Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 44)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 44)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Cuộc tọa đàm chúng ta chỉ còn vỏn vẹn năm buổi nữa là kết thúc. Hôm nay không có câu hỏi, Diệu-Âm tiếp tục tổng kết lời căn dặn của Ấn Tổ.

Tu hành trong thời mạt pháp này điều gì cũng cần cụ thể, thực tế, đơn giản, đừng nên khởi tâm vọng động, ngã mạn mà lỡ bị lạc đường thì tự mình làm khổ cho chính mình. Ý hướng này được Ấn Tổ diễn tả bằng những lời rất mộc mạc, dễ hiểu. Ngài Tịnh-Không chủ trương người tu theo Tịnh-Độ thì lấy năm khoa mục làm căn bản. Năm khoa mục là: Tam-Phúc, Lục-Hòa, Tam-Học, Lục-Độ và Thập Đại-Nguyện-Vương của Phổ-Hiền Bồ-Tát. Nhưng thực ra có người vẫn còn cảm thấy mơ hồ trong việc áp dụng ngũ khoa này. Ấn Tổ nói dễ hiểu hơn, ví dụ như hôm qua mình nhắc đến tamphúc, lục-hòa, hôm nay mình đem cái khoa cao nhất là mười đại nguyện vương chiếu vào lời khai thị của Ấn Tổ thử coi có hợp không?

Trước tiên ta phải biết mười đại nguyện là đức Phổ-Hiền lập ra dành cho Bồ-Tát trên cõi Hoa-Nghiêm tu hành chứ không phải cho phàm phu. Thật không đơn giản đâu!… Nếu tự mình đi nghiên cứu mười đại nguyện vương đó, nhiều khi thấy cao quá, khó quá mà làm không nổi. Ví dụ như “Lễ Kính Chư Phật”“Xưng Tán Như-Lai”, nếu không có duyên nghe giảng pháp dễ gì một người phàm phu như chúng ta hiểu thấu. Nhưng khi đọc lời khai thị của Ấn Tổ, Ngài nói “Trên kính dưới hòa” thực tế, dễ hiểu, thì chúng ta lại thấy dễ dàng, ai cũng có thể làm được.

 

Thay vì nói “Lễ Kính Chư Phật, Xưng Tán Như-Lai”, Ấn Tổ nói “Hãy coi tất cả mọi người là Bồ-Tát, còn ta chỉ là kẻ phàm phu”. Những lời này giảng ra có nghĩa tương đồng, nhưng một lời nặng về Lý-Đạo cao siêu, một lời thì hợp với Sự-Đạo dễ hành. “Lễ kính Chư Phật” là cung kính, tôn trọng tất cả chúng sanh, không kể là thiện hay ác, xấu hay tốt, đúng hay sai. “Xưng Tán Như-Lai” là chỉ tán thán lẽ phải, khen tặng điều tốt, tuyên dương chánh pháp… Những lý đạo này thật sự khá cao, chưa chắc gì ai cũng có thể hiểu. Nhưng khi nghe Ấn Tổ nói, hãy coi tất cả mọi người là Bồ-Tát nên mình phải cung kính họ thì dễ hiểu, dễ làm. Không được nói lỗi lầm của người khác, vì mình cung kính họ. Nhưng biết rõ ràng họ làm sai nên mình không khen tặng, không tuyên dương, không khuyến khích họ. Những lời dạy này gần gũi, dễ hiểu, dễ tu.

Thật sự những lời dạy của Ấn Tổ chủ ý độ người phàm dân. Ta hãy tiếp tục phân tích thêm vài lời nữa để thêm phần chứng minh. Điều thứ ba trong thập đại nguyện vương là “Quảng Tu Cúng

Dường”. Nghĩa là rộng tu cúng dường chư Phật, chư Bồ-Tát, cúng dường tất cả chúng sanh. Làm sao cúng dường đây? Tổ dạy: “Thay người làm chuyện khó nhọc, thành toàn những điều tốt đẹp cho người”. Đừng trốn tránh việc khó khăn, hãy dành lấy việc cực nhọc mà làm, đây chính là quảng tu cúng dường đấy, chính là đại bố thí đấy. Làm với tâm thành thật sẽ biến việc làm này thành cúng dường đấy. Rõ ràng lời của Ấn Tổ nói rất là mộc mạc, ai ai cũng có thể làm được. Làm được vậy rồi niệm Phật nhất định được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Rõ ràng lời của Ngài nghe qua hình như thấp thỏm mà dụng ý lại cao siêu.

“Thành toàn những điều tốt đẹp cho người” chính là “Tùy hỷ công đức”. Hay vô cùng. Càng nghĩ kỹ càng thấy hay. Ấn Tổ nói, “Thay người làm những việc khó nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp”. Những việc mà mình có khả năng làm được thì cố gắng mà làm, còn những việc mình làm không được, khi thấy người khác làm được thì mình phải thành tâm tán thán, khen tặng, đây đúng là “Tùy hỷ công đức”… Ngài nói, thành tâm khen tặng, tán thán việc làm tốt của người khác, tự nhiên mình hưởng một nửa công đức của họ. Như vậy rõ ràng những người nghèo khổ, hiền lành, chất phác, có tâm tán thán việc tốt của người coi chừng có công đức nhiều hơn những người giàu có thường bố thí cúng dường bạc triệu…

Xin chư vị hãy cố gắng dành thì giờ đọc thêm những lời dạy của Ấn Tổ, những lời nói chất phát, nhẹ nhàng, từng điểm từng điểm mình có thể làm được một cách đầy thú vị…

Trong Kinh Kim-Cang Phật dạy: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, (Không chấp vào đâu cả thì Chơn-Tâm hiện ra). Ngài TịnhKhông nói “Buông-Xả” thì “Tự-Tại”, lời này nghe dễ hiểu hơn. Chư Tổ-Sư, chư Cao-Tăng dựa vào lời Phật mà nói ra, lời của các Ngài tuy đơn giản nhưng ý nghĩa tương đồng với Phật. Vì duyên Phậtpháp của chúng sanh trong thời này thực sự yếu lắm, nếu nói lời cao siêu thường làm cho chúng sanh vọng tưởng. Đạo lý “Ưng Vô Sở Trụ” giảng ra cao quá, còn ngài Tịnh-Không nói hãy buông xuống đi thì bình dân hơn, dễ hiểu hơn. Hôm qua người ta làm điều gì trái ý thì mình buồn. Buồn bực chính là còn chấp. Chấp trước thì không buông xả, không buông xả được thì còn bị vướng. Còn vướng thì cái tâm của mình bị trói vào đó. Đây chính là nghiệp chướng hiện tiền, nó dẫn dắt mình đi theo con đường lục đạo khổ nạn. Bây giờ biết buông ra đừng buồn nữa thì cái tâm mình sẽ thoải mái, tự tại. Tâm tự tại không dính vào ngoại cảnh là tâm lực mạnh. Tâm lực mạnh sẽ vượt qua nghiệp lực để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Tất cả đều do tâm tạo ra là như vậy.

Ngài Ấn-Quang đại sư nói ý này bằng câu: “Ngoài việc niệm Phật đừng khởi một niệm nào khác, nếu khởi một niệm nào khác thì buông liền đi…”. Buông liền đi là buông xả. Buông xuống mới an lòng niệm Phật vãng sanh Tịnh-Độ. Rõ ràng chư Phật, chư Tổ các Ngài có cách nói khác nhau, nhưng hàm nghĩa thực sự hoàn toàn giống nhau, không khác.

Chính vì thế, giảng kinh thuyết đạo phải ứng hợp căn tánh của đại chúng. Người thọ hành giáo pháp cũng cần nên biết ta đang ở vị trí nào. Người thượng căn, thượng trí thì có thể tiếp nhận tất cả đạo lý, không ngại sự tu căn bản cho đến lý đạo thượng thừa. Còn người hạ căn mà ham đến những lời pháp cao siêu hay lý đạo vô thượng thì dễ biến thành loại người sống theo vọng tưởng, nghĩa là đam mê lý thuyết hão huyền mà thỉ chung làm không nổi. Người biết rõ mình làm không nổi, thì hãy mạnh dạn tiếp nhận lời giáo huấn cụ thể hợp căn của chư Tổ-Sư đi, các Ngài thị hiện trong thời này, dùng lời phương tiện dạy cho những người phàm phu như chúng ta, để được thành tựu trong một đời. Đây không phải là thực tế hơn sao.

Thành ra vấn đề tu hành, chư Tổ thường dạy chúng ta tu đường nào một đường thôi, đủ rồi, gọi là “Nhất tu, Nhất-thiết tu”. Tu một đường là tất cả đều tu hết, chứ đâu phải tu tất cả mới được. Ví dụ nhiều lý đạo trong kinh Phật cao siêu quá, mình hiểu không thấu. Hiểu không thấu thì đừng nên vọng tâm lý luận, mà hãy tập làm người thật thà chất phát, chí thành đọc lời khai thị của Ấn Tổ đi, từ trên xuống dưới, lời nào mình cũng cảm thấy làm được cả. Làm được thì thành đạo. Thành đạo rồi thì mới biết cao hay thấp ở đâu chứ.

Ấn tổ dạy: “Có vọng niệm phải bỏ ngay”. Lời này có gì đâu mà cao siêu. Lúc đang niệm “A-Di-Đà Phật”, “A-Di-Đà Phật”… chợt nghĩ, không biết bà xã có mua món rau thơm để ăn phở không nhỉ?… Thì ngay lập tức bỏ đi, bỏ liền đi… Món rau đó có cũng được, không có cũng được, tức là mình biết buông xả đấy… Biết buông xả chính là sự hưởng thụ tối cao, vậy mà có nhiều người không hay.

Chư Tổ dạy đơn giản như vậy đấy, nên Diệu-Âm cũng thường bắt chước làm theo. Trong bữa ăn, hễ món gì đang ở trước mặt thì mình ăn cho rồi. Ngon quá!… Còn đòi hỏi cho đúng món, thì nhiều khi thiếu một món rau làm ta ăn không ngon. Món rau không phải là bổ, nhưng vì có chút chấp trước mà tâm mình phiền não, vô tình biến món phở thật ngon giờ đây có thêm chất độc tố vào mà làm hại cái thân này thê thảm!…

Chư Vị ơi!… Đạo ở sát bên mình, không ở đâu xa. Chỉ vì mình muốn xa, nên đường hành đạo đã xa đi vời vợi!… Tu theo pháp môn niệm Phật ta phải biết áp dụng câu của Phật dạy: Hoành triệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc. Thành đạo ngay ở chỗ này, chứ không phải tìm cách chứng này chứng nọ, không phải thông này thông nọ mới thành đạo đâu…

Tập buông ra!… Nhẹ nhàng, thoải mái rồi thành tâm kết hợp với nhau tu hành. Ấn Tổ nói: nếu mà tu hành như vậy, thì nhất định được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Được vãng sanh TâyPhương Cực-Lạc là ta nhất định được thành đạo.

Hiểu được vậy, tự nhiên chúng ta cảm thấy an nhiên, tự tại, chờ ngày vãng sanh thành đạo trong một đời này chứ không phải là đời thứ hai.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –