Hành Theo Ấn Tổ – Cư Sĩ Diệu Âm (Tọa Đàm 29)

Share on facebook
Share on twitter

HÀNH THEO ẤN TỔ

(Tọa Đàm 29)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm nay nghe tin một người ở bên Mỹ chết. Năm ngoái đi qua bên đó Diệu-Âm có gặp vị này đang bệnh ung thư. Gia đình anh không có ai tu theo Phật, người vợ theo đạo Tin-Lành. Ở vùng đó có mấy người đồng tu muốn lập ban hộ niệm, nhưng cũng chưa đủ khả năng lắm. Nói chung chuyện niệm Phật vãng sanh còn rất yếu. Nhân chuyến qua thăm bên đó, mấy vị đồng tu muốn phát tâm hộ niệm giúp anh vãng sanh, nên mời Diệu-Âm tới khuyên vài câu. Khi Diệu-Âm tới đó nói chuyện, thì anh cũng có hứa sẽ niệm Phật, nhưng hình như hứa cho qua truông, chứ không phải thực tâm như vậy…

Cách đây mấy tuần thì bệnh của anh đã trở nặng, ban hộ niệm tới hướng dẫn niệm Phật, nhưng anh lại không tin. Ban hộ niệm điện thoại qua nhờ Diệu-Âm khuyên hộ. Qua điện thoại Diệu-Âm khuyên anh đó rằng trong giờ phút này anh phải tin vào Phật pháp, và phải lắng nghe những lời hướng dẫn của ban hộ niệm để vãng sanh. Đây là cái phước báu rất lớn của anh, không dễ gì gặp đươc. Điều quan trọng là anh phải tin tưởng. Nếu anh không tin thì không cách nào có thể giúp anh được. Thì anh đó nói đại ý như thế này:

  • Tin hay không là quyền của tôi, còn bây giờ anh muốn nói gì thì cứ nói đi.

Diệu Âm trả lời dứt khoát.

  • Nếu như vậy thì tôi đã hết duyên nói chuyện với anh rồi. Thôi tôi xin ngừng, tại vì nói nhiều tốn tiền vô ích.

Thế là Diệu-Âm không nói nữa. Trong mấy lần vừa rồi, bên đó ban hộ niệm cũng có điện thoại qua, nhưng Diệu-Âm biết rằng với tình trạng như vậy không còn cách nào cứu vãn được. Gia đình thì không có ai ủng hộ, người sắp chết thì không tin tưởng. Trường hợp này Phật cứu cũng không được huống chi là ban hộ niệm. Ngày hôm nay thì người đó đã chết rồi!…

Chư vị thấy không, mạng sống mong manh như chuông treo mành chỉ. Nhanh lắm, một sớm một chiều là xong. Người sắp chết mà không chịu tin Phật, lại còn bướng bỉnh nữa, thì ai có thể cứu họ được đây? A-Di-Đà Phật thề độ tận chúng sanh, bất cứ một người nào dù cho tội lỗi sâu nặng như thế nào đi nữa, nhưng chỉ cần kiệt thành sám hối, bắt đầu từ lúc nghe được danh hiệu của Ngài, phát tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, thì dẫu niệm được mười niệm Ngài cũng đưa về tới Tây-Phương để một đời thành đạo. Nhưng khổ nỗi là chúng sanh không chịu tin thì Phật cũng chịu thua. Không chịu tin chính là cái nạn nặng nhất của chúng sanh vậy.

Trong vấn đề ngộ đạo có hai phần, một là đốn ngộ, hai là tiệm ngộ. Đốn ngộ là dành cho những bậc căn tánh thượng thừa, những bậc đại Bồ-Tát tái lai. Ví dụ như Tổ thứ sáu Thiền-Tông Trung-Hoa là ngài Huệ-Năng, một người dốt chữ, không biết chữ “Nhất” có mấy gạch ngang. Tiếng Hoa chữ nhất có một ngang mà Ngài cũng không biết. Người dốt chữ đến nỗi như vậy đấy. Ấy thế mà chỉ cần thoáng nghe người ta đọc kinh Kim-Cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh chi tâm”, thì tự nhiên Ngài ngộ đạo liền. Ngộ cấp kỳ liền. Ngũ Tổ Hoàng-Mai truyền y bát cho một người không biết chữ nghĩa. Tổ Huệ-Năng là người đốn ngộ. Ngài Vĩnh-Gia tới Tào-Khê gặp Tổ Huệ-Năng đàm luận qua một đêm, sáng ra ngộ đạo. Ngài Vĩnh-Gia để lại câu này:

Mộng lý minh minh hữu lục thú. 

Giác hậu không không vô đại thiên.

(Tạm dịch:

Khi mê thấy có sáu đường.

Ngộ rồi mới thấy đất trời trống không).

Đây là những người đốn ngộ, ngộ đạo cấp kỳ. Chỉ có những vị Bồ-Tát thị hiện, bậc thượng căn thượng trí mới có thể đạt được cảnh giới này. Còn những gì mà đại sư Ấn-Quang trao truyền cho chúng ta đều là tiệm ngộ. Tiệm ngộ là sao? Là từng bước, từng bước tiến lên. Hàng phàm phu tục tử không cách nào có thể cấp kỳ ngộ đạo, không thể thoáng nghe một tiếng chuông đánh cái boong thì khai ngộ liền. Không có!… Người sanh tử phàm phu bắt buộc phải hạ thủ công phu, phải y giáo phụng hành, phải thực hành từng điểm, từng điểm cụ thể.

Vấn đề khế cơ rất quan trọng đối với căn tánh của chúng ta. Ấn Tổ nói: “Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm câu Phật hiệu không để gián đoạn”. Ngài căn dặn chúng ta phải tự biết mình là hàng căn tánh thấp kém, nghiệp chướng sâu nặng đấy…

Có nhiều người bệnh hoạn sắp chết, mạng sống mong manh trong từng hơi thở. Mình khuyên muốn bể cổ, nhưng họ không chịu giật mình tỉnh ngộ. Thôi chịu thua!… Mình nói đến đắng miệng mà họ không chịu nghe, họ không chịu ngộ một chút xíu nào hết. Thôi chịu thua!… Có người đại ngộ, họ thành Phật luôn. Mình đại ngộ không được thì ngộ một chút xíu thôi, hãy tập giựt mình mà tỉnh ngộ một chút đi để lo thành tâm niệm Phật. Với căn bệnh này mình chết không biết lúc nào. Với nghiệp chướng sâu nặng này nó lôi mình xuống tam ác đạo cấp kỳ…

  • Thế mà còn ngồi đây nói chuyện tầm phào!…
  • Thế mà còn để tâm kình với cãi!…
  • Thế mà còn mê hết ti-vi này đến phim chưởng khác!…

Tiệm ngộ là ngộ từng chút, từng chút. Vậy thì, khi nghe lời khai thị của Ấn Tổ mình có giưt mình chút nào không? Nếu biết sợ thì giựt mình đi chứ, thì ngộ ra một chút đi chứ. Phải chăng chính mình còn ỡm ờ nhiều quá. Thời giờ rảnh rỗi quá nhiều mà không chịu niệm Phật, lại dành thời gian đó để suy nghĩ lung tung, nói chuyện thị phi… Rõ ràng chưa ngộ, dù chỉ là tiệm ngộ. Sơ suất nhiều lắm, nhiều lắm!…

“Ngoài việc niệm Phật đừng dấy khởi một niệm nào khác, nếu vọng niệm nổi lên thì phải lập tức bỏ ngay”. Ngài nhắc lại lời này, vì Ngài sợ nói một lần người ta không giựt mình. Ngài nhắc đến còn có tạp niệm nào không? Đang niệm Phật mà còn nghĩ chuyện thế gian. Hãy ngay lập tức bỏ chuyện thế gian đi. Đang niệm Phật vừa thấy người khác vào thì ngừng niệm Phật để nói chuyện liền. Hãy ngay lập tức bỏ nói chuyện đi. Một người nói chuyện nhất định không thể nào niệm Phật, vậy thì hãy bỏ tập khí nói chuyện đi. Người thực tâm tu hành thì luôn giữ cái tâm mình trong câu A-Di-

Đà Phật, lo niệm Phật không đủ giờ, thì còn giờ nào nữa để nói chuyện. Chữ “TỬ” đã đụng tới chóp mũi rồi, còn thời gian nào nữa mà lưỡng lự!…

Cho nên, khi nghe lời Tổ nói, mình phải tập giựt mình liền đi chư vị ơi!… Ngài nói: “Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối”.

Sám hối những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho chúng sanh trong vô lượng kiếp. Nếu lỗi lầm trong vô lượng kiếp mình không biết, thì ngay trong đời này mình hãy kiểm lại coi có làm lỗi lầm gì không? Phải chăng vô cùng nhiều, vô cùng nhiều phải không? Vậy thì thành tâm sám hối đi. Niệm một câu A-Di-Đà Phật là đại pháp sám hối đấy chư vị. A-Di-Đà Phật là Vô-Thượng Y-Vương đấy, Ngài cứu luôn cả huệ mạng của mình, chứ kể chi những thứ bệnh trên túi thịt này. Chỉ vì tín tâm quá yếu nên không được cảm ứng. Phân vân, chao đảo, niệm Phật mà còn vay cái này mượn cái nọ. Đây chính là tâm trạng bất tịnh, nói theo Ấn Tổ là niệm Phật mà khởi quá nhiều vọng niệm. Người biết giác ngộ thì phải tức thời bỏ ngay thì mới có thể vãng-sanh Cực-Lạc…

Lời Tổ Sư dạy rõ ràng, hàng hậu học phải thành khẩn ứng dụng từng điểm từng điểm một cách chính xác mới được. Nếu mình không chịu tức thời bỏ ngay vọng niệm, không chịu từ bỏ cách tu tạp nhạp, thì làm sao hưởng được câu kết luận của lời khai thị: “Nhất định được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thế-Giới”.

Bồ-Tát Đại-Thế-Chí dạy: “Tịnh niệm tương kế, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”. Cứ một lòng thanh tịnh niệm câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, không cần nhờ một pháp nào khác, tự nhiên mình được thành đạo. Pháp môn niệm Phật chính do Bồ-Tát Đại-Thế-Chí trao truyền trong pháp giới này. Ta học theo pháp của Ngài mà không chịu y giáo tu hành theo đại Tổ Sư.

Khi xét ra từng điểm mới phát hiện ta bị vọng niệm quá nhiều.

Vì vọng niệm quá nhiều, nên nghiệp chướng nương theo đó mà hiện hành, nó trói chúng ta lại trong lục đạo luân hồi này. Những người niệm Phật mấy chục năm mà sau cùng mất vãng sanh, chính vì không chịu vâng lời Tổ Sư đấy.

Như vậy nay nghe lại lời khai thị của Ấn Tổ: “Nếu khởi vọng niệm thì tức thời bỏ ngay”. Hãy giựt mình một lần nữa liền đi. Mau mau bỏ vọng niệm liền, đừng nghĩ ngợi lung tung nữa. Đừng để đến quá trễ nhé…

“Thường có lòng hổ thẹn”. Đã sâu trong thời mạt-pháp 500 năm rồi, gặp được câu A-Di-Đà Phật là đúng pháp của đức Thế-Tôn trao truyền mà không chịu vững tin, mà bám lấy tu hành, vậy thì hãy hổ thẹn đi. Một người Phật tử mà không tin vào lời Phật dạy. Hổ thẹn liền đi!.

“Nếu đã tu trì phải tự hiểu công phu của mình hãy còn nông cạn”. Trời ơi!… Chư vị mà nghĩ thật kỹ, có phải cần nên giựt mình không? Người đã tu tập như vậy đó, từ sáng đến chiều niệm Phật như vậy đó, không còn khởi một tâm nào khác đó, mà Ngài cũng vẫn nói rằng công phu còn nông cạn lắm, còn yếu đuối lắm, không được kiêu căng khoe trương… Vậy thì nhất định không được tự cho mình chứng đắc này chứng đắc nọ nữa nhé. Phải kịp thời sám hối ngay nếu đã lỡ khởi cái vọng tưởng này. Xin chư vị phải nhớ kỹ điều này.

Diệu-Âm này đi nói về hộ niệm khắp nơi, tình cờ phát hiện ra chuyện lạ. Có ban hộ niệm ban đầu thì tốt lắm, nhưng khi hộ niệm được 5-10 người ra đi với thoại tướng tốt tốt, thì liền tự xưng mình là đại Bồ-Tát rồi, nào là Quán-Thế-Âm xuống khải thị này, khải thị nọ… Nếu chư vị không tức thời bỏ ngay vọng tưởng này, thì chướng nạn đến phải tự mình lo lấy. Tại vì sao? Tại vì Ấn Tổ đã dạy như vậy. Dù có công phu gì đi nữa, thì cũng phải hiểu rằng mình vẫn còn là phàm phu yếu kém, nghiệp chướng còn nặng. Tất cả những người có duyên, được mình hộ niệm vãng sanh, đều nhờ Tín-Nguyện-Hạnh của người đó cảm ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà, và nhờ chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ, chư Bồ-Tát gia trì mà họ được vãng sanh, chứ không phải nhờ năng lực của mình. Người hộ niệm chỉ trợ duyên mà thôi. Nếu mới vừa thấy một vài người được hộ niệm ra đi tốt đẹp, vội vã tự cho mình là Bồ-Tát thì thật quá cống cao ngã mạn!… Rõ ràng tâm hạnh của chư vị không còn chơn chánh nữa rồi.

Chính vì thế, khi nghe một lời của Tổ Sư nói ra, là một lời thấm vào trong tâm mình và một lần làm mình tỉnh ngộ. Phải mau mau giựt mình tỉnh ngộ để kịp thời vươn lên, ngày đêm lo niệm Phật. Nhất định không rời câu A-Di-Đà Phật nữa nghe chư vị.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/hanh-theo-an-to-toa-dam-29-4739.html#ixzz7QQCH4BOS

HÀNH THEO ẤN TỔ (2013)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –