Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 09)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 09)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Thời  mạt-pháp đấu tranh kiên cố gây nên đại họa! Muốn chấm dứt nạn này, ta phải giữ cái tâm thực thà hiền lành, quyết không tham gia vào những chuyện đố kỵ, cạnh tranh, ganh tỵ với đời.

Lời khai thị của Ấn-Tổ đã hàm nghĩa khuyên chúng sanh trong thời mạt-pháp hãy lánh xa sự đấu tranh. Dù rằng trong đoạn khai thị ngắn ngủi này Ngài không hề nhắc đến danh từ đấu tranh, nhưng Ngài khuyên hãy: Nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được. Nhẫn nhục để tránh sân giận. Ngài khuyên chúng ta hãy nên tự kiểm lấy lỗi của mình, đừng nói lỗi người khác để tránh chuyện thị phi, tránh tạo ra nghiệp. Chư Tổ đều đưa ra một tiêu chuẩn để xác minh ai là người chơn chánh tu hành, ai là người không phải chơn chánh tu hành. Một điểm rất dễ dàng để nhận ra, đó là lời dạy của Tổ Thiền-Tông Huệ-Năng: Nhược chơn tu đạo nhơn, bất kiến thế gian quá. Nếu là người chơn chánh tu hành thì không bao giờ nhìn đến lỗi lầm của người khác. Có nghĩa là người khác làm lỗi sao lỗi kệ họ, mình hãy lo kiểm lấy lỗi lầm của mình là được. Trong kinh Phát-Khởi Bồ-Tát Chí-Nhạo, Phật cũng có dạy: Đản tự quán thân, bất cầu tha quá. (Chỉ quán xét chính mình, không moi tìm lỗi người). Rõ ràng Phật dạy như vậy, chư Tổ cũng dạy như vậy, thì ta cũng cố gắng làm như vậy để một đời này mình được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Với thân phàm phu của chúng ta, trong một đời này mà tự tu để chứng đắc, vượt qua cảnh sanh-sanh tử-tử, nhất định ta làm không được.  Ấy thế mà nhờ niệm câu “A-Di-Đà Phật”, chúng ta được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, mà vãng-sanh về TâyPhương Cực-Lạc, không những vượt qua “Tam Giới”, nghĩa là sáu đường sanh tử luân hồi,  mà vượt qua “Thập-Đạo-Giới”, trở về với “Nhất-Chơn Pháp-Giới”, thành đạo tại cõi Tây-Phương. Công đức này thật tuyệt vời!… Khi hiểu được điều này, mình mới thấy mừng vui không thể nói nên lời.

Muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mà ta cứ tạo thêm nghiệp chướng nhiều quá, tập khí thị-phi ganh-tị nổi lên nhiều quá, thì ta không được vãng-sanh đâu. Như vậy muốn vãng-sanh ta phải phá nghiệp, nhưng nghiệp chướng lớn quá ta phá không được. Muốn phá mà phá không nổi, thì làm sao đây?… Hôm qua chúng ta có nói rồi: Sám hối… Có nghĩa là khi mình lỡ làm ra một điều sai trái gì, hãy tập sám hối liền. Phật dạy: “Đản tự quán thân” là chỉ nên quán xét đến lỗi lầm của chính mình để sám hối, để tự sửa. Hay quá!… Ví dụ như 10 điều thiện ghi trên bảng đó, hàng ngày đọc lại, chúng ta thấy giựt mình. Tại sao vậy?… Tại vì hôm qua ta còn mắc phải, nhiều khi trước khi vào Niệm Phật Đường này ta vẫn còn mắc phải lỗi lầm. Nếu ta cứ tiếp tục phạm đến 10 điều thiện này, thì ta là người phạm tội “Thập-Ác” đấy!… Người luôn phạm tội thập ác, thì làm sao có thể vãng-sanh về Tây-

Phương Cực-Lạc được?…

Đã phạm thì phải chịu quả báo. Nhất định!… Ấy thế mà nhờ hàng ngày đọc lời Phật dạy làm cho ta giựt mình. Một lần giựt mình thì một lần sám hối. Một lần giựt mình thì một lần tự nhắc lấy mình: “Phải bỏ đi nhé”. Nhờ những dịp sám hối này, tập cho ta làm người hiền lành, ngày hôm nay hiền hơn ngày hôm qua một chút. Nên nhớ, dù có thường xuyên sám hối đi nữa, nhưng tập khí phiền não vẫn còn, tham sân si vẫn còn, mỗi lần tới Niệm Phật Đường đọc lại làm cho ta lại giựt mình thêm. Một lần giựt mình thêm là một lần tự mình hổ thẹn mà sám hối. Có dịp sám hối giúp ta phá lần tập khí. Cứ thường xuyên sám hối như vậy, tập khí sẽ nhẹ dần đi. Không ngờ, trong vòng 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 10 tháng… Chúng ta có thể phá tới tám, chín phần. Mỗi lần mở miệng ra, tự nhiên chúng ta có ý thức, quán xét thử, lời nói này có thích hợp hay không? Lời này có lợi lạc hay không? Nếu không lợi lạc, hãy tạm thời ngừng lại. “Vô ích ngữ ngôn hựu khai khẩu”. Những lời vô ích, ngừng lại đã, đừng nói nhiều. Hãy tự sám hối, hay lắm chư vị ơi!…

Một người tự lực tu chứng, làm được việc này, vẫn chưa đủ yếu tố để rời khỏi tam giới, để rời khỏi sáu đường sanh tử luân hồi này đâu. Nhưng một người niệm Phật làm được như vậy, chúng ta có thể được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Có nhiều người đọc tới ba lời Phật dạy:

Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người.

Khéo giữ thân nghiệp, không phạm oai nghi.

Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm.

Và 10 điều thiện: Thân có 3, khẩu có 4, ý có 3, thì ngại ngùng không muốn đọc, vì lo sợ rằng mình làm không được thì làm sao có thể vãng-sanh?… Thật ra làm không được, thì không được vãng-sanh. Nếu có cơ duyên đọc đến những điều này mà giựt mình sám hối thì còn có hy vọng, nếu không đọc đến thì làm sao còn cơ hội giật mình sám hối để vãng-sanh? Thành ra, nếu muốn được vãng-sanh thì nên đọc cho nhiều lần mới được. Trong TịnhTông Học-Hội, Hòa Thượng Tịnh-Không đưa ra tới ngũ khoa TịnhĐộ. Ngũ khoa là 5 mục, mà 10 điều thiện này chỉ là một trong mục đầu tiên, mục Tịnh nghiệp Tam-Phước mà thôi. Mục Tịnh-Nghiệp Tam-Phước có 11 điều:

  1. Hiếu dưỡng cha mẹ.
  2. Phụng sự sư trưởng.
  3. Từ tâm không sát sanh.
  4. Tu mười điều thiện.
  5. Thọ trì tam quy.
  6. Đầy đủ giới hạnh.
  7. Không phạm uy nghi.
  8. Phát tâm Bồ-đề.
  9. Tin sâu Nhân-Quả.
  10. Đọc tụng kinh Đại thừa.
  11. Khuyến tấn hành giả tu hành.

Thì 10 điều thiện này chỉ là 1 điều trong 11 điều của phần TamPhước thôi. Còn Lục-Hòa, còn Tam-Học, còn Lục-Độ, còn ThậpĐại-Nguyện-Vương nữa, chúng ta chưa kể tới. Ở đây chúng ta chỉ nêu 10 điều thiện mà thôi, để khuyến tấn cho chúng ta bắt đầu từ cái chỗ này mà khởi sự tu hành đó thôi. Vậy mà có người lo sợ không dám đọc, thì làm sao tu hành?…

Ngài  Ấn-Quang đại sư là một vị Đẳng-Giác Bồ-Tát thị hiện xuống thế gian này, lời khai thị của Ngài không nói chúng ta phải niệm Phật cho Nhất-Tâm-Bất-Loạn, lấy công đức Nhất-Tâm-BấtLoạn để vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta làm người hiền. Mười điều thiện là căn bản thấp nhất của người hiền, mà chúng ta không tu sửa thì làm sao được vãngsanh?…

Chư vị nghe lại cho kỹ lời khai thị gọi là “Qui Tắc Tu Học” của ngài. Qui tắc là những nguyên tắc căn bản, những điều mà người tu học phải làm, để vãng-sanh. Ngài hoàn toàn không nói NhấtTâm-Bất-Loạn. Ngài hoàn toàn không nói chứng đắc để vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Mà Ngài nói: Chư vị ơi!… Lúc nhàn đàm đừng nói lỗi người. Hãy tự xét lại lỗi lầm của mình mà lo sám hối. Lúc nào cũng nghĩ công phu của mình còn yếu kém và người khác là Bồ-Tát. Cứ như vậy mà niệm Phật tu hành đi, người nào cũng sẽ được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Khi nghe tới lời dạy này, mới thấy sự lạ lùng, sự phi thường trong lời khai thị của Ấn Tổ. Ít người có thể tưởng tượng ra được những điều gần gũi cụ thể này lại giúp cho mình vãng-sanh thành đạo.

Hầu hết những lời hướng dẫn tu học đều nói đến những vấn đề nghiệp sạch tình không, phải khai mở cho được Chơn-Tâm TựTánh mới thành tựu đạo quả. Còn ngài Ấn-Quang thì dạy: hãy ăn ở hiền lành, hãy giúp người, hãy làm những điều tốt cho người, hoàn thành những điều tốt cho người là đúng… Thấy chuyện gì khó khăn, hãy giành lấy mà làm đi… Muốn tiêu nghiệp chướng thì làm như vậy đó. Ngài nói đơn giản vô cùng, dạy chúng ta hãy làm như một người tốt trong xã hội, chứ không có gì xa lạ. Nếu tu hành được như vậy thì người nào cũng được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Lạ không? Chúng ta có thấy lạ thường trong những lời khai thị này không?

Xin thưa với chư vị, Phật nói chỗ nào tạo nghiệp thì phải lấy cái chỗ đó mà phá nghiệp. Nếu không lấy ngay chỗ đó mà phá thì tự mình đi tới cái chỗ gọi là diệt tận đấy!… “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”. Sanh cũng đó mà diệt cũng đó. Sanh-Sanh Diệt-Diệt. Sanh-Diệt Diệt-Sanh đều ở tại đây!… Từ nơi cửa miệng này tạo ra nghiệp, thì từ nơi cửa miệng này phải bỏ đi khẩu nghiệp, thì mình mới thành tựu. Từ nơi cửa miệng này tạo nghiệp, mà từ nơi khẩu nghiệp này mình tiếp tục buông lung, thì tự mình đi đến chỗ diệt tận, nghĩa là đi đến chỗ đọa lạc đấy. Từ cái chỗ thị phi, cạnh tranh, tốt xấu, sân giận gì đó… mà không từ cái chỗ này bỏ đi, thì mình đến thế gian này để tiếp tục chịu đại nạn. Tùng nghiệp thọ báo, bấy giờ tiếp tục theo nghiệp thọ nạn!… “Nhân sanh thù nghiệp”, mình đã theo nghiệp thọ báo, nhưng bây giờ từ ngay chỗ này mà ngừng lại, đừng nên tạo duyên cho nghiệp nổi ra nữa, thì mình thoát nạn. Muốn được vậy thì Ấn Tổ dạy:

  • Hãy nhẫn nhục những điều mà người khác khó nhẫn. 
  • Hãy lo nghĩ tới lỗi của mình, đừng nghĩ tới lỗi của người ta làm chi. – Cứ coi mình là phàm phu, coi người khác là Bồ-Tát.

Hãy làm những điều hết sức đơn giản này để giải nạn cho mình, cũng để tránh xa cái nạn gọi là “đấu tranh kiên cố” trong thời mạt pháp, một ách nạn đưa pháp Phật đến ngày diệt tận. Hiểu được lý đạo này rồi mới thấy lời khai thị của ngài Ấn-Quang thực sự có ý nghĩa thâm sâu, bất khả tư nghì!…

Tại sao Ngài không nhắc nhở chúng ta phải niệm Phật cho chứng đắc cảnh giới Nhất-Tâm-Bất-Loạn? Tại vì tất cả chúng ta không ai có khả năng làm được chuyện đó. Không ai có khả năng làm được chuyện đó, mà bắt phải làm thì bao giờ mới thấy được người vãng-sanh Tịnh-Độ? Như vậy làm sao cho chúng ta được thành đạo đây?… Chỉ cần ăn ở hiền lành, tập gói cái nghiệp lại, rồi niệm Phật cầu vãng-sanh Tịnh-Độ.

Muốn gói nghiệp lại thì đừng tạo nghiệp khác. Muốn khỏi tạo nghiệp khác thì ngày ngày cần nhắc nhở những điều lỗi dễ tạo của mình để tự răn đe. Ví dụ như người ưa nói lỗi của người khác, hãy tập nhắc lại câu: “Đừng nói lỗi người”:

  • Một lần nhắc lại là một lần giựt mình!
  • Một lần nhắc là một lần hổ thẹn!
  • Một lần nhắc là một lần hối hận!…

Nhờ chính tâm hối hận này giúp cho tâm hồn của mình hiền lại… thiện lại… lành lại… Người hiền lành sẽ sanh về cảnh giới thiện lành. Vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là sanh về cảnh giới đại thiện đại lành đó.

Đức Phật A-Di-Đà muốn cứu độ tất cả chúng sanh nên Ngài không bắt chúng sanh phải đạt được tới cảnh giới “Minh-Tâm KiếnTánh”, không bắt chúng ta phải đoạn diệt cho sạch hết phiền não mới được vãng-sanh, mà đại nguyện của Ngài nói rằng, chúng sanh hãy cố gắng tập ngừng lại đừng để tập khí nổi lên nữa. Muốn tập khí khỏi nổi lên, không có gì khác hơn là chính mình phải tự răn đe lấy mình. Vậy thì, mỗi lần ta đọc câu:

  • Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người.

Thì mình phải lo gìn giữ khẩu nghiệp cho thật khéo. Nếu lỡ nói lên, thì lo sám hối liền: “Bắt đầu từ ngày mai tôi không nói nữa.

Nếu ngày mai mà còn bị lỡ lời, thì vừa nói nửa câu, hãy mau ngừng lại liền: “Đừng nói nữa!… Ngừng lại!… Ngừng lại!…”.

Ví dụ cụ thể, như ngày mai là ngày tịnh khẩu của chúng ta. Đã tịnh khẩu thì xin chư vị đừng nói chuyện, để chúng ta gìn giữ cái khẩu nghiệp này nè! Rồi:

  • Khéo giữ thân nghiệp, không phạm oai nghi.
  • Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm.

Chúng ta cố gắng gìn giữ Thân-Khẩu-Ý thanh tịnh vài giờ cũng tốt rồi. Vài giờ thanh tịnh lần này là cái duyên khởi động cho những lần sau. Ví dụ kỳ này chúng ta chỉ có thể giữ thanh tịnh được một giờ thôi, nhưng kỳ sau chúng ta có thể giữ được tới một giờ rưỡi… Tu tập cách này ví như chúng ta tạo những nấc thang để leo lên… leo lên… Những nấc thang tiến đến ngày vãng-sanh về TâyPhương Cực-Lạc. Càng học theo lời khai thị của ngài Ấn-Quang càng thấy rõ ràng rằng chúng ta là những người có khả năng vãngsanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Hãy gói ghém những cái sơ suất của mình lại để vãng-sanh, gọi là Đới nghiệp vãng-sanh. Đới cái hư hại của chúng ta lại, rồi thành tâm niệm Phật. Nhờ quang minh của đức Phật A-Di-Đà gia trì, chư Bồ-Tát gia trì, tự nhiên mình sẽ thấy càng ngày càng tin tưởng hơn rằng mình sẽ được vãng-sanh, một đời thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –