Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 40)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 40)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hàng ngày chúng ta nghe lời khai thị của Tổ Sư Ấn-Quang, lời khai thị hiền hòa, cụ thể, gần gũi đã kéo chúng ta về với chính mình. Thường thường người mà tâm chưa khai ngộ, thì cái vọng niệm, cái vọng tâm khởi ra mạnh lắm. Trong kinh Phật gọi là: “Tâm Viên, Ý Mã”. Tâm chúng ta lăng xăng, vọng động, giống như con khỉ chuyền từ cành này qua cành khác, không ngồi yên được. Giống như con ngựa chạy lung tung, không có chỗ định. Khi chí thành nghe lời khai thị của Ấn Tổ thì hình như cái tâm của mình được định lại.

Đây là lời khai thị dành cho những người phàm phu tục tử, tâm trí chưa khai mở. Toàn bộ lời khai thị không có nhắc nhở đến một đạo lý gì cao siêu xa vời. Khi nghe lời của Ngài, tâm hồn mình tự nhiên hiền lành lại, trên kính dưới hòa và tự thấy mình hình như vẫn còn nông cạn. Con người thường có tâm vọng động quá nặng nên hay chạy trốn sự thực, không dám chấp nhận sự thực. Khi người ta phê phán mình dở mình không dám sẵn sàng chấp nhận là dở. Là một người nghiệp chướng sâu nặng, nhưng lại cố trốn tránh cái nghiệp của mình… Rõ ràng mình đang sống bằng cái bề trái của sự thật. Lời khai thị của Tổ Ấn-Quang kéo chúng ta trở về với sự thực đó.

Ví dụ như Ngài nói, “Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt tới những hình dạng xấu xa bại hoại”. Để chi vậy?… Để cho cái tâm chúng ta thanh tịnh lại. Tại vì chúng ta cứ thấy người khác làm điều sai, mà quên thấy mình làm chuyện không đúng. Lời dạy hết sức đơn giản. Thấy một người kia bị bệnh, mà không chịu thấy rằng mình cũng là người sẽ bị bệnh. Nhiều khi chính mình đã có bệnh rồi, nhưng lại ái ngại đủ điều, tìm cách che dấu không cho người ta biết… Đây là những bề trái của sự thật mà chúng ta thường thương nó, sống với nó… vô tình chúng ta cứ chạy theo cái vọng niệm đó mà chịu sanh-sanh tử-tử trong lục đạo luân hồi.

Có một lần Diệu Âm tới thành phố Melbourne, Diệu-Âm kể một câu chuyện là có người thấy những người bị ung thư được HộNiệm mà vãng sanh sướng quá, vị đó mới nói:

  • Bây giờ tôi không sợ ung thư nữa. Tôi trông sao cho tôi được ung thư, tại vì có ung thư như vậy thì bác sĩ cho tôi biết ngày giờ tôi ra đi, tôi lợi dụng thời gian đó để vãng sanh. Cho nên nếu mà ung thư thì tôi mừng liền, tôi không sợ.

Có một bà cụ sau khi nghe tọa đàm xong, bà chạy ra bà cầm tay tôi:

  • Chú Diệu-Âm ơi! Chú Diệu-Âm ơi! Tôi mừng quá!… – Bác mừng chuyện gì vậy?
  • Chú ơi tôi đã bị ung thư rồi!…

(Hì-hì!…). Mắc cười quá! Chuyện là bà cụ đó đã bị ung thư, mà bà dấu nhẹm không cho ai hay biết. Rõ ràng trong suốt thời gian qua bà sống bằng cái bề trái của sự thật. Bà giả đò nói cười với mọi người, nhưng trong lòng bà héo hon, lo sợ!… Khi Diệu-Âm nói đến câu chuyện một người thích bệnh ung thư, thì nghe xong bà mừng quá chạy ra gặp tôi nói: – Chú Diệu-Âm ơi, tôi mừng quá. – Chuyện gì vậy bác?

  • Tôi bị ung thư rồi. Mấy năm qua tôi sợ quá, không dám nói với ai. Bây giờ biết rồi… tôi khai hết… Diệu Âm nói:
  • Vậy hả bác?… Tốt lắm! Bác hãy liên hệ với những người này, để họ chuẩn bị tới hộ niệm cho bác vãng sanh nhé.  Bà nói:
  • Tôi nhất định sẽ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Cởi bỏ tất cả những cái gì sai lầm của mình xuống, thì cũng là một người đó thôi mà trong tâm của họ hình như đã biến đổi. Từ một người sợ sệt, lo lắng, u sầu… nhiều khi đêm đêm khóc thầm, bây giờ tự nhiên trở thành một người hoan hỷ, vui vẻ, hạnh phúc… Chuyện này xảy ra hơn một năm rồi, nhưng đến nay Diệu-Âm cũng chưa nghe ai nhắc gì tới bà cụ đó. Có thể bà cụ đã hết bệnh rồi chăng?…

Nhờ biết đổi một ý niệm, mà đã đổi được luôn cả thể chất lẫn tinh thần. Trong Kinh Phật nói: “Nhược năng chuyển cảnh, tức đồng Như-Lai”. Nếu mình có khả năng biết chuyển đổi hoàn cảnh, chuyển đổi những gì mình cho là buồn, là sầu, là dở, là hư xuống. Hãy chấp nhận sự thực, hãy coi nhẹ vạn duyên, thì nhiều khi vấn đề nào đó mình tưởng là quá khó khăn, nhưng không ngờ lại dễ giải quyết vô cùng.

Cách đây 3 năm, có một cô kia bị một cái nạn làm cho cô sợ hãi đến nỗi không còn sức sống nữa. Đó là tình trạng cô bị những người vong theo cô quấy phá trong suốt 5 năm trường. Qua điện thoại, cô nói:

  • Trời ơi! Chú Diệu-Âm ơi!… Chắc con chết mất đi thôi, không còn cách nào sống được!…

Tôi hỏi:

  • Chuyện gì vậy? 

Cô kể lại sự việc như trên. Thấy cô quá căng thẳng, Diệu-Âm mới nói lời an ủi:

  • Chuyện này nhỏ xíu thôi, có gì đâu mà lo sợ dữ vậy? Vấn đề này có thể từ từ giải quyết được. 

Cô tưởng tôi chưa hiểu thấu vấn đề, nên viết một email thật dài kể lại thật chi tiết sự việc đã xảy ra. Đọc thư đó, Diệu-Âm thấy rõ ràng hơn và dự định sẽ lần lượt viết ít ra cũng 10 lá thư mới từ từ khuyên giải dần, hy vọng sau 10 thư có thể giải quyết được vấn nạn. Nhưng không ngờ, mới viết có 1 lá thư thôi, mà cô đã tự hóa giải được.

Đầu tiên Diệu Âm khuyên cô:

  • Hãy coi chuyện này rất là đơn giản, chứ không có gì nặng lắm đâu. Hãy thoải mái, hãy cười hè hè đi. Trải qua 5 năm trường rồi mình bị tình trạng này, thì đến nay nếu còn bị tình trạng này nữa thì cũng không có chết đâu mà sợ. Hãy coi nhẹ đi…

Có những lần cô tới một chùa đó để tu tập, đêm đến trong khi người ta thì ngủ ngon lành, còn cô thì suốt cả đêm bị những vong linh quậy phá chịu không được. Cô than rằng:

  • Sợ quá chịu không nổi!… Chắc chết mất đi thôi!…

Đến khi câu chuyện được kể lại, Diệu-Âm nói:

  • Đâu có gì quá đáng đến nỗi phải chết? Tất cả đều do tại mình sơ ý tạo ra đó thôi!…

Lý do tại đâu? Lời nguyện sai lầm!… Vậy mà suốt những năm qua cô không chịu nói ra cho một người nào biết cả. Diệu-Âm nói với cô:

  • Hãy yên chí đi. Vấn đề chỉ vì mình phát tâm nguyện sai lầm! Nghe nói chúng sanh trong địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh khổ quá, vì tâm tánh quá từ bi mà phát ra lời nguyện cứu độ các vị đó thoát khổ. Tâm nguyện quá tha thiết nên đã cảm ứng, các vong linh theo lời nguyện mà tìm tới. Nên nhớ, chúng sanh trong các cảnh giới đó quá khổ, họ mong chờ có người cứu vớt. Mình phát tâm cứu họ thì họ theo mình. Khi họ theo mà mình không cứu họ được. Ngược lại, khi thấy họ hiện ra mình lại sợ mất hồn mất vía, thì làm sao mà cứu được người ta đây?… Cô hỏi:
  • Bây giờ làm sao đây chú?
  • Trước kia nguyện sai lầm, thì bây giờ xin nguyện lại. Đơn giản vậy thôi, chứ có gì đâu mà lo sợ dữ vậy!

Nguyện làm sao? Hãy nói rằng:

  • Chư vị ơi!… Hồi trước tôi mê muội quá!… Tôi không biết điều hư thực, nên tôi nguyện sai lầm!… Tôi thực lòng muốn cứu chư vị, nhưng với năng lực phàm phu này tôi cứu không được. Bây giờ tôi xin nguyện lại rằng, sẽ đem công đức của tôi có được hồi hướng hết cho chư vị. Còn chư vị phải lo tự niệm Phật lấy, nhờ Phật lực gia trì đưa chư vị về cảnh Tây-Phương Cực-Lạc mới thành tựu sự giải thoát. Còn khả năng của tôi chỉ có cách hồi hướng công đức cho chư vị thôi, chớ không biết làm gì khác hơn được.

Hãy nói lại rõ ràng với người ta, đừng nên sợ nữa. Thực tế họ là những người đáng thương, chứ không phải đáng sợ đâu.

Cô ta nghe lời và đã làm như vậy. Không ngờ, chỉ mới viết một lá thư thôi, chưa viết tới lá thư thứ hai, thì cô đã báo rằng, vấn đề đã giải quyết xong rồi…

Chư vị thấy đó, một vấn đề tưởng rằng quá rắc rối, nhưng không ngờ cô đã giải quyết khá nhanh. Nếu một việc khó khăn mà cứ tiếp tục che giấu, thì khó khăn càng thêm khó khăn. Biết bao giờ mới được thoát nạn đây?…

Trở về lời khai thị của Ấn Tổ, mình thấy Ngài nói rất là đơn giản, nhưng trong cái đơn giản đó đã hàm chứa ý nghĩa vô cùng cao diệu. Ngài ngầm bảo chúng ta phải trở về với chính thực trạng phàm phu của mình. Ngài nói: Dẫu có tu hành thì cũng phải tự hiểu công phu của mình hãy còn nông cạn…, đây là Ngài khuyên hãy trở về với thực trạng phàm phu của chính mình đó. Một người thấy công phu còn nông cạn, trí huệ còn mê mờ, nghiệp chướng còn sâu nặng, thì… – Làm sao mà dám mơ tưởng đến ngày chứng đắc? – Làm sao còn dám khoe tâm hồn an tịnh? – Làm sao dám khoe tâm này đã khai mở?

– Làm sao dám khoe mình được vào đại định?…

Là thân phận sanh tử phàm phu mà mơ tưởng đến những cảnh giới chứng đắc của đại Bồ-Tát, thì dẫu có mơ trong vô lượng kiếp nữa cũng không được đâu!… Vậy thì hãy mơ điều gì thực tế một chút mới tốt: Mơ rằng  mình vẫn còn là phàm phu nhưng vẫn có cơ hội được vãng sanh Tây phương cực lạc. Đây chính là những điều dạy trong lời khai thị của Ấn Tổ, một lời khai thị minh bạch, thực tế, dễ chấp nhận… ai cũng có thể thực hiện được. Khi tự biết mình là hàng phàm phu rồi, thì tự nhiên tâm tính sẽ khiêm cung, gọi là “Trên kính dưới hòa”, tự nhiên ngày đêm, đêm ngày không dám lơ là việc niệm câu A-Di-Đà Phật.

Bây giờ đây xin bộc bạch ra rằng, tại sao những năm qua DiệuÂm rất thẳng thắn, rất cứng rắn khuyến cáo những người niệm Phật mà ưa nói chuyện, nhất là khi đã vào trong Niệm Phật Đường rồi, đã ngồi trong chánh điện rồi mà còn nói chuyện. Nói chuyện trong chánh điện là một việc sai lầm vô cùng, một lúc tạo nghiệp cả về Thân-Khẩu-Ý. Hành động vô ý nầy tạo lỗi khinh thường luôn cả chư Thiên-Long Hộ-Pháp, tạo tội cống cao ngã mạn!.

Tại sao lại cống cao vậy?… Tại vì không chịu trở về với thực tế của chính mình là một người phàm phu tội chướng sâu nặng. Những tội chướng này, nếu không chịu phủ phục, sơ ý tạo duyên cho chúng khởi lên thì đành phải chịu đại nạn!… Chính vì vậy mà ngài Ấn-Quang nói, “Từ sáng đến tối, từ tối đến sáng lo niệm câu A-Di-Đà Phật không gián đoạn”, để tâm của mình tách rời nghiệp chướng ra, đừng nên kéo lôi nghiệp chướng theo. Nếu mình không bám sát vào câu A-Di-Đà Phật, thì nhất định vọng ngôn, vọng niệm, vọng tưởng sẽ kéo mình vào vòng của nghiệp chướng, nghĩa là mình sẽ phải theo nghiệp mà thọ báo trong sáu đường sanh tử luân hồi đấy. Một người bình thường, hình tướng hiền hòa không có gì đặc biệt, nhưng mà họ biết rời nghiệp chướng ra, biết bám sát theo đại nguyện của A-Di-Đà Phật, họ có thể vãng sanh.

Hễ bám sát theo cái gì thì đi theo cái đó mà hưởng thọ. Như vậy, chúng ta hãy tập bám sát theo đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật đi nhé. A-Di-Đà Phật phóng quang cứu mình, mình quyết lòng đi theo Ngài, tự nhiên hai ý nguyện sẽ hợp nhau. Nguyện của mình muốn đi theo A-Di-Đà Phật gọi là tự-lực. Nguyện của Ngài muốn cứu độ chúng sanh gọi là tha-lực. Tha-lực và tự-lực kết hợp với nhau đưa chúng ta vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là yếu tố quan trọng, vững chắc, hợp lý, hợp cơ.

Bây giờ xin chư vị đọc lại lời khai thị của ngài Ấn-Quang sẽ thấy rõ điều này. Ngài không bao giờ dạy rằng chư vị phải niệm Phật cho đến “Nhất-Tâm Bất-Loạn” để trí huệ khai mở, để đoạn hết nghiệp-hoặc đi, mới có thể về Tây-Phương được. Tại sao vậy?… Tại vì Ngài muốn chính những người đang nghe lời Ngài dạy, hãy mau mau trở về với thực tại của chính mình, là một người sanh tử phàm phu, tội chướng sâu nặng đi.

Tại sao biết mình là phàm phu vậy?…

  • Tại vì mình đang bệnh mà!
  • Tại vì mình đang nhức đầu mà!
  • Tại vì mình đang khổ não mà!
  • Tại vì mình đang buồn rầu mà!
  • Tại vì mình đang thương ghét mà!
  • Tại vì đang niệm Phật mà cứ nghĩ lung tung mà!…

Như vậy thì cái tâm chúng ta quá động mà chúng ta không hay biết để tìm cách ly xa cái động ra, mà cứ đứng đó mơ mộng đủ thứ cao kỳ. Ly xa bằng cách nào?… Phàm phu tự đoạn phiền não không nổi, thì cứ bám vào câu A-Di-Đà Phật là được. Thích nói chuyện thì nghĩ: À!… nói chuyện làm chi? “Vô ích ngữ ngôn, hựu khai khẩu”. Vô ích ngữ ngôn là lời nói vô ích, chư Tổ dạy, đừng mở miệng ra nói làm chi. Nói nhiều thì tâm của mình duyên theo chuyện thị phi mà bỏ rơi câu A-Di-Đà Phật. Duyên theo chuyện thị phi là đồng nghĩa với bám theo nghiệp chướng. Bám theo nghiệp chướng thì đi theo nghiệp mà thọ nạn. Cho nên “Nhân sinh thù nghiệp” thì sau này dễ bị nạn “Nhân tử tùng nghiệp”. Con người sinh ra để trả nghiệp. Trả nghiệp mà không biết bám lấy câu A-DiĐà Phật để ly xa nghiệp báo, thì khi chết sẽ theo nghiệp báo để thọ khổ trong sáu đường sanh-sanh tử-tử, trong đó ba đường ác đạo chưa chắc gì có thể thoát được đâu.

Hiểu được như vậy rồi, mình thấy lời khai thị của Ấn Tổ thực sự quý giá vô cùng. Phải mau mau trực tỉnh cơn mê muội. Phải mau mau thực hiện cho được những công đoạn rất đơn giản của Ngài chỉ dạy. Nghĩa là sao?… Nghiệp chướng có hiện ra mình không sợ.

  • Sợ nghiệp là vọng niệm đấy!
  • Sợ bệnh là vọng niệm đấy!

Ví dụ lo sợ sẽ bị ung thư là vọng niệm đấy. Chuyện chưa có, thì lo sợ làm chi? Nếu có rồi thì người biết niệm Phật hãy lợi dụng cái bệnh này để đi về Tây-Phương, cớ chi phải sợ? Ngài nói nếu người biết huân tu thì những chuyện trở ngại, khó khăn trong đời lại giúp tăng thượng duyên cho mình tu hành.

Tại sao?… Tại vì ta cố gắng tu hành như vậy mà nghiệp vẫn đổ ra, thì rõ ràng ta vẫn là phàm phu!… Nhưng nghiệp đổ ra như vậy đã hết chưa? Coi chừng còn thêm nữa đấy. Nghĩa là sao?… Đã phàm phu rồi mà coi chừng còn phàm phu hơn nữa đấy. Biết được vậy mới lo cố gắng tu hành hơn. Như vậy phải chăng nhờ nghịch duyên đã giúp cho mình tỉnh ngộ mà tu hành mạnh hơn, cố gắng niệm câu A-Di-Đà Phật đắc lực hơn. Nên nhớ, A-Di-Đà Phật không có phát thệ rằng, chúng sanh phải đoạn diệt cho hết sạch nghiệp chướng rồi Ngài mới cứu. Mà Ngài thề rằng, dẫu một chúng sanh tội chướng sâu nặng như ngũ nghịch thập ác, sẵn sàng bị đọa xuống địa ngục A-tỳ, nhưng khi nghe đến danh hiệu của Ngài mà phát tâm tin vui, quyết lòng đi về Tây-Phương, thì dẫu cho niệm được 10 niệm mà Ngài không đưa ta về Tây-Phương, Ngài thề không thành Phật. Xin chư vị hãy nghe thật rõ và nhớ thật kỹ lời thề này nhé.

Như vậy thì hàng phàm phu như chúng ta được vãng sanh về Tây-Phương không phải là thuộc dạng chứng đắc cao kỳ đâu nhé. Nhưng căn bản là cần chí thành, chí kính giữ tâm mình trong câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh thì nhất định được vãng sanh về Tây- Phương Cực-Lạc.

Nam-mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –