Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 12)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 12)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ấn Tổ dạy: “Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn. Hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm”.

  • Không biết ở đây, có chư vị nào thực hiện được điều này chưa? Có người nào dám bảo đảm là đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chỉ niệm câu A-Di-Đà Phật không để gián đoạn trong tâm. Ở đây có ai làm được chưa?
  • Chưa!…
  • Diệu Âm cũng xin thành thực nói “Chưa” luôn!…

Thưa chư vị, vì chưa làm được điều này, nên đường vãng-sanh của chúng ta chưa phải là chắc chắn đâu. Đây là điều mà Ấn Tổ răn nhắc cho chúng ta. Những người đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không gián đoạn mà Ngài còn nói: “Ngoài việc niệm Phật đừng có khởi một niệm nào khác”. Một người có công phu niệm Phật được như vậy rồi, mà Ngài còn nhắc đừng có khởi vọng niệm khác, phải có lòng hổ thẹn, tức là tự xét xem mình có làm điều gì sai trái không, đừng bao giờ nói lỗi của người khác… huống chi là chúng ta chưa niệm được như vậy!… Nghĩa là Ngài khổ tâm răn dạy từng chút từng chút  cho chúng ta đó.

Lời khai thị này người ta đã ấn tống rất nhiều. Chúng ta có đọc qua, nhưng không để ý nên nhiều khi không hiểu thấu điều chính yếu gói ghém bên trong. Ngài nói những người đã giữ tâm trong câu A-Di-Đà Phật niệm liên tục từ sáng đến tối, công phu tốt như vậy đó mà Ngài còn nói:

  • Đừng có khởi vọng niệm nhé!…
  • Phải biết hổ thẹn nữa nhé!…
  • Sám hối nữa nhé!…

Thì mới bảo đảm con đường vãng-sanh. Chỉ có những người nào phước báu lớn lắm trên thế gian này, không bận bịu việc làm mới có thể thực hiện được chuyện này, chứ đâu phải đơn giản. Thật sự chúng ta chưa làm được chuyện này, thì xin chớ vội bất cẩn nghĩ rằng mình chắc chắn được vãng-sanh. Thường thường các Niệm-Phật-Đường, các Đạo-Tràng người ta tổ chức Kiết-Thất, Phật-Nhất, Phật-Nhị, Phật-Tam… Để dành thời gian đó mà nhiếp tâm vào câu A-Di-Đà Phật. Các Ngài không cho mở lời nói chuyện. Quyết không cho mở lời nói chuyện. Có nhiều nơi người ta đóng cửa, nghĩa là ngoại bất nhập, nội bất xuất, để dành trọn thời gian đó mà định tâm vào câu A-Di-Đà Phật. Mình cần phải nhiếp tâm lại niệm Phật. Chư vị biết không? Nói một lời ra, nhiều khi từ cái miệng này nó tuôn ra không biết bao nhiêu công đức. Vì thế, người nói nhiều là người dễ bị tổn đức, mất phước. Lời nói vô ích thì nó tuôn công đức ra, nhưng lại nhập nghiệp chướng vào. Tự mỗi người cần cố gắng thanh tịnh khẩu nghiệp mới tốt.

Tục ngữ có câu: “Bệnh từ miệng nhập, họa từ miệng xuất”. Khi học Phật, những chướng nạn thường từ miệng xuất phát ra. Khẩu nghiệp tạo nên nghiệp chướng, tạo nên sự đấu tranh, thị phi, ganh tị… Những mối họa hại từ đó mà sanh ra. Cũng từ cái miệng này, nếu ta niệm Phật thì quả báo lại khác. Khi niệm Phật thì tuôn nghiệp chướng ra, và nhập công đức vào. Do đó, Ấn Tổ dạy là từ sáng đến tối từ tối đến sáng chỉ niệm câu Phật hiệu, chứ đừng nói chuyện gì khác. Cứ niệm A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật.

Nhìn lại Đạo-tràng của mình, chư vị nghĩ coi ở đây có phải mình đang áp dụng thời khóa tu tập giống như lời dạy của ngài ẤnQuang không? Diệu-Âm đã âm thầm lặng lẽ tìm cách làm sao thực hiện cho được lời dạy của Ấn Tổ, một năm 365 ngày quyết lòng niệm Phật. Còn đại chúng, thì ít ra cũng nên có một thời gian để kiết thất được, nhiếp tâm được, buông xả vạn duyên để niệm Phật. Ráng cố gắng lên. Những ngày kiết nhật như thế này, nếu chư vị thực sự muốn đến đây niệm Phật để cầu một đời này được vãngsanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì chư vị sẽ trân quí những thời gian kiết nhật, Phật-Nhất, Phật-Nhị này. Diệu-Âm còn muốn tiến lên nữa là tổ chức Phật-Tam, 3 ngày tịnh khẩu niệm Phật. Từ từ tiến lên. Ở các nơi người ta kiết thất được, nghĩa là bảy ngày niệm Phật được, mình ở đây mới chỉ có một ngày tịnh khẩu mà giữ khẩu nghiệp chưa được, cứ mở miệng nói chuyện hoài làm cho bao nhiêu công đức bị tuôn ra hết!… Xin hỏi rằng, vậy thì làm sao đến lúc lâm chung mình được an toàn vãng-sanh?…

Hồi sáng này chư vị có nghe qua câu chuyện ngài Ấn-Quang đại sư đã kể lại một người đã niệm Phật 25 năm, ngày nào cũng niệm Phật cả. Bao nhiêu người đều kính nể, tưởng rằng ông này ngon lành. Nhưng sau cùng trước những giờ phút ra đi, khi người ta tới hộ-niệm thì ông nhức đầu và đuổi người ta ra. Người ta tới hỏi Ấn Tổ:

  • Người đó có được vãng-sanh không?… – Không!…
  • Có được trở lại ba đường lành không?…
  • Không!…

Ngài trả lời hai chữ “Không”. Khi nghe Ấn Tổ trả lời như vậy chư vị có giựt mình không? Ngài nói không trở lại được con đường lành. Dễ sợ quá!… Tại sao vậy? Tại vì người này niệm Phật mà không gìn giữ thân khẩu ý thanh tịnh. Cái tâm cống cao ngã mạn đã khởi ra từ lúc niệm Phật. Ngài biết rồi… Những người niệm phật trên hình thức cứ tưởng rằng mình ngon, nhưng thực ra niệm Phật xong rồi ra nói chuyện thị phi, cạnh tranh, ganh tị… Thấy vậy, Ngài nói người này không được vãng-sanh đã đành, mà còn mất phần trở lại trong ba đường thiện nữa. Quá sức sợ!… Sợ vô cùng!… Ngài Quán-Đảnh đại sư răn nhắc chúng ta rằng, niệm Phật mà không buông xả cạnh tranh ganh tị, niệm Phật mà không buông xả chấp trước, niệm Phật mà còn ghét người này ghét người nọ, niệm Phật mà còn tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến lung tung, thì coi chừng bị đọa địa ngục A-Tỳ… Kinh khủng quá!… Dễ sợ quá!…

Do đó, chúng ta phải biết rằng, có những người niệm Phật được vãng-sanh, có những người niệm Phật không được vãng-sanh. Đây là một sự thực quá sức oan uổng. Thường thường Diệu-Âm hay nói, những chỗ tu hành trang nghiêm, nơi đó có thể giúp ta tạo được công đức một cách thù thắng, nhưng nếu sơ ý ta cũng có thể dễ tạo ra nghiệp chướng lớn. Tại vì sao? Những chỗ trang nghiêm thường thường hội tụ những người thành tâm niệm Phật. Nếu tới những chỗ đó mà mình không thành tâm niệm Phật, mình phá hoại công đức của người khác, thì cái tội này nặng lắm. Câu nói: “Ninh động thiên giang thủy, bất động đạo nhơn tâm” là chỉ cho ý nghĩa này. Nghĩa là khuấy động hàng ngàn dòng sông, (ví dụ như bỏ thuốc độc xuống cả ngàn dòng sông, làm cho bao nhiêu loài cá tôm… chết đi), nghiệp này lớn lắm, nhưng vẫn chưa lớn bằng cái tội phá hoại tâm thanh tịnh của một người tu hành niệm Phật. Chính vì thế mà chư Tổ thường thường răn nhắc rằng: Đừng nên nói chuyện!… Đừng nên nói chuyện!…

Phật dạy giữ thân nghiệp không phạm oai nghi trong những chỗ trang nghiêm thanh tịnh. Còn những chỗ không trang nghiêm thanh tịnh thì không quan hệ lắm, vì nơi đó cũng khó tạo nên công đức. Những nơi càng trang nghiêm thanh tịnh chừng nào, nếu biết tu hành thì tạo công đức thù thắng, lớn vô cùng. Nhưng người không biết tu hành, tới đó sơ ý gây xáo động thì tạo tội chướng cũng sẽ lớn lắm.

Ngài Quán-Đảnh đại sư nói, người niệm Phật mà không giữ gìn tâm hạnh, để cái tâm gây loạn động, thì bị đọa địa ngục. Tại sao?… Tại vì chính người niệm Phật là người tạo công đức thù thắng. Nơi tạo công đức thù thắng mà mình tới đó khuấy động lên, mình vừa tạo nghiệp cho chính mình đã đành, mà còn phá mất công đức của người khác nữa nên tội chồng thêm tội. Những đạo tràng trang nghiêm thường có những vị Thiên-Long, Hộ-Pháp bảo vệ, gia trì vào đó. Rất nhiều lần Diệu-Âm nói rằng, với một đạo tràng trang nghiêm mà mình tới nói chuyện, đùa giỡn, gây lộn xộn… thì chư Thiên-Long Hộ-Pháp trừng mắt nhìn mình… Ở Tịnh-Tông Học-Hội, trong nhà bếp người ta để một tượng Thần có cặp mắt lộ ra, trợn lên, một tay chỉ thẳng ra cửa, một tay cầm cái chùy đầy gai đưa lên. Trông dễ sợ lắm!… Đó là biểu tượng răn nhắc chúng ta rằng, dù ở trong bếp hay ở ngoài vườn, trong một Đạo-Tràng trang nghiêm thanh tịnh chúng ta phải cẩn thận giữ gìn, đừng nên sơ ý…  Ở đây ngài Ấn-Quang nói: “Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc… từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm câu Phật hiệu đừng để gián đoạn”. Công phu niệm Phật như vậy rồi mà còn chưa chắc, huống chi chúng ta chưa niệm được như vậy. Vậy thì xin chư vị hãy cố gắng phát tâm niệm Phật nhiều hơn nữa, nếu thực sự muốn vãngsanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Ở đây chúng ta có lập ban hộ niệm, nhưng Diệu Âm cũng luôn luôn thưa với chư vị rằng, đừng bao giờ ỷ lại vào ban hộ niệm. Nên nhớ, ban hộ niệm chỉ trợ duyên được cho mình khi mình thực sự làm được ba điều:

  • Một là tin tưởng vững vàng: Tín Tâm Thanh Tịnh.
  • Hai là tha thiết nguyện vãng sanh. Đã tha thiết nguyện vãng sanh thì không được để cái tâm mình vọng động. Không được nói chuyện trong lúc tu hành, không được kình cải, không được nói người này xấu người kia xấu. Thân-Khẩu-Ý không được phá giới lung tung.
  • Và ba là, trì giữ câu A-Di-Đà Phật mà niệm từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng.

Nếu chư vị thật sự lo lắng cho huệ mạng của mình, thì những lời của Ấn Tổ đúng là một đại duyên lành trong đời cho chúng ta gặp được đấy. Ngài dạy từng điểm, từng điểm thật đơn giản, nhưng tối hệ trọng cho chúng ta tu tập thành đạo. Khi có dịp triển khai chi tiết ra chư vị mới thấy được đạo lý thâm sâu bất khả tư nghì!… Ngài nói thẳng vào con đường được vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc, tránh khỏi đọa lạc.

Chúng ta có ấn tống các đĩa vãng sanh, chư vị nên xem lại đĩa vãng-sanh của cô Đoàn Thị Minh Hương. Trước khi vãng-sanh, cô đã tự khai ra cơ duyên niệm Phật của mình. Một người hồi nào giờ chưa biết tu hành gì cả. Khi bị ung thư, bất ngờ có được hai tập sách, một tập là “Khuyên Người Niệm Phật” số 1, một tập sách nữa là “Khuyên Người Niệm Phật” số 2 từ một ông xe thồ tặng trên đường chở cô tới bệnh viện. Cô ta đọc hai tập sách đó mà ngộ ra đường vãng-sanh, rồi xin xuất viện tìm tới niệm Phật đường chị Thu-Hương, năn nỉ xin chị Thu-Hương cho cô nhập chúng tu hành để vãng-sanh. Cô ta quyết lòng vãng-sanh. Cô niệm Phật từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng, đi, đứng, nằm, ngồi… đều niệm câu Phật hiệu. Cô không cần gì khác hơn, chỉ quyết lòng, một lòng một dạ niệm Phật cầu vãng-sanh. Cô tha thiết đến nỗi bệnh nằm trên giường, mệt quá, mắt mở không ra, cô tự dùng tay vạch mí mắt ra để tiếp tục niệm Phật. Nhờ vậy thôi mà cô vãng-sanh bất khả tư nghì.

Thấy được vậy rồi, chúng ta phải thực hiện cho đúng lời Ấn Tổ dạy thì ta sẽ được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Còn ta nghĩ rằng về Tây-Phương hay ở đây cũng vậy thôi, thì xin thưa với chư vị, dù hằng ngày tới đây niệm Phật cũng không được ích lợi gì đâu!… Mong chư vị hiểu rõ điều này.

Ngày mai, ngày mốt, ngày kia, trong 48 ngày liên tục nói về lời khai thị này. Mong chư vị hãy mau mau ngộ ra đi… Lời Tổ nói ra cho chúng ta ngộ để được vãng-sanh đó. Nếu chúng ta không chịu ngộ thì thực sự oan uổng lắm. Không chịu ngộ thì không ai có thể cứu ta được. Mong chư vị sớm ngộ ra đạo lý vi diệu, để vãng-sanh thành Phật trong một báo thân này. Nhất định.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –