Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 23)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 23)

 

Nam mô A-Di-Đà Phật.

Nói về sát, đạo, dâm, vọng, tửu là nói về thế gian pháp. Nhưng khi mình thọ ngũ giới tu hành để được trở lại làm người, tức là mình nói đến luân hồi, thì khi nói đến luân hồi tức là nói về xuất thế gian pháp. Cho nên Phật pháp và thế gian pháp không rời nhau. Xuất thế gian và thế gian pháp không rời nhau, tuy một mà hai tuy hai mà một.

Ấn Tổ nói về thế gian pháp có 8 chữ: “Đôn luân, tận phận, nhàn tà, tồn thành”. Sau đó Ngài nói 8 chữ nữa: “Lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ”. Tám chữ trước là phần ngũ giới thập thiện, thuộc về pháp thế gian. Tám chữ sau là “Lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ” thuộc về pháp xuất thế gian. Cho nên pháp xuất thế gian và pháp thế gian không rời nhau. Mình ngồi đây mặc áo tràng vô niệm Phật đường hàng đêm niệm Phật là pháp thế gian, nhưng khi niệm Phật với tâm nguyện vãng-sanh Tây-Phương Tịnh-Độ, nguyện cầu khi xả bỏ báo thân này mình về Tây-Phương Cực-Lạc, thì đây là pháp xuất thế gian. Chúng ta thấy rõ rệt thế gian và xuất thế gian không rời nhau.

Trong đạo thế gian để yểm trợ cho xuất thế gian, thì chính Ấn Tổ khai thị rõ ràng nhất, cụ thể nhất, gần gũi nhất, và ai ai cũng có thể làm được. Nếu chư vị hàng ngày nghe lời khai thị của Ấn Tổ, thành tâm, thanh tịnh mà nghe thì cứ mỗi lần nghe chúng ta lại thấy ngộ thêm ra điều khác nữa. Phương pháp giáo dục hay nhất là cứ nghe nhiều lần, nghe đi, nghe lại, nghe một lần thì chưa thấm, nghe hai lần thì thấm hơn, nghe nhiều lần thì tự nhiên ngộ ra đạo lý.

Trở về vấn đề ngũ giới, mấy ngày nay chúng ta nói về sát sanh.

Sát sanh là thế gian pháp, vì người thế gian ưa sát sanh lắm. Nhưng sự sát sanh đó tạo ra nạn oan gia trái chủ truyền đời truyền kiếp, thì nạn oan gia trái chủ truyền đời truyền kiếp này liên quan đến pháp xuất thế gian. Người thế gian không biết cứ tưởng chết là hết, nhưng thực ra chết không phải là hết. Chúng ta là người biết niệm Phật rồi, xin chư vị nên phát tâm ăn chay trường. Hãy ăn chay trường để bớt đi nghiệp sát sanh, bớt đi nạn oán thân trái chủ, lại khơi được tánh từ bi, bình đẳng trong tâm của chúng ta.

Đạo Phật là đạo bình đẳng. Chúng ta thương thân mình mà lại dùng thân của chúng sanh để cung phụng cho thân mình, hại thân của chúng sanh để dưỡng thân mình, lấy xác thịt của chúng sanh để nuôi thân xác của mình thì thật sự là bất bình đẳng. Không tốt!…

Những người niệm Phật, nếu thật sự thành tâm, thì thường thường sau một thời gian tự nhiên phát tâm ăn chay. Những người niệm Phật mà chưa phát tâm ăn chay, thì còn có sự hạn chế nào đó. Nói rõ hơn là tâm từ bi chưa được mở rộng!… Tâm từ bi chưa mở thì thường thường ít tương ưng với đại nguyện của Phật A-Di-

Đà. Vậy nên, rất mong chư vị cố gắng tập sự ăn chay, nên tập lần, tập lần. Khi thành tâm nghe lời khai thị của Ấn Tổ, cố gắng nhiếp tâm niệm Phật, đến một ngày nào đó có thể chư vị sẽ có trạng thái như thế này… khi gắp một miếng thịt lên ăn, tự nhiên cảm thấy thương hại chúng sanh mà nghẹn ngào không cầm được nước mắt!… Nhìn miếng thịt mà thương cảm đến rơi nước mắt, tức là tâm từ bi của chúng ta đã khai mở rồi đó, lúc đó tự nhiên chúng ta không dám ăn miếng thịt nữa…

Hôm qua mình nói, từ lúc mới sinh ra cho đến khi lớn lên, thân xác chúng ta đã được nuôi toàn là xác thịt của chúng sanh, và đặc biệt toàn là xác chết không thôi!… Từ đó, những sự oán hận của chúng sanh đã tiêm nhiễm vào từng tế bào trong cơ thể của chúng ta rồi. Oán hận đã tràn ngập trong hình tướng này rồi!… Nếu chúng ta không hiểu thấu cái oán nạn này, cứ tiếp tục ăn sinh mạng của chúng sanh nữa, thì sau cùng chúng ta khó tránh khỏi sự trả thù của oan gia trái chủ. Dù rằng trong các kinh Tịnh-Độ không nói rằng người ăn mặn mất vãng-sanh. Dù rằng Phật cho phép chúng ta đới nghiệp, bao nghiệp, phủ nghiệp để vãng sanh. Nhưng thực ra ăn thịt chúng sanh tạo nên oán nghiệp nặng lắm. Nghiệp chướng nặng quá, sợ rằng chúng ta vượt qua không được. Vì thế, mong chư vị nếu thực sự muốn vãng sanh thì nên cố gắng ăn chay trường mới tốt.

Có một điều cấm kỵ mạnh hơn việc ăn mặn mà chư Tổ thường nhắc nhở, đó là ăn loại ngũ-tân. Muốn được vãng sanh về Tây-

Phương Cực-Lạc thì xin chư vị phải chú ý đừng ăn loại ngũ-tân, tức là các thứ: Tỏi, hành, hẹ, kiệu, nén, hành tây, ba-rô… Sở dĩ trong các buổi tọa đàm, thường xuyên Diệu-Âm có nhắc lại điểm này, là vì còn rất nhiều người chưa chú ý đến.

Vì sao vậy? An toàn cho việc vãng-sanh. Trong vô lượng kiếp qua chúng ta đã sơ ý tạo nghiệp quá nặng, oan gia trái chủ quá nhiều. Đời này chúng ta quyết tâm niệm Phật cầu về Tây-Phương, nhưng coi chừng cái nạn oán thù của oán thân trái chủ chưa rời chúng ta đâu. Muốn được an toàn vãng sanh về Tây-Phương, chúng ta rất cần sự gia trì của chư Bồ-Tát, chư Thiên-Long HộPháp, nhờ quý Ngài giúp mà chúng ta tránh được ách nạn đó.

Muốn được các Ngài tới giúp đỡ thì môi trường mình đang ở phải tránh cho được cái mùi ngũ-tân tanh nồng. Các loại tỏi, hành, hẹ, nén, hành tây, tỏi tây hay gọi là ba-rô… Ngài Trí-Tịnh còn nhắc đến loại “Hung-Cừ”, hung-cừ có lẽ là loại nén mọc ở Ấn-Độ, các loại này xin đừng dùng tới, đừng chứa trong nhà. Hòa Thượng Trí-Tịnh đã xác định về vấn đề này bằng một bài viết rất dài, với tựa đề là: Ăn ngũ-tân chiêu cảm đến loài ngạ quỷ. Ngài căn cứ trong kinh Phật mà nói đấy.

Xin chư vị hiểu lấy vấn đề, tự lo sắp xếp chuyện gia đình của mình, cẩn thận nhắc nhở người nhà kiêng cữ, để cho việc vãng sanh được thuận lợi hơn.

Hôm nay chúng ta nói thêm một chút xíu nữa về ngũ giới. Sau giới “Sát” là giới “Đạo”. Đạo là đạo tặc, là trộm cắp. Trộm cắp do lòng tham mà ra. Ngũ giới có 5 điều, thập thiện có 10 điều. Nhưng thực ra điều này liên quan tới điều nọ, ví dụ trộm cắp có liên quan tới lòng tham. Trộm cắp là giới của thân, lòng tham là giới của ý. Lòng tham xảy ra là vì thiếu trí huệ, liên quan tới giới Si đấy. Si là ngu si. Vì ngu si nên không hiểu rằng tham lam một chút trong đời này, mà coi chừng tương lai bị vướng nạn nhiều đời nhiều kiếp. Thường thường giới tham này rất dễ phạm phải, chúng ta phải tự quán xét lấy mình cho thật cẩn thận, đừng nên sơ ý. Hòa Thượng Tịnh-Không nói, làm việc trốn thuế vướng vào giới trộm cắp rất nặng. Có người hỏi rằng, nếu tôi trốn thuế để lo chuyện đạo pháp. Ngài nói, có chuyện đạo pháp nào mà lại lạ lùng vậy! Đừng nghĩ xây dựng một Niệm Phật Đường hoặc một Đạo-Tràng lên là có thể giúp ích chúng sanh. Chưa chắc!… Có câu: “Hữu Tràng vô Đạo bất khả hưng giáo”. Có Đạo-Tràng mà không có Đạo-Tâm, là điều không tốt cho Đạo-Pháp. Hiểu được đạo lý này, chúng ta phải cố gắng tránh điều tham lam, đừng nên sơ ý….

Buông xả!… Tập buông xả. Buông xả ra để niệm Phật. Nghiệp chướng của chúng ta dẫy đầy, tạo ra trong đời này và nhiều đời kiếp trước. Thoát ách nạn của nghiệp chướng không phải là điều đơn giản. Nhưng nhờ pháp niệm Phật giúp ta thoát vòng sanh tử, điều quan trọng là biết buông xả và sám hối. Chỉ lúc nào mình thực tâm sám hối thì niệm Phật mới có thể vãng sanh. Vậy thì, nên gói ghém lại để tu hành. Thà ăn uống đạm bạc lại mà chúng ta được vãng sanh thì hay hơn là tiếp tục sơ ý phạm phải những lỗi lầm từ lòng tham đem đến. Đạo lý xuất thế gian có “Thần Minh Khắc Thức”. Lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt. Phật dạy NhânDuyên-Quả Báo tơ hào không sai. Tận trừ lòng tham là cội nguồn của phước báu vậy.

Hiểu được như vậy thì chúng ta thấy đường tu hành không phải xa vời. Ấn Tổ lúc nào cũng khuyên hãy nghĩ đến điều lỗi lầm của mình để tìm cách sửa lần, sửa lần. Thành tâm hối cải mới phát hiện ra chính mình đã sơ ý quá nhiều mà không hay!…

Sám hối, niệm Phật. Chúng ta được về Tây-Phương Cực-Lạc bằng công đức “Sám Hối Vãng-Sanh”.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –