ thế họ niệm được câu A-Di-

Đà Phật để đi về Tây-Phương.

Khẩu nghiệp không thanh tịnh sẽ phá đi rất nhiều công đức, mà lại tạo ra rất nhiều chướng nạn. Chính vì vậy mà hôm nay chúng ta niệm Phật tập tịnh khẩu đúng 24 tiếng đồng hồ. Hẳn nhiên là chỉ trong vòng khuôn viên của Niệm-Phật-Đường thôi, chứ không dám ứng dụng ra tới bên ngoài. Nhất định điện thoại bên ngoài gọi vào, xin đừng nhấc lên. Chư vị có điện thoại cầm tay, khẩn cầu chư vị tắt đi. Nhất định phải làm như vậy. Để chi?… Cố gắng tập cho được khẩu nghiệp thanh tịnh phút nào hay phút đó, cắt bớt ngoại duyên chút nào hay chút đó, nhờ thế mới có thể hóa gỡ được từng li một nghiệp chướng đã có sẵn từ trong vô lượng kiếp. Ngày nay mình quyết tâm gỡ một chút, ngày mai gỡ một chút, ngày mốt gỡ thêm một chút nữa… Hóa gỡ chướng nạn bằng cách tịnh khẩu niệm Phật. Nhờ lòng chí thành này mà chúng ta hợp được với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật: Dẫu cho một người tội chướng sâu nặng, ngũ nghịch thập ác mà thành tâm sám hối, niệm danh hiệu Ngài mười niệm trước khi xả bỏ báo thân vẫn được Ngài tiếp độ về

Tây-Phương Cực-Lạc để một đời thành đạo.

Phải thực hiện sự sám hối từ ngay trong tâm của mình. Ở đây ngài Ấn-Quang nói: “Thường có lòng hổ thẹn”. Thí dụ như trong Niệm-Phật-Đường mọi người đang tịnh khẩu, mình mở lời nói chuyện. Hãy cảm thấy hổ thẹn liền lập tức đi. Tại sao mọi người đang trang nghiêm tu hành còn mình thì nói chuyện?… Hãy tập theo cái hạnh “Thường-Tàm” của ngài Ấn-Quang đi. Ngài có danh hiệu là “Thường-Tàm”. Thường là luôn luôn. Tàm là hổ thẹn. Một vị đại Tôn-Sư của thời cận đại này mà tự nhắc nhở mình cần phải hổ thẹn vì cho rằng nghiệp của mình còn nặng!… Vì trí tuệ của mình chưa khai!… Vì còn nhiều lỗi lầm trên đời!…

Những lời của Tổ Ấn-Quang tuy hết sức là đơn giản, hết sức là mộc mạc, nhưng lại bao hàm những ý nghĩa rất cao siêu. Vì sao?… Vì mục đích tu hành là để thành tựu đạo quả, thì Ngài nói nếu người nào tu hành đúng như lời Ngài dạy thì được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Bây giờ xin chư vị nghĩ thử, mình tới Niệm Phật Đường niệm Phật để làm chi?… Chẳng lẽ để chơi sao?… Chơi thì đi casino, đi cinéma, đi picnic, đi du lịch, v.v… mới gọi là chơi chứ. Còn tới đây mặc áo tràng thùng thình, ngồi trong một Niệm Phật Đường im lìm, đèn sáng lờ mờ, lặng lẽ niệm Phật, vừa đau lưng, vừa mỏi cổ, khó khăn lắm chứ! Chịu khổ như vậy đâu phải để chơi?… Thật ra chúng ta tới đây niệm Phật là quyết lòng một đời này vãng-sanh

Tây-Phương Cực-Lạc.

Muốn thoát vòng sanh tử thì phải tận diệt nghiệp chướng. Mà chúng ta diệt có nổi không?… Không diệt nổi. Không diệt nổi thì đời-đời kiếp-kiếp, vạn kiếp sau vẫn tiếp tục chìm trong bể khổ sông mê này, không thoát ly được!… Nhưng nhờ đại nguyện của đức ADi-Đà, Ngài bảo ta rằng hãy thành tâm sám hối đi rồi niệm Phật cầu vãng-sanh thì được vãng-sanh. Sám hối bằng cách nào?… Tịnh khẩu lại niệm Phật. Hãy “Thường Tàm” đi, hổ thẹn vì sao mình nói chuyện trong lúc tu hành. Cổ đức dạy: “Vô ích ngữ ngôn, hựu khai khẩu”. Những lời nói vô ích nhất định đừng mở lời nói ra. Phải cố gắng giữ cái tâm mình thanh tịnh mới được. Nên nhớ, một lần khai khẩu thì tâm thái động, tâm thái động thì thị phi sanh liền lập tức. Người này xấu, không xấu thì tốt!… Người kia hay, không hay thì dở!… Cứ hay-dở, xấu-tốt mãi thì nhất định những điều thịphi này sẽ cột lấy tâm mình trong sáu đường luân-hồi này không bao giờ giải thoát được.

Phật dạy người thật sự tu hành phải biết thành tâm sám hối! Tu hành tức là sám hối. Mở ra một lời nói phải cẩn thận, xét coi liệu có hợp lúc, hợp lý hay không? Nếu không thích hợp xin hãy ngừng lại liền đi, đừng nói nữa…

Nên nhớ nghiệp chướng của mình còn nặng lắm! Nghiệp chướng còn nặng thì xin đừng đụng chạm tới nó, đừng khơi nó lên, đừng tạo duyên cho nghiệp chướng hiện hành. Nghĩa là, hãy cố gắng bao nghiệp lại, phủ nghiệp lại, phục nghiệp lại… Những điều này tương đối dễ làm, chúng ta có thể thực hiện được. Còn diệt nghiệp, đoạn nghiệp thì khó quá, chúng ta diệt đoạn không được. Phục nghiệp bằng cách ăn ở hiền lành, tâm hồn vị tha, bỏ chấp trước, không nói chuyện thị-phi… thì tự nhiên tâm thái của mình sẽ thanh tịnh lại, không còn vọng động nữa. Nghiệp chướng mất duyên thì chúng sẽ chìm… chìm… chìm lần xuống. Chúng nằm im chỗ nào đó, không sinh ra thành quả báo. Lợi dụng cơ hội này chúng ta niệm câu A-Di-Đà Phật đi về cõi Cực-Lạc.

Hãy thành tâm niệm Phật, thành tâm niệm Phật… đưa cái nhân chủng A-Di-Đà vào trong tâm của mình thật nhiều… và nguyện vãng-sanh về Tây-Phương. Xin thưa chư vị, Nhân gặp Duyên thành Quả. Nhân A-Di-Đà Phật, gặp Duyên cầu Vãng-Sanh, nở thành quả báo là ta về Tây-Phương Cực-Lạc ngay trong một đời này. Còn nghiệp chướng trùng trùng trong quá khứ vẫn còn nằm im đó. Khi ta về miền Cực-Lạc rồi thì tự nhiên được hóa giải hết.

Cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc không phải là thế giới phiền não như thế giới năm trược ác thế này đâu, mà đó là thế giới thanh tịnh trang nghiêm, nhất-chân pháp giới của chư đại Bồ-Tát đã chứng bậc bất-thối-chuyển, các Ngài nhắc nhở cho chúng ta. Sự nhắc nhở không phải là phàm phu nhắc nhở phàm phu đâu. Trở về với Pháp-Tánh-Độ, trở về với Chân-Tâm Tự-Tánh, lúc đó mới dùng thần thông biến hóa, những năng lực vĩ đại của Chơn-Tâm đi cứu độ chúng sanh, đây là cách trả nghiệp của họ đó.

Chúng ta có khẳ năng về Tây-Phương không?… Nhất định có khả năng. Nhưng một yêu cầu trọng yếu là đừng để cho nghiệp chướng nó tạo… nó dựng… nó sinh… nó nở ra mới được… Muốn được vậy bằng cách ta phải cắt đi cái duyên, trong đó cái duyên gần gũi nhất là từ cửa miệng này sinh ra.

Mong chư vị ngày hôm nay quyết lòng, quyết dạ tịnh khẩu niệm Phật. Cố gắng giữ gìn khẩu nghiệp. Nếu lỡ quên, mở một lời nói nào ra, nghe có người nào nhắc nhở, mau mau tịnh lại liền. Chúng ta quyết lòng đi về Tây-Phương cho được trong một đời này. Nguyện mong chư vị ai ai cũng thành tựu đạo quả…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –