Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 20)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 20)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Mỗi đêm chúng ta đều có nghe qua lời khai thị của Ấn-Quang đại sư. Càng nghe mình thấy đường tu tập càng rõ. Càng nghe mình thấy những điều Ngài dạy mình đều có thể thực hiện được. Và nếu đúng như Ngài nói, thực hiện được như vậy thì ai ai cũng được vãng sanh. Có nghĩa là chính chúng ta sẽ được vãng sanh về TâyPhương Cực-Lạc, bằng cách cứ theo đúng lời hướng dẫn cụ thể, dễ dàng, đơn giản của ngài Ấn-Quang đại sư mà hành là được.

Mục đích chính của chúng ta là vãng sanh về Tây-Phương Cực- Lạc. Như vậy cái hạnh tu chính của chúng ta là làm sao đừng để sau khi mãn báo thân này mình lọt lại trong vòng sanh tử luân hồi nữa. Từ bây giờ cho đến ngày ra đi, mình phải có cách tu tập làm sao để mình dễ dàng vãng sanh. Những cách tu đó gọi là hỗ trợ, trợ lực cho con đường vãng sanh. Nói rõ nghĩa hơn, là Chánh- Hạnh và Trợ-Hạnh đều phải tu đầy đủ, để cho đường vãng sanh khỏi bị trở ngại.

Lời của Ấn Tổ có liên quan đến mười điều thiện mà chúng ta ghi trên bảng đó. Mười điều thiện là cách khai triển chi tiết của ngũ giới. Ngũ giới là: Sát, Đạo, Dâm, Vọng, Tửu. Thì mười điều thiện này khai thác cụ thể hơn chút xíu nữa là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hai chiều tức là nói đâm thọc, không nói lời thô ác, không tham, không sân, không si. Niệm Phật mà mười điều thiện này không chịu làm, thì không được vãng sanh đâu.

Cách đây mấy năm, ở một Niệm Phật Đường nọ có xảy ra một chuyện tranh luận về vấn đề Chánh-Hạnh và Trợ-Hạnh như thế này:

Có một số người cho rằng niệm Phật là Chánh-Hạnh, còn giữ mười giới, năm giới là Trợ-Hạnh. Họ lý luận rằng, giữ giới dù có giỏi cho mấy đi nữa mà không niệm Phật thì không được vãng sanh.

Có người nói rằng, giữ giới mới là Chánh-Hạnh, niệm Phật là TrợHạnh, vì không giữ giới này thì sanh lại làm người cũng không được, làm sao được vãng sanh về Tây-Phương để thành đạo.

Lại có người nói, hai vấn đề này đều chánh hết, vì cái nào cũng đều quan trọng.

Sự việc xảy ra mấy năm như vậy, đưa đến tình trạng trong một Niệm Phật Đường chia ra thành ba nhóm. Bây giờ xin hỏi chư vị, nhóm nào đúng?…

Có một dịp Diệu-Âm tới đó, người ta đưa vấn đề này ra để hỏi. Chư vị có biết Diệu-Âm giải quyết làm sao không? Diệu-Âm nói rằng ai cũng đúng hết. Diệu-Âm là người “Ba-Phải”, nghĩa là ai nói sao cũng phải, thành ra khi nghe đến ba ý kiến này, thì thấy ý kiến nào cũng đúng hết!… Chuyện này hay lắm, thấm thía lắm.

Diệu-Âm nói, những người cho rằng niệm Phật là Chánh-hạnh, giới luật là Trợ-hạnh là tại vì những người này quyết tâm vãng sanh về Tây-Phương. Một khi họ quyết tâm đi về Tây-Phương, thì theo như Ấn Tổ nói là từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống… đều giữ cái tâm trong câu A-Di-Đà Phật, không rời ra. Nếu khởi một vọng niệm phải tức thời bỏ ngay, bỏ ngay. Như vậy những người quyết về Tây-Phương, thì ngay đến chuyện giữ giới này người ta cũng gọi là vọng niệm luôn. Vạn duyên buông xuống, họ không cần nữa. Thực ra, nói cho đúng nghĩa hơn, một khi quyết tâm niệm Phật rồi thì miệng họ niệm Phật là giữ khẩu nghiệp, thân họ lạy Phật là giữ thân nghiệp, ý họ nhiếp trong câu A-Di-Đà Phật để về Tây-Phương là giữ ý nghiệp. Thân-Khẩu-Ý đã nhiếp vào câu A-Di-Đà Phật rồi, thì khi niệm A-Di-Đà Phật đã có đầy đủ giới rồi. Đã có đủ giới trong đó rồi, như vậy thì cứ lo niệm Phật là chánh, chứ còn lo đến những chuyện khác làm chi cho bị phân tâm? Nghĩ như vậy, nên Diệu-Âm nói, người nào nói niệm Phật là Chánh-Hạnh, giữ giới là Trợ-Hạnh rõ ràng đúng chứ không sai. Đây là người thực hiện câu: Một hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc đấy.

Còn các vị cho rằng giữ ngũ-giới, thập-thiện là chánh, niệm Phật là phụ cũng đúng. Chắc chắn đúng đấy. Tại vì không giữ ngũ giới thì trở lại làm người cũng không được, huống chi là mơ mộng đến chuyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc? Chắc chắn đúng. Nhưng đúng với ai? Đúng với những người quyết lòng quyết dạ đời sau trở lại làm người. Nếu người nào quyết lòng tu hành để đời sau sanh trở lại làm người, thì câu A-Di-Đà Phật sẽ trở thành một thứ Trợ-Hạnh, tích cực tạo phước báu, để khi nằm xuống, tức là lúc lâm chung thì phước báu của họ có thể sẽ lớn, ít bị chướng nạn. Người quyết lòng gìn giữ giới luật là chánh, ít tạo nghiệp, làm phước nhiều thì nghiệp chướng của họ nhẹ, phước báu tốt. Nhưng vì họ không tha thiết vãng sanh về Tây-Phương, nên niệm câu ADi-Đà Phật chẳng qua là sự tu phước, trở thành một pháp trợ tu, giúp cho con đường trở lại trong tam thiện đạo được thuận lợi. Như vậy, người cho rằng giữ Ngũ-giới Thập-thiện là Chánh-Hạnh là đúng vì chính họ đang tu theo đường Nhơn-Thiên.

Hiện nay vẫn có nhiều nơi tu hành theo Phật Giáo nhưng không nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Người ta chỉ lo giữ thập thiện, giữ ngũ giới, làm thiện, bố thí, giúp người, xây chùa, xây cầu, làm việc xã hội, v.v… Họ làm những việc thiện phước của thế gian rất mạnh, đôi lúc họ cũng có niệm Phật, nhưng họ không nguyện vãng sanh Tịnh-Độ. Rõ ràng đối với những người này niệm Phật chỉ là Trợ-Hạnh. Họ không chú tâm vãng sanh về Tây-

Phương Cực-Lạc, họ muốn ở lại trong sáu đường luân hồi để đời sau tu tiếp. Như vậy định nghĩa này đúng theo ước nguyện của họ, tại sao chúng ta lại cho là không đúng!…

Cho nên vấn đề đúng hay sai hoàn toàn tùy thuộc mỗi người, chứ không thể đúng cho tất cả mọi người được.

Còn một nhóm người nữa nói rằng cả hai điều đều đúng hết, thì Diệu-Âm cũng cho đúng luôn. Tại sao vậy? Những người này lúc gặp được duyên có người khuyên niệm Phật thì họ niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, lúc gặp duyên tu phước thiện để cầu phước báu, thì họ cũng lo tu phước để mong đời sau trở lại làm người tiếp tục tu hành. Chính vì thế đường tu của những người này cũng khá bấp bênh, thuận đâu tu đó, không xác định rõ rệt con đường nào phải đi.

Dạng người tu học trong Phật Giáo của chúng ta ngày nay rơi vào tình trạng này có tỉ lệ khá cao. Niệm Phật thì cũng niệm, cầu vãng sanh thì cũng cầu, muốn đời sau trở lại làm người thì cũng muốn. Đi chùa thì cầu gia đạo an vui, sự nghiệp đề huề, thân thể an khang, v.v… Nói chung cái nào cũng muốn hết, thành ra sự tu hành khá xen tạp!… Hôm nay thì niệm Phật, ngày mai thì tụng chú, bữa nọ thì tụng kinh, hôm khác thì tụng sám, v.v… Gặp cái nào tu cái đó. Gặp phước tu phước, gặp niệm Phật thì niệm Phật, gặp tọa thiền thì tọa thiền. Dạng tu hành này trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật gọi là “Bất-Định-Tụ”, nghĩa là không có định vào chỗ nào hết. Vì thế đối với họ cái nào cũng đúng, cái nào cũng chính… Như vậy, rõ ràng đúng hay sai hoàn toàn tùy theo cá nhân của mỗi người vậy.

Riêng chúng ta là người quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh TịnhĐộ thì phải xác định đâu là Chánh-Hạnh, đâu là Trợ-Hạnh.

Chánh-Hạnh là gì? Là pháp thực hành nhằm đạt được mục đích chân chánh của mình. Phải xác định rõ ràng mục đích cuối cùng của một đời tu hành là ở đâu?…

Trợ-Hạnh là gì? Là sự hỗ trợ cần thiết để cho đường đi của mình được thuận lợi, để cho thành quả của mình khỏi bị trở ngại.

Như vậy rõ ràng là đối với những người quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương thì Chánh-Hạnh của họ phải là niệm câu A-Di-Đà Phật, còn những phương pháp khác đều là Trợ-Hạnh. Tín-NguyệnHạnh nói trong pháp môn niệm Phật, thì chữ “Hạnh” chính là “Niệm

Phật”. Ngài Ấn-Quang nói: “Lúc đi đứng nằm ngồi, ăn mặc từ sáng đến tối từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn”.

Đây là Ngài nhấn mạnh đến Chánh-Hạnh của người niệm Phật. Đã là Chánh-Hạnh rồi thì cái gì khác có thể gián đoạn, chứ niệm Phật nhất định không thể gián đoạn.

Ví dụ như Ngài nói: Nhẫn nhục những điều người khác khó nhẫn, trên kính dưới hòa, làm chuyện phước duyên, thay người làm những việc cực nhọc, v.v… toàn là Trợ-Hạnh. Nhờ tu Trợ-Hạnh mà phước báu của mình mới nhiều, chướng nạn của mình mới ít, nghiệp chướng của mình mới giảm. Nhờ vậy mà sau cùng mình dễ niệm được câu A-Di-Đà Phật để về Tây-Phương.

Cho nên chúng ta phải hiểu, phải xác định rõ rệt mục đích. Nếu muốn rằng đời sau trở lại làm người, thì chư vị nhắm tới việc làm phước thiện: xây cầu, cúng dường, bố thí, giúp người, giữ giới luật nghiêm chỉnh là được, lúc đó niệm câu A-Di-Đà Phật cũng là pháp tu thiện phước. Còn quý vị quyết định phải về Tây-Phương để một đời này không còn sanh tử luân hồi nữa, thì tất cả những chuyện làm phước làm thiện, giữ giới, ăn ở hiền lành, ăn chay… dồn hết tất cả công đức đó gởi về Tây-Phương cầu vãng sanh, và ngày đêm nhất định không rời câu A-Di-Đà Phật, thì lúc nằm xuống, nhờ phước thiện tu được sẽ hỗ trợ cho chư vị bớt bị trở ngại trong lúc lâm chung, nhờ thế mà chúng ta dễ được vãng sanh về TâyPhương Cực-Lạc.

Xin chư vị tự quyết định lấy con đường chánh của mình là đâu?

Xin nhắc lại, nếu quyết lòng vãng sanh trong đời này, thì Ấn-Quang đại sư đã xác định cho chúng ta là: “Lúc đi đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc… từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm câu A-Di-Đà

Phật, không để gián đoạn”. Đây chính là Chánh-Hạnh. Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ, lời nguyện thứ 18 chính là nói về ChánhHạnh.  Phật A-Di-Đà đã nói dẫu cho một chúng sanh mang tội ngũ nghịch thập ác, đại tội mà chí thành sám hối niệm danh hiệu của Ngài, thành tâm mà niệm, đem những phước lành gởi về Tây-

Phương, thì trước khi xả bỏ báo thân mười niệm vẫn được vãng sanh về Tây-Phương thành đạo.

Chánh-Trợ song tu, nhưng Chánh-Hạnh và Trợ-Hạnh cần phải phân minh.

Mong Chư vị hiểu được đạo lý này mà xác định lập trường vững vàng, đừng nên sơ ý.

Nam mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –