HÀNH THEO ẤN TỔ
(Tọa Đàm 31)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Tổ Ấn-Quang dạy: “Nếu đã tu trì thì phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn”. Công phu mà nông cạn thì nghiệp chướng còn tràn trề, nhất định chúng ta bị nghiệp chướng chi phối, ngày ra đi không dễ gì thoải mái mà về Tây-Phương Cực-Lạc đâu. Chính vì thế mà Tổ Sư Ấn-Quang rất chú trọng về phương pháp Hộ-niệm trợ duyên cho người lâm chung vãng sanh. Những tài liệu “Sức Chung Tu Tri”, “Sức Chung Tân Lương” đều được Tổ Ấn-Quang duyệt qua, và khuyến tấn mọi người áp dụng. Đó là những tài liệu nói về hộ-niệm của chư Tổ Sư để lại.
Chúng ta nên nhớ tiêu chuẩn tu trì của Ngài là: “Từ sáng đến tối, từ tối đến sáng giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật không gián đoạn, không khởi những vọng niệm khác, nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay”. Còn chúng ta đây thì vẫn chưa niệm Phật từ sáng đến tối, từ tối đến sáng được, vọng niệm còn quá nhiều… Vậy thì công phu của chúng ta còn quá tệ!… Có người 1-2 tuần lễ mới gặp nhau được một ngày để niệm Phật đã vội cho là đủ. Thưa chư vị, đây chẳng qua là bước tập sự, chưa thấm vào đâu so với nghiệp chướng của mình. Mong chư vị cố gắng lên, tinh tấn tu hành hơn nữa, tự mình phải tinh tấn lên. Nói theo Ngài Ấn-Quang là sợ khi chết nghiệp chướng sẽ lôi mình vào trong ba đường ác đấy. Ngài nói:
- Sợ chết bị đọa vào tam ác đạo mà lo ngày đêm niệm Phật, đừng nên lơ là.
- Sợ phải xuống địa ngục chịu hành hạ từ kiếp này qua kiếp khác, khổ đau vô tận mà lo niệm Phật để cứu huệ mạng của mình.
- Sợ rơi vào hàng súc sanh cày bừa cho thiên hạ, rồi sau cùng họ banh thây xẻ thịt mình ra để ăn mà lo niệm Phật.
- Sợ rơi vào trong hàng ngạ quỷ, lang thang từ gốc cây này qua gốc cây nọ, không nhà cửa, đói khát vô cùng mà lo niệm Phật.
Nếu chư vị xem những tập: “Ấn-Quang Pháp Sư Văn Sao”, hoặc là “Ấn-Quang Gia Ngôn Lục” thì sẽ thấy rõ lắm. Chúng ta hãy quyết tâm niệm Phật vì để cứu huệ-mạng của mình, chứ đừng niệm Phật vì một sự cảm tình nào khác. Xã hội bây giờ thường có nhiều chuyện kể ra nghe cũng lạ lắm. Ví dụ, cảnh chùa chiền thay vì cần thanh tịnh để tu niệm, thì lại dễ biến thành nơi chốn để cho khách du lịch tham quan, vui chơi. Thành ra người tới chùa, tới tự viện, tới Niệm Phật Đường để tham quan, giải trí thì nhiều, còn người tới để tu tập thì rất ít… Nếu chúng ta cũng có ý niệm tới chùa cho vui, thì chúng ta cũng không phải là người thực tâm tu hành vậy.
Tới chùa tu tập để quyết lòng vượt sanh tử luân hồi thì tốt, chứ còn tới chùa mà để tìm vui, thì khi gặp Tổ Ấn-Quang Ngài sẽ quát bảo nên quay về nhà. Chúng ta tới Niệm Phật Đường này cũng vậy, nếu quyết lòng niệm Phật để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì một lần về đây niệm Phật chư vị tạo ra rất nhiều công đức, xóa đi không biết bao nhiêu nghiệp chướng của mình. Điều quan trọng nhất là nhờ lòng thành mà được cảm ứng đến đại nguyện của đức A-Di-Đà, được quang minh của chư Bồ-Tát gia trì, được chư LongThiên Hộ-Pháp bảo vệ để khi lâm chung mình được phước phần vãng sanh. Cho nên mong chư vị phải chú ý, mục đích của mình niệm Phật là để được vãng sanh thành đạo, chứ đừng vì một lý do gì khác.
Trong mấy ngày trước có một vị đã bị ung thư tới thời kỳ chót đến Niệm Phật Đường niệm Phật cầu cho hết bệnh. Thật lâu mới thấy tới Niệm Phật Đường một lần để cầu nguyện, rồi lặng lẽ ra về. Vị này chưa hiểu gì về đạo vãng sanh, đã biết chắc chắn phải chết mà còn sợ chết, gia đình thì không tin tưởng Phật pháp, không ai chịu hổ trợ việc hộ niệm vãng sanh. Thật sự chúng ta cảm thấy thương hại vô cùng mà không biết làm sao giúp đỡ!…
Ấn Tổ nói, nếu khi bệnh xuống, mà chư vị phát tâm niệm Phật cầu xin cho hết bệnh thì nhất định sẽ mất phần vãng sanh. Xin hãy lắng nghe cho thật kỹ lời dạy của Tổ. Ngài nói chư vị thực sự muốn đi về Tây-Phương, nếu có gặp một căn bệnh ngặt nghèo thì không buồn, không sợ, nhờ vậy mà tinh thần sẽ vững vàng, nhiều khi vui mừng nữa là khác. Tại sao vậy? Tại vì ta sắp được về Tây-
Phương gặp A-Di-Đà Phật rồi, sớm được giải thoát khỏi cái hầm phân nhơ bẩn rồi, sớm xa lìa cõi Ta-Bà khổ ải này rồi. Ngài nói: “Ví như ngày hôm nay ta chết đi thì ta về miền Cực-Lạc liền, có lý do gì mà phải hẹn đến ngày mai. Dẫu cho sống thêm 120 tuổi cũng đâu có gì phải mừng đối với người muốn vãng sanh thành đạo”. Nếu chư vị có được tâm niệm này thì rất dễ tương ứng với đại nguyện của A-Di-Đà Phật.
Ở Việt-Nam có rất nhiều người vãng sanh. Những người nghèo khó hàng ngày đi bán bánh ú ngoài đường để kiếm tiền sống tạm từng bữa, vậy mà rất dễ vãng sanh. Một ông ăn xin lê lết ngoài đường, cuộc sống quá khổ, khi bị bệnh, đồng tu thấy thương tình tới hộ-niệm cho ông. Ông nói:
- Chư vị ơi!… Làm sao giúp cho tôi chết sớm đi, cuộc đời tôi khổ quá rồi!.. Tôi không muốn sống nữa.
Khi ông tha thiết muốn được chết sớm, thì người hộ niệm nói:
- Không chết!… Không chết!…
- Nếu không chết thì tôi còn tiếp tục chịu khổ nữa sao!…
- Không khổ!… Không khổ!… Ông không chết, nhưng ông vãng sanh về miền Cực-Lạc. Bao nhiêu năm tháng qua ở đây ông chịu khổ nhiều quá rồi. Như vậy, coi như ông đã trả gần hết nghiệp rồi đó. Vì đời trước ông làm nhiều điều tệ hại, đời này ông phải chịu nạn. Ông chịu nạn càng nặng thì nghiệp chướng của ông càng nhẹ đi. Bây giờ ông đã chán cuộc sống khổ sở này rồi, thì hãy lấy tất cả lòng chân thành niệm Phật, tha thiết cầu nguyện đi về Tây-Phương với Phật để hưởng đời an vui cực-lạc nhé. Hãy chắp tay lại niệm:
“Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây-Phương ngay ngày hôm nay” đi nhé. Thành khẩn mà nguyện.
Người ta dạy cho ông ta như vậy, rồi ông ta làm theo:
- Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con được về Tây-Phương
Cực-Lạc liền đi Phật ơi!...
Chỉ như vậy thôi, mà ông ra đi để lại thoại tướng bất khả tư nghì, bất khả tư nghì.
Còn chúng ta ở đây, có lẽ sướng quá, chưa thấy khổ nên chưa thấy chán cõi Ta-bà. Xin thưa thực, có người tu học theo Phật Giáo mà không dám nguyện vãng sanh, nhiều khi nguyện láo. Hoặc vì không tin lời Phật dạy, hoặc vì thâm tâm còn sợ chết!… Rõ ràng,
“Đắc thất nan truy họa phước”, được mất chưa biết đâu là phước hay họa. Người được sống ở nước ngoài đang hưởng phước mà cuối cùng lại dễ bị họa. Những người khổ sở hình như đang bị họa, nhưng nếu gặp được cơ duyên họ dễ lấy cái họa đó mà chuyển thành phước. Rõ ràng “Họa-Phước vô môn, duy nhân tự triệu”. Họa-Phước không có tự tánh, chỉ do tự con người chiêu cảm lấy... Trong kinh Phật nói: “Nhược năng chuyển cảnh tức đồng Như-Lai”. Hay quá chư vị ơi!… Người ta thực sự đối diện với cái khổ nên thực sự chán cảnh khổ, dễ chuyển cảnh giới khổ cực này để đi về
Tây-Phương thành đạo, hưởng đời đời an vui cực lạc. Còn những người ở nước ngoài không thực sự đối diện với cảnh khổ, họ lấy cảnh vui giả tạm làm vui thực mà chờ đợi cảnh giới đau khổ não nề trong tương lai!…
Chúng sanh sao mà lười biếng việc giác ngộ quá!… Những năm tháng vừa qua mới sống trong những nơi nghèo khổ, chiến tranh triền miên, bom rơi đạn lạc, nhà tan cửa nát… khổ muốn chết luôn! Vậy mà vừa mới đó đã liền quên hết. Những cảnh khổ hiện ra ngay trong đời này mà đã quên rồi, thì hãy nghĩ thử, trong nhiều đời nhiều kiếp khác mình bị nạn trong ba đường ác làm sao còn nhớ. Lúc còn đang bị đọa lạc, sự khổ đau nói sao nên lời! Sanh tử luân hồi khổ đau bất tận!… Nhưng qua một cuộc cách ấm thì quên hết trơn rồi, chúng sanh lại tiếp tục mê mờ lăn xả vào việc tạo nghiệp để chuẩn bị nhận quả báo khổ đau mới trong tương lai. Nếu biết ngộ ra sự thực này, thì chúng ta mới biết sợ, sợ đến rợn tóc gáy luôn. Ấn Tổ nói, lo sợ rằng khi ta chết đi bị đọa vào tam ác đạo mà phải lo niệm Phật. Thật thấm thía quá!…
Trở lại vấn đề hộ niệm, nếu ai quen biết với người bệnh sắp chết mà tới Đạo Tràng cầu xin hết bệnh đó, hãy tới giới thiệu cho người ta pháp vãng sanh đi, hãy khuyên người ta niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ đi. Chư vị có thể khuyên họ cùng với gia đình tới đây để Diệu-Âm khuyên hộ cho. Mình thành tâm khuyên người ta vài lời. Nếu họ tin được thì phước đức cho họ. Còn người ta không tin thì tất cả đều phải tùy duyên, chứ không biết cách nào khác hơn. Chư Phật không độ kẻ vô duyên. Người không tin chư Phật độ không được, thì chúng ta làm cách nào khác hơn…
- Chị ơi!… Hãy tới đây niệm Phật và tha thiết cầu xin vãng sanh đi. “Nam Mô A-Di-Đà Phật. Xin Phật cho con về Tây-Phương CựcLạc”… Con biết với căn bệnh này, con chỉ còn sống một tháng nữa là nhiều lắm rồi. Xin Phật thương con cho con sớm về miền CựcLạc.
Nếu người đó phát tâm tin tưởng làm đúng theo, họ sẽ vãng sanh trước mặt chư vị cho chư vị coi. Còn nếu đã đến giai đoạn chờ từng ngày để chết, bệnh viện đã chịu thua rồi, mà cứ khấn nguyện sống thêm được ngày nào hay ngày đó, chạy chữa theo kiểu còn nước còn tát, tâm hồn sợ chết… thì dù cho chúng ta có ngồi bên cạnh niệm Phật cũng không giúp được gì!…
Nói đến đây, Diệu-Âm chợt nghĩ tới những người hộ niệm, có người sau khi trợ duyên được mấy mươi người ra đi được tốt lành, thì họ tự tin mà nói rằng: “Tôi có khả năng cứu người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”. Thật là một lời nói sơ suất!… Xin những người này hãy thành tâm sám hối liền đi. Lời này không đúng đâu, lại mang nặng tính thượng mạn rồi!…
- Nếu người bệnh mà quyết lòng cầu xin hết bệnh, dù chư vị có giỏi cho mấy đi nữa, thì người bệnh cũng mất phần vãng sanh.
- Nếu người bệnh lúc ra đi còn nhớ gia tài, dù chư vị có giỏi cho mấy đi nữa thì người bệnh cũng phải đọa lạc, không thể vãng sanh đâu.
- Nếu người bệnh trước mặt mình thì niệm Phật nguyện vãng sanh. Khi vắng mình rồi, họ nói: “Trời ơi!… Con kiến mà còn muốn sống, thì tại sao lại bắt tôi phải vãng sanh”… Người còn sợ chết, thì dẫu cho người hộ-niệm có giỏi cho mấy cũng đành chịu thua. Nhiều khi, xin thưa thiệt, A-Di-Đà Phật có đứng bên cạnh đó cũng không cách nào cứu người đó thoát vòng sanh tử luân hồi được.
Cho nên, xin chư vị phải hiểu rằng, được vãng sanh hay không là chính ở tại người bệnh. Tập sách “Sức chung Tu Tri” có đâu khoảng 5-6 trang giấy, mà Diệu-Âm đã khai triển hơn mười năm nay rồi. Có những cuộc tọa-đàm được Ban-Ấn-Tống in ra thành một chồng sách như thế này. Có thể nói trên dưới 200 cuộc tọa đàm rồi, Diệu-Âm nói toàn là liên quan đến pháp hộ-niệm không thôi, thế mà vấn đề hộ-niệm vẫn còn nhiều sơ suất. Mong cho người nào có duyên nghe được thì quyết lòng tìm đường vãng sanh, người hộ-niệm thì đi trợ duyên cho đúng pháp.
Bộ thư sách “Khuyên người niệm Phật” dày mấy ngàn trang nói toàn về “Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng sanh”, nhưng chưa đủ gì đâu. Xin chư vị cố gắng nghiên cứu thêm nữa. Có thể hãy bắt đầu xem từ tập sách tọa đàm: “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”. Trong cuộc tọađàm này Diệu-Âm nhấn rất mạnh rằng, một người muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì tự mình phải thực hiện cho đầy đủ ba điều kiện sau đây, nhất định phải đầy đủ:
- Một là lòng tin không được lung lay, lòng tin không được chao đảo, lòng tin không được yếu ớt.
Muốn biết lòng tin này có đủ vững chưa, thì lắng nghe ngài Thiện-
Đạo đại sư nói: Dẫu cho chư Phật trên mười phương phóng đại quang minh bao trùm pháp giới, tới đây bảo ta bỏ câu A-Di-Đà Phật đi, để các Ngài dạy cho một pháp khác vi diệu hơn, ta cũng không bỏ… Thì tín lực đó mới gọi là mạnh. Đây là đại ý lời của Thiện Đạo Tổ Sư nói.
- Hai là cầu nguyện vãng sanh phải tha thiết.
Ngài Ấn-Quang nói: Dẫu cho có người đem cả kho lẫm, tiền tài, của báu trên cả địa cầu này tới đổi việc vãng sanh, ta cũng không nhận. Ta vẫn quyết lòng đi về Tây-Phương, thì đó mới là tha thiết. Chứ còn một người gọi là niệm Phật cầu vãng sanh mà còn nghĩ nhớ đến đứa con không nỡ rời, nhà cửa đẹp không nở xa, xe hơi mới mua không đành lòng bỏ, v.v… Trời ơi!… Còn lưu luyến những duyên vô thường của thế gian này thì làm sao gọi là tha thiết vãng sanh? Tiêu rồi! Tiêu rồi!…
Ấn Tổ nói, người niệm Phật mà không tha thiết vãng sanh về TâyPhương, lại có ý niệm muốn hưởng phước báu ở đời sau, thì không khác gì như người đem viên ngọc Như-Ý đáng giá liên thành đổi lấy tán kẹo của đứa con nít. Đây là lời nói của Ngài ẤnQuang đấy!
- Ba là chuyên lòng niệm Phật.
Học theo Ngài thì mình phải y giáo phụng hành. Niệm Phật theo Ngài thì đây là lời Ngài dạy: “Từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật, không được gián đoạn”. Cần bớt nói chuyện đi để lo niệm Phật. Ví dụ, trong lúc đang tọa đàm như vầy Diệu-Âm không Niệm Phật được. Thành ra Diệu- Âm thèm không nói. Diệu-Âm thèm không đi đâu, chỉ muốn ở nhà niệm Phật. Đây là tình thật. Diệu-Âm không dám sử dụng điện thoại thường, không muốn liên lạc với ai, chính vì tự mình kiểm lại còn quá ít thời gian niệm Phật. Diệu-Âm không muốn ngồi bên máy Computer ngày ngày nhuận văn này nhuận văn nọ. Mấy năm gần đây, mỗi
lần Diệu-Âm nói ra thì có đồng tu ghi lại, viết ra… Còn 2-3 cuộc tọađàm đang chứa đầy trong Computer chờ xem lại. Đây chẳng qua là chút duyên nợ với nhau, nên Diệu-Âm đành phải làm như vậy. Nhưng chúng sanh có chịu nghe hay không? Có chịu đọc hay không? Pháp môn hộ-niệm vi diệu cứu người vãng sanh trước mắt, mà từng người từng người chết đi phải bị đọa xuống tam ác đạo vẫn còn nhiều quá. Làm sao cứu được đây? Hãy phát nguyện tâm cầu vãng sanh mạnh mẽ lên chư vị ơi!…
Phật dạy phàm có sanh thì có tử. Người không chịu niệm Phật cầu vãng sanh thì người ta tử sao tử tùy theo duyên phần của họ, còn mình biết niệm Phật thì hãy quyết lòng cầu vãng sanh về Tây-
Phương thành đạo để cứu chúng phàm dân mê muội kia. Nếu chư vị phát nguyện như vậy, thì rõ ràng những lời nói này có giá trị vô cùng. Còn chư vị nghĩ rằng, bao nhiêu người đều phải chết, thì mình cũng phải chịu chết để bình đẳng như mọi người… Thì ôi thôi!… Thua rồi!… Chịu thua rồi!…
Thấy được đường thoát nạn, mong chư vị phát tâm dũng mãnh, quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc để thành Phật, chớ vì cảm tình mà phát tâm theo đoàn người đông đảo để đi vào tam ác đạo… Oan uổng lắm!… Tội nghiệp lắm chư vị ơi!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
- – Hành Theo Ấn Tổ (Lời Trần Bạch)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 01)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 02)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 03)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 04)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 05)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 06)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 07)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 08)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 09)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 10)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 11)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 12)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 13)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 14)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 15)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 16)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 17)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 18)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 19)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 20)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 21)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 22)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 23)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 24)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 25)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 26)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 27)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 28)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 29)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 30)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 31)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 32)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 33)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 34)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 35)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 36)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 37)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 38)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 39)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 40)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 41)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 42)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 43)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 44)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 45)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 46)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 47)
- – Hành Theo Ấn Tổ (Tọa Đàm 48)