Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 42)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ (Tọa Đàm 42)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Cuộc tọa đàm về lời khai thị của Ấn-Tổ, đến đây còn bảy hôm nữa là viên mãn. Trong khoảng thời gian này nếu chư vị có những câu hỏi gì liên quan đến vấn đề này, xin đưa ra để chúng ta cùng nhau giải quyết. Hôm nay có câu hỏi như thế này:

– Nếu tôi nguyện được trúng số lô-tô để dùng tiền đó làm lợi cho Phật pháp, vậy có được không?

Theo chư vị nghĩ có được không? Có nguyện thì nguyện sao mà không được, không ai có quyền cấm cản. Trúng số lô-tô thì có tiền, có tiền thì bố thí cúng dường. Thông thường người nghèo mới nguyện như vậy, chứ người giàu thì tiền nhiều quá rồi, nguyện vậy làm chi, đúng không?…

Bàn về cảnh nghèo, thì có người nghèo về tiền bạc, có người nghèo về tinh thần. Hai cái nghèo này khác nhau một chút. Về tiền bạc nghèo là do cái nhân đời trước mình không biết tu bố thí cúng dường, nên đời này chịu nghèo. Một khi đã nghèo mà không chịu lập hạnh bố thí, lại còn tham trúng số thì càng nghèo hơn, vì dễ gì được trúng số!… Hễ người có phước, thì không cần làm tự nhiên tiền cũng tới, ví dụ như trúng số lô-tô chẳng hạn. Không cầu họ cũng trúng. Còn người bị cái “Tâm-Nghèo”, thì có bao nhiêu cũng thấy nghèo. Nếu đời trước không biết bố thí, thì đời này biến thành “Tiền-Nghèo” luôn. Đã bị “Tiền-Nghèo” mà không có cái “TâmGiàu” thì sẽ tiếp tục nghèo mãi. Thành ra chư vị muốn cầu trúng số thì cứ cầu, còn cầu đó có được ứng hay không là chuyện khác.

Thôi thì, hãy coi nhẹ cái “Tiền-Nghèo” đi, và cố gắng tập cái “Tâm-Giàu” thì tốt hơn. Tâm-Giàu có nghĩa là sao? Người ta có tiền thì họ cúng dường hay bố thí bằng tiền. Mình không có tiền thì dùng nội tài bố thí, dùng cái tâm hiền lành khuyên người niệm

Phật, an ủi người ta trong những lúc khó khăn… Đây cũng là bố thí, cớ chi phải đợi trúng số rồi mới bố thí?…

Trước đây có một người thường mua vé số, nhưng chưa có một lần trúng qua. Hôm đó gặp tôi, người đó nói:

  • Nếu kỳ này tôi trúng 10 triệu đô-la, tôi sẽ cho Niệm Phật Đường của anh 2 triệu liền.

Tồi hỏi:

  • Chắc không? Đã hứa thì xin ghi vào giấy đi.
  • À!… À!… Mà không được! Không được!… Tôi còn phải giúp người thân ở Việt-Nam nữa chứ.
  • Thế thì một triệu cũng được. Ghi xuống giấy đi.
  • Nhưng mà tôi còn lo nhiều chuyện khác nữa chứ!

Mới thử sơ qua một chút thì liền xuống giá rồi. Sau cùng rút lại lời hứa, không dám ký một đồng. Nhưng sự thực là chưa trúng số đấy nhé!…

Trong sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” có kể lại câu chuyện, một cô gái quê mùa tới một ngôi chùa, thấy ngôi chùa nghèo quá, mới phát tâm cúng dường. Nhưng vì nghèo quá, trong túi chỉ còn có sáu cắc tiền thôi. Cô mới vét hết túi ra đem lên khúm núm cúng dường. Vị Hòa Thượng cảm động đến nỗi phải mặc áo đại tràng làm lễ tiếp nhận sáu cắc tiền và hồi hướng công đức cho cô. Cô gái nhờ có sắc đẹp nên sau này được chọn vào cung, và được nhà vua sủng ái. Nhờ thế bỗng chốc cô trở nên giàu có, tiền bạc nhiều như nước. Cô ta nhớ tới vị Hòa Thượng ở ngôi chùa nghèo thuở trước, nên trở về cúng dường cả một gánh vàng. Cô sai cung nữ gánh một gánh vàng tới để trước bàn thờ, thì vị Hòa Thượng lạnh lùng sai một chú tiểu sa-di ra để tiếp nhận lễ vật… Câu chuyện xảy ra như vậy.

Tại sao vậy? Tiền-nghèo chưa đáng ngại, Tâm-Nghèo mới là điều đáng lo!… Cô ta trước đây cúng dường sáu cắc tiền, nhưng lúc đó tâm cô giàu, tâm cô chân thành. Sau này cô giàu quá, tiền bạc nhiều, gánh cả một gánh vàng đi cúng dường, nhưng tâm của cô đã nghèo rồi. Tâm-nghèo là tâm thượng mạn, tâm không thành kính. Tâm-nghèo thì cúng dường công đức phước báu cũng nghèo luôn.

Phật dạy, người nghèo có tới bảy cách bố thí:

  1. Nhan-Thí: Khuôn mặt hiền hòa, nụ cười tươi vui.
  2. Ngôn-Thí: Ái ngữ, lời nói thiện lành.
  3. Tâm-Thí: Tâm hòa ái, lòng biết ơn.
  4. Nhãn-Thí: Ánh mắt hiền từ.
  5. Thân-Thí: Hành động, cử chỉ nhân từ.
  6. Tọa-Thí: Nhường chỗ ngồi (như trên xe bus chẳng hạn).
  7. Phòng-Thí: Nhường chỗ tiện nghi, tâm tánh bao dung.

Rõ ràng có nhiều cách bố thí tạo phước. Người nghèo nếu có tâm-giàu, nhiều khi tạo phước còn nhiều hơn người giàu. Đáng tiếc, chỉ vì con người không chịu làm nên trở thành kẻ nghèo đói đó thôi. Vậy thì, xin chư vị đừng nên cầu xin được trúng số làm chi, coi chừng vướng phải tâm tham thì kẹt lắm. Tâm tham là “Tâm-

Nghèo”, dễ chiêu cảm đến cảnh giới nghèo khó của ngạ-quỷ. Thật không tốt!…

Xin trở lại lời khai thị của Ấn Tổ. Ngày hôm qua chúng ta nói lời khai thị của Ấn Tổ kéo chúng ta trở về với chính con người thật của mình. Bây giờ hãy xét con người thật của chúng ta như thế nào? Thượng căn chăng? Không có, không có!… Hạ căn chăng? Đúng rồi, đúng rồi. Con người thật chúng ta là phàm phu, tội chướng sâu nặng lắm đấy. Hàng phàm phu này mà vụng tính, coi chừng dù có niệm Phật suốt đời, nhưng đến khi xả bỏ báo thân này chưa chắc đời sau lấy lại được thân người đấy nhé. Hãy lắng nghe lời khuyến cáo của ngài Quán-Đảnh đại sư nhé, “Niệm Phật mà chấp trước, phân biệt, cạnh tranh, ganh tị, nói chung tập khí không bỏ, coi chừng bị đọa địa ngục đấy”. Đây là lời ngài QuánĐảnh đại sư.

Còn ngài Ấn-Quang thì sao? Ngài dạy chúng ta phải cố gắng bỏ đi những tật xấu của thế gian chứ không có gì xa lạ. Từ đầu tới cuối hầu hết Ngài nhắc đến mẫu người hiền lành của thế gian. Còn lời liên quan đến người tu hành thì chỉ gói vỏn vẹn trong câu: “Từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm”, đem công đức hồi hướng cầu vãng-sanh về Tịnh-Độ. Chỉ thêm một chút như vậy thôi chớ không có gì hơn.

Khi tới một đạo tràng, thấy nơi đó tu hành thanh tịnh quá, mình khởi tâm vui mừng, thì tâm vui mừng cũng không phải là tâm thanh tịnh. Trong suốt lời khai thị của Ấn Tổ, Ngài không dạy chúng ta niệm Phật làm sao cho tâm thanh tịnh. Ngài chỉ dạy thành tâm niệm Phật cầu vãng-sanh. Khi tâm chí thành chí kính thì tự nhiên thanh tịnh, chứ không phải cầu thanh tịnh thì được thanh tịnh. Cũng như có tâm hồn bố thí là tâm giàu. Có tâm giàu thì có ít tiền cũng thấy giàu, còn người muốn có tiền bạc cho dư dả thì không bao giờ thấy đủ!… Nghĩa là có tiền bao nhiêu cũng cảm thấy nghèo!…

Một đạo tràng được thanh tịnh là do tâm người tu hành thanh tịnh, chứ không phải đạo tràng đó tự thanh tịnh. Như vậy thì khi tới một đạo tràng thanh tịnh, mình đừng vội mừng vui khấp khểnh, vì mừng vui khấp khểnh là tâm thái mất thanh tịnh, không tốt. Mà khi gặp được nơi thanh tịnh thì hãy biết giựt mình tự giác rằng tại sao trước giờ tâm mình không thanh tịnh để đến nỗi nơi trụ xứ của mình không được thanh tịnh như nơi họ.

Người giàu có, gặp một khối tiền họ cảm thấy bình thường. Người nghèo khó, gặp một đồng tiền liền mừng vui khấp khểnh. Vì tâm ta bất tịnh nên vừa thấy chỗ thanh tịnh thì ngỡ ngàng ngạc nhiên. Như vậy khi có chuyện buồn vui bất thường, hãy quán xét rằng ta còn là phàm phu, nông cạn chứ chưa phải là người có tâm thanh tịnh đâu. Hãy cố gắng tu tập tốt hơn.

Lấy lời khai thị của Ấn Tổ để soi vào câu hỏi bên trên thì thật là hay. Cổ Đức nói: “Tri túc, tiện túc, hà thời túc”. Biết đủ, thấy đủ, thì tự nhiên mình có đầy đủ. Thấy mình đã đầy đủ thì khả năng có một đô-la mình bố thí một đô-la, cớ chi phải cầu xin có đến một triệu đô mới cho 500 ngàn. Khởi tâm cầu trúng số là vọng, cái vọng này liên quan đến lòng tham. Thật không tốt!… Phải chăng, vì không biết đủ, nên thấy thiếu mãi. Vì thấy thiếu thốn nên cầu xin Phật cho trúng số 10 triệu thì cúng dường 2 triệu. Khôn quá. Nếu thật sự có chuyện này Diệu-Âm sẽ nguyện xin Phật cho trúng số 10 triệu đôla, Diệu-Âm cúng dường 9 triệu rưỡi, chỉ giữ lại 500 ngàn đô-la thôi. Ôi!… Cũng lời quá rồi…

Phật dạy bố thí tiền tài thì được giàu có. Hãy biết đủ, an nhiên với cái sẵn có, thì mình sẽ thấy đầy đủ. Thấy đầy đủ rồi thì phát tâm tu hạnh bố thí giúp người. Bố thí giúp người thì mình càng giàu hơn. Vậy mà không chịu làm.

Phật dạy “Tri túc thường lạc”, người biết đủ thì thường thường tâm hồn an lạc. Như vậy thì sự an lạc đâu phải cầu nơi đạo tràng đó, mà cầu nơi chính tâm mình.

À cái thế gian này loạn động rồi, gặp cảnh loạn động đó mình coi bình thường đi, lúc đó là lúc cái tâm mình thanh tịnh đó, gọi là “tri túc”. Vào một Niệm Phật Đường, người ta lộn xộn kệ người ta.

Hãy nghĩ: “Ôi!… Chuyện thế gian như vậy là thường”. Thì mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái, dễ hòa hợp và tâm mình tự nhiên được an lạc. Cần biết đủ mới tốt. Nếu không biết đủ, chỗ thanh tịnh thì mừng, gặp chỗ lộn xộn thì giận. Mừng-Giận, Giận-Mừng thường xuyên đều là tâm loạn, đều là tâm chấp. Bệnh chấp của người thế gian lớn quá. Vì chấp nên nghiệp chướng càng ngày càng nặng.

Hiểu như vậy mới thấy lời khai thị của ngài Ấn-Quang thật thấm thía. Ngài dạy cho những người bình dân, Ngài kéo chúng ta về với thực tế là hàng người bình dân để dễ vãng-sanh về Tây Phương. Tại sao vậy? Tại vì chính ta là hàng bình dân mà không chịu áp dụng phương thức bình dân để vãng-sanh, lại muốn đòi thành một vị thánh nhân rồi mới đi về Tây-Phương, thì tu cho đến vạn kiếp nữa cũng chưa đi được. Tệ hơn nữa coi chừng vạn kiếp sau, nghiệp chướng còn nặng hơn bây giờ đấy!…

Pháp môn niệm Phật là pháp đi ngang về tắt, nhờ vậy mà chúng ta đốt được giai đoạn phải trải qua từng vô lượng kiếp thời gian. Vượt qua thời gian vô lượng kiếp, chứ không phải một kiếp, hai kiếp để một đời này vãng-sanh thẳng về Tây-Phương thành đạo.

Ngài Ấn-Quang đại sư nói: “Vượt tam kỳ ư nhất niệm”. Một câu Phật hiệu giúp cho ta vượt qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp để thành đạo… Ngài mong muốn chúng ta một đời này vãng-sanh, chứ không phải ở đây vạn kiếp để tu hành cho chứng đắc, rồi mới về Tây-Phương Cực-Lạc sau. Ngài Trung-Phong Quốc-Sư đời nhà

Nguyên nói, đời này về Tây-Phương Tịnh-Độ mà A-Di-Đà Phật còn chê rằng sao trễ vậy, huống chi là hẹn tới vạn kiếp sau!…

Hiểu được như vậy rồi thì từ nay hãy tập cho tâm tính hiền hòa, vui vẻ, cứ một câu A-Di-Đà Phật chí thành chí kính mà niệm.

  • Đừng lo sợ về nghiệp chướng.
  • Đừng lo sợ gì về tiền bạc.
  • Đừng lo sợ gì về phước báu.
  • Đừng lo sợ gì về tâm trí chưa khai mở. – Đừng lo sợ gì về thanh tịnh hay không…  Hãy buông xả hết đi. Buông xả thì tự tại.
  • Tự tại là cái Tướng của thanh tịnh, Thanh tịnh là cái Thể của tự tại đấy.
  • Tự tại là cái Dụng của thanh tịnh, Thanh tịnh là cái Lý của tựtại.

Ngài Tịnh-Không nói: Buông xả thì được tự tại. Tự tại thì được tùy duyên niệm Phật. Tùy duyên niệm Phật nghĩa là nơi nào mình niệm Phật cũng được, nhờ thế mà tâm mình được thanh tịnh, chứ không phải cầu thanh tịnh mới được thanh tịnh. Nhất định phải gìn giữ nội tâm thanh tịnh mới tốt. Hình tướng thanh tịnh bên ngoài không đáng tin cậy để nương tựa đâu.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –