Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm -Tọa Đàm 28

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 28)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trên thế gian này người không tin vào câu A-Di-Đà Phật nhiều lắm, người tin được câu A-Di-Đà Phật ít lắm, người tin được vào câu A-Di-Đà Phật mà phát tâm hành trì niệm Phật lại ít hơn, người phát tâm hành trì pháp niệm Phật mà niệm cho đúng cách lại càng ít hơn nữa. Chính vì vậy, một pháp môn mà chư Tổ nói vạn người tu vạn người đắc, muôn người tu muôn người được vãng sanh, vậy mà người tu hành khi chết đi vẫn bị chịu ách nạn quá nhiều, quá nhiều. Tất cả đều do niềm tin còn quá yếu.

Hàng ngày chúng ta nghe lời khai thị của Tổ Sư, bây giờ xin chư vị nghe lại, Diệu-Âm sẽ đọc từng đoạn của Tổ Ấn-Quang cho chúng ta cùng suy gẫm, chư vị từ từ nghe nhé

Một đoạn Ngài nói: “Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn mặc, từ sáng đến tối từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn. Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một niệm nào khác, nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay”.

Một đoạn thứ hai: “Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hốinếu đã tu trì thì phải tự hiểu công phu của mình còn nông cạn”…

Thôi đủ rồi, không cần đọc nữa. Hãy từ từ mà xét thì biết liền thôi. Ngài nói người mà quyết lòng muốn vãng-sanh về Tây Phương Cực-Lạc, phải cố gắng nhiếp tâm trong câu A-Di-Đà Phật, từ sáng đến tối từ tối đến sáng đừng để gián đoạn. Mình có làm được không? Những người bận bịu phải đi làm… À!… Lúc đi làm người ta đành phải ngưng trệ một chút, khi làm xong rồi thì cố gắng niệm Phật. Nhưng những người không còn làm việc nữa, đang rảnh rang hưởng cái phước báu lớn lao tại xứ Úc này, tức là không cần làm mà vẫn được ăn uống no đủ, ấy thế mà cũng không chịu niệm Phật, suốt ngày cứ la-cà khắp chốn, nói chuyện lung tung… Nay nghe lại lời Tổ, có giựt mình chưa?

Người đang nói chuyện nhất định không thể nào niệm Phật được. Người dành nhiều thời giờ để xem báo chí, nhất định không thể nào niệm Phật được. Người dành nhiều thời gian để coi phim tàu, say mê phim chưởng, nhất định không thể nào vãng-sanh Tây-

Phương Cực-Lạc được. Sơ suất nhiều quá, chư vị có thấy không?

Có người đang mang cả một thân bệnh hoạn, gọi là nghiệp chướng hiện hành. Nghiệp chướng này đang chực chờ từng giây phút để giựt đi mạng sống của mình lôi xuống tam ác đạo, thế mà không biết sợ. Chư Tổ nói ngoài việc niệm Phật đừng khởi một vọng niệm nào khác, thế mà mình vẫn cứ khởi lung tung. Nghe tới đây có ai thấy giựt mình chưa?

Đúng ra, nếu biết rằng cái mạng sống này đang đong đưa trong từng hơi thở, thì chúng ta phải nhiếp tâm lại mà lo niệm Phật từng giây từng phút. Chính Ấn Tổ cũng phải lo niệm Phật như vậy, chứ không phải Ngài dạy cho chúng ta niệm mà Ngài không niệm Phật đâu. Ngài dán một chữ “TỬ” thật to trên tường sau bàn thờ để hàng ngày nhìn đến mà tự nhắc nhở niệm Phật. Ngài khuyên chúng sanh hãy nghĩ rằng chữ “TỬ” đang bị dán ngay trên trán của mình để nhắc nhở rằng cái chết cận kề rồi, khi chết đi thì sẽ bị theo nghiệp mà đọa lạc. Nghiệp chướng của chúng ta trong thời mạt pháp này nặng lắm, nó ứng hiện ra từ bệnh này đến bệnh nọ, nó chuẩn bị đoạt đi cái thân mạng này. Đoạt cái thân mạng này thì ăn nhằm gì. Thân này có sanh thì có tử, đây là lẽ tự nhiên, cần chi phải sợ. Nhất định không cần sợ… Nhưng sợ nhất là sau khi thân này mãn rồi, cái thần thức của mình sẽ bị đọa lạc trong ba đường ác. Vô cùng sợ!… Nếu hiểu cho thấu đạo lý, thì ta sợ sự đọa lạc đến toát mồ hôi!…

Ấn Tổ vì lo sợ bị kẹt trong sanh tử luân hồi, nên Ngài nhiếp tâm niệm Phật từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng. Ngài nói khi vào trong nhà vệ sinh cũng phải niệm Phật, chứ không phải những nơi đó không được niệm. Ngài nói ở trong nhà vệ sinh là những chỗ không thanh tịnh, thì đừng niệm ra tiếng mà hãy cố gắng niệm thầm trong tâm. Nghĩa là Ngài tranh thủ từng phút giây để niệm

Phật đấy. Mình làm không được như Ngài, vậy mà còn dám tăng thượng mạn, ỷ lại nữa sao?…

Không những thế, đã niệm Phật từ sáng đến chiều từ chiều đến sáng rồi nhé, không khởi một vọng niệm nào khác rồi nhé, tức là mình làm đúng như lời Tổ nói rồi đó, nhưng vẫn chưa đủ đâu. Ngài còn dặn thêm, người đã quyết tu hành như vậy rồi, nhưng vẫn phải thấy rằng công phu của mình còn yếu kém. Chư vị hãy chầm chậm tiếp thu từng phần từng phần lời khai thị của Ngài, thì sẽ thấy thấm thía vô cùng, thấm tận xương tủy đấy. Mình làm được như Ngài không? Không được!… Vậy mà có người mới niệm được vài giờ một ngày đã vội cho mình là chứng đắc!… Đã sẵn sàng buông lời “Vọng-Ngữ”!… Đã yên chí dành nhiều thời giờ để nghĩ chuyện hoang đường!… Coi chừng bị lạc đường, bị ách nạn. Chư vị đã vô trách nhiệm quá đáng đối với huệ mạng của mình rồi đấy nhé. Sợ quá!…

Người mà đi đứng nằm ngồi luôn luôn niệm Phật không có gián đoạn, không khởi một vọng niệm nào khác, mà Ngài còn nói cũng phải tự nhận rằng là công phu của mình còn nông cạn, không được tự kiêu căng, không được khoa trương. Trong khi chúng ta xét thấy những điều Tổ dạy mình chưa làm được điều nào trọn vẹn, mà đã vội kiêu căng, không biết sợ… Phải chăng chính vì điểm sơ suất này mà người tu hành thời này chịu đọa lạc nhiều quá!… Đọa lạc nhiều quá!…

Chư vị ơi!… Cái thân xác này chứa đầy bệnh hoạn. Có những người đang bệnh, có những người sẽ bệnh. Có những căn bệnh ngấm ngầm từng phút từng giây tiêu diệt đi những tế bào trong người cho đến lúc mình ngã quỵ xuống. Hay nói rõ hơn, thân xác này đang chết từng phút từng giây mà mình không hay. Phật dạy: “Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế”. Sáng còn tối mất, khoảnh khắc chuyển qua đời khác rồi, thế mà không hay. Thật sự chúng ta ỷ y quá!… Lơ là quá!…

Cho nên, khi đến đây niệm Phật, hàng ngày nghe lời khai thị của Tổ Ấn-Quang, chúng ta hãy cố gắng nhiếp tâm lại ngồi cho thẳng lưng, gọi là “Trang-Nghiêm”. Rồi giữ cái tâm chí thành chí kính, gọi là “Thanh-Tịnh” để nghe, thì chúng ta sẽ thấy mình còn sơ suất quá nhiều, sơ suất quá nhiều!… Chư vị biết không, trong thời mạt pháp này, tìm được một người vượt qua sanh tử luân hồi khó khăn giống như chuyện mò kim dưới đáy biển vậy. Hãy tưởng tượng, có một cây kim bé xíu như thế này, có người bơi xuồng ra giữa biển khơi mà liệng xuống đó đi, rồi trở về báo cho người ta ra giữa biển tìm lại cây kim. Nếu tìm lại được cây kim, thì con người thời này có khả năng vượt qua sanh tử luân hồi. Có vị nào nghĩ rằng sẽ tìm ra không? Khó lắm khó lắm!… Ấy thế mà chư Tổ nói, người nào thành tâm niệm Phật quyết lòng nguyện vãng-sanh Tây-

Phương Cực-Lạc, thì 100 người tu 100 người vãng-sanh đấy. Ở Việt-Nam, chúng ta thấy có những người đi hộ-niệm, họ nhiệt tâm ngồi trước người bệnh, họ hướng dẫn người bệnh niệm Phật. Người bệnh chỉ cần tin tưởng làm theo, nhiếp tâm niệm Phật, thế rồi người bệnh ra đi với thân tướng tốt đẹp bất khả tư nghì, bất khả tư nghì. Từ trước giờ chúng ta chưa từng thấy qua chuyện này.

Hàng vạn kiếp qua rồi, có thể chính người bệnh đó cũng chưa bao giờ thực hiện được chuyện này. Đời này mạt pháp, thế mà chỉ nhờ niệm Phật cầu vãng sanh mà được như vậy đấy.

Đại nguyện của Đức A-Di-Đà phát thệ ra là nhằm cứu những người phàm phu tục tử như chúng ta, những người chuẩn bị theo nghiệp thọ báo, chịu cảnh đọa lạc nặng nề trong ba đường ác đạo. Giả như đời này mình tu hành thật là tốt, làm phước làm thiện thật là nhiều, thì nhiều lắm đời sau trở lại làm người để hưởng phước, hưởng phước thì không còn tu nữa, dễ tạo nghiệp, do vậy mà đời sau nữa sẽ chịu nghiệp báo nặng nề. Rõ ràng “Phú quý khởi miễn luân hồi”, người giàu sang phú quý đến đâu đi nữa thì cũng không thể thoát khỏi bàn tay của tử thần. Người phú quý chứng tỏ đời trước đã tu phước thiện khá lắm, nhưng tu phước thiện mà không biết đường giải thoát, thì đời đời kiếp kiếp không bao giờ qua khỏi cửa ải sanh tử luân hồi này đâu.

Vì thế, đừng nên nghĩ rằng lâu lâu tới Niệm Phật Đường niệm vài câu Phật hiệu, tới chùa lạy Phật vài ba lạy là đủ đâu nhé. Đừng nghĩ rằng làm vài việc thiện phước nào đó là đủ đâu nhé. Ngài Lương-Võ-Đế đem cả kho lẫm của quốc gia ra để hộ pháp cho Phật giáo, Ngài xây gần 500 ngôi tự-viện khắp nơi, Ngài cúng dường tứ sự cho hàng trăm ngàn chư Tăng-Ni tu học. Nhưng khi gặp Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, Tổ đã nói thẳng rằng không có một tí tẹo công đức nào cả. Chư vị nghĩ thử tại sao vậy? Đó là ngài LươngVõ-Đế tu phước thiện, chứ không phải tu công đức. Tu phước thiện, đời này Ngài là hoàng-đế thì đời sau Ngài có thể là hoàng-đế nữa. Hoàng-Đế sau có thể mạnh hơn hoàng-đế trong đời này. Với quyền lực đó, chỉ cần hét lên một tiếng thì rụng đầu biết bao nhiêu chúng sanh. Nhân nào Quả đó, đừng khinh thường quả báo ở đời thứ ba. Trong khi đó thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là đại công đức chứ không còn là phước báu hữu lậu nữa. Nhờ có công đức mới đưa chúng ta về Tây-Phương thành đạo. Hiểu được đạo lý như vậy mới biết trân quý cơ hội này nhé chư vị.

Hàng ngày chúng ta nghe được lời khai thị của Ấn Tổ, mình phải biết giựt mình mới là người giác ngộ.

  • Tại sao mình bệnh hoạn?
  • Nghiệp chướng!…
  • Người nghiệp chướng nặng khi chết rồi đi về đâu?
  • Tam đồ ác đạo!…

Nghiệp chướng ứng hiện ra bệnh hoạn. Bệnh hoạn mà bác sĩ đã chịu thua, chứng tỏ rằng sinh mạng này sắp sửa mãn hạn rồi mà không sớm lo toan, còn lơ là việc niệm Phật cầu vãng-sanh Tịnh-Độ thì đến giớ phút nào mới lo đây?…

Một người nếu thật sự biết niệm Phật, thì vãng-sanh sớm là hưởng được một đại thiện căn, một đại phước đức và đại nhânduyên cho họ. Đi sớm lúc còn khỏe dễ tỉnh táo, tại sao lại sợ chết? Tại sao lại lơ là? Chư vị nhớ cho, muốn vãng sanh cần phải tỉnh táo. Người ra đi trong lúc còn xuân xanh dễ được tỉnh táo. Người bị ung thư ra đi thường được tỉnh táo. Biết lợi dụng cơ hội ung thư này, xin thưa với chư vị, nhiều khi chư Tổ chưa chắc đã bằng mình. Tại vì Chư Tổ tu hành suốt cả một cuộc đời, như ngài ẤnQuang phải đóng cửa để công phu từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng. Ngài phải dán một chữ “TỬ” lên tường để ngày ngày nhìn đó mà niệm Phật, thì sau cùng Ngài mới được tỉnh táo mà ra đi. Trong khi chúng ta ít tu, vụng về làm những chuyện đại tai hại, gây nên nghiệp chướng báo đời như thế này, nhưng nhờ bác sĩ cho biết khoảng thời gian một tuần hai tuần chúng ta ra đi. Phải chăng chúng ta đang tỉnh táo mà biết trước thời gian xả bỏ báo thân. Như vậy đâu thua gì một vị Tổ!… Vậy thì tại sao không biết vận dụng sự tỉnh táo này mà niệm câu A-Di-Đà Phật để tiếp tục tỉnh táo ra đi?… Người quyết lòng niệm Phật cầu vãng-sanh Tịnh-Độ, sẽ được về Tây-Phương. Thế giới Tây-Phương Cực-Lạc là một thế giới bình đẳng, chúng ta tay trong tay với các Ngài Bồ-Tát một đời thành đạo. Chư vị ơi!… Chúng ta có đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên mà sao không chịu làm? Tại sao chúng sanh còn hững hờ với câu A-Di-Đà Phật? Thật oan uổng vô cùng!…

Trong mấy năm nay, trong các cuộc tọa đàm Diệu-Âm thường mơ ước rằng không phải đi đâu nữa. Diệu-Âm muốn đóng cửa để âm thầm niệm Phật trong cái Niệm Phật Đường nhỏ này. Điện thoại Diệu-Âm đã gác lên rồi, ít khi dùng tới điện thoại lắm. Bây giờ ra ngoài cũng muốn gác luôn để thêm thời gian niệm câu A-Di-Đà Phật. Nếu chư vị nghĩ rằng nghiệp chướng của chư vị nhẹ, thì chư vị cứ tu tà tà đi, còn Diệu-Âm kiểm lại thấy nghiệp chướng của mình nặng quá, nghiệp chướng nặng quá. Giết cá, bắn chim… sát, đạo, dâm, vọng, tửu… điều nào cũng đã từng phạm hết. Đã làm thì phải chịu nhé. Đã gây nhân thì phải chịu quả nhé. Không trước thì sau, nhất định khó thể trốn được.

Nhưng có một lối giúp chúng ta có thể thoát nạn, đó là đường niệm Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc. A-Di-Đà Phật cho phép chúng ta làm như vậy. Nghiệp chướng tràn trề trong vô lượng kiếp tới nay xin đừng sợ nữa, miễn là đừng khơi nó lên, đừng moi nó ra là được. Bắt đầu từ đây hãy niệm Phật đi, hãy tin tưởng đi, hãy tha thiết cầu vãng-sanh về Tây-Phương càng sớm càng tốt đi, và niệm danh hiệu của Ngài, thì bao nhiêu nghiệp chướng trùng trùng cứ để nó nằm im đó và ta đi về miền Cực-Lạc. Về Tây-Phương Cực-

Lạc thì ta thành đạo Vô-Thượng. Ta sẽ đi khắp mười phương pháp giới để trả nghiệp bằng hình tướng của một đại Bồ-Tát, một vị Như-Lai từ cõi Tây-Phương đi cứu độ chúng sanh… Viên mãn vô cùng. An vui thanh tịnh. Lợi lạc chúng sanh. Thế mà có người không chịu đi!… Niềm tin yếu quá!…

Đức Thế-Tôn nói đây là pháp môn: “Nan tín chi pháp!… Thị vi thậm nan!… Nan trung chi nan!…”. Đây là một pháp môn khó tin quá!… Khó tin vô cùng!… Thật khó trong khó!…

Thành ra nhiều người không tin vào pháp niệm Phật cũng không thể trách họ được! Nhưng đáng tiếc cho người có cơ duyên niệm Phật mà để niềm tin thoái chuyển, nên đành lỡ qua một chuyến đò giải thoát, đành chịu vô lượng kiếp nữa vẫn còn trong cảnh đọa lạc sanh tử luân hồi.

Cầu mong chư vị hãy mau mau tỉnh ngộ kịp thời, quyết lòng niệm Phật cầu về Tây-Phương.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –