Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 43)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 43)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Chương trình tọa đàm sẽ hoàn mãn trong tuần tới, trong thời gian này nếu chư vị có những ý kiến hoặc là câu hỏi nào, xin cho Diệu-Âm biết, bằng cách viết ra để trong cái hộp ở ngoài kia, chúng ta sẽ nhờ đó mà mổ xẻ sâu thêm, nhất là liên quan đến lời khai thị của Ấn Tổ.

Hôm nay có một câu hỏi là:

  • Hàng ngày chúng ta đọc lời Phật dạy, đọc mười điều thiện, rồi nguyện y giáo phụng hành. Nhưng tôi làm không được, thì nguyện như vậy có tội hay không? 
  • Xin thưa rằng: Có tội.

Nếu mình làm không được ba lời Phật dạy, mình phạm đến mười điều thiện thì mình có tội. Nhưng nếu hàng ngày mình không đọc, cũng không nguyện y giáo tu hành, thì có tội hay không? Xin thưa rằng: Có tội, mà tội nặng hơn!…

Như vậy, giải đáp chung là có tội, nhưng nặng hơn và nhẹ hơn mà thôi. Mười điều thiện của Phật dạy là Tánh-Tội. Đã là Tánh-Tội thì bất cứ người nào vi phạm cũng đều có tội. Nhưng chư vị cũng nên nhớ, ngài Triệt-Ngộ nói rằng tội chướng không có tự tánh, nghĩa là tự nó không chủ động được. Vì tự nó không chủ động, nên có thể điều phục được. Điều phục bằng cách nào? Ấn Tổ dạy: “Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối”. Chúng ta sám hối bằng cách ngày ngày đọc lời dạy của Phật, đọc mười điều thiện của Phật đưa ra. Mỗi lần đọc thì tự nhiên chúng ta giựt mình, tỉnh ngộ, lo tu sửa. Nhờ sự cảnh tỉnh và tu sửa này mà nghiệp chướng sẽ tiêu giảm, tiêu giảm dần. Như vậy người nào phạm tới mười điều thiện, tức là phạm tội thập ác, dù có đọc hay không đọc cũng đều có tội. Nhưng mỗi lần đọc mười điều thiện lên, chúng ta có dịp hổ thẹn, sám hối, tu sửa, cải thiện… nhờ thế mà tội chướng tiêu trừ, phước lành tăng trưởng, nhắc nhở chúng ta hãy quyết tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ.

Chư vị nên nhớ rằng, tất cả tội chướng cũng như phước lành của chúng ta là tự chúng ta tạo ra, thì tự chúng ta phải nhận quả báo, không ai có thể thay ta làm cho nó tiêu đi hoặc tăng thêm. Tất cả tội hay phước do chính chúng ta tự gánh vát lấy. Hãy tưởng tượng như ta đang gánh một gánh trên vai, một bên là phước, một bên là tội, hễ bên nào nặng hơn sẽ kéo chúng ta nghiêng về hướng đó. Tất cả đều là của chúng ta hết. Như vậy nếu đó là tội chướng của chúng ta, mà chúng ta không biết tìm cách sửa đổi, sám hối, ngăn che, thì tội đó càng ngày càng lớn, nó sẽ kéo chúng ta theo đường tội ác, tương lai chắc chắn chịu khổ nạn.

Đã làm tội thì tội vẫn còn đó, nhưng nếu chúng ta biết ngăn chận, biết sám hối, biết tu sửa nghĩa là đoạn ác, rồi tìm cách tăng điều phước thiện lên, thì bên phước thiện càng ngày càng nặng dần lên. Nếu phước thiện nặng hơn tội chướng thì nó sẽ kéo chúng ta về con đường thiện lành.

Ở trong đạo Phật chúng ta có một lễ gọi là “Tự-Tứ”. Lễ Tự-Tứ, có nơi gọi là “Tùy-Ý”, là một buổi lễ tự mình nói lên lỗi lầm của mình mà sám hối. Đây là việc làm của chư Tăng-Ni, khó quá!… Ở đây chúng ta không có lễ Tự-Tứ, nên thay thế bằng cách mỗi đêm đọc bảng:

Lời Phật Dạy:

  • Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người.
  • Khéo giữ thân nghiệp không phạm oai nghi.
  • Khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh không nhiễm.

Mười Điều Thiện:

  1. Không sát sanh.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không tà dâm.
  4. Không nói dối.
  5. Không nói lời thêu dệt.
  6. Không nói lời đâm thọc.
  7. Không nói lời thô ác.
  8. Không tham lam.
  9. Không sân giận.
  10. Không si mê.

Đệ tử chúng con nguyện y giáo tu hành.

Mỗi buổi cộng tu chúng ta đều đọc như vậy là để tự nhắc nhở mình, và cũng có ý nghĩa là tự mình “Tự Tứ” lấy. Đây là cách tiêu lần nghiệp chướng, tăng lần phước thiện. Phước thiện càng ngày càng tăng lên, thì cán cân sẽ nghiêng về bên phước, sẽ kéo chúng ta về đường phước thiện.

Sám hối niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc thì chúng ta dễ vãng sanh dưới diện “Sám-Hối Vãng sanh”. Thật hay vô cùng. Phật nói dẫu cho một người phạm tội ngũ nghịch thập ác, nếu kiệt thành sám hối, niệm Phật đều có thể vãng sanh Tây-Phương CựcLạc. Với diện này, do lòng kiệt thành sám hối, họ chuyển tâm phàm này thành tâm Phật, họ vãng sanh nhiều khi thượng phẩm. Thật bất khả tư nghì.

Thập ác là gì? Chính là làm ngược lại với mười điều thiện. Ngũ nghịch là tội: giết cha, hại mẹ, giết A-La-Hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu, toàn là tội bị đọa địa ngục A-Tỳ, nhưng quyết lòng sám hối niệm Phật vẫn được vãng sanh.

Điều quan trọng là chúng ta dám mạnh dạn đối diện với sự thực hay không? Dám kiệt lòng sám hối hay không? Nếu xét rằng mình có sai lầm, thì càng đọc nhiều hơn nữa, đọc cho nhiều lên, đọc lên để thấy hổ thẹn mà lo sửa chữa, chứ tại sao lại không dám đọc. Ấn Tổ nói, “Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối”. Khi đọc đến mười điều thiện mình cảm thấy hổ thẹn, tức là mình sám hối đó. Có sám hối thì tự nhiên phước báu của mình tăng lên. Do đó, xin chư vị đừng nên lo sợ nữa. Đã là tánh tội rồi thì dù có đọc hay không, có thọ giới hay không, đều phải có tội. Vậy thì tốt nhất chúng ta hãy đọc hàng ngày để tu sửa, tiêu trừ tội chướng, phước huệ tăng trưởng vậy.

Hòa Thượng Tịnh-Không đưa ra năm khoa Tịnh-Độ cho người niệm Phật nương theo. Năm khoa Tịnh-Độ là: Tam-Phúc, Lục-Hòa, Tam-Học, Lục-Độ và Thập-Đại Nguyện-Vương của Phổ-Hiền BồTát. Mười điều thiện chỉ là một mục trong 11 mục của khoa đầu tiên là Tam-Phúc mà thôi, thế mà có người còn cho rằng sao lại gìn giữ nhiều điều quá vậy?…

Tam phúc chỉ là một khoa trong năm khoa Tịnh-Độ. Mười điều thiện chỉ là một phần rất nhỏ trong tam-phúc. Mình chỉ giữ có mười điều thiện, như vậy liệu rằng chúng ta có thực hiện được con đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc không? Xin thưa với chư vị, Ấn Tổ đã xác định rằng là, nếu tu hành đúng theo như vậy, thì sau cùng nhất định được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Phải chăng lời khai thị ngắn ngủi của Ngài hình như đã hàm nghĩa đủ cả năm khoa mục của ngài Tịnh-Không dạy mà chúng ta không hay chăng?

Ví dụ như Ngài nói: “Trên kính dưới hòa”, đây chính là lục hòa kính đó. Cách nói của Ngài đơn giản, nhưng thực ra chữ kính này là lục kính đấy, chữ hòa này là lục hòa đấy. Trên kính dưới hòa cũng liên quan đến tịnh nghiệp tam phước, rõ ràng nhất là nghĩa “Phụng Sự Sư Trưởng”. Phụng sự sư trưởng chính là trên kính dưới hòa. Kính trọng người trưởng thượng, hòa mục người trẻ tuổi. Trên kính dưới hòa còn có nghĩa kính nhường chúng sanh, phụng sự chúng sanh. Phụng sự chúng sanh chính là hiếu dưỡng cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của mình. Càng khai triển rộng ra, càng thấy rõ rệt lời khai thị của Ấn Tổ hàm chứa vạn pháp mà mình không ngờ. Cho nên chúng ta hãy cố gắng y giáo phụng hành lời Ngài dạy đi mới thấy điều lợi lạc.

Trong kinh Phật có câu: “Nhất giả, nhất thiết dã. Nhất tu nhất thiết tu”. Một là tất cả. Tu một môn thì vạn môn đều tu. Chính vì thế, tu hành cần chuyên nhất. Tu pháp nào một pháp thôi mà thành đạt thì tất cả vạn pháp đều từ trong một pháp đó mà ra. Ví dụ như chúng ta niệm Phật, cứ một câu Phật hiệu mà niệm từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, khi thành tựu thì vạn pháp không ngoài câu ADi-Đà Phật. Trong câu A-Di-Đà Phật không sót một pháp môn nào. Chính vì thế Phật nói, câu A-Di-Đà Phật chính là “Pháp Giới Tạng Thân”, tức là một câu A-Di-Đà Phật đã bao trùm pháp giới, là kho tàng chứa cả vũ trụ hư không, không có pháp môn nào nằm ngoài câu A-Di-Đà Phật.

Tu Thiền Định cũng vậy. Một người thực hành Thiền Quán mà đạt đến cảnh “Minh Tâm Kiến Tánh”, nhập vào Đại Định rồi thì tất cả các pháp môn cũng nằm trong đó luôn, không khác.

Niệm Phật “Nhất-Tâm Bất-Loạn” là đại định. Thiền Quán đến “Minh Tâm Kiến Tánh” là đại định, tiến đến cảnh giới này thì ngoại người ta không tranh, nội người ta không động. Đây chính là đạt đến tâm thanh tịnh vậy.

Tu một pháp môn nào mà thành tựu thì cũng đưa đến chỗ tâm thanh tịnh. Vậy thì niệm Phật cũng là tu tâm thanh tịnh, tu thiền cũng là tu tâm thanh tịnh, niệm chú cũng là tu tâm thanh tịnh… Chân-Tâm Tự-Tánh là điểm về đã có sẵn, nhưng đường đi thì vạn nẻo. Đường nào thích hợp cứ giữ một đường mà đi thì dễ dàng thành tựu. Tất cả vạn nẻo đi, Phật nói niệm Phật là đệ nhất. Khi tới đích rồi thì tất cả đều là một.

Ví dụ cụ thể hơn, như nói về lục độ. Lục độ vạn hạnh có: BốThí, Trì-Giới, Nhẫn-Nhục, Tinh-Tấn, Thiền-Định, Bát-Nhã, thì những lời khai thị của ngài Ấn-Quang cũng chỉ điểm đến lục-độ này. Ngài nói, “Nhẫn nhục những điều mà người khác khó nhẫn”. Nhẫn nhục ở trong lục-độ. Tất cả vạn pháp bắt đầu từ chữ Nhẫn mà hành. Bố-Thí, Trì-Giới, Tinh-Tấn, Thiền-Định, Bát-Nhã đều có thể lấy chữ “Nhẫn-Nhục” làm đại biểu, phải từ chữ “Nhẫn-Nhục” mà đi. Còn Trì-Giới, thì giữ mười điều thiện này là giới, y giáo theo lời khai thị của ngài Ấn-Quang là giới, giữ đúng nguyên tắc của pháp niệm Phật là giới. Tất cả đều là Trì-Giới. Hòa Thượng Tịnh Không nói, giới không phải chỉ là giữ năm giới hay là mười giới, mà giữ giới của đạo tràng mới đúng là Trì-Giới. Khi giữ giới của đạo tràng thì đã hàm nghĩa giữ tất cả các giới luật, vừa hòa hợp với đại chúng, tức là Lục-Hòa-Kính, vừa tu được Giới-Định-Huệ, tức là Tam-Học, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ hoàn thành mười đại nguyện của đức Phổ-Hiền… Rõ ràng một là tất cả, tất cả là một.

Người phàm phu nên chọn đường nào một đường mà đi để thành tựu tất cả. Đây là điều thích hợp nhất, dễ thành tựu nhất.

Chư Phật, Chư Bồ-Tát thuận theo duyên chúng sanh mà lập ra hạnh nguyện độ sanh. Có vị lập ra bốn nguyện, có vị lập tám nguyện, có vị lập ra mười nguyện, có vị lập ra 48 nguyện… Tất cả hạnh nguyện đều có mục đích chung là cứu độ chúng sanh, lời khác nhưng dụng ý thì tương đồng. Hòa Thượng Tịnh-Không thường hay nói: 48 đại nguyện của Đức A-Di-Đà, mỗi một nguyện đều bao gồm những nguyện khác, thì bây giờ chắc chư vị có lẽ cũng hiểu ra được phần nào ý nghĩa lời nói của Ngài. Cách nói cũng giống như khi ta tìm hiểu về lời khai thị của Ấn Tổ, tuy đơn giản nhưng chúng ta lại thấy nó bao gồm tất cả các nguyện khác trong đó. Chính nhờ vậy mà sau cùng người thực hành mới được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Tứ Hoằng Thệ Nguyện của đức Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni khai triển ra là 48 đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật. 48 đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật gom lại là một nguyện thứ 18. Một nguyện thứ 18 lại bao gồm tất cả ý nguyện độ tận chúng sanh của chư Phật.

Rõ ràng các nguyện đều bao dung nhau. Cho nên thường thường chư Tổ khuyên chúng ta, tu hành chỉ nên khởi phát bằng một điểm, đường nào đi một đường, cũng giống như đối trước một mớ tơ vò rối beng, muốn gỡ rối thì đừng nên kéo mối này, trì mối nọ lung tung, mà hãy chọn mối nào một mối thôi, từ từ lần tới thì sẽ gỡ ra hết cả đống tơ vò.

Tâm trí người phàm phu mê muội, mù mịt như đống tơ vậy, hãy chọn một đường đi vững chắc thì có ngày tâm chúng ta được khai ngộ. Hãy cố gắng y theo lời khai thị của Ấn Tổ quyết lòng tu hành. Niệm một câu A-Di-Đà Phật nhất định thành đạo Vô-Thượng.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –